Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chàm: Bệnh ngoài da gây mất thẩm mỹ, cần điều trị sớm và đúng cách

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh chàm còn có tên gọi khác là bệnh Eczema, là tình trạng viêm da thuộc lớp nông của da. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất lớm đến thẩm mỹ bên ngoài của bệnh nhân. Vì vậy, bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin toàn diện về bệnh chàm để bạn biết cách phát hiện và điều trị chàm một cách kịp thời và hiệu quả.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Chàm là gì? 

Chàm hay còn gọi là viêm da cơ địa, eczema là bệnh viêm da mạn tính với cơ chế bệnh sinh gồm nhiều yếu tố về tính di truyền, rối loạn chức năng miễn dịch kèm theo yếu tố môi trường tác động. 

Chàm thường tiến triển theo từng đợt, với các dấu hiệu đặc trưng gồm viêm, ngứa, phát ban. Tình trạng phát ban có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng phổ biến là ở một số vùng nhất định còn phụ thuộc vào độ tuổi ở mỗi người.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của chàm

Bệnh chàm sẽ có các dấu hiệu khác nhau phụ thuộc vào mỗi giai đoạn của bệnh. Nếu chàm đang trong giai đoạn cấp tính, tổn thương sẽ khá nghiêm trọng với biểu hiện  phù, có mảng rỉ dịch, có mụn nước. Còn nếu tiến đến giai đoạn mạn tính, tổn thương sẽ có những vết trầy xước, chà xát hoặc lichen hóa trên da.

Vị trí tổn thương còn thuộc vào độ tuổi sẽ xuất hiện phổ biến ở những vị trí khác nhau trên cơ thể. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh chàm xuất hiện phổ biến ở những vùng trẻ hay gãi như mặt, sau da da đầu, ngực và sau da đầu. Đối với trẻ lớn hơn và người lớn thì lại hay xuất hiện ở bàn tay, bàn chân, khủy tay, sau đầu gối và mặt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến chàm

Hiện nay người ta chưa tìm ra nguyên nhân thật sự dẫn đến bệnh chàm. Tuy nhiên vẫn có các nguyên nhân phổ biến sau đây được thống kê dễ dẫn đến chàm: 

  • Do yếu tố di truyền: Theo thống kê cho rằng viêm da cơ địa liên quan đến protein mã hóa biểu bì và miễn dịch được cho là do đột biến gen mã hoá cho protein filaggrin. Ngoài ra, nếu bố mẹ bị bệnh chàm thì có khả năng cao sẽ di truyền cho con cái của họ.

  • Do nhiễm nấm, nhiễm vi khuẩn: Đối với người từng bị nhiễm nấm men Candida albicans, đặc biệt là khi hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ cao gây ra bệnh viêm da cơ địa. 

  • Do rối loạn chức năng cơ thể: Nếu cơ thể bị rối loạn hormon, rối loạn chuyển hóa,… dẫn đến da mất đi các thiếu hụt hàng rào bảo vệ da trước các tác động nội ngoại sinh, từ đó khiến da dễ bị dị ứng nên dễ xuất hiện bệnh viêm da cơ địa. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải chàm?

Viêm da cơ địa mọi tượng đều có thể gặp nhưng các đối tượng sau đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.
  • Người ở các khu vực thành thị hoặc ở các nước phát triển.
  • Người có tiền sử gia đình bị bệnh viêm da cơ địa hoặc mắc bệnh hen suyễn, các bệnh dị ứng khác. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chàm

Một số yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh chàm, bao gồm:

  • Nếu da tiếp xúc với một số chất dễ gây dị ứng như nấm mốc, bụi nhà, lông súc vật, quần áo, hóa mỹ phẩm, thực phẩm là điều kiện để chàm phát triển trầm trọng hơn. 

  • Da bị thiếu độ ẩm khiến hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, da dễ nhạy cảm và dễ bị viêm hơn.

  • Một số vết xước nhỏ trên bề mặt da nhưng nếu hay bị ma sát nhiều lần có thể khiến da dễ bị viêm nhiễm tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập khiến dễ có nguy cơ mắc bệnh chàm. 

  • Nếu tiếp xúc với môi trường nước hoặc khí hậu quá lạnh hoặc quá nóng tạo điều kiện mắc bệnh chàm. 

  • Một số loại thuốc dễ gây dị ứng như thuốc gây tê, thuốc kháng sinh penicillin, streptomycin,... là một trong số nguyên nhân khiến bệnh chàm phát triển.

  • Bệnh chàm thường xảy ra theo mùa có nhiều phấn hoa, đặc biệt là vào mùa hè. 

  • Người bệnh có các vấn đề rối loạn căng thẳng, lo âu làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể nên sẽ có nguy cơ mắc bệnh chàm trầm trọng hơn so với người bình thường. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chàm

Đánh giá cận lâm sàng

  • Một số xét nghiệm phát hiện dị nguyên như test áp da, tẩy da, test hấp thụ dị nguyên phóng xạ, đo nồng độ IgE đặc hiệu với dị nguyên. 

  • Xét nghiệm huyết học trong huyết thanh thấy tăng nồng độ IgE. 

  • Xét nghiệm mô bệnh học thấy xốp bào xen kẽ á sừng, lichen hóa ở vùng thượng bì , có sự xâm nhiễm của bạch cầu lympho, mono, dưỡng bào, tế bào ái kiềm ở vùng trung bì. 

Chẩn đoán xác định

Dựa vào tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka sau đây để chẩn đoán xác định bệnh chàm:

Các tiêu chuẩn chính:

  • Ngứa.

  • Biểu hiện và vị trí đặc trưng của tổn thương: Vị trí các nếp gấp trẻ em bị lichen hóa hoặc thành dải ở người lớn. Trẻ em và trẻ sơ sinh bị tổn thương ở mặt và mặt duỗi các chi. 

  • Tổn thương phát ban dạng mạn tính hoặc tái phát. 

  • Mắc các bệnh dị ứng có tiền sử gia đình hoặc cá nhân. 

Tiêu chuẩn phụ:

  • Vảy cá, dày sừng nang lông, khô da, tăng đường kẻ trong lòng bàn tay.

  • Vị trí tay, chân bị viêm da

  • Viêm môi, vảy phấn, chàm vú, xuất hiện nếp ở cổ.

  • Do bị ảnh hưởng từ các yếu tố tâm lý và môi trường nên bị tổn thương nặng. 

  • Khi bài tiết mồ hôi có biểu hiện ngứa. 

  • Trong huyết thanh thấy có tăng IgE. 

  • Vùng quanh mắt có biểu hiện tăng sắc tố. 

  • Dấu hiệu Dennie-Morgan (mi mắt dưới có 2 nếp gấp).

  • Viêm kết mạc.

  • Giác mạc hình chóp.

  • Đục thuỷ tinh thể dưới bao sau.

Khi chẩn đoán xác định đưa đến kết luận bệnh chàm cần phải dựa vào có ít nhất 3 tiêu chuẩn chính trở lên kết hợp với ít nhất 3 tiêu chuẩn phụ trở lên. 

Phương pháp điều trị chàm hiệu quả

Nguyên tắc điều trị

  • Sử dụng thuốc chống khô da, dịu da.

  • Sử dụng thuốc chống nhiễm trùng, chống viêm.

  • Cần chuyên gia y tế tư vấn cho người bệnh và gia đình cách điều trị và phòng bệnh chàm đúng cách. 

Điều trị tại chỗ

  • Corticoid được dùng phổ biến trong điều trị bệnh chàm. Lưu ý đối với trẻ em nhỏ nên sử dụng loại có hoạt tính yếu ví dụ như hydrocortison 1 - 2,5%. Đối với trẻ lớn và người lớn nên sử dụng loại có hoạt tính trung bình như Desonid, clobetason butyrat. Trong trường hợp các tổn thương bị lichen hóa, ở chỗ da dày có thể dùng loại corticoid hoạt tính mạnh ví dụ như clobetasol propionat. Ngoài ra, có thể sử dụng loại mỡ kháng sinh để chống nhiễm khuẩn.

  • Đắp dung dịch Jarish, thuốc tím 1/10.000, nước muối sinh lý 0,9%.

  • Làm ẩm da bằng urea 10%, petrolatum đối với vùng da khô.

  • Thuốc bạt sừng bong vảy như mỡ salicyle 5%, 10%, mỡ goudron, ichthyol, crysophanic.

  • Thuốc ức chế miễn dịch tacrolimus nồng độ 0,03 - 0,1% khá hữu ích đối với bệnh chàm. 

Điều trị toàn thân

  • Dùng thuốc kháng viêm chống dị ứng như kháng histamin H1: Chlorpheniramin 4mg × 1 - 2 viên/ngày, Certerizin 10mg × 1 viên/ngày, Fexofenadine 180mg × 1 viên/ngày.

  • Dùng kháng sinh  thuộc nhóm cephalosphorin thế hệ 1 chống nhiễm khuẩn nhất là tụ cầu vàng, liên cầu. 

  • Khi bệnh trở nên nặng, có thể chỉ định corticoid trong thời gian ngắn, tuyệt đối không dùng thuốc kéo dài. Prednisolon 5mg × 2 - 4 viên/ngày × 7 ngày.

  • Ngoài ra có thể dùng một số thuốc khác như cyclosporin, methotrexat.

Liệu pháp khác

Khi chàm lan rộng phương pháp quang trị liệu khá hữu ích. Có thể tận dụng nguồn ánh sáng mặt trời tự nhiên hoặc dùng liệu pháp tia cực tím loại A (UVA) hoặc B (UVB) nhằm giúp cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân. Dùng liệu pháp tia UVB dải hẹp cho kết quả điều trị tốt hơn liệu pháp tia UVB truyền thống. Đối với chàm lan rộng tái phát cần điều trị Psoralen sử dụng kết hợp với UVA.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chàm

Chế độ sinh hoạt:

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Nên chọn các loại hóa mỹ phẩm dành riêng cho da khô, da nhạy cảm, giảm thiểu các yếu tố gây kích ứng từ môi trường như lông động vật, phấn hoa, bụi nhà…

  • Hạn chế chà xát hoặc gãi.

  • Sử dụng nước có nhiệt độ vừa phải khoảng 30 đến 36°C.

  • Thường xuyên thay tã lót cho trẻ nhỏ để hạn chế dị ứng, bị hăm da. 

  • Tắm xong có thể bôi kem dưỡng ẩm cho da khoảng mỗi ngày, đặc biệt là vào mùa đông để tránh da khô nứt nẻ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống bình thường chỉ áp dụng ăn kiêng đối với người bệnh nặng, trẻ nhỏ, khi  xác định rõ đồ ăn gây dị ứng.

Phương pháp phòng ngừa chàm hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh chàm hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giáo dục kiến thức đầy đủ như nguyên nhân, dấu hiệu, các phương pháp điều trị và phòng bệnh chàm cho bệnh nhân và người thân của bệnh nhân.

  • Hằng ngày có thể tắm nắng mặt trời 10 - 30 phút/ngày vào sáng sớm để  tăng sản xuất vitamin D, giải phóng các hợp chất  cathelicidin chống viêm, giảm sưng và đỏ cục bộ. 

  • Dùng máy lưu thông không khí có bộ lọc không khí với  hiệu suất cao (HEPA). Ngoài ra có thể dùng máy hút ẩm để tránh ẩm mốc ở nơi phòng kín.

Nguồn tham khảo
  1. Sổ tay tra cứu bệnh msdmanual: https://www.msdmanuals.com/

  2. Hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu của Bộ y tế: https://kcb.vn/wp-content/uploads/2015/09/Huong-dan-chan-doan-dieu-tri-Da-lieu.pdf

  3. https://syt.baclieu.gov.vn/vi/-/benh-eczema

Các bệnh liên quan

  1. Xơ cứng bì

  2. Sẹo rỗ

  3. Viêm da dầu

  4. Ngứa

  5. Viêm quanh móng

  6. Loạn dưỡng móng

  7. Dị cảm

  8. Nám nội tiết

  9. Lang ben

  10. Lupus ban đỏ