Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh chi tiết từng giai đoạn

Ngày 14/05/2022
Kích thước chữ

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất và trí tuệ. Trẻ sơ sinh cần ngủ nhiều, ngủ sâu nhưng rất nhiều chị em không rõ con mình đã thực sự ngủ đủ giấc chưa. Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh dưới đây sẽ giúp các mẹ nắm được khoảng thời gian ngủ tiêu chuẩn của bé.

Ở giai đoạn đầu đời, giấc ngủ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển chiều cao, trí thông minh, chỉ số cảm xúc… của trẻ. Trẻ sơ sinh thường chỉ thức giấc khi đói hoặc có nhu cầu vệ sinh. Nguyên nhân khiến trẻ ngủ nhiều là do chưa quen với môi trường bên ngoài cũng như vẫn còn thói quen nhắm mắt như lúc ở trong bụng mẹ.

Giấc ngủ trẻ sơ sinh quan trọng thế nào?

Ngủ chính là khoảng thời gian các cơ quan bên trong của trẻ phát triển toàn diện. Đồng thời ngủ đủ giấc cũng mang lại rất nhiều lợi ích khác cho trẻ sơ sinh như:

  • Giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm đủ giấc, trẻ sẽ lớn nhanh, chiều cao phát triển tốt.
  • Giúp phát triển trí não.
  • Sự phát triển của thần kinh trung ương được đảm bảo.
  • Tăng cường hệ miễn dịch giúp bé mạnh khỏe hơn.
  • Giúp tinh thần bé sơ sinh thoải mái, thích vui đùa và năng động hơn, không cáu gắt khó chịu.

Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh chi tiết từng giai đoạn

Ngủ đủ giấc rất quan trọng với sự phát triển của trẻ sơ sinh

Ngoài thời gian ngủ là dài hay ngắn, chất lượng giấc ngủ của trẻ còn được đánh giá dựa trên việc trẻ ngủ có ngon giấc hay không. Trẻ ngủ đủ giấc sau khi thức dậy sẽ có đủ năng lượng để hoạt động, tương tác với môi trường xung quanh. Do đó, thời gian ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Tác hại gặp phải nếu trẻ sơ sinh ngủ không đủ giấc

Bản thân người lớn nếu không ngủ đủ giấc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và thể chất, vậy nên trẻ em cũng không ngoại lệ, đặc biệt là trẻ sơ sinh luôn cần ngủ nhiều để phát triển cơ thể:

  • Trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình, khó ngủ, ngủ không đủ giấc sẽ hay cáu kỉnh, thường xuyên quấy khóc.
  • Giảm chỉ số IQ, ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển não bộ của trẻ.
  • Nếu bỏ lỡ khoảng thời gian ngủ sâu vào 22h – 24h – 2h, bé có thể sẽ không cao như những trẻ khác. Vì đây là thời điểm hoocmon chiều cao phát triển tốt nhất, trẻ ngủ sâu được thời gian này sẽ phát triển chiều cao tối ưu.
  • Tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch, cũng như trầm cảm ở trẻ sau này.
  • Trẻ có giấc ngủ kém chất lượng khi còn nhỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong tương lai dưới dạng béo phì, tiểu đường và huyết áp cao.

Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh chi tiết từng giai đoạn

Ngủ không đủ giấc đối với trẻ sơ sinh làm gia tăng các bệnh đường hô hấp, trẻ dễ quấy khóc

Giờ ngủ của trẻ sơ sinh chuẩn khoa học theo từng giai đoạn

Ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, trẻ cũng sẽ có thời gian ngủ không giống nhau. Nếu chưa biết thời gian ngủ của trẻ sơ sinh hợp lý được tính như thế nào, các mẹ có thể tham khảo bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh ngay sau đây:

Giai đoạn 0 - 1 tháng tuổi

Trung bình các bé dưới 4 tuần tuổi dành phần lớn thời gian để ngủ. Trẻ sẽ ngủ khoảng 16 – 21 tiếng mỗi ngày và chỉ thức giấc trong vài giờ để ăn. Tuy nhiên, giấc ngủ của trẻ trong giai đoạn này khá ngắn, chỉ từ 2 – 4 tiếng.

Giai đoạn 1 - 3 tháng tuổi

Khi được 6 tuần tuổi, giấc ngủ của trẻ sơ sinh thường kéo dài hơn, từ 4 – 6 tiếng và có xu hướng diễn ra vào buổi tối. Trong giai đoạn này, mỗi ngày trẻ có thể ngủ 15 - 16 giờ. Dạ dày của trẻ còn nhỏ nên bé sẽ thức dậy thường xuyên để bú.

Giai đoạn 3 - 6 tháng tuổi

Tổng thời gian ngủ trong ngày của bé ở giai đoạn này thường từ 12-16 giờ. Đây là giai đoạn trẻ đã thích nghi với môi trường mới, tỉnh táo hơn và tương tác với bố mẹ thường xuyên hơn. Trẻ lúc này cũng ngủ ít hơn, ban đêm trẻ có thể ngủ 6 tiếng mà không cần thức dậy bú mẹ.

Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh chi tiết từng giai đoạn

Trẻ sơ sinh từ 3 - 6 tháng tuổi cần đủ 12 - 16 tiếng mỗi ngày

Giai đoạn 6 - 8 tháng tuổi

Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh ở giai đoạn 6 - 8 tháng tuổi đã có nhiều thay đổi. Bé sẽ ngủ tổng thời gian khoảng 14 tiếng mỗi ngày. Trẻ có thể bỏ một giấc ngủ ngắn hạn vào ban ngày. Buổi tối, trẻ cũng có thể ngủ liên tục 8 tiếng hoặc lâu hơn.Nếu trẻ sơ sinh ngủ nhiều không chịu dậy bú thì mẹ cũng không nên đánh thức trẻ mà hãy để bé ngủ xuyên đêm.

Ở giai đoạn này, người mẹ cũng bắt đầu quay trở lại với công việc nên trẻ dễ gặp khủng hoảng giấc ngủ. Bé sẽ phải làm quen với việc không có mẹ bên cạnh nên thường xuyên quấy khóc. Tuy nhiên, trẻ sẽ dần thích nghi với sự thay đổi này nên mẹ cũng không cần quá lo lắng.

Giai đoạn 8 - 12 tháng tuổi

Đây thời điểm bé bước dần ra khỏi giai đoạn trẻ sơ sinh. Trẻ sẽ dần hình thành thói quen tự ngủ mà không cần mẹ hay người lớn hỗ trợ. Ở độ tuổi này, trẻ có thể ngủ 9 - 12 tiếng vào ban đêm và 3 - 4 tiếng vào ban ngày.

Cần lưu ý giai đoạn này trẻ bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, bắt đầu mọc răng, tập đứng hay tập nói. Bé thường khó đi vào giấc ngủ hoặc bất chợt tỉnh giấc sau một giấc ngủ ngắn. Do đó, mẹ hãy duy trì thói quen cũ để trẻ nhanh chóng quay lại nếp sinh hoạt như thường.

Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh chi tiết từng giai đoạn

Nên chủ bị cho trẻ sơ sinh một không gian ngủ lý tưởng

Lưu ý giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc

Một số điều nhỏ sau sẽ giúp bố mẹ hỗ trợ giấc ngủ của con được ngon hơn:

  • Không gian ngủ của bé cần thoáng đãng, mát mẻ, yên tĩnh và có ánh sáng dịu.
  • Trang bị cho bé nôi ngủ hoặc giường nệm êm, sạch sẽ.
  • Trong phòng bé không nên đặt để các thiết bị điện tử.
  • Không để quá nhiều gối, thú bông trên giường bé vì chúng có thể khiến bé ngạt thở. Mặt  khác, chúng cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn, không tốt cho sức khỏe của bé.
  • Hãy dỗ bé ngủ khi thấy bé có dấu hiệu như lim dim, chớp mắt liên tục, ngáp…
  • Thiết lập thói quen tự ngủ, ngủ đúng giờ cho trẻ. Xây dựng các tín hiệu giấc ngủ như thay đồ, hát ru, hôn trẻ…
  • Dạy bé phân biệt ngày và đêm để hình thành thói quen ngủ ít lại vào ban ngày và ngủ ngon và sâu giấc hơn vào ban đêm.

Ngoài vấn đề dinh dưỡng, giấc ngủ của trẻ cũng là một vấn đề rất quan trọng cần lưu tâm. Với bảng theo dõi giấc ngủ của bé, hãy điều chỉnh giấc ngủ cho con sao cho bé được ngủ đầy đủ, khoa học và hợp lý nhất nhé. Đồng thời, bố mẹ nên chú ý theo dõi thời gian ngủ của trẻ sơ sinh, cũng như các lứa tuổi khác để sớm phát hiện vấn đề và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin