Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Khái niệm chất bảo quản không còn quá xa lạ khi ngày càng có nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Và để đảm bảo sản phẩm bảo toàn hương vị và giữ được lâu dài thì thành phần không thể thiếu là chất bảo quản. Trong số đó chất bảo quản 211 có lẽ được bắt gặp nhiều trong các bảng thành phần, đặc biệt là các loại nước giải khát đóng chai.
Chất bảo quản 211 là muối natri benzoat, được sử dụng rộng rãi như một loại chất bảo quản trong thực phẩm. Chất bảo quản 211 được sử dụng nhiều do khả năng hòa tan tốt, không ảnh hưởng mùi vị. Các loại nước giải khát đóng chai hiện nay hầu như đều sử dụng loại chất bảo quản này, vậy liệu có ảnh hưởng gì khi nạp quá nhiều chất bảo quản 211 vào cơ thể? Nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp cho bạn qua bài viết sau.
Chất bảo quản 211 hay còn gọi là natri benzoat (E211) được tạo ra từ phản ứng giữa natri hydroxit và axit benzoic và có thể hoà tan được trong nước.
Chất bảo quản 211 được sử dụng phổ biến trong một số sản phẩm như: Nước uống có gas, dầu giấm trộn, nước trái cây và nước sốt rau trộn,... Natri benzoate cũng có trong trái cây như táo, nam việt quất và mận. Đinh hương và quế cũng có chứa một lượng natri benzoate nhất định. Tuy rằng natri benzoate được tìm thấy trong một số loại thực phẩm và gia vị tự nhiên, nó lại không đóng vai trò là chất bảo quản cho các loại thực phẩm này.
Natri benzoat được khuyến cáo dùng trong liều tối đa là 5mg/kg, được kiểm soát nghiêm ngặt đối với mục đích bảo quản trong thực phẩm. Tại Việt Nam, tùy từng loại sản phẩm và khối lượng của sản phẩm, chất bảo quản 211 được quy định có hàm lượng dưới 0.5% hoặc dưới 2% khối lượng sản phẩm.
Natri benzoate sẽ không gây ra ảnh hưởng có hại nào cho con người nếu được dùng với một khoảng hàm lượng cố định 647 - 825 mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Nồng độ trong các chất phụ gia thực phẩm cũng được quy định bởi nhà chức trách thực phẩm ở các nước khác nhau. Lời khuyên tốt nhất vẫn là nên cắt giảm các sản phẩm thực phẩm và đồ uống có chứa natri benzoat.
Không chỉ có trong thực phẩm đóng chai, natri benzoat còn được sử dụng trong bào chế dược phẩm, mỹ phẩm và các nền công nghiệp khác.
Natri benzoat có gây ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại và nấm mốc có trong thực phẩm, từ đó ngăn chặn sự hư hỏng. Chất bảo quản 211 hoạt động tốt trong môi trường có pH thấp nên được sử dụng nhiều trong bảo quản có tính axit như nước sốt salad, đồ uống có ga, mứt và các loại nước trái cây,...
Natri benzoat là một tá dược với vai trò chất bảo quản trong một số loại thuốc, thường thấy được sử dụng cho siro ho. Do lượng đường cao nên siro rất dễ trở thành môi trường cho nấm mốc sinh sôi, chất bảo quản 211 được sử dụng nhiều nhờ tính tan tốt. Ngoài ra, natri benzoat còn đóng vai trò như tá dược rã đối với thuốc viên, giúp thuốc phân tán dễ dàng hơn.
Không chỉ vậy, bản thân natri benzoat đã có tính điều trị. Chất này có thể được sử dụng trong điều trị nồng độ amoniac cao. Amoniac là một sản phẩm trong quá trình phân hủy protein và gây nguy hiểm khi có nồng độ cao trong máu. Trong một số bệnh lý gây tăng nồng độ amoniac trong máu, natri benzoat được chỉ định kê đơn.
Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây hơn cho rằng natri benzoat có tiềm năng trong điều trị các rối loạn như trầm cảm nặng, tâm thần phân liệt hay rối loạn tự kỷ. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu để đảm bảo chất này có hiệu quả điều trị trên lâm sàng.
Trong các sản phẩm như kem đánh răng, nước súc miệng, khăn lau cho em bé,... chất bảo quản E211 cũng khá phổ biến.
Một ứng dụng phổ biến khác của natri benzoat là trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Chất này có mặt trong các sản phẩm làm mát động cơ ô tô với vai trò ngăn chặn sự ăn mòn. Trong sản xuất nhựa, natri benzoat giúp tăng độ bền cho sản phẩm.
Có thể thấy natri benzoat được ứng dụng rộng rãi và đa ngành. Nhưng đây vẫn là một chất tổng hợp, không hoàn toàn là tự nhiên. Việc sử dụng liều lượng lớn trong thời gian lâu dài không được khuyến khích. Sau nhiều nghiên cứu đã cho thấy một số tác dụng phụ đáng lo ngại của chất bảo quản E211.
Hầu như được sử dụng nhiều trong thực phẩm nhưng natri benzoat không phải là một chất dinh dưỡng. Việc nạp vào cơ thể cần được cân nhắc, sau đây là những tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng quá nhiều chất bảo quản E11 trong thức ăn.
Một nghiên cứu trên chuột, khi sử dụng natri benzoat quá 30 ngày cho thấy hàm lượng cytokine gây viêm tăng đáng kể ở chuột. Điều này cũng được kiểm chứng qua một số trường hợp ở người, với các bệnh nhân béo phì sử dụng lượng lớn thực phẩm đóng hộp và nước có ga trong bữa ăn hằng ngày. Họ có các triệu chứng dị ứng trầm trọng hơn và xuất hiện thêm nhiều nguyên nhân gây dị ứng. Tuy nhiên chưa có bằng chứng trực tiếp cho thấy natri benzoat hay chất bảo quản E211 gây ra tình trạng dị ứng.
Tương tự với nguyên tắc hoạt động trong điều trị các bệnh rối loạn tâm thần, với liều lượng không kiểm soát và sử dụng lâu dài, chất bảo quản E11 có thể dẫn đến tình trạng tăng động giảm chú ý ở trẻ nhỏ. Nhiều trường hợp ở trẻ em được xác định nguyên nhân từ chế độ ăn uống.
Natri benzoat được xác định có ảnh hưởng đến nồng độ hormone giới tính. Việc sử dụng lâu dài gây nên những thay đổi đáng kể đến cơ quan sinh sản. Quan sát trong các nghiên cứu tại phòng thấy nghiệm cho thấy sự giảm ở các hormone như FSH, testosterone.
Việc gia tăng các gốc tự do khi nồng độ natri benzoat trong máu cao đã được xác minh trong một số nghiên cứu. Các gốc tự do này có thể gây phá hủy tế bào, điều này giải thích cho việc suy giảm chức năng gan, thận và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính tăng.
Nhiều nghiên cứu cho ra kết quả với nồng độ natri benzoat cao gây nên sự đứt gãy trong quá trình nhân đôi ADN, dẫn đến nhiều tổn thương gen. Điều này lý giải cho những tác dụng phụ như gây nên tình trạng dị tật, quái thai ở thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật đã được tiến hành và nhiều tình trạng dị tật từ phôi đã được ghi nhận. Do đó, hiện nay chất bảo quản E211 đã được hạn chế sử dụng ở phụ nữ có thai do những nguy cơ gây dị tật cho thai nhi.
Qua bài viết này, Nhà thuốc Long Châu mong rằng bạn đã có thêm thông tin về công dụng cũng như tác dụng phụ đi kèm của chất bảo quản 211. Các bạn hãy chia sẻ đến người thân và bạn bè xung quanh để chú ý hơn khi lựa chọn thực phẩm hằng ngày nhé!
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.