Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm tiểu phế quản là gì? Các triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm tiểu phế quản xảy ra khi virus xâm nhiễm vào các đường dẫn khí nhỏ trong phổi (gọi là tiểu phế quản) làm cho các tiểu phế quản bị viêm, phù nề, tăng tiết chất nhầy. Viêm tiểu phế quản thường tự giới hạn và hầu hết trẻ có thể được chăm sóc tại nhà. Trong một số trường hợp nặng, cần lưu ý các dấu hiệu, triệu chứng nghiêm trọng liên quan đến tình trạng suy hô hấp và cần cho trẻ nhập viện ngay.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm tiểu phế quản là gì? 

Viêm tiểu phế quản là tình trạng viêm cấp tính của đường dẫn khí nhỏ (tiểu phế quản) mà trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là do virus (điển hình nhất là virus hô hấp hợp bào - RSV). Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đối tượng thường gặp nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ < 2 tuổi. 

Viêm tiểu phế quản khởi phát với các triệu chứng tương tự như cảm cúm thông thường, nhưng sau đó tiến triển thành ho, thở khò khè và đôi khi khó thở. Các triệu chứng của viêm tiểu phế quản có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần. Đa số các trường hợp triệu chứng thường nhẹ và có thể được điều trị tại nhà. Chỉ có một số ít cần nhập viện để điều trị.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tiểu phế quản

Các triệu chứng ban đầu của viêm tiểu phế quản tương tự như cảm cúm, chẳng hạn như hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, ho và sốt khoảng 38 °C.

Sau đó, các triệu chứng của viêm tiểu phế quản có thể bắt đầu biểu hiện nặng lên như:

  • Thở nhanh;

  • Thở khò khè hoặc khó thở;

  • Trẻ quấy khóc hoặc khó chịu khi được cho bú hoặc cho ăn.

Các triệu chứng thường nặng nhất trong khoảng từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5, có thể kéo dài 1 tuần và ho thường thuyên giảm sau 3 tuần.

Một vài trẻ có thể có viêm tai giữa kèm theo.

Tác động của viêm tiểu phế quản đối với sức khỏe

Viêm tiểu phế quản thường tự giới hạn và trẻ bệnh có thể điều trị tại nhà. Khi bệnh được phát hiện và điều trị đúng cách, đa số trẻ em phục hồi nhanh chóng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm tiểu phế quản

Trong những trường hợp viêm tiểu phế quản nặng, biến chứng suy hô hấp có thể xảy ra với các biểu hiện:

  • Môi hoặc da xanh tím.

  • Ngưng thở, rất thường gặp ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh 2 tháng đầu đời.

  • Các biến chứng khác: Mất nước do sốt cao và có thể tử vong nếu suy hô hấp nặng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ có những dấu hiệu sau:

  • Dấu hiệu của khó thở: Nghe thấy tiếng thở rên rỉ hoặc dấu hiệu co lõm ngực khi thở hoặc khi trẻ có những khoảng ngưng thở.

  • Da, lưỡi hoặc môi tím.

  • Trẻ lừ đừ, khó đánh thức.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản xảy ra khi virus xâm nhiễm vào các đường dẫn khí nhỏ trong phổi (tiểu phế quản) làm cho các tiểu phế quản bị viêm, phù nề. Tình trạng viêm gây tăng tiết chất nhầy trong các tiểu phế quản khiến không khí khó lưu thông tự do vào và ra khỏi phổi.

Hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản là do virus hô hấp hợp bào (RSV) gây ra. RSV là một loại virus khá phổ biến và thường chỉ lây nhiễm cho trẻ em dưới 2 tuổi. Các đợt bùng phát nhiễm RSV xảy ra chủ yếu vào mùa đông hằng năm và trẻ có thể bị tái nhiễm vài lần vì các lần nhiễm trước đó không có khả năng tạo ra miễn dịch lâu dài. 

Viêm tiểu phế quản cũng có thể do các loại vi rút khác gây ra, bao gồm cả vi rút gây ra bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường.

Viêm tiểu phế quản rất dễ lây lan qua các giọt bắn trong không khí khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Virus cũng có thể lây lan khi trẻ chạm vào các đồ vật dùng chung có chứa virus - chẳng hạn như khăn tắm hoặc đồ chơi sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tiểu phế quản?

Viêm tiểu phế quản thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 2 tuổi. Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản cao nhất vì phổi và hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm tiểu phế quản

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm tiểu phế quản, bao gồm:

  • Trẻ sinh non;

  • Trẻ có bệnh lý nền về tim hoặc phổi;

  • Suy giảm miễn dịch;

  • Tiếp xúc với khói thuốc lá;

  • Không được bú sữa mẹ khi sinh ra (trẻ bú mẹ nhận được kháng thể từ mẹ giúp chống lại nhiễm trùng);

  • Tiếp xúc với môi trường có nhiều trẻ khác, chẳng hạn như nhà trẻ, khu nhà tập thể đông đúc.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản chủ yếu được chẩn đoán dựa vào lâm sàng và độ tuổi phù hợp với bệnh. Các xét nghiệm như X - quang hoặc xét nghiệm máu thường không cần thiết và chỉ thực hiện khi cần để loại trừ các nguyên nhân khác khi trẻ nhập viện với triệu chứng nặng.

X - quang phổi: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp nếu nghi ngờ tình trạng viêm phổi.

Xét nghiệm máu: Có thể hữu ích để gợi ý tình trạng nhiễm trùng và ngoài ra có thể xác định nồng độ oxy trong máu trong những trường hợp suy hô hấp nặng.

Phương pháp điều trị viêm tiểu phế quản hiệu quả

Viêm tiểu phế quản thường kéo dài từ hai đến ba tuần. Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh và hầu hết trẻ có thể được chăm sóc tại nhà. 

Điều trị chủ yếu bao gồm: Hạ sốt nếu trẻ có sốt, rửa mũi với nước muối sinh lý và đặc biệt là uống nhiều nước. 

Hạ sốt cho trẻ với paracetamol hoặc ibuprofen. Không dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi.

Dùng nước muối sinh lý rửa mũi nếu trẻ bị nghẹt mũi.

Uống đủ nước: Trẻ cần được đánh giá về các dấu hiệu mất nước, đặc biệt là nếu trẻ không ăn/không uống hoặc nôn ói nhiều. Đảm bảo rằng trẻ được cung cấp đủ nước là điều then chốt, đặc biệt là đối với những trẻ bỏ ăn/uống. Nên cho trẻ uống từng ngụm nhỏ.

Các thuốc giúp giãn phế quản thường kém hiệu quả và corticosteroid cũng không cho thấy lợi ích trong điều trị viêm tiểu phế quản.

Điều quan trọng là phải cảnh giác với những thay đổi của trẻ như khó thở nhiều hơn, trẻ thở rên rỉ trong mỗi nhịp thở, thở co lõm, không thể nói hoặc khóc vì khó thở.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tiểu phế quản

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì môi trường sống không khói thuốc vì điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa viêm tiểu phế quản hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Cha mẹ nên rửa tay trước khi chăm sóc trẻ và vệ sinh tay thường xuyên cho trẻ.

  • Nên vệ sinh đồ chơi, vật dùng và bề mặt nơi trẻ chơi hằng ngày.

  • Tránh cho trẻ (đặc biệt là trẻ sơ sinh) tiếp xúc với người lớn hoặc trẻ khác đang bị bệnh.

  • Không hút thuốc lá quanh trẻ.

Nguồn tham khảo

1. https://www.nhs.uk/conditions/bronchiolitis/

2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441959/

3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bronchiolitis/diagnosis-treatment/drc-20351571

Các bệnh liên quan

  1. COVID-19

  2. Dị vật đường thở

  3. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

  4. Hội chứng hít phân su

  5. Viêm xoang trán

  6. Sốc

  7. Viêm phổi do virus

  8. Viêm màng phổi

  9. Loạn sản phế quản phổi

  10. Ho ra máu