Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chảy máu tĩnh mạch có đặc điểm gì? Cách sơ cứu khi gặp chảy máu tĩnh mạch

Ngày 29/09/2022
Kích thước chữ

Trên cơ thể chúng ta có rất nhiều loại mạch máu, đồng thời lưu lượng và tốc độ chảy của các mạch cũng khác nhau, chính vì vậy, khi bị thương ở các vị trí khác nhau thì đặc điểm chảy máu ở mỗi chỗ cũng khác nhau. Vậy, chảy máu tĩnh mạch có đặc điểm gì? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Vết thương ở các mạch máu là một trong những dạng cấp cứu ngoại khoa, rất nguy hiểm nếu không được sơ cứu kịp thời. Vì vậy, việc nhận biết bản thân đang bị thương mạch máu nào rất quan trọng để có giải pháp can thiệp kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về các vết thương mạch máu, làm rõ chảy máu tĩnh mạch có đặc điểm gì, đồng thời đưa ra cách xử trí khi bạn gặp phải tình trạng này.

Vì sao các vết thương mạch máu lại nguy hiểm?

Vết thương mạch máu là các vết thương do các tai nạn như tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông hoặc tai nạn nghề nghiệp… Vết thương mạch máu nếu không sơ cứu kịp thời hoặc đúng cách có thể dẫn đến sốc nhiễm độc do chuyển hóa yếm khí, nhiễm trùng huyết, hoại thư sinh hơi… từ đó dẫn đến sốc mất máu và tử vong nhanh chóng. Biểu hiện của sốc mất máu do các vết thương mạch máu là: Nạn nhân hốt hoảng, vật vã, mạch nhanh, huyết áp tụt và kẹt.

Chảy máu tĩnh mạch có đặc điểm gì? Cách sơ cứu khi gặp chảy máu tĩnh mạch 1 Vết thương mạch máu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

Có thể nhận biết các chấn thương mạch máu nhờ các dấu hiệu dưới đây:

  • Với các vết thương có máu chảy ra ngoài thì máu có thể chảy mạnh, vọt ra thành tia hoặc chảy rỉ. Nếu vết thương đã được băng, tháo ra nếu máu vẫn chảy dữ dội cũng là dấu hiệu để chẩn đoán tổn thương mạch máu, lúc này cần xác định xem mạch có đập yếu hơn bên lành không, vận động có giảm không để đưa ra kết luận. 
  • Còn với các vết thương không chảy máu ra ngoài, có thể xảy ra 2 trường hợp: Hoặc là vết thương đã ngừng chảy máu, hoặc là xảy ra tụ máu dưới da. Nếu vết thương do ngừng chảy máu, đó là do huyết áp giảm làm cho máu ngừng chảy, nhưng nếu không cầm máu ngay thì khi hồi sức, huyết áp tăng trở lại khiến máu tiếp tục chảy. Mặt khác, nếu xuất hiện khối máu tụ dưới da thì nó sẽ lan rộng, đập theo nhịp tim, ngăn cản máu động mạch đến và máu tĩnh mạch về dẫn đến tím tái, không có mạch, rất đau.

Vết thương mạch máu được chia theo các dạng dưới đây:

  • Nguyên nhân gây ra vết thương: Do vật sắc nhọn, nhiễm trùng do tiêm chích, do đạn hoặc mảnh kim loại…
  • Vị trí của vết thương: Tổn thương vùng cổ, tổn thương mạch máu chủ ngực – chủ bụng, tổn thương mạch máu do gãy xương – xương chèn làm đứt mạch máu…
  • Tính chất vết thương: Vết thương mạch máu đơn thuần, vết thương mạch máu phối hợp…
  • Loại mạch bị thương: Vết thương động mạch, vết thương mao mạch, vết thương tĩnh mạch.

Bài viết dưới đây chỉ giúp bạn tìm hiểu về chấn thương tĩnh mạch.

Chảy máu tĩnh mạch có đặc điểm gì?

Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi các tác nhân làm chúng ta bị thương và chảy máu. Trước khi tiến hành cầm máu, chúng ta cần xác định xem loại mạch máu nào đang bị tổn thương. Đối với chảy máu động mạch, máu có thể chảy liên tục, phụt thành tia và có máu đỏ tươi, nhưng đối với chảy máu tĩnh mạch thì khác. Đối với những tĩnh mạch nhỏ, ngoại vi, máu chảy chậm hơn, đôi lúc chỉ tạo thành các rỉ máu.

Ngược lại, đối với những tĩnh mạch lớn, máu chảy ra nhiều, đều, ồ ạt giống như chảy máu động mạch. Vì vậy, để nhận biết chảy máu tĩnh mạch, bạn cần dựa vào màu sắc của máu. Máu chảy ra khi chảy máu tĩnh mạch có màu đỏ sẫm.

Chảy máu tĩnh mạch có đặc điểm gì? Cách sơ cứu khi gặp chảy máu tĩnh mạch 2 Chảy máu tĩnh mạch có đặc điểm gì không phải ai cũng biết

Cách sơ cứu khi gặp chảy máu tĩnh mạch

Nguyên tắc sơ cứu chảy máu tĩnh mạch

Chấn thương mạch máu nói chung và chảy máu tĩnh mạch nói riêng là những chấn thương vô cùng nghiêm trọng, vì vậy khi sơ cứu cần tuân thủ các nguyên tắc sau để có thể duy trì được chức năng sống cho người bệnh:

  • Sơ cứu chảy máu tĩnh mạch cần nhanh chóng và khẩn trương để ngừng sự chảy máu bởi nếu để lâu thì bệnh nhân sẽ bị sốc mất máu và có thể dẫn tới tử vong.
  • Sơ cứu chảy máu tĩnh mạch cần theo đúng tính chất của vết thương. Tùy theo tính chất chảy máu, kích thước vết thương mà có các cách sơ cứu và cầm máu khác nhau.

Kỹ thuật sơ cứu chảy máu tĩnh mạch

Chảy máu tĩnh mạch có đầy đủ đặc điểm của chấn thương mạch máu, việc sơ cứu kịp thời là rất cần thiết nếu không sẽ để lại hậu quả khôn lường. Vậy sơ cứu chảy máu tĩnh mạch gồm bao nhiêu bước?

Bước 1: Cầm máu

Cần sử dụng ngón tay cái bịt chặt miệng vết thương. Nếu chấn thương ở chi có thể gấp mạnh các đoạn chi lại với nhau (gấp đùi vào sát bụng, gấp cánh tay vào thân mình) để mạch bị gấp lại và bị chèn bởi các khối cơ bao quanh giúp sơ cứu cầm máu. Áp dụng những phương pháp trên cho đến khi không thấy máu vết thương chảy ra nữa.

Bước 2: Làm sạch vết thương

Cần cắt lọc sạch các tổ chức bị dập nát ở phần mềm và loại bỏ sạch sẽ các ngóc ngách của vết thương như cục máu tụ…

Bước 3: Sát trùng vết thương

Cần sử dụng cồn iod, thuốc đỏ hoặc nước muối sinh lý 0,9% để sát trùng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn như vi khuẩn hoại thư, vi khuẩn uốn ván

Bước 4: Băng vết thương

Nếu vết thương nhỏ thì chỉ cần dùng băng dán để cầm máu, còn đối với các vết thương lớn, nghiêm trọng cần đặt miếng bông vào giữa 2 miếng gạc, sau đó đặt vào miệng vết thương rồi sử dụng băng cuộn buộc chặt miệng vết thương lại.

Chảy máu tĩnh mạch có đặc điểm gì? Cách sơ cứu khi gặp chảy máu tĩnh mạch 3 Sơ cứu khi gặp chảy máu tĩnh mạch cần được thực hiện nhanh chóng

Ngoài ra, khi sơ cứu cầm máu chảy máu tĩnh mạch, nếu áp dụng phương pháp cầm máu như trên mà không hiệu quả, người ta thường sử dụng garo – đây là biện pháp cầm máu sử dụng dây cao su hoặc dây vải xoắn cuốn vào một đoạn của chi, tuy nhiên cần lưu ý những đặc điểm sau khi sử dụng garo:

  • Không nên đặt trực tiếp dây garo lên vết thương mà cần cách vết thương từ 2 – 5 cm tùy theo kích thước của vết thương, vết thương càng lớn thì khoảng cách đặt garo càng lớn.
  • Không nên cột garo quá chặt hoặc quá lỏng.
  • Garo phải để lộ ra ngoài, không nên để tay áo hoặc ống quần che lấp garo.
  • Nới garo 1 – 2 phút sau mỗi 60 phút.
  • Cần theo dõi người bệnh trong suốt quá trình đặt garo, không để cho phần chi lành bên dưới trong trạng thái bị thiếu nuôi dưỡng quá lâu. 
  • Nếu mạch ngừng chảy hoặc máu ngừng đập có thể tháo garo.
Chảy máu tĩnh mạch có đặc điểm gì? Cách sơ cứu khi gặp chảy máu tĩnh mạch 4 Có thể sử dụng garo để cầm máu khi chảy máu tĩnh mạch

Bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu chảy máu tĩnh mạch có đặc điểm gì, đồng thời đưa ra các phương hướng xử lý khi bạn gặp tình trạng này. Có thể thấy, chảy máu tĩnh mạch là một loại chấn thương mạch máu nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng; vì vậy, khi gặp các tai nạn trong cuộc sống, bạn cần sơ cứu theo đúng các bước để tránh những rủi ro lớn hơn có thể xảy ra.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin