Long Châu

Uốn ván (Tetanus): Bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, do vi khuẩn thuộc họ Clostridium, tên là Clostridium tetani gây ra. Clostridium tetani không trực tiếp gây ra, mà tác động thông qua việc tiết ra protein có tên là tetanospasmin, ngoại độc tố này của vi khuẩn Clostridium tetani sẽ gây tăng trương lực cơ toàn thân, gây nên những cơn co cứng, co giật và tử vong nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do uốn ván tương đối cao, đặc biệt trẻ sơ sinh do nhiễm trùng khi cắt dây rốn. Để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, chúng ta nên chủ động tìm hiểu triệu chứng uốn ván thường gặp và theo dõi sức khỏe thường xuyên. Tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ ở độ tuổi sinh nở là biện pháp hữu hiệu và quan trọng nhất để phòng bệnh uốn ván cho cả mẹ và con.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Uốn ván là gì? 

Uốn ván là bệnh cấp tính nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao, do ngoại độc tố (Tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí.

Nhiễm khuẩn xảy ra khi bào tử của vi khuẩn uốn ván xâm nhập cơ thể qua thương tổn trên da hoặc vết thương. Độc tố uốn ván do vi khuẩn Clostridium tetani tiết ra có tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây ra triệu chứng co thắt cơ, đau và các vấn đề về hô hấp.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của uốn ván

Thời kỳ ủ bệnh:

Khi có vết thương đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh, thường biểu hiện cứng hàm. Thời kỳ ủ bệnh từ 2 ngày – 2 tháng, đa số các trường hợp xảy ra trong vòng 8 ngày. Thời kỳ ủ bệnh càng ngắn (< 7 ngày) thì bệnh càng nặng và nguy cơ tử vong càng cao.

Thời kỳ khởi phát:

Từ lúc cứng hàm đến khi xuất hiện cơn co giật đầu tiên hoặc cơn co thắt hầu họng – thanh quản đầu tiên, khoảng 1 – 7 ngày. Thời gian khởi phát càng ngắn (< 48 giờ) bệnh càng nặng. Triệu chứng khởi đầu là cứng hàm: Mỏi hàm, nói khó, nuốt vướng, khó nhai, khó há miệng tăng dần và liên tục.

Ngoài ra, người bệnh còn bị co cứng cơ: Mặt, gáy, lưng, bụng, ngực, liên sườn, chi trên, chi dưới.

Thời kỳ toàn phát:

Từ lúc có cơn co giật toàn thân hay cơn co thắt hầu họng/thanh quản đầu tiên đến khi bắt đầu thời kỳ lui bệnh, thường kéo dài từ 1 – 3 tuần. Với các biểu hiện:

  • Co cứng cơ toàn thân liên tục, co cứng tăng lên khi kích thích, người bệnh rất đau.
  • Co thắt thanh quản gây khó thở, ngạt thở dẫn đến ngừng tim, tím tái.
  • Co thắt hầu họng gây khó nuốt, nuốt vướng, dễ bị sặc, ứ đọng đờm.
  • Co thắt các cơ vòng gây bí đại tiện, tiểu tiện.

Rối loạn thần kinh thực vật gặp trong trường hợp nặng với các biểu hiện: Da xanh tái, vã mồ hôi, tăng tiết đờm, sốt cao 39 – 40oC, huyết áp dao động không ổn định, loạn nhịp tim có thể ngừng tim.

Thời kỳ lui bệnh:

Bắt đầu khi các cơn co giật toàn thân hay co thắt hầu họng/ thanh quản thưa dần, tình trạng co cứng toàn thân còn kéo dài nhưng mức độ giảm dần; miệng từ từ há rộng; phản xạ nuốt dần trở lại. Thời kỳ này kéo dài vài tuần đến hàng tháng phụ thuộc mức độ nặng của bệnh.

Trẻ sơ sinh thường khởi phát uốn ván trong 2 tuần đầu sau khi sinh với các dấu hiệu: Trẻ bỏ bú, cứng cơ và các cơn co cứng, thường là uốn ván toàn thân và dễ dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Biến chứng có thể gặp khi mắc uốn ván

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, uốn ván dẫn đến những biến chứng nguy hiểm:

  • Co thắt hầu họng – thanh quản gây khó thở, ngạt thở dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

  • Gãy xương.

  • Động kinh: Khi nhiễm trùng lan đến não, người bị uốn ván có thể gặp phải tình trạng tương tự động kinh.

  • Xuất hiện nhiễm trùng: Viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mở khí quản, viêm nơi tiêm truyền tĩnh mạch, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, viêm xoang,…

  • Thuyên tắc phổi: Mạch máu trong phổi bị tắc nghẽn và ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tuần hoàn. Bệnh nhân cần điều trị bằng thuốc chống đông máu và oxy.

  • Suy thận nặng (suy thận cấp): Co thắt cơ nghiêm trọng dẫn đến phá hủy cơ xương khiến protein bị rò rỉ vào nước tiểu gây suy thận nặng.

  • Ngoài ra, uốn ván có thể dẫn đến “rối loạn thần kinh thực vật”: Rối loạn nghiêm trọng nhịp tim (lúc rất nhanh, lúc rất chậm), huyết áp (lúc tăng cao, lúc hạ thấp), và nhiệt độ cơ thể (tăng cao liên tục 40 – 41oC), dẫn đến tử vong.

  • Nếu có bệnh lý nền tiềm ẩn: Tim mạch, gan, thận, đái tháo đường,...có nguy cơ làm nặng nề thêm tình trạng bệnh lý.

Bệnh uốn ván dễ gây biến chứng nặng trên đối tượng:

  • Trẻ sơ sinh;

  • Phụ nữ mang thai;

  • Người cao tuổi;

  • Người mắc bệnh lý nền: Tiểu đường, huyết áp,…

 Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến uốn ván

Uốn ván là bệnh thần kinh nguy hiểm gây ra bởi độc tố Tetanus exotoxin của vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani, là một trong những chất độc vi khuẩn mạnh nhất được biết đến. Độc tố uốn ván di chuyển từ vết thương có trực khuẩn uốn ván qua máu hoặc bạch huyết vào các trục dây thần kinh ngoại vi, rồi bám vào trung tâm thần kinh. Bệnh nhân co thắt cơ hàm và mặt, sau đó lan sang cánh tay, chân và lưng và chặn khả năng thở,… Khi độc tố uốn ván đã lan rộng, nguy cơ tử vong rất cao.

Uốn ván có thể xuất hiện sau nạo phá thai, phẫu thuật, vết thương xuyên sâu, vết thương dập, bỏng, viêm tai giữa, nhiễm trùng răng miệng,…Uốn ván không lây nhiễm trực tiếp từ người sang người.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải uốn ván

Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và tiết độc tố qua các vết thương hở ngoài da. Chính vì thế, chúng ta cần chủ động vệ sinh vết thương sạch sẽ và không để vết thương hở.

Bệnh uốn ván dễ gặp trên những đối tượng sau:

  • Nông dân hay đi chân đất và làm việc trong môi trường nhiều bùn đất, phân động vật,…

  • Thợ xây dựng tiếp xúc với đất đá, bụi bẩn.

  • Công nhân vệ sinh môi trường tiếp xúc với nước cống rãnh, rác thải,…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải uốn ván

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh uốn ván:

  • Suy giảm hệ miễn dịch, chưa tiêm vaccine phòng uốn ván.

  • Sự xuất hiện của vi khuẩn gây nhiễm bệnh khác.

  • Mô bị tổn thương nhiều.

  • Tình trạng sưng tấy xung quanh vết thương.

  • Nghiêm trọng nhất là trẻ sơ sinh mắc bệnh uốn ván do quá trình cắt dây rốn không đảm bảo yêu cầu vô trùng.

Những vết thương tạo điều kiện thuận lợi mắc bệnh uốn ván:

  • Vết thương hở: Xăm mình, xỏ khuyên, vết tiêm, vết cắn động vật,…

  • Vết thương nhiễm bẩn, nhiều dị vật;

  • Gãy xương hở;

  • Bỏng;

  • Vết thương do phẫu thuật.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán uốn ván

Hiện tại, không có xét nghiệm máu để chẩn đoán uốn ván và không phân lập được vi khuẩn uốn ván ở người. Chẩn đoán uốn ván chủ yếu dựa trên biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng không có nhiều giá trị. Bệnh nhân có dấu hiệu điển hình:

  • Cứng hàm: Tăng dần và tăng lên khi kích thích.

  • Co cứng cơ toàn thân, liên tục và đau.

  • Cơn co giật toàn thân: Xuất hiện trên nền co cứng, cơn co giật tăng lên khi kích thích, bệnh nhân tỉnh táo trong cơn giật.

Phương pháp điều trị uốn ván

Người bị bệnh uốn ván cần được điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Điều trị uốn ván thông thường được xử trí theo phác đồ:

  • Ngăn chặn tạo độc tố uốn ván bằng cách xử lý vết thương: Cắt bỏ triệt để tổ chức hoại tử, loại bỏ nha bào uốn ván. Sử dụng kháng sinh diệt tận gốc tế bào sản sinh độc tố.

  • Trung hòa độc tố uốn ván: Vô hiệu hóa độc tố lưu hành trong máu và độc tố ở vết thương nhằm giảm tỷ lệ tử vong, kịp thời dùng globulin miễn dịch uốn ván. Tốt nhất là nên tiêm kháng độc tố uốn ván trước khi điều trị vết thương.

  • Kiểm soát co giật và co cứng cơ: Để người bệnh nơi yên tĩnh, kiểm soát ánh sáng, tiếng ồn và tránh kích thích gây co giật. Dùng thuốc khống chế cơn giật, không ức chế hô hấp và tuần hoàn.

  • Điều trị hồi sức tích cực và các biện pháp hỗ trợ khác: Hồi sức hô hấp, mở khí quản, bù nước và điện giải, tăng cường dinh dưỡng bằng truyền dịch hoặc cho ăn qua ống thông vào dạ dày, đề phòng cứng cơ, dùng chất kháng đông đề phòng tắc mạch phổi. Theo dõi chức năng thận, bàng quang và ruột, phòng chống chảy máu và loét đường tiêu hóa.

  • Dùng vắc xin gây miễn dịch chủ động: Tất cả bệnh nhân phải được tiêm vaccine sau khi phục hồi.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của uốn ván

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.

  • Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ và thường xuyên.

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.

  • Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất đinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa uốn ván

  • Tiêm phòng vaccine uốn ván đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y Tế.

  • Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường thường xuyên.

  • Nâng cao thể trạng, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng.

  • Vì mức độ nguy hiểm của bệnh uốn ván, phụ nữ mang thai cần tiêm vaccine theo đúng lịch của trung tâm y tế, dựa trên giai đoạn mang thai của mình.

  • Dùng globulin miễn dịch uốn ván khi có vết thương sâu, nhiễm bẩn, nhiều dị vật, có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng.

  • Sơ cứu vết thương đúng cách: Khi có vết thương cần rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương, không để vết thương bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm. Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn,…cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó đến bệnh viện khám và điều trị đề phòng uốn ván. Giữ vệ sinh vết thương sạch sẽ tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử,…

  • Trong cuộc sống sinh hoạt và lao động hàng ngày, cần cẩn thận tránh những tai nạn vì có thể gây ra các tổn thương sâu, bẩn, kín.

Nguồn tham khảo

https://www.msdmanuals.com/

https://www.mayoclinic.org/

https://vncdc.gov.vn/benh-uon-van-nd14517.html

https://www.cdc.gov/tetanus/index.html

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh dại

  2. Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

  3. Lao hệ tiết niệu-sinh dục

  4. Nhiễm Shigella

  5. Sốt rét

  6. Giun sán

  7. Nhiễm giun tóc

  8. Nhiễm Herpes simplex

  9. Sán dây lợn

  10. Giang mai