Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bong gân ngón út làm thế nào để nhanh khỏi?

Ngày 24/03/2022
Kích thước chữ

Bong gân ngón út là loại chấn thương thường gặp, gây ra nhiều khó khăn và bất tiện cho người bệnh trong quá trình sinh hoạt và vận động. Vậy bong gân ngón út làm thế nào để nhanh khỏi?

Một trong những loại chấn thương ngón tay phổ biến đó là bong gân ngón út. Tình trạng này diễn ra khi các dây chằng xung quanh ngón tay bị rách hoặc kéo căng quá mức. Đối với mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự xử lý ngay tại nhà kết hợp nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng thì hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Dấu hiệu nhận biết bong gân ngón út

Bong gân ngón út là dạng tổn thương khớp ở ngón tay út, khiến người bệnh cảm thấy đau nhức và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Dựa vào từng mức độ tổn thương mà các triệu chứng cũng sẽ khác nhau. Dưới đây chính là 3 cấp độ bong gân ngón tay út phổ biến:

  • Bong gân cấp độ 1: Đây là tình trạng tổn thương nhẹ nhất, xảy ra khi dây chằng bị giãn, kéo căng nhưng không rách hay đứt. Các dấu hiệu nhận biết bong gân cấp độ 1 bao gồm: đau âm ỉ, sưng nhẹ xung quanh khớp ngón út.
  • Bong gân cấp độ 2: Bong gân cấp độ 2 xảy ra khi dây chằng hoặc một phần mô xung quanh ngón út bị tổn thương. Dấu hiệu nhận biết tình trạng này đó là: sưng tấy, đau dữ dội ở ngón út và có thể lan ra các ngón lân cận, khớp có sự bất ổn định.
  • Bong gân cấp độ 3: Đây được xem là mức độ bong gân ngón út nguy hiểm n
  • hất. Lúc này, dây chằng đã bị rách, đứt một phần hoặc toàn bộ. Người bệnh có thể nhận biết thông qua một số triệu chứng như: ngón tay út sưng to, đau đớn dữ dội không có thuyên giảm, trật khớp ngón tay út, vùng da xung quanh ngón út đổi sang màu tím đen. 

Bong gân ngón út thường gặp nhiều ở những đối tượng thường xuyên làm việc nặng nhọc và chơi các môn thể thao như bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ. Do đó nếu như nhận thấy tình trạng đau nhức bất thường ở ngón út thì người bệnh không nên chủ quan mà hãy tìm hướng xử lý kịp thời, tránh xảy ra rủi ro không đáng có. 

Bong gân ngón út làm thế nào để nhanh khỏi 1 Bong gân ngón út thường gặp nhiều ở những đối tượng thường xuyên làm việc nặng nhọc

Bong gân ngón út làm thế nào để nhanh khỏi?

Đối với những trường hợp bong gân ngón út nếu không quá nghiêm trọng thì người bệnh có thể được điều trị tại nhà. Dưới đây chính là một số biện pháp chữa trị bong gân ngón tay út tại nhà phổ biến, bao gồm:

Rest - Nghỉ ngơi: Người bệnh nên hạn chế tối đa sử dụng đến bàn tay bị tổn thương, đặc biệt là ngón út trong khoảng 48 giờ kể từ khi chấn thương. Dù bị bong gân ở bất kỳ vị trí nào thì việc nghỉ ngơi là điều cần thiết, tránh tình trạng tổn thương ngày càng nặng hơn.

Ice - Chườm lạnh: Sử dụng túi chườm lạnh hoặc đá bọc trong khăn vải để giúp giảm sưng, phù nề và hạn chế chảy máu sau khi chấn thương là phương pháp được nhiều người áp dụng. Lưu ý, người bệnh không nên sử dụng túi chườm nóng vì sẽ làm giãn tĩnh mạch khiếp khớp sưng to hơn và tình trạng bong gân nghiêm trọng hơn.

Compression - Nén: Người bị bong gân có thể dùng nẹp hay băng quấn để cố định ngón tay út giúp giảm viêm đồng thời thúc đẩy quá trình hồi phục. Lưu ý không nên băng ngón tay út quá chặt sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu.

Elevation - Nâng cao: Theo nghiên cứu, người bệnh có thể giữ cho tay cao hơn tim để ngón tay út bị thương có thể phục hồi nhanh chóng.

Dùng thuốc: Bên cạnh những cách trên, người bị bong gân ngón út có thể xịt ethyl clorua giúp làm lạnh, giảm đau nhanh chóng. Đồng thời kết hợp sử dụng một số loại thuốc giảm đau dành cho người bị bong gân để ngăn ngừa các cơn đau xảy ra.

Mặc dù bong gân ngón tay út là tình trạng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu như ngón út có tình trạng biến dạng (cong, vẹo) thì người bệnh không nên tự chỉnh mà hãy đến gặp bác sĩ để tiến hành kiểm tra, chẩn đoán cụ thể. Đối với các trường hợp nặng, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng 2 phương pháp, đó là: phẫu thuật và không phẫu thuật (nẹp, dùng băng quấn). 

Bong gân ngón út làm thế nào để nhanh khỏi 2 Nếu ngón út có tình trạng biến dạng thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được xử lý

Phòng tránh bong gân bằng cách nào?

Tình trạng bong gân ngón út có thể xảy ra ở độ tuổi nào và đối tượng nào. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phòng tránh nguy cơ chấn thương bằng một số cách sau:

Đối với người chơi thể thao: Khởi động bằng những động tác nhẹ nhàng trước khi bắt đầu hoạt động thể thao, co giãn từ từ trước khi vận động và dành thời gian cho khối cơ và xương khớp được làm nóng.

Tập thể dục đều đặn: Luyện tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp cho cơ bắp của bạn trở nên linh hoạt và mềm mại, từ đó sức khỏe và hệ xương khớp cũng được tăng cường theo thời gian. 

Nghỉ giải lao phù hợp: Bên cạnh việc tập thể thao, bạn hãy để cơ thể của mình có thời gian nghỉ ngơi. Đây là khoảng thời gian giúp các khối cơ và khớp của bạn được hồi phục sau khi vận động quá nhiều, tránh căng cơ kéo dài.

Bong gân ngón út làm thế nào để nhanh khỏi 3 Nghỉ giải lao giúp các khối cơ và khớp được hồi phục sau khi vận động quá nhiều

Sử dụng thiết bị và dụng cụ thể thao phù hợp: Đây là yếu tố quan trọng giúp bạn tránh được những chấn thương không đáng có. Bạn nên đầu tư một đôi giày vừa chân, quần áo phù hợp. Bởi việc sử dụng một đôi giày rộng/chật sẽ ảnh hưởng đến quá trình đi lại, giữ thăng bằng từ đó tăng nguy cơ chấn thương.

Lưu ý khác: Đối với người lao động, bạn nên tuân thủ an toàn lao động bằng cách trang bị đầy đủ thiết bị hỗ trợ, đặc biệt là những người làm việc trên cao. Đối với người chơi thể thao, cần lưu ý đến địa hình, thời tiết, tránh vận động ở đường trơn trượt hay gồ ghề vì sẽ tăng nguy cơ bị té ngã.

Trên đây chính là những giải đáp về thắc mắc bong gân ngón út làm thế nào để nhanh khỏi. Hy vọng những chia sẻ ở trên có thể giúp bạn nhận biết được những triệu chứng cũng như cách phòng tránh bong gân.

Thùy Dung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin