Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Có nên cho trẻ ngậm núm giả không?

Ngày 23/09/2022
Kích thước chữ

Núm giả hay ti giả là sản phẩm được làm từ chất liệu cao su hoặc silicon an toàn cho trẻ. Núm giả được nhiều bố mẹ lựa chọn cho bé yêu ngậm. Vậy có nên cho trẻ ngậm núm giả? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé.

Núm giả là vật được thiết kế như núm vú của mẹ, với chất liệu cao su mềm hoặc silicone. Hình dáng tiêu chuẩn của núm giả bao gồm núm vú, lá chắn miệng và tay cầm ngăm trẻ nuốt phải. Núm giả rất hữu dụng ngăn trẻ quấy khóc khi không được ngậm ti mẹ.

Hẳn nhiều mẹ thắc mắc rằng có nên cho trẻ ngậm núm giả? Tuy có ưu điểm tránh cho trẻ hình thành thói quen ngậm ngón tay, núm giả cũng mang lại một số nhược điểm như tăng nguy cơ mắc một số bệnh hoặc hình thành thói quen xấu ở trẻ. Vì vậy, tùy vào từng giai đoạn của trẻ và nhu cầu mà cha mẹ có thể cân nhắc cho trẻ sử dụng núm vú giả.

Có nên cho trẻ ngậm núm giả không?

Ưu điểm của núm giả

Núm vú giả được làm bằng chất liệu nhựa mềm tạo cảm giác giống ti mẹ. Cho trẻ ngậm núm giả giúp giảm bớt thời gian ngậm ti mẹ ngoài thời gian bú sữa. Đặc biệt hữu ích ở trẻ có thói quen ngậm ti mẹ để ngủ, để chơi mà không có nhu cầu bú sữa.

Ngậm núm vú cũng giúp trẻ đi vào giấc ngủ dễ hơn, ngủ ngon và sâu hơn. Ngoài ra, nhiều bé không thể tự đi ngủ nếu không ngậm ti mẹ hoặc được mẹ ru ngủ nên nhiều mẹ lựa chọn cho bé ngậm núm giả để tập cho bé tự ngủ.

Mặt khác, khi bé đang quấy khóc đòi ăn mà chưa thể cho bé ăn ngay thì núm giả là công cụ vô cùng hữu ích. Núm vú giả sẽ làm giảm cơn đói của trẻ, giúp trẻ bớt quấy khóc. Tương tự, đôi khi trẻ quấy khóc do cảm thấy khó chịu, lo lắng thì núm giả thay ti mẹ cũng giúp trẻ bình tĩnh hơn, trấn an trẻ.

Ngoài ra, nghiên cứu đã ghi nhận trẻ ngậm núm vú giả khi ngủ giúp giảm triệu chứng bệnh SIDS hay hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh. Khi ngậm ti giả thì trẻ sẽ không ngủ ở tư thế úp mặt xuống, gây khó thở cho trẻ. Thay vào đó, trẻ sẽ cần xoay sang ngang hoặc nằm ngủ ở tư thế ngửa.

Có nên cho trẻ ngậm núm giả không? 1 Ngậm núm vú giúp trẻ ngủ ngon hơn

Rủi ro bé gặp khi ngậm núm giả

Ngoài các lợi ích mang lại, núm giả có thể tăng nguy cơ mắc một số bệnh cũng như thay đổi thói quen sinh hoạt của trẻ.

Tăng nguy cơ mắc bệnh

Đầu tiên, núm giả làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý về răng miệng. Nếu bé ngậm núm giả trong thời gian dài liên tục, răng cửa của bé sẽ có nguy cơ bị đẩy lệch, mọc xiên. Điều này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới cấu trúc của cả hàm trên, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của hàm răng. Từ đó, khi trưởng thành bé có thể xuất hiện vẩu răng cửa và lệch khớp cắn khiến hàm răng khép không khít.

Đồng thời, vú giả làm giảm khả năng tiết nước bọt, khiến khoang miệng của trẻ dễ bị khô, đồng thời hình thành nhiều cao răng và mảng bám hơn, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu núm vú giả không được vệ sinh thường xuyên mà được trẻ ngậm lâu thay cho ti mẹ, bé sẽ dễ mắc phải các bệnh về răng miệng, hầu họng như viêm họng, viêm chân răng, viêm tai giữa…

Hình thành thói quen xấu

Thứ hai, núm giả có thể thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Sử dụng núm giả lâu ngày sẽ khiến trẻ khó phân biệt giữa ti mẹ và núm giả, ảnh hưởng tới quá trình bú sữa mẹ.

Mặc dù, vú giả tham gia giúp bé hình thành các thói quen tự ngủ nhưng nếu phụ huynh không kiểm soát thời gian ngậm của bé thì bé có thể phụ thuộc vào việc ngậm núm vú giả. Từ đó, bé sẽ cần giai đoạn cai núm vú và điều này không hề dễ dàng với trẻ. Nếu không có núm vú thì trẻ sẽ không chịu ngủ, hay quấy khóc, khó chịu.

Có nên cho trẻ ngậm núm giả không? 2 Tiềm ẩn nguy cơ vậy có nên cho trẻ ngậm núm giả?

Lưu ý khi cho trẻ ngậm núm giả

Theo khuyến cáo chung thì phụ huynh không nên để trẻ sử dụng núm giả thay ti mẹ, đặc biệt là trẻ sơ sinh từ 3 - 4 tuần tuổi. Với trẻ trong giai đoạn bú sữa, trẻ không nên sử dụng núm ti giả cho tới khi sữa mẹ về đầy đủ, thường trong khoảng 6 đến 8 tuần. Sử dụng núm giả có thể gia tăng rủi ro cho trẻ, khiến trẻ dễ mắc một số bệnh lý cũng như hình thành một số thói quen không tốt. Ngoài ra, quá trình cai núm giả cho trẻ cũng không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, nhiều ông bố bà mẹ vẫn quyết định cho trẻ sử dụng núm giả do ưu điểm về độ tiện lợi, giúp trẻ bớt quấy khóc, đi vào giấc ngủ dễ hơn.

Khi lựa chọn núm giả cho con, cần lựa chọn kích thước phù hợp và giống với núm vú của mẹ, giúp trẻ dễ ngậm mà không ảnh hưởng tới việc bú sữa. Không nên chọn ti giả có kích thước quá to sẽ làm trẻ khó sử dụng. Ngược lại, tránh chọn núm có kích thước quá nhỏ sẽ gây hiện tượng chướng bụng ở trẻ do nuốt phải nhiều khí dư.

Vì vậy, nếu cho trẻ sử dụng núm vú giả, bố mẹ cần chú ý kiểm soát thời gian dùng, tránh để bé dùng trong thời gian dài. Đồng thời cần đảm bảo trẻ ngậm đúng cách. Vệ sinh núm giả thường xuyên bằng cách rửa bằng nước ấm. Ngay khi ti giả có dấu hiệu hỏng hóc như nứt đầu ngậm hay xuất hiện những vết bẩn khó kì cọ thì cần thay cái mới cho trẻ.

Có nên cho trẻ ngậm núm giả không? 3 Cần vệ sinh sạch sẽ núm giả của bế thường xuyên

Tuyệt đối không làm sạch ti giả bằng cách ngậm vào mồm. Vì nước bọt của người lớn chứa nhiều loại vi khuẩn, mầm bệnh mà sức đề kháng của trẻ chưa đủ để chống đỡ. Điều đó sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu chân răng ở trẻ.

Mặt khác, phụ huynh hãy để con tự chọn xem có muốn dùng ti giả hay không? Tránh đưa trực tiếp núm giả vào miệng trẻ. Nếu con tỏ dấu hiệu không thích, mẹ có thể thử lần khác hoặc tìm cách khác để dỗ dành bé.

Biện pháp thay thế núm giả

Ngoài cách cho trẻ ngậm núm giả, bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp như:

  • Thay vì để trẻ ngậm núm vú giả, bạn có thể vỗ về trẻ nhẹ nhàng, hát ru cho trẻ… giúp trẻ dễ vào giấc ngủ hơn. Đặc biệt, khi phụ huynh hiểu được tính cách của trẻ sẽ tìm được những biện pháp hiệu quả hơn so với cho trẻ sử dụng núm vú giả.
  • Hạn chế thời gian ngậm ti giả của trẻ. Tốt nhất chỉ nên cho trẻ ngậm ti giả giữa bữa ăn khi chắc chắn trẻ không đói.
  • Khi con quấy khóc, bố mẹ nên ưu tiên dỗ con bằng các cách khác, như vỗ về, âu yếm, ẵm bé nhẹ nhàng…
  • Khi bé đang mắc các bệnh như sâu răng, viêm nướu, viêm tai giữa… thì không nên cho con ngậm ti giả.
Có nên cho trẻ ngậm núm giả không? 4 Vỗ về nhẹ nhàng là cách hiệu quả giúp bé dễ ngủ

Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về câu hỏi “Có nên cho trẻ ngậm núm giả không”. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Tuy đam lại một số lợi ích như giúp trẻ dễ vào giấc ngủ hơn hay để trẻ bớt quấy khóc khi chưa được bú sữa. Ngược lại, cách này cũng có một số rủi ro như khiến trẻ dễ mắc một số bệnh hay hình thành thói quen ngậm núm vú. Ba mẹ cần cân nhắc ưu điểm và nhược điểm để quyết định có sử dụng núm giả cho trẻ.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm