Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các huyệt đạo trên mặt và những lưu ý để bấm huyệt đúng cách

Ngày 24/10/2022
Kích thước chữ

Mỗi người chúng ta ai cũng đã từng mắc bệnh, chỉ khác nhau ở tần suất ít hay nhiều. Để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, còn chần chừ gì mà không tìm hiểu ngay các huyệt đạo trên mặt để áp dụng các phương pháp chữa bệnh theo Y học cổ truyền.

Y học phương Đông từng nói rằng: “Hãy sử dụng các ngón tay trước khi sử dụng kim tiêm” để cho thấy tầm quan trọng của phương pháp bấm huyệt. Trên gương mặt của chúng ta cũng bao gồm rất nhiều huyệt đạo, mỗi vị trí lại có những chức năng và công dụng riêng. Vì vậy, nếu thời tiết “trái gió, trở trời” bạn hoàn toàn có thể áp dụng các huyệt vị này để tự chữa bệnh cho bản thân mình. 

Các huyệt đạo trên mặt phổ biến nhất 

Theo Y học cổ truyền, các huyệt trên mặt có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mắt, tai, đầu, răng, dây thần kinh số 7,... Vì vậy, không chỉ có các phòng khám mà rất nhiều spa hiện nay áp dụng phương pháp bấm huyệt để hỗ trợ làm đẹp hiệu quả. Dưới đây là các huyệt đạo trên mặt phổ biến nhất và dễ dàng tác động để trị bệnh: 

Huyệt nhân trung 

Huyệt vị nhân trung nằm ở vị trí nối ⅓ đoạn trên và ⅔ đoạn dưới của nhân trung, có tác dụng cấp cứu khi người bệnh bị ngất, choáng. Kích thích huyệt nhân trung sẽ thúc đẩy huyết áp tăng cao, khai khiếu, thanh nhiệt, tiêu nội nhiệt ở vùng lưng và cột sống. Từ đó, điều hòa nhiệt khí âm và dương trong cơ thể con người. 

Bởi vậy, khi phát hiện người bệnh có các biểu hiện bất thường như: Môi trên co giật, miệng méo, lưng và thắt lưng đau cứng, đổ mồ hôi lạnh, động kinh,... bạn nên áp dụng ngay biện pháp bấm huyệt nhân trung. 

Trước hết, bạn dùng ngón tay cái, ấn mạnh vào huyệt vị này 2 - 3 phút rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu để tránh bỏ lỡ thời gian trị bệnh. 

Các huyệt đạo trên mặt và những lưu ý để bấm huyệt đúng cách 1 Huyệt nhân trung là một trong các huyệt đạo trên mặt 

Huyệt thái dương 

Huyệt thái dương hay còn được biết đến là kinh ngoại kỳ huyệt, là một trong những huyệt được liệt vào danh sách tử huyệt của cơ thể. Việc tác động mạnh vào huyệt thái dương có thể gây chấn động não, gây ngất hoặc mất ý thức. Tuy nhiên, việc kích thích huyệt vị này cũng có thể làm tăng năng suất của đại não, thư giãn dây thần kinh, giúp bộ não tập trung và làm việc hiệu quả hơn. 

Huyệt nằm ở chỗ lõm phía sau lông mày, nơi có đường mạch xanh của thái dương. Huyệt chủ trị đau đầu, đau nửa đầu, mỏi mắt, đau răng, cảm mạo, liệt dây thần kinh mặt,... Khi bị đau đầu, bạn dùng hai ngón tay trỏ, ấn đồng thời vào huyệt thái dương ở hai bên đầu. Bạn xoa thuận chiều kim đồng hồ trong khoảng 1 phút là sẽ thấy cơn đau giảm đi rõ rệt. 

Huyệt toàn túc 

Huyệt vị này nằm song song với lòng trong của mắt, nằm trên đường kinh thái dương của bàng quang. Cách thứ hai để xác định huyệt toàn túc là vị trí phần lõm xuống ngay đầu lông mày. Cũng giống như huyệt thái dương, huyệt vị này được áp dụng với những bệnh nhân thường xuyên mắc chứng đau đầu, đau nửa đầu, đau mắt đỏ, hoa mắt, liệt dây thần kinh mặt,... 

Tuy nhiên, do đây không phải là tử huyệt nên bạn không cần quá cẩn trọng như huyệt thái dương. Để thực hiện, bạn dùng ngón cái ấn mạnh vào huyệt hai bên đầu lông mày trong 3 phút rồi thả ra từ từ. 

Các huyệt đạo trên mặt và những lưu ý để bấm huyệt đúng cách 2 Huyệt toàn túc có vị trí gần trung tâm khuôn mặt 

Huyệt ấn đường 

Ngay giữa huyệt toàn túc ở hai bên là huyệt ấn đường, là nơi giao giữa hai bên sống mũi và hai đầu lông mày. Bạn nên xoa bóp huyệt này khi phải làm việc, học tập quá sức khiến thần kinh căng thẳng, mất ngủ, trí nhớ giảm sút. 

Trước hết, bạn ấn rồi xoa bóp huyệt nhẹ nhàng. Sau đó, kéo dần sang hai bên và kết thúc bằng cách day mạnh huyệt thái dương theo chiều kim đồng hồ. 

Những lưu ý khi bấm các huyệt đạo trên mặt 

Dù có tác dụng thần kỳ là thế nhưng việc áp dụng sai cách hoặc lạm dụng có thể gây ra những hậu quả nặng nề. Vì vậy, bạn nên lưu ý những nguyên tắc sau: 

Bấm huyệt đúng cách 

Ví dụ như huyệt thái dương có tác dụng chữa đau đầu rất tốt nhưng cũng chính là một tử huyệt nguy hiểm. Vì vậy, chỉ cần sơ sẩy trong bấm huyệt cũng có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng con người. Với từng vị trí, bạn nên sử dụng những lực khác nhau, day đúng chiều thì mới cho kết quả như mong muốn được. 

Các huyệt đạo trên mặt và những lưu ý để bấm huyệt đúng cách 3 Bấm huyệt đúng cách giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần 

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bấm huyệt 

Với những người có tiền sử mắc các bệnh về xương khớp như: Loãng xương, viêm khớp, thoái hóa đốt sống cổ,... việc bẻ các khớp hoặc day ấn quá mạnh có thể gây nứt, gãy xương. Tốt nhất, bạn nên thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện phương pháp này. 

Phụ nữ mang thai không nên bấm huyệt 

Các bác sĩ đã khuyến cáo phụ nữ mang thai, đặc biệt là dưới 3 tháng không nên bấm huyệt vì các kích thích do bấm huyệt gây nên sẽ ảnh hưởng không tốt tới thai nhi cũng như sức khỏe của người mẹ. Qua thời gian 3 tháng đầu của thai kỳ, việc xoa bóp cũng cần hết sức cẩn trọng, nhất là phụ nữ có tiền sử sảy thai, giãn tĩnh mạch,... 

Các huyệt đạo trên mặt và những lưu ý để bấm huyệt đúng cách 4 Tác động của bấm huyệt có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi 

Trên đây là các huyệt đạo trên mặt được áp dụng nhiều nhất trong phòng và chữa bệnh. Bạn nên tìm hiểu và thực hiện thường xuyên để nâng cao sức khỏe của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một vài điều để phát huy tối đa công dụng của phương pháp bấm huyệt nhé!

Thu Trang 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin