Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tăng động - Rối loạn tăng động giảm chú ý: Bệnh lý thường gặp ở trẻ

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tăng động còn có tên gọi khác là rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder - ADHD) là một hội chứng bao gồm không chú ý, hấp tấp/bốc đồng và hiếu động thái quá. 3 dạng tăng động chủ yếu là giảm chú ý, hiếu động/bốc đồng, và kết hợp cả hai dạng trên. Chẩn đoán dựa vào các tiêu chí lâm sàng. Điều trị thường bằng thuốc hướng thần, liệu pháp hành vi, và các can thiệp giáo dục.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tăng động là gì? 

Tăng động được coi là một rối loạn phát triển thần kinh. Rối loạn phát triển thần kinh là các tình trạng thần kinh xuất hiện sớm ở thời thơ ấu, khoảng thời gian trước khi nhập học, làm suy giảm sự phát triển của các chức năng cá nhân, xã hội, học tập và nghề nghiệp. Dẫn đến khó khăn trong việc thu nhận, duy trì hoặc áp dụng các kỹ năng hoặc thông tin.

Rối loạn phát triển thần kinh có thể bao gồm rối loạn chức năng ở một hoặc nhiều điều sau đây: Chú ý, trí nhớ, nhận thức, ngôn ngữ, tương tác xã hội hoặc giải quyết vẫn đề. Các rối loạn phát triển thần kinh phổ biến khác bao gồm rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập (ví dụ: Chứng khó đọc) và chậm phát triển trí tuệ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tăng động

Bệnh thường xảy ra trước khi trẻ 4 tuổi và không thay đổi trước 12 tuổi. Độ tuổi cao nhất để chẩn đoán là từ 8 đến 10 tuổi; tuy nhiên, những trẻ bị tăng động ở dạng giảm chú ý có thể không chẩn đoán được cho đến sau tuổi vị thành niên.

Các triệu chứng và dấu hiệu tăng động chính bao gồm:

  • Giảm tập trung.
  • Hấp tấp, bốc đồng.
  • Hiếu động thái quá.

Tính bốc đồng, hấp tấp là các hành động vội vàng có khả năng dẫn đến kết quả tiêu cực (ví dụ chạy qua đường mà không quan sát; đột nhiên nghỉ học hoặc nghỉ việc bất ngờ).

Hiếu động thái quá bao gồm các hoạt động vận động quá mức. Trẻ em, đặc biệt là những trẻ nhỏ hơn, có thể gặp khó khăn khi ngồi yên (ví dụ như ở trường học hoặc nhà thờ). Ở người bệnh lớn tuổi có thể chỉ là thao thức, bồn chồn hay nói nhiều - đôi khi đến mức làm những người xung quanh mệt mỏi.

Giảm chú ý và bốc đồng, hấp tấp ngăn cản sự phát triển khả năng suy nghĩ, học tập và lập luận. Trẻ em mắc chứng tăng động thiếu tập trung chủ yếu có xu hướng gặp khó khăn khi học thụ động (tiếp nhận thông tin từ giáo viên truyền đạt), đòi hỏi sự tập trung liên tục và hoàn thành những yêu cầu.

Nhìn chung, khoảng 20 - 60% trẻ bị tăng động giảm khả năng học tập nhưng một số rối loạn chức năng học đường xảy ra ở hầu hết trẻ tăng động do thiếu chú ý (dẫn đến bỏ sót chi tiết) và bốc đồng (dẫn đến trả lời mà không suy nghĩ kỹ câu hỏi).

Mặc dù không có xét nghiệm cụ thể hoặc các kết quả xét nghiệm liên quan đến tăng động, các dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Rối loạn hoặc mất phối hợp vận động.
  • Các phát hiện thần kinh “mềm”, không phân cấp.
  • Mất chức năng vận động và cảm giác.

Tác động của tăng động đối với sức khỏe

Mặc dù triệu chứng và dấu hiệu tăng động có khuynh hướng giảm đi theo tuổi, thanh thiếu niên và người lớn có thể khó biểu hiện hơn. Các hậu quả có thể xảy ra bao gồm:

  • Giảm trí thông minh.
  • Hung hăng.
  • Vấn đề cá nhân và xã hội.
  • Rối loạn tâm thần lúc có thai.

Ở thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành biểu hiện của tăng động chủ yếu là việc thất bại trong học tập và khó học tập các hành vi xã hội. Thanh thiếu niên và người lớn bị tăng động dạng hấp tấp, bốc đồng có thể làm tăng tỷ lệ rối loạn nhân cách và hành vi chống đối xã hội. Những người mắc chứng tăng động dường như điều chỉnh tốt hơn với công việc hơn là với việc học tập và gia đình, đặc biệt nếu họ có thể tìm được những công việc không đòi hỏi sự tập trung cao độ để thực hiện.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi thấy trẻ có triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ đi khám ngay. Nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tiên lượng với bệnh này sẽ cao hơn khi điều trị muộn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tăng động

Tăng động không có nguyên nhân cụ thể. Các nguyên nhân tiềm ẩn liên quan đến các yếu tố sinh hóa, di truyền, sinh lý, hệ thần kinh vận động - cảm giác và các yếu tố hành vi.

Một số yếu tố nguy cơ như: Cân nặng lúc sinh < 1,5 kg, chấn thương đầu, có cơn ngưng thở khi ngủ, thiếu sắt, phơi nhiễm chì cũng như rượu, cocaine và thuốc lá trước khi sinh. Khoảng ít hơn 5% trẻ em bị chứng tăng động có bằng chứng tổn thương thần kinh.

Ngày càng có nhiều các bằng chứng, dữ liệu về sự bất thường trong các hệ thống noradrenergic và dopaminergic với sự giảm giảm kích thích hoặc giảm hoạt động ở vùng thân não trên và các vùng trước của não giữa.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tăng động?

Trẻ có người thân trong gia đình bị mắc chứng tăng động. 1/3 số đàn ông bị chứng ADHD khi còn nhỏ thì sau này con họ cũng mắc phải hội chứng này.

Trẻ có tâm lý yếu như dễ lo lắng, rối loạn tâm thần, bị cưỡng bức, lạm dụng tình dục, gặp khó khăn trong học tập, lục đục trong gia đình.

Gặp chấn thương vùng đầu.

Người mẹ trong thời kỳ mang thai đã tiếp xúc với một số độc chất như rượu, thuốc lá, ma túy.

Trẻ sinh non, thiếu oxy khi sinh (bị ngạt).

Yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ mắc phải tăng động

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trẻ mắc phải tăng động, bao gồm:

  • Cấu trúc não bộ bất thường.
  • Bất thường nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh.
  • Yếu tố di truyền (gen).
  • Yếu tố giới tính: Bé trai có nguy cơ mắc chứng tăng động giảm chú ý cao hơn gấp 3 lần so với bé gái.
  • Người mẹ sử dụng chất kích thích khi mang thai.
  • Tiếp xúc với độc tố môi trường.
  • Sử dụng nhiều chất bảo quản, phụ gia.
  • Chấn thương sọ não.
  • Sử dụng quá nhiều đường.
  • Sử dụng nhiều thực phẩm nhạy cảm như sữa, bánh mì, các loại hạt (đậu tương, lạc, trứng, cá, động vật có vỏ…).
  • Tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tăng động

Tiêu chuẩn lâm sàng dựa vào DSM-5

Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và dựa trên đánh giá toàn diện về y khoa, phát triển, giáo dục và tâm lý.

Tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 cho ADHD

Tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 bao gồm 9 triệu chứng và dấu hiệu giảm chú ý và 9 triệu chứng tăng động và hấp tấp, bốc đồng. Chẩn đoán theo các tiêu chí này cần có ≥ 6 triệu chứng và dấu hiệu từ một hoặc từng nhóm. Ngoài ra, các triệu chứng cần:

  • Xảy ra thường xuyên trong ≥ 6 tháng.
  • Các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện rõ ràng nhưng không phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
  • Xảy ra trong ít nhất 2 trường hợp (ví dụ: Nhà và trường học).
  • Xảy ra trước 12 tuổi (ít nhất một vài triệu chứng).
  • Gây cản trở các hoạt động ở nhà, trường học hoặc nơi làm việc.

Các triệu chứng giảm chú ý

  • Giảm chú ý hoặc gây ra những sai sót trong các hoạt động.
  • Khó khăn trong việc duy trì sự chú ý các bài tập ở trường học hoặc trong khi chơi.
  • Có vẻ như không nghe khi đang nói chuyện trực tiếp.
  • Không tuân theo hướng dẫn hoặc hoàn thành nhiệm vụ.
  • Khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động và làm bài tập.
  • Tránh xa, không muốn tham gia vào các nhiệm vụ đòi hỏi phải duy trì sự nỗ lực tập trung trong thời gian dài.
  • Thường mất những thứ cần thiết cho các hoạt động trên trường.
  • Dễ bị phân tâm.
  • Hay quên các hoạt động thường ngày.

Các triệu chứng bốc đồng, hấp tấp

  • Thường xuyên bồn chồn tay chân, bối rối.
  • Thường bỏ đi khỏi vị trí ngồi trong lớp.
  • Thường xuyên chạy hay leo trèo khi hoạt động ở những nơi không cho phép.
  • Khó khăn khi chơi yên lặng.
  • Thường xuyên di chuyển, hoạt động.
  • Thường nói nhiều.
  • Thường không chờ hết câu hỏi mà đã buột miệng trả lời.
  • Khó khăn khi phải đợi đến lượt của mình.
  • Thường xuyên làm xen ngang hoặc gián đoạn vào người khác.

Chẩn đoán tăng động dạng giảm chú ý cần ≥ 6 dấu hiệu và triệu chứng. 

Chẩn đoán tăng động dạng bốc đồng, hấp tấp đòi hỏi ≥ 6 dấu hiệu và triệu chứng. 

Chẩn đoán tăng động loại kết hợp đòi hỏi ≥ 6 dấu hiệu và triệu chứng của mỗi dạng trên.

Các chẩn đoán khác

Việc phân biệt chẩn đoán tăng động với các dạng rối loạn khác khá khó khăn:

Cần tránh lạm dụng chẩn đoán tăng động với những dạng rối loạn khác. Nhiều dấu hiệu tăng động trong những năm đầu đời cũng có thể gợi ý các vấn đề giao tiếp có thể xảy ra trong rối loạn phát triển thần kinh khác (ví dụ: Rối loạn phổ tự kỷ) hoặc trong một số rối loạn học tập, lo lắng, trầm cảm hoặc rối loạn hành vi (ví dụ: Rối loạn cư xử).

Các bác sỹ nên cân nhắc liệu trẻ có bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài (ví dụ: môi trường) hay do các yếu tố bên trong (ví dụ: Trẻ lo lắng, suy nghĩ). Tuy nhiên, sau giai đoạn thơ ấu các biểu hiện tăng động ở trẻ trở nên rõ ràng hơn; trẻ dạng hiếu động/ bốc đồng hoặc kết hợp với kiểu di chuyển liên tục (ví dụ: Vận động không chủ đích, tay không để yên một chỗ), nói chuyện hấp tấp, bốc đồng và dường như thiếu nhận thức về môi trường. Trẻ em mắc tăng động dạng không chú ý có thể không có dấu hiệu về thể chất.

Đánh giá tập trung vào việc xác định các tình trạng có thể điều trị được. Đánh giá bao gồm việc tìm hiểu tiền sử của các phơi nhiễm trước sinh (ví dụ: Ma túy, rượu, thuốc lá), các biến chứng hoặc nhiễm trùng sơ sinh, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, chấn thương sọ não, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, ăn không ngon và/hoặc kén ăn, và tiền sử gia đình có người bị tăng động.

Đánh giá phát triển tập trung vào việc xác định sự khởi phát và quá trình của các triệu chứng và dấu hiệu. Đánh giá này bao gồm kiểm tra các cột mốc phát triển, đặc biệt là các mốc ngôn ngữ và sử dụng các thang đánh giá dành riêng cho ADHD (ví dụ: Thang đo Vanderbilt ADHD, thang điểm Đánh giá Hành vi Toàn diện Conners, thang điểm đánh giá ADHD-V).

Đánh giá giáo dục là tập trung vào việc ghi lại các triệu chứng và dấu hiệu cơ bản vì nó có thể liên quan đến việc giáo dục và sử dụng các loại thang điểm đánh giá. Tuy nhiên, các loại thang điểm đánh giá thường không thể phân biệt được tăng động từ các rối loạn phát triển khác hoặc rối loạn hành vi.

Phương pháp điều trị tăng động hiệu quả

  • Liệu pháp hành vi.
  • Điều trị bằng thuốc, thường bằng các thuốc hướng thần như methylphenidate hoặc dextroamphetamine (tác dụng ngắn và dài).

Một cách ngẫu nhiên, các nghiên cứu bệnh chứng chỉ ra rằng nếu chỉ có liệu pháp hành vi thì hiệu quả sẽ ít hơn khi điều trị kết hợp liệu pháp hành vi và điều trị bằng thuốc đối với trẻ ở độ tuổi đi học, nhưng liệu pháp hành vi hoặc kết hợp thường được áp dụng cho trẻ nhỏ hơn.

Mặc dù việc điều trị bằng thuốc không có ích trong việc giúp điều chỉnh sự khác biệt về bệnh lý thần kinh của bệnh nhân tăng động nhưng thuốc có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng tăng động và cho phép bệnh nhân tham gia vào các hoạt động trước đây không thể tiếp cận được do giảm chú ý và bốc đồng, hấp tấp. 

Điều trị tăng động ở người lớn tuân theo các nguyên tắc tương tự, nhưng lựa chọn thuốc và liều lượng được xác định tùy vào cá nhân và điều kiện y tế.

Thuốc hướng thần

Các chế phẩm muối của methylphenidat hoặc amphetamin được sử dụng rộng rãi. Đáp ứng khác nhau, và liều lượng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và khả năng chịu đựng thuốc của đứa trẻ. Liều được hiệu chỉnh theo số lượng và tần suất cho đến khi bệnh nhân đáp ứng tối ưu.

Methylphenidate thường khởi đầu bằng liều 0,3 mg/kg/ngày (dạng giải phóng tức thời) và tăng tần suất lên theo hàng tuần, thường là khoảng 3 lần mỗi ngày hoặc mỗi 4 giờ. Nếu chưa cho đáp ứng nhưng vẫn được dung nạp, có thể tăng liều. Hầu hết trẻ em có sự cân bằng tối ưu giữa lợi ích và nguy cơ ở liều riêng lẻ từ 0,3 - 0,6 mg/kg.

Dextroamphetamin thường khởi đầu đầu (thường kết hợp với amphetamine) ở liều 0,15 - 0,2 mg/kg/ngày, sau đó có thể tăng lên 2 - 3 lần mỗi ngày hoặc mỗi 4 giờ. Các liều trong khoảng từ 0,15 đến 0,4 mg/kg thường có hiệu quả. Chỉnh liều để cân bằng lợi ích và nguy cơ của thuốc. Liều dextroamphetamine thường bằng khoảng 2/3 so với liều methylphenidate.

Sự thay đổi về liều lượng được điều chỉnh để phù hợp với thời gian và ngày cụ thể (ví dụ, trong giờ học hoặc trong khi làm bài tập ở nhà). Có thể ngừng thuốc vào cuối tuần, vào các ngày lễ, hoặc trong kỳ nghỉ hè. Thời gian dùng giả dược (từ 5 đến 10 ngày khi ở trường để đảm bảo độ tin cậy của các quan sát) được khuyến cáo để xác định liệu thuốc có cần thiết hay không.

Tác dụng phụ thường gặp thuốc hướng thần bao gồm:

  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Trầm cảm.
  • Đau đầu.
  • Đau dạ dày.
  • Giảm sự thèm ăn.
  • Tăng nhịp tim và huyết áp.

Một số người bệnh nhạy cảm với thuốc sẽ xuất hiện sự tập trung quá mức hoặc đôi khi chậm hiểu, nên giảm liều hoặc dùng thuốc khác.

Nhóm thuốc không hướng thần

Atomoxetine, một chất ức chế tái hấp thu chọn lọc norepinephrine, cũng được sử dụng. Thuốc có hiệu quả, nhưng sự hiệu quả của nó không rõ ràng, thường lẫn với các thuốc hướng thần. Nhiều trẻ buồn nôn, an thần, cáu gắt, nóng nảy; hiếm khi xảy ra ngộ độc gan và có ý định tự sát. Liều khởi đầu thông thường là 0,5 mg/kg uống mỗi ngày một lần, được điều chỉnh hàng tuần thành 1,2 đến 1,4 mg/kg mỗi ngày một lần. Thời gian bán thải dài nên thuốc được sử dụng một lần/ngày nhưng phải dùng liên tục mới có hiệu quả. Liều khuyến cáo tối đa là 100 mg mỗi ngày.

Thuốc chống trầm cảm như bupropion, các chất chủ vận alpha-2 như guanfacine, clonidin và các thuốc kích thích thần kinh khác đôi khi được sử dụng khi thuốc hướng thần không có tác dụng hoặc có tác dụng phụ nghiêm trọng, nhưng chúng ít hiệu quả hơn và không được khuyến cáo như một thuốc ưu tiên hàng đầu. Cũng có lúc thuốc này được sử dụng kết hợp với thuốc hướng thần để cho tác dụng hiệp đồng nhung phải theo dõi chặt chẽ các tác dụng phụ của thuốc.

Quản lý hành vi

Tư vấn, bao gồm cả liệu pháp nhận thức-hành vi (ví dụ: Đặt mục tiêu, tự giám sát, làm mẫu, đóng vai) thường hiệu quả và giúp trẻ hiểu chứng tăng động và cách đối phó với nó. Tự sắp xếp và hình thành thói quen là việc rất cần thiết.

Hành vi trong lớp học thường được cải thiện bằng cách kiểm soát tiếng ồn và kích thích thị giác, giáo viên cần giao các bài tập có độ dài thích hợp và gần gũi hơn với trẻ.

Khi ở nhà, cha mẹ nên tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn và được đào tạo về các kỹ năng quản lý hành vi. Để việc quản lý hành vi có hiệu quả cần khuyến khích và thưởng cho trẻ. Trẻ tăng động dạng hiếu động và kiểm soát xung động kém thường cần sự giúp đỡ từ gia đình.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp trẻ hạn chế diễn tiến của tăng động

Chế độ sinh hoạt:

  • Thiết lập thói quen, thời gian biểu cho việc làm bài tập ở nhà (giờ học, nơi học).
  • Hạn chế những kích thích gây xao nhãng trong giờ học (tiếng ồn, TV, điện thoại, những thứ vụn vặt trong tầm với…).
  • Chia nhỏ nhiệm vụ hoặc bài tập để giúp trẻ đỡ bối rối và dễ thực hiện hơn. Giao thời gian hoàn thành cho mỗi nhiệm vụ.
  • Giúp trẻ bắt đầu một nhiệm vụ (VD: Cùng đọc đề bài và làm những mục đầu tiên, sau đó quan sát khi trẻ làm tiếp những mục sau và đưa ra những phản hồi). Giảm dần sự giúp đỡ.
  • Khen ngợi và khen thưởng khi trẻ có nỗ lực và hoàn thành bài tập. Không chỉ trích, giúp đỡ trẻ cùng sửa những lỗi sai nếu mắc phải.
  • Nhắc nhở trẻ làm bài tập và đưa ra khuyến khích, khen thưởng động viên như khi nào con làm xong bài tập thì con có thể được xem tivi.
  • Hãy chỉ học trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó dừng lại. Không ép trẻ học quá quá lâu.
  • Nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc kèm trẻ học, hãy tìm người trợ giúp như: Gia sư, nhờ các anh chị lớn… tùy thuộc vào khả năng, nhu cầu và tuổi của trẻ.
  • Thường xuyên giữ liên lạc với giáo viên để trao đổi những khó khăn và điểm tích cực của trẻ. Trẻ nên được ngồi gần giáo viên nhất để nhận được sự giúp đỡ cần thiết.
  • Khuyến khích tham gia các sinh hoạt theo nhóm hoặc đoàn thể.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ như vitamin, khoáng chất, acid béo thiết yếu.
  • Không sử dụng các thực phẩm có hại như phụ gia thực phẩm, chất tạo màu và chất bảo quản, đường và chất tạo ngọt nhân tạo.

Phương pháp phòng ngừa tăng động 

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Chăm sóc tốt cho người mẹ ngay từ khi mang thai.
  • Tạo lập chế độ ăn uống cho trẻ một cách khoa học.
  • Giúp trẻ sinh hoạt theo lịch trình.
  • Hướng dẫn cha mẹ cách giáo dục hành vi cho trẻ.
  • Rèn luyện cho trẻ kỹ năng tập trung, chú ý từ sớm.
Nguồn tham khảo
  1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/learning-and-developmental-disorders/attention-deficit-hyperactivity-disorder-add,-adhd 
  2. Bệnh viện nhi trung ương: https://benhviennhitrunguong.gov.vn/roi-loan-tang-dong-giam-chu-y-o-tre-em.html

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng Cotard

  2. Động kinh thùy trán

  3. Mất ngủ

  4. Viêm não dạng u hạt do amip

  5. Bệnh Tay-Sachs

  6. Rối loạn nhân cách phân liệt

  7. Rối loạn ý thức

  8. Chán ăn

  9. Bại não trẻ em

  10. Thiểu năng tuần hoàn não