Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh lý còn ống phúc tinh mạc ở trẻ em

Ngày 20/09/2022
Kích thước chữ

Bệnh lý còn ống phúc tinh mạc rất thường gặp ở trẻ em mà bệnh bệnh cảnh lâm sàng thường được biểu hiện qua hai hình thái. Hình thái cấp tính thì đòi hỏi phải can thiệp bằng phẫu thuật và hình thái mạn tính thường được phát hiện thông qua thăm khám tổng quát.

Sự tồn tại của ống phúc tinh mạc ngoài giai đoạn sinh lý gây nên bệnh lý phổ biến nhất trong ngoại nhi. Trên lâm sàng thường gặp các trường hợp bệnh lý thoát vị bẹn, tràn dịch màng tinh, nang thừng tinh. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các trường hợp bệnh lý này ở bài viết dưới đây nhé!

Ống phúc tinh mạc là gì?

Ống phúc tinh mạc được tạo thành nhờ sự kéo dài của túi thừa phúc mạc ngang qua ống bẹn và đi ra ở lỗ bẹn ngoài. Ở bé trai, ống phúc tinh mạc kéo dài tới bìu dái và tinh hoàn. Ở bé gái, ống tận cùng ở môi lớn và hình thành ống Nuck.

Giữa nam và nữ có sự khác biệt giữa các thành phần dính ở mặt sau của ống phúc tinh mạc. Ở nam bao gồm ống dẫn tinh và bó mạch máu thừng tinh, còn ở nữ là dây chằng tròn.

Bệnh lý còn ống phúc tinh mạc là gì?

Bình thường, ống phúc tinh mạc sẽ tự bít lại ở cuối thời kỳ bào thai nhưng riêng phần dưới ở bé trai sẽ tạo thành tinh mạc. Nếu vì lý do nào đó, ống phúc tinh mạc không tự bít lại được thì sẽ tạo ra loại bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em và được biểu hiện như sau:

  • Ống phúc tinh mạc bị rộng, do đó các tạng và ruột có thể bị di chuyển xuống vùng bẹn - bìu, từ đó gây ra tình trạng thoát vị bẹn bẩm sinh.
  • Ống phúc tinh mạc bị teo lại và xơ hóa từng đoạn dẫn tới tình trạng gây ứ đọng dịch theo chiều dọc của thừng tinh, từ đó tạo ra các nang thừng tinh.
  • Ống phúc tinh mạc bị teo lại nhưng không hoàn toàn sẽ làm cho dịch ở bụng chảy xuống bìu và gây ra tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn hay còn gọi là dái nước.
  • Ở bé gái, ống phúc tinh mạc có thể gây thoát vị ống Nuck.
Bệnh lý còn ống phúc tinh mạc ở trẻ em 1 Bệnh lý còn ống phúc tinh mạc ở trẻ nhỏ

Các dạng ống phúc tinh mạc bẩm sinh

Thoát vị bẹn ở bé trai

Thoát vị bẹn có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên và xuất hiện dưới dạng khối u mềm trên bẹn. Khối u có thể thay đổi kích thước: Sẽ thu nhỏ khi trẻ nằm và phình to khi trẻ chạy nhảy hay khóc. Thoát vị bẹn bẩm sinh ở trẻ cũng có thể dẫn tới biến chứng nghẹt. Thoát vị bẹn nghẹt là khối thoát vị chắc, khiến trẻ quấy khóc và đau. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra tình trạng tắc ruột.

  • Trường hợp thoát vị bẹn không bị nghẹt: Người nhà cần đưa trẻ đi thăm khám để được tư vấn và có kế hoạch phẫu thuật sớm nhất để tránh các biến chứng nghẹt về sau. Trong trường hợp này, Bác sĩ có thể phẫu thuật khâu bít cổ ống phúc tinh mạc cạnh lỗ bẹn sâu. Sau đó sẽ kiểm tra ống phúc tinh mạc bên còn lại nhằm tránh bỏ sót tổn thương.
  • Trường hợp thoát vị bẹn bị nghẹt: Đối với trường hợp này sẽ được bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu nhằm giải phóng tạng thoát vị và khâu cổ túi thoát vị. Trường hợp này cũng sẽ không bóc túi thoát vị vì có thể bị rách

Thoát vị bẹn ở bé gái

Thoát vị bẹn ở bé gái (còn gọi là thoát vị ống Nuck) thường xuất hiện với tần suất thấp hơn so với các bé trai nhưng đây cũng là vấn đề cần được quan tâm vì đó là thoát vị buồng trứng kết hợp, là trường hợp cực kỳ hiếm gặp.

Trong trường hợp thoát vị ống Nuck, khi đẩy ruột lên có thể sờ thấy buồng trứng ngay dưới một khối nhỏ di động ở dưới tay và không đẩy lên được. Trong trường hợp này sẽ được chỉ định phẫu thuật sớm vì:

  • Buồng trứng đã xuống sẽ ít khả năng tự lên được, dễ phù nề và thiếu máu do buồng trứng bị kéo dài và căng dẫn tới buồng trứng bị biến dạng và to ra.
  • Loa vòi buồng trứng thường xuống và dính vào phúc mạc của túi.
  • Cổ túi có thể được thắt chung với dây chằng tròn và khâu kín hoàn toàn lỗ bẹn nên tỷ lệ tái phát bệnh gần như không xảy ra.

Nang thừng tinh

Nang thừng tinh là một khối tròn hay bầu dục, có thể thay đổi kích thước (1 - 5cm), nằm trên đường đi của thừng tinh. Sờ sẽ thấy một khối riêng biệt ở bẹn hoặc trên tinh hoàn nhưng không đau, trơn láng và nắn không nhỏ lại. Rất thường gặp trường hợp bệnh có sự kết hợp giữa u nang thừng tinh và thoát vị bẹn. Trong trường hợp này sẽ được chỉ định phẫu thuật bóc bỏ u nang và quá trình diễn ra thường đơn giản.

Bệnh lý còn ống phúc tinh mạc ở trẻ em 3 Mổ nang thừng tinh ở trẻ

Tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh

Tràn dịch màng tinh hoàn có thể xuất hiện ngay sau khi sinh hoặc sau đó một khoảng thời gian. Dấu hiệu nhận biết bệnh là bìu dái căng nhưng không đau, không sờ được tinh hoàn. Khi soi ánh sáng xuyên thấu có thể thấy được sự thay đổi thể tích bìu tại các thời điểm khác nhau trong ngày, to lên khi chạy nhảy, đi lại và thu nhỏ khi trẻ nằm. Bệnh có thể mất trong những tháng đầu sau sinh.

Trẻ sau 2 tuổi sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật để hút sạch dịch, thắt lỗ thông của ống phúc tinh mạc hoặc có thể mở cửa sổ màng tinh hoàn.

Những lưu ý khi trẻ còn ống phúc tinh mạc

Phụ huynh cần chú ý các biểu hiện bất thường sau của các bạn nhỏ:

  • Xuất hiện khối u to hay nhỏ bất thường nằm dọc vùng bẹn hay bìu.
  • Không thể sờ được tinh hoàn ở bìu hoặc sờ thấy tinh hoàn lúc có lúc không ở bìu.

Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường đó, có thể trẻ đã mắc bệnh lý còn ống phúc tinh mạc. Các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc liên hệ với các bác sĩ để được tư vấn, thăm khám và xử trí kịp thời.

Bệnh lý còn ống phúc tinh mạc ở trẻ em 4 Phụ huynh cần chú ý tới các dấu hiệu bất thường của trẻ

Bài viết trên đây đã cung cấp một số thông tin cơ bản về bệnh lý còn ống phúc tinh mạc. Nhà thuốc Long Châu mong người đọc có thể tham khảo và hiểu hơn về bệnh lý này. Xin kính chúc mọi người có thật nhiều sức khỏe và bình an!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin