Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách vỗ long đờm cho trẻ an toàn

Ngày 27/08/2022
Kích thước chữ

Khi mắc bệnh lý hô hấp trẻ thường có nhiều đờm ở đường thở gây khó chịu và hạn chế thông khí cho trẻ nên việc vỗ long đờm cho trẻ sẽ giúp cải thiện triệu chứng cho trẻ. Việc biết cách vỗ long đờm cho trẻ sẽ giúp trẻ bớt khó chịu, nhanh chóng khỏi bệnh.

Các bệnh lý về đường hô hấp chiếm một tỷ lệ khá cao ở trẻ nhỏ, nhất là những trẻ dưới 5 tuổi. Trong đa phần các bệnh hô hấp, các bác sĩ sẽ yêu cầu cha mẹ vỗ long đờm cho trẻ nhằm giúp hỗ trợ trẻ tống đờm ra ngoài. Vậy cha mẹ đã biết cách vỗ long đờm cho trẻ đúng cách chưa? Bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ đem đến những thông tin cơ bản và cần thiết nhất cho cha mẹ nhé!

Vỗ long đờm cho trẻ là gì?

Vỗ long đờm hay vỗ rung đờm là một kỹ thuật y khoa, sử dụng tác động vật lý bằng dụng cụ hoặc bằng tay nhằm giúp thay đổi áp suất trong phổi. Từ đó giúp phổi tăng độ giãn nở, tăng thông khí và giúp tống đờm dãi hoặc các chất tiết khác ra bên ngoài đường hô hấp.

Cách vỗ long đờm cho trẻ an toàn 1 Biết cách vỗ long đờm cho trẻ sẽ giúp đường thở trẻ thông thoáng hơn

Sau khi vỗ rung đờm trẻ thường ho tăng kèm theo ho ra nhiều đờm và chất tiết. Qua đó, việc hô hấp của trẻ sẽ dễ dàng hơn, nhịp thở ổn định hơn và bớt thở khò khè hơn. Kỹ thuật này thường được thực hiện bởi các kỹ thuật viên trong bệnh viện hoặc nếu cha mẹ được hướng dẫn cẩn thận bởi nhân viên y tế thì cũng có thể thực hiện cho trẻ.

Lưu ý rằng, cha mẹ không nên tự ý thực hiện phương pháp vỗ long đờm cho trẻ tại nhà mà chưa được sự đồng ý của bác sĩ hoặc chưa được hướng dẫn kỹ càng trước khi thực hiện phương pháp này cho trẻ.

Khi nào cần vỗ long đờm cho trẻ?

Vì vỗ long đờm cho trẻ thường dùng cho các bệnh lý hô hấp thường gặp nên chỉ định vỗ long đờm tương đối đa dạng, có thể kể trong các bệnh lý sau:

  • Viêm phế quản phổi.
  • Viêm tiểu phế quản.
  • Viêm phổi thùy hoặc xẹp phổi.
  • Các bệnh viêm đường hô hấp mạn tính như hen phế quản, tắc nghẽn phế quản mạn tính hoặc các bệnh thần kinh cơ như bệnh nhược cơ.
  • Sau khi trẻ được dẫn lưu màng phổi nếu có tràn dịch màng phổi trước đó.
  • Sau phẫu thuật lồng ngực.
Cách vỗ long đờm cho trẻ an toàn 2 Vỗ long đờm cho trẻ thường được chỉ định trong các bệnh lý hô hấp

Phương pháp này giúp tống các đờm dãi trong phổi trẻ ra ngoài và khiến phổi nở ra về kích thước vốn có, khiến trẻ cảm thấy thoải mái, nhờ đó trẻ sẽ bớt quấy khóc và ăn uống tốt hơn. Từ đó khiến trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.

Cách vỗ long đờm cho trẻ hiệu quả

Thông thường có 4 bước trong cách vỗ long đờm cho trẻ và phương pháp này thường được thực hiện trong khoảng từ 10 - 15 phút. Dưới đây là 4 bước cụ thể trong cách vỗ long đờm cho trẻ.

Làm thông thoáng mũi họng

Đây bước đầu tiên trong cách vỗ long đờm cho trẻ. Thường thì các bác sĩ sẽ cho trẻ xông khí dung trước nhằm làm loãng đờm hoặc giãn đường phế quản giúp cho quá trình vỗ rung đờm để tống chất tiết diễn ra dễ dàng hơn.

Trẻ có thể được khí dung bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%, thuốc làm loãng đờm hoặc thuốc làm giãn phế quản tùy theo đặc điểm bệnh và tình trạng của trẻ. Thời điểm tốt nhất để khí dung là ngay trước khi trẻ được thực hiện quá trình vỗ long đờm.

Làm sạch mũi cho trẻ

Trong quá trình long đờm, trẻ thường ho nhiều để tống phần lớn đờm dãi, chất tiết qua miệng nên trẻ chỉ thông khí được thông quan mũi. Vì thể mũi thông thoáng, sạch sẽ không có gỉ mũi bít tắc sẽ khiến trẻ được đảm bảo thông khí khi vỗ long đờm. Ngoài ra, một số trẻ có thể tống đờm dãi thông qua đường mũi, qua đó, việc tống đờm đạt được hiệu quả cao hơn.

Cha mẹ có thể nhỏ nước mũi sinh lý vào mũi cho trẻ từ 2 - 3 phút nhằm làm mềm gỉ mũi sau đó sử dụng khăn ẩm hoặc dụng cụ vệ sinh mũi cho trẻ lấy hết gỉ mũi hoặc nước mũi cho trẻ. Tuy nhiên cần chú ý thực hiện thật nhẹ nhàng, tránh đưa tay hoặc dụng cụ quá sâu có thể khiến trẻ quấy khóc hoặc chảy máu mũi.

Vỗ long đờm cho trẻ

Đây là bước quan trọng nhất trong cách vỗ long đờm cho trẻ. Dưới đây là các bước cần được thực hiện trong quá trình này.

  • Về tư thế: Trẻ cần được nằm nghiêng sang 1 bên, cúi đầu hoặc được bế vác lên để việc tống đờm dễ dàng hơn cũng như tránh để sặc đờm lại vào phổi.
  • Vị trí vỗ long đờm: Cha mẹ có thể vỗ trong vùng phổi từ ngang lưng của trẻ lên đến vùng phổi ở phía vai. Mục đích nhằm để đưa đờm dãi từ dưới đáy phổi lên trên và được trẻ ho ra ngoài.
  • Tay của người thực hiện vỗ long đờm cho trẻ cần khum lại, tạo thành 1 khoảng trống ở giữa để tránh làm trẻ đau khi vỗ rung.
  • Khi vỗ rung cần dùng lực từ cổ tay và nghe thấy từng tiếng “bộp bộp”, vỗ đều đặn từ dưới lên trên, theo nhịp thở của trẻ.
Cách vỗ long đờm cho trẻ an toàn 3 Tư thế đúng trong cách vỗ long đờm cho trẻ

Thời gian vỗ long đờm cho trẻ thường kéo dài từ 10 đến 15 phút, trong quá trình vỗ long đờm cần phải liên tục quan sát và chú ý đến trẻ để phát hiện những bất thường nếu xảy ra.

Chăm sóc trẻ sau vỗ long đờm

Vỗ long đờm cho trẻ sẽ khiến trẻ ho nhiều, ho ộc ra đờm. Đây là phản xạ bình thường của trẻ và là mục đích của phương pháp này nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Đề giúp bé giảm khóc thì cha mẹ có thể bế trẻ hoặc ôm ấp vỗ về trẻ.

Ngoài ra cần lưu ý, không nên cho trẻ ăn hoặc uống ngay sau khi thực hiện phương pháp vỗ long đờm cho trẻ để tránh trẻ nôn trớ hoặc ho sặc. Thời điểm tốt nhất để cho trẻ ăn uống là sau khi vỗ rung từ 10 phút và tốt nhất là cho trẻ uống nước hoặc sữa ấm.

Nếu sau khi thực hiện vỗ long đờm nếu trẻ có bất cứ triệu chứng nào khác thường như: Thở nhanh, tím tái, quấy khóc tăng hoặc ho ra máu… thì cha mẹ cần nhanh chóng thông báo đến nhân viên y tế để được xử trí kịp thời nhé!

Lưu ý khi vỗ long đờm cho trẻ

Để đảm bảo được hiệu quả và an toàn khi thực hiện cách vỗ long đờm cho trẻ thì cha mẹ cần đặc biệt lưu ý một vài điểm sau:

  • Chỉ thực hiện phương pháp khi có chỉ định của các y bác sĩ và đã được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết của nhân viên y tế để tránh rủi ro cho trẻ.
  • Thời điểm thực hiện vỗ rung tốt nhất cho trẻ là vào sáng sớm vì sau một đêm ngủ dài, đờm dãi ứ đọng nhiều trong phổi sẽ khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong hô hấp thậm chí nôn trớ ra thức ăn.
  • Cha mẹ cần phải tháo hết các trang sức như nhẫn, vòng tay hoặc cắt móng tay nếu móng quá dài để tránh làm xây xát da trẻ gây chảy máu và đau đớn cho trẻ.
  • Không nên thực hiện vỗ rung trực tiếp lên da của trẻ mà tốt nhất nên thực hiện qua một lớp áo mỏng hoặc một lớp khăn mỏng.
  • Việc ho ra sau vỗ rung là một phản xạ tốt giúp tống hết đờm dãi cho trẻ nên cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ sử dụng các loại thuốc có tác dụng ức chế ho do việc này sẽ khiến giảm hiệu quả của phương pháp này.

Tóm tại, bệnh lý hô hấp là rất phổ biến khi trẻ ở lứa tuổi nhỏ và có thể giúp trẻ giảm bớt đờm dãi bằng phương pháp vỗ long đờm cho trẻ nếu được hướng dẫn đầy đủ. Nhà Thuốc Long Châu hy vọng bài viết trên đã giúp cha mẹ hiểu hơn về cách vỗ long đờm cho trẻ an toàn.

Tham khảo thêm 1 số loại thuốc giúp long đờm, giảm ho cho bé an toàn hiệu quả

  • Thuốc cốm Acemuc 100mg Sanofi long đàm, tiêu nhầy, giảm ho
  • Thuốc Acemuc 200mg Sanofi long đàm, tiêu nhầy, giảm ho

Ánh Vũ 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:ThuốcLong đờm