Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách phân biệt những loại chàm thường gặp

Ngày 14/10/2020
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chàm eczema chia thành nhiều dạng như chàm đồng tiền, chàm tổ đỉa, chàm da dầu, chàm ứ đọng...Mặc dù bệnh không ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng nhưng loại bệnh có thể dai dẳng cả đời, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và làm giảm chất lượng cuộc sống. 

Chàm là một bệnh da liễu thường gặp với những triệu chứng lâm sàng rõ ràng như ngứa da, mụn nước… Tuy nhiên hiện nay cũng có rất nhiều dạng chàm mà chúng ta cần phân biệt với các bệnh lý ngoài da như vảy nến, dị ứng thức ăn. Ngoài việc phân biệt dựa trên một số xét nghiệm như sinh thiết da thì chúng ta cũng có thể tự nhận biết tại nhà thông qua một số đặc điểm đặc trưng.

Chàm tổ đỉa

Phân biệt những loại chàm thường gặp 1Chàm tổ đỉa gây ngứa ngáy rất khó chịu

Chàm tổ đỉa là một dạng chàm nguy hiểm khi hình thành những mụn nước nhỏ khoảng 1 – 2mm, nằm sâu gây ngứa nhiều và rất khó chịu. Chúng ta có thể nhận thấy chúng tập trung thành từng chùm nhỏ tại lòng bàn tay, bàn chân hoặc kẽ ngón tay khiến ngứa da, nóng rát, phồng rộp. Thông thường những mụn nước này rất khó vỡ nhưng lại dễ bị nhiễm khuẩn, dần chuyển sang màu đục, sưng đỏ kèm theo sưng hạch bạch huyết ở vùng lân cận, có thể gây sốt nóng, đổ nhiều mồ hôi xung quanh vùng da bị ảnh hưởng bởi mụn nước.

Hơn 50% nguyên nhân bệnh chàm tổ đỉa có liên quan đến yếu tố di truyền hoặc những người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, đổ nhiều mồ hôi do rối loạn thần kinh giao cảm hoặc làm việc trong môi trường nóng ẩm kéo dài. Với những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn đất, nước bị ô nhiễm hoặc những hóa chất như xà phòng, chất tẩy rửa, mỹ phẩm, nước hoa, kim loại… có thể dễ mắc bệnh và tái phát.

Chàm tổ đỉa là một thể đặc biệt của bệnh chàm (eczema) những có thể chuyển biến thành các thể nguy hiểm như thể nhiễm khuẩn, thể khô gây bội nhiễm, vì vậy ngay khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, người bệnh nên nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, dứt điểm tận gốc.

Chàm da đầu

Phân biệt những loại chàm thường gặp 2Chàm da đầu hay còn gọi Scalp eczema

Chàm da đầu hay còn gọi Scalp eczema, viêm da tiết bã da đầu hay "cứt trâu" ở trẻ nhỏ. Đây là một loại chàm đặc biệt chỉ xuất hiện trên da đầu khiến cho vùng da này bị đỏ lên, tạo thành những mảng da màu nâu vàng hoặc nâu đậm bám chặt vào da, khiến chân tóc bết rít và ngứa ngáy khó chịu.

Nguyên nhân của căn bệnh này có thể là hệ miễn dịch bị rối loạn ảnh hưởng đến hoạt động tuyến bã nhờn, từ đó hình thành nấm men trên da đầu gây ra những tổn thương thứ phát dạng lichen hóa. Những tổn thương này trên da đầu gây ra ngứa và nóng rát nhẹ – đặc biệt là lúc trời nóng, nếu như vết thương bị chà xát và gãi mạnh, da có thể khiến da bị dày sừng, thâm nhiễm, nứt nẻ và ngứa ngáy nhiều.

Đây là một bệnh da liễu mãn tính dễ tái phát nhưng cũng có thể tự thuyên giảm sau vài ngày mà không cần khám bác sĩ. Thế nhưng phần lớn những tình trạng mắc bệnh đều có tiến triển dai dẳng, đặc biệt là đối với chàm da đầu ở trẻ sơ sinh thường rất khó bong, làm chân tóc bết rít và bám bụi trắng nhỏ gây nhiều khó chịu cho trẻ.

Chàm đồng tiền

Chàm đồng tiền là một hiện tượng viêm da mãn tính với hình dáng là một số đốm hình oval hoặc hình tròn tương tự như hình đồng tiền. Những vết chàm này có kích thước khoảng 2.5cm đến lớn hơn 10cm và thường xuất hiện ở cánh tay, bàn tay và bàn chân. Sau đấy những vết chàm này sẽ bị xung huyết và nổi rất nhiều mụn nước, dễ vỡ dẫn đến chảy dịch và trợt loét làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn da như sốt, da sưng nóng, đau nhức cũng như mưng mủ.

Đây là thể chàm thường gặp ở nam giới trong khoảng 55 – 65 tuổi, khó chữa lại dễ tái phát, khiến người bệnh bị ngứa ngáy dữ dội, càng gãi càng ngứa khiến vùng da bị tổn thương có thể sưng tấy, đau, nóng rát, phồng rộp nghiêm trọng, da vùng trên và xung quanh vết thương có thể bị đỏ, khô, có vảy hoặc bị viêm.

Chàm thể ứ đọng

Phân biệt những loại chàm thường gặp 3Vùng da bị chàm ứ đọng trở nên mỏng, màu nâu, với các tổn thương như đốm đỏ

Các triệu chứng phổ biến và đáng chú ý nhất của chàm thể ứ đọng là vùng da bị chàm trở nên mỏng, màu nâu, với các tổn thương như đốm đỏ, thường xuất hiện ở chân, mắt cá chân gây ngứa, đau dai dẳng ở các mô bị sưng và có thể cảm giác như bị kim châm.

Bệnh thường gặp ở những người tuổi trung niên bị suy yếu tuần hoàn tĩnh mạch hoặc có tiền sử suy van tĩnh mạch, gây áp lực và khiến máu rỉ ra khỏi tĩnh mạch, không đưa máu về tim mà đi vào da và gây bệnh chàm ứ đọng. Một số tổn thương có thể có dấu hiệu ngứa và bỏng và mức độ có thể từ nhẹ đến nặng với các cơn ngứa nặng hơn vào ban đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh. Bệnh nếu không điều trị sớm và đúng cách sẽ dẫn đến nứt da và gây vết loét nứt, chảy nước và nhiễm trùng.

Hiện nay, các loại bệnh chàm đều không thể chữa hoàn toàn và dễ tái phát, vì thế khi phát hiện những vết biểu hiện đầu tiên của bệnh chàm chúng ta nên chữa trị ngay để làm giảm thương tổn da, tránh nhiễm trùng bội nhiễm từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tái phát.

Xuân Trúc

Nguồn: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm