Hôi chân là tình trạng phổ biến, có thể gây ảnh hưởng đến sự tự tin và tâm lý trong cuộc sống của người bệnh. Phèn chua được sử dụng rộng rãi trong dân gian để trị hôi chân, nhờ vào đặc tính kháng khuẩn tự nhiên. Ngoài ra, nguyên liệu này còn cung cấp dưỡng chất giúp da chân khỏe mạnh hơn.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn đọc những cách trị hôi chân đơn giản, dễ thực hiện tại nhà chỉ với phèn chua. Mời bạn đọc đón xem!
Nguyên nhân gây ra hôi chân
Với nhiều tuyến tiết mồ hôi hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể, bàn chân là nơi dễ bị đổ mồ hôi suốt cả ngày, giúp điều nhiệt cho cơ thể và da có độ ẩm nhất định, không bị khô.
Mỗi người sẽ có cơ chế tiết mồ hôi chân khác nhau, ví dụ như các bạn gái ở tuổi dậy thì và phụ nữ mang thai thường đổ mồ hôi chân nhiều hơn bình thường do sản xuất nhiều hormone hơn. Ngoài ra, những người phải đi đứng nhiều, thường xuyên bị căng thẳng và áp lực cũng có xu hướng tiết nhiều mồ hôi chân hơn những người khác.
Bàn chân cũng là nơi có nhiều loại vi khuẩn có lợi sống giúp chân bay bớt mùi. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn kết hợp với mồ hôi chân sẽ dễ gây ra mùi hôi khó chịu. Tình trạng này sẽ trở nên nặng nếu một người không thường xuyên chà rửa chân và giữ giày dép khô ráo.
Ngoài ra, mùi hôi chân cũng có thể là triệu chứng của bệnh nấm móng chân và tình trạng tăng tiết mồ hôi:
Tuyến mồ hôi hoạt động mạnh
Mùi hôi chân thường xuất hiện do tình trạng tăng tiết mồ hôi, đặc biệt là ở những người đang trải qua thay đổi hormone như tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai…
Nếu bạn không thể kiểm soát được sự đổ mồ hôi, có nhiều phương pháp y tế mà bạn có thể thử như:
Điện chuyển ion (Iontophoresis): Đây là phương pháp dùng điện trường để khóa các tuyến tiết mồ hôi và kiểm soát quá trình tiết mồ hôi ở chân.
Tiêm botox vào chân: Botox có thể chặn tín hiệu từ não đến các tuyến tiết mồ hôi, giảm lượng mồ hôi tiết ra.
Nhiễm nấm chân
Khi chân bị nhiễm nấm, các loại nấm khác nhau sẽ dẫn đến các triệu chứng khác nhau, bao gồm:
Khu vực bị nhiễm nấm xuất hiện mảng đỏ hoặc rỉ máu.
Da nhiễm nấm xuất hiện các mảng da bong tróc và có thể mềm hơn vùng da khác.
Da trên chân trở nên khô và bong tróc hoặc nứt nẻ.
Da bị nhiễm nấm sẽ tróc ra thành từng mảng, lộ vùng da non ở dưới.
Cảm thấy ngứa ngáy, châm chích thậm chí có thể bỏng rát ở nơi da bị nhiễm nấm.
Để chẩn đoán và điều trị chân bị nhiễm nấm, bác sĩ sẽ lấy mẫu da bệnh của bệnh nhân, xem xét chúng dưới kính hiển vi để xác định loại nấm gây bệnh, đồng thời đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Tác dụng của phèn chua trị hôi chân
Phèn chua là một loại muối sunfat kép gồm kali và nhôm, có tính hàm và không độc. Theo Đông y, phèn chua được quy vào kinh Tỳ và có khả năng sát trùng, kháng khuẩn, giảm ngứa, tiêu độc, trừ táo thấp, được sử dụng để chữa trị các bệnh lý da liễu như chốc lở, viêm da, nước ăn chân, lang ben...
Ngoài ra, phèn chua cũng có khả năng kháng khuẩn tự nhiên, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ra mùi hôi chân bằng cách ngăn chặn sự phát triển và tích tụ của các vi khuẩn trên da.
Một số cách trị hôi chân bằng phèn chua
Sử dụng phèn chua nguyên chất
Chuẩn bị: Dùng khoảng 2 muỗng cà phê bột phèn chua.
Cách thực hiện:
Vệ sinh chân sạch sẽ và để chân khô ráo, lấy bột phèn chua xoa đều lên lòng bàn chân và để khoảng 10 phút.
Sau đó rửa sạch lại bằng nước. Áp dụng mỗi ngày một lần.
Sau khoảng 3 - 4 ngày, mùi hôi chân sẽ được loại bỏ. Tuy nhiên, bạn nên tiếp tục thực hiện thêm một thời gian nữa để giữ được hiệu quả lâu dài.
Kết hợp giấm và phèn chua
Chuẩn bị: Sử dụng 3 muỗng cà phê phèn chua, 1 muỗng cà phê giấm ăn, khoảng 2 lít nước và 1 cái chậu nhỏ để ngâm hai chân
Cách thực hiện:
Đổ nước vào chậu rồi cho phèn chua và giấm vào.
Dùng tay khuấy đều để phèn chua tan hoàn toàn.
Rửa sạch chân và ngâm chân vào chậu nước trước khi đi ngủ trong khoảng 20 phút.
Lặp lại 2 - 3 lần trong tuần để có hiệu quả tốt nhất.
Phương pháp này sử dụng giấm và phèn chua kết hợp với nước sạch để làm sạch và khử mùi hôi chân hiệu quả. Bên cạnh đó, giấm còn giúp làm trắng và nuôi dưỡng da chân, giúp chân trở nên mềm mại hơn. Việc thực hiện ngâm chân 2 - 3 lần trong tuần sẽ giúp loại bỏ mùi hôi chân khó chịu.
Trị hôi chân khi mang giày cả ngày với phèn chua
Khi mang giày và tất trong suốt cả ngày, chân của bạn sẽ tiết ra nhiều mồ hôi, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển mạnh và gây ra mùi hôi chân. Sử dụng phèn chua có thể là giải pháp hữu hiệu cho tình trạng này.
Chuẩn bị: Một ít bột phèn chua
Cách thực hiện:
Lấy một lượng phèn chua rắc một lớp mỏng lên đáy giày trước khi mang giày như bình thường.
Áp dụng mỗi ngày một lần để ngăn ngừa mùi hôi và giữ cho da chân luôn khô ráo và sạch sẽ.
Kết hợp phèn chua với lá lốt
Mùi hôi chân là vấn đề khó chịu và gây mất tự tin cho nhiều người. Tuy nhiên, sử dụng các phương pháp tự nhiên như sử dụng phèn chua và lá lốt có thể giúp giải quyết tình trạng này.
Để áp dụng phương pháp này, bạn cần chuẩn bị một nắm to lá lốt và 3 thìa phèn chua. Sau đó, bạn làm như sau:
Rửa sạch lá lốt, chặt khúc ngắn.
Cho phèn chua cùng với lá lốt vào nồi và thêm 2 lít nước đun sôi trong khoảng 10 phút.
Chờ cho nước nguội đến mức còn 50 - 60 độ thì đổ ra chậu để ngâm và rửa chân.
Áp dụng cách này một lần mỗi ngày để giảm thiểu mùi hôi chân và giữ cho chân luôn khô ráo, thoải mái.
Tinh dầu trong lá lốt sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn và nấm gây mùi hôi ở chân, đồng thời giúp chân bạn trở nên thơm tho, dễ chịu hơn.
Kết hợp phèn chua và ngải cứu
Chuẩn bị: 20g bột phèn chua cùng 20g ngải cứu khô, một ít muối ăn
Cách thực hiện:
Rửa sạch ngải cứu và ngâm nước muối, sau đó giã nhỏ.
Trộn đều ngải cứu với phèn chua và muối biển.
Xào hỗn hợp trên chảo nóng.
Sau khi hỗn hợp đã nguội, bọc vào một miếng vải sạch và quấn vào chân trong khoảng 10 phút.
Nên áp dụng phương pháp trên ít nhất 1 lần mỗi ngày liên tục trong vòng 1 tháng để đánh bay mùi hôi khó chịu.
Với các đặc tính kháng khuẩn và kháng viêm của ngải cứu, kết hợp với tính năng khử mùi của phèn chua, cách trị hôi chân này sẽ giúp cho da chân bạn khô ráo, sạch sẽ, mùi hôi chân sẽ giảm thiểu rõ rệt sau thời gian sử dụng.
Trên đây là một số cách để trị hôi chân bằng phèn chua, hy vọng các bạn có thể áp dụng để trị đánh bay mùi hôi khó chịu một cách triệt để và an toàn.
Ngọc Trang
Nguồn tham khảo: thuocdantoc.org, hellobacsi.com
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.