Theo một số nghiên cứu, chỉ số Progesterone có thể có một số ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của người mẹ trong một số giai đoạn cụ thể của chu trình thụ tinh ống nghiệm và mang thai.
Progesterone là gì?
Progesterone là một hormone nội tiết tố được tiết ra chủ yếu ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt, là một trong những loại hormone giúp kích thích và điều hòa các chức năng của cơ thể, chủ yếu là chức năng sinh sản. Progesterone được sản xuất chủ yếu từ buồng trứng, ngoài ra còn có ở nhau thai (khi trong giai đoạn mang thai) và tuyến thượng thận. Progesterone giữ vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và duy trì thai kỳ ở nữ giới.
Progesterone là một hormone nội tiết tố nữ
Progesterone được liệt kê vào nhóm các hormone steroid, gọi là progestogen. Đây cũng là một chất chuyển hoá trung gian rất quan trọng trong quá trình sản xuất steroid nội sinh khác, trong đó bao gồm hormone giới tính và các steroid tự nhiên. Progesterone đóng trò như một neurosteroid trong các hoạt động của não.
Hàm lượng Progesterone
Nồng độ của Progesterone thay đổi liên tục trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, chúng sẽ cao nhất trước 7 ngày hành kinh và nồng độ sẽ cao hơn ở phụ nữ mang thai.
Trong giai đoạn nang noãn (trước khi rụng trứng), nồng độ Progesterone sẽ ở mức thấp (0,2 - 1,5ng/ml). Sau khi nồng độ hormone LH (hormone tạo hoàng thể) tăng cao, đạt đỉnh điểm sẽ dẫn đến hiện tượng rụng trứng, các tế bào hạt trong nang noãn sẽ vỡ ra, từ đó sản xuất ra progesterone dưới tác dụng của LH.
Trong giai đoạn hoàng thể (sau khi rụng trứng), nồng độ Progesterone sẽ tăng nhanh và đạt đỉnh 10 - 20ng/ml trong khoảng 5 - 7 ngày sau khi rụng trứng.
Nếu trứng không được thụ tinh, không thụ thai, nồng độ Progesterone sẽ giảm trong 4 ngày cuối của chu kỳ do thể vàng dần bị thoái hoá.
Nếu trứng được thụ tinh, thể vàng sẽ giữ nồng độ Progesterone luôn ở mức cao. Sau đó, nhau thai sẽ tiết Progesterone để giúp nồng độ Progesterone tăng từ 10 - 50 ng/ml (trong 3 tháng đầu của thai kỳ) đến 50 - 280 ng/ml (trong 3 tháng cuối thai kỳ).
Trước ngày hành kinh bảy ngày là thời điểm Progesterone cao nhất
Chỉ số Progesterone trong IVF
Các nghiên cứu cho thấy rằng, sự phát triển chậm của phôi có thể làm giảm tỷ lệ có thai, đây cũng là một trong những yếu tố cho sự giảm chất lượng phôi hoặc khả năng dị bội. Chúng dẫn đến phôi và nội mạc tử cung không đồng bộ, từ đó làm giảm khả năng làm tổ của phôi.
Sự tăng chỉ số p4 trong IVF (thụ tinh ống nghiệm) sớm sẽ làm giảm tỷ lệ thành công ở các chu kỳ hỗ trợ sinh sản sử dụng noãn tự thân, có thể do có sự không đồng bộ giữa phôi và nội mạc tử cung.
Một nghiên cứu từ 4120 bệnh nhân được chuyển phôi ngày 5 và 230 bệnh nhân chuyển phôi ngày 6, sử dụng noãn tự thân, từ năm 2011 đến năm 2014 cho kết quả như sau:
-
Bệnh nhân được chuyển phôi vào ngày 6 có ít phôi tốt hơn dù tỷ lệ phôi nang được chuyển vào là tương đương giữa 2 nhóm (p bằng 0.92).
-
Tỷ lệ thành công ở nhóm chuyển phôi ngày 6 thấp hơn nhóm được chuyển phôi vào ngày 5 (p bằng 0.01).
-
Số liệu cho thấy chỉ số Progesterone cao hơn 1.5 ng/ml vào ngày noãn trưởng thành có tác động rõ rệt ở nhóm chuyển phôi ngày 6 so với phôi vào ngày 5 (p thấp hơn 0.001).
-
Tỷ lệ thành công ở nhóm chuyển phôi ngày 6 chỉ thấp hơn 8% so với phôi vào ngày 5 ở nhóm có chỉ số Progesterone bình thường nhưng sự chênh lệch này tăng lên 17% khi chỉ số Progesterone cao hơn 1.5 ng/ml.
Chỉ số Progesterone có mối quan hệ mật thiết tới sự thành công của quá trình IVF
Theo những số liệu trên cho thấy mối tương quan giữa chỉ số Progesterone và ngày chuyển phôi trong IVF được chứng minh là có ý nghĩa, cho thấy chỉ số Progesterone có tác động rõ rệt lên việc chuyển phôi vào ngày 6 của chu kỳ. Trong các chu kỳ chọc hút trứng có chỉ số Progesterone cao, phôi sau đó được trữ lạnh và chuyển phôi trữ không cho thấy sự khác biệt giữa nhóm ngày 5 và ngày 6.
Ngoài ra, nghiên cứu này đã chỉ ra được sự không đồng bộ giữa phôi và nội mạc tử cung khi phôi phát triển chậm có thể là nguyên nhân kết hợp dẫn tới giảm tỷ lệ thành công của quá trình IVF. Ngoài ra, sự tăng chỉ số progesterone trong IVF sớm còn là một nhân tố tiên đoán cho sự giảm tỷ lệ thành công ở bệnh nhân được chuyển phôi ngày 6.
Chỉ số Progesterone trong IVF được theo dõi sát sao, nhất là khi bệnh nhân được kích thích. Nếu nồng độ của hormone này trở nên quá cao trước khi kích trứng, bác sĩ có thể đề nghị đông lạnh tất cả các phôi của bệnh nhân và lưu lại cho một chu kỳ IVF khác.
Việc đưa ra quyết định đóng băng phôi vì chỉ số Progesterone tăng sớm chỉ có thể được đưa ra vào gần cuối chu kỳ IVF. Bác sĩ sẽ theo dõi mức độ Progesterone chặt chẽ. Nếu nhận thấy sự gia tăng sớm, họ sẽ quyết định phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân.
Như Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp