Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cườm nước - Căn bệnh nguy hiểm và cách điều trị

Ngày 18/03/2022
Kích thước chữ

Căn bệnh này có thể xảy ra với bất kỳ ai đặc biệt là người lớn tuổi. Thực tế có một căn bệnh cũng rất nguy hiểm gây nên mất thị giác là cườm khô, nhưng hai bệnh này điều trị theo hai cách khác nhau. Do đó bạn cần phân biệt các triệu chứng giữa hai bệnh này trước tiên.

Bệnh cườm nước có thể âm thầm cướp đi thị lực của bạn nếu không được điều trị kịp thời. Cườm nước (Glaucoma) hay còn có một tên gọi khác là “thiên đầu thống” được coi là một trong những căn bệnh hàng đầu dẫn đến mù lòa. Để ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này, bạn cần có hiểu biết cơ bản về nó cũng như dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách điều trị.

Tìm hiểu về bệnh cườm nước và bệnh cườm khô

Sự khác nhau cơ bản giữa hai bệnh trên cụ thể là bệnh cườm khô xuất hiện khi thủy tinh thể bước vào giai đoạn thoái hóa tự nhiên, đó là lý do người cao tuổi thường mắc phải căn bệnh này. Hình ảnh mà bệnh nhân nhìn thấy dần mờ đi do protein trong thủy tinh thể không hoạt động như ý muốn.

Còn bệnh cườm nước xảy ra khi người bệnh mắc phải tình trạng tăng nhãn áp. Mắt bình thường có dạng hình cầu, bên trong chứa một loại nước gọi là thủy dịch, lưu thông xuyên suốt để nuôi dưỡng nhiều bộ phận của mắt. Thủy dịch phải ở trạng thái cân bằng nghĩa là chất lỏng được sản sinh và phải thoát ra ngoài thông qua các lỗ nhỏ ở phía trước của mắt. Khi các lỗ này bị thu hẹp hoặc bị tắc, chất lỏng sẽ tích tụ dẫn đến tăng áp lực trong mắt (bệnh tăng nhãn áp) và làm tổn thương thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa.

Bệnh tăng nhãn áp thường gặp ở những người trên 40 tuổi hay căng thẳng. Bệnh có yếu tố di truyền do đó nếu trong gia đình có người mắc bệnh này thì thế hệ sau có nguy cơ mắc phải. Bệnh không có dấu hiệu nhiễm trùng nên rất dễ nhầm với lão thị. Khi phát hiện muộn người bệnh có thể bị tổn thương thần kinh thị giác nặng không thể phục hồi được.

Cườm nước căn bệnh nguy hiểm và cách điều trị 1 Bệnh cườm nước hay Glaucoma làm tổn thương thị giác có thể gây mất thị giác vĩnh viễn

Dấu hiệu nhận biết bệnh cườm nước

Trên thực tế, bệnh cườm nước là một nhóm bệnh. Điểm chung của chúng là bị tăng nhãn áp gây tổn thương thần kinh thị giác không thể hồi phục. Nó gồm nhiều thể bệnh khác nhau, mỗi dạng bệnh có thể có nhiều giai đoạn khác nhau và có triệu chứng khác nhau như sau:

Theo diễn biến của bệnh

Theo mức độ tiến triển của bệnh mà được chia làm 2 loại là cấp tính (diễn tiến nhanh) và mạn tính (diễn tiến chậm, âm thầm).

Ở thể cấp tính, người bệnh bị đau mắt, nhức nửa đầu có khi rất dữ dội, có thể nôn mửa, suy giảm thị lực (nhìn mờ), mắt đỏ, cảm giác căng cứng mắt, đồng tử giãn nở.

Thể tiến triển chậm, thầm lặng thì khó để phát hiện, thường người bệnh chỉ cảm thấy hơi chóng mặt, mỏi mắt, đôi khi có cảm giác mờ. Cả trường hợp cấp tính và mãn tính người bệnh đều bị tổn thương dây thần kinh thị giác nên việc phát hiện bệnh sớm là vô cùng quan trọng. Để phát hiện bệnh cườm nước ở giai đoạn đầu, nếu thấy triệu chứng mắt mờ, đau nhức, người bệnh không nên tự dùng thuốc mà cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ xét nghiệm và điều trị bệnh phù hợp. Những người trên 40 tuổi (đặc biệt là phụ nữ), người thường xuyên làm việc với máy tính, người hay căng thẳng nên khám mắt định kỳ 6 tháng/ lần.

Theo nguyên nhân của bệnh

Nguyên nhân nguyên phát: Bệnh xảy ra ở mắt và chưa xác định được nguồn gốc.

Nguyên nhân thứ phát: Là hậu quả của các bệnh về mắt khác như cườm khô (đục thuỷ tinh thể), tiểu đường, do chấn thương hay sau phẫu thuật mắt,...

Nguyên nhân bẩm sinh: Do di truyền xuất hiện từ khi mới sinh.

Cườm nước căn bệnh nguy hiểm và cách điều trị 2 Triệu chứng phổ biến của bệnh cườm nước là suy giảm thị lực (mờ mắt)

Các phương pháp điều trị bệnh cườm nước

Mục tiêu điều trị bệnh cườm nước là ngăn tổn thương dây thần kinh thị giác và giảm nhãn áp bằng cách tăng thoát thuỷ dịch khỏi nhãn cầu để áp suất trong mắt được cân bằng. Sử dụng thuốc uống, thuốc nhỏ mắt hay việc phẫu thuật chỉ thực hiện khi sử dụng thuốc không có hiệu quả và thường áp dụng cho bệnh cườm nước cấp tính. Với bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường người bệnh phải cung cấp thông tin cho bác sĩ để điều trị kết hợp.

Đối với thuốc uống và thuốc nhỏ mắt mục tiêu là giảm áp suất trong mắt, tăng lưu thông thuỷ dịch. Tuy nhiên thuốc uống có thể có tác dụng phụ nên người bệnh cần chú ý.

Phương pháp phẫu thuật dùng để sửa chữa tình trạng tắc nghẽn khiến thuỷ dịch không thể thoát ra.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh cườm nước

Các biện pháp phòng phòng ngừa bệnh cườm nước như sau:

  • Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là khám mắt định kỳ để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị. 
  • Đối với gia đình có di truyền bệnh glaucoma, mọi người trong gia đình nên được khám sàng lọc bệnh.
  • Khi tiếp xúc với máy tính liên tục nên có thời gian cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn giảm áp lực cho mắt.
  • Đối với người mắc bệnh về mắt thể nhẹ nên sử dụng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ tránh tiến triển thành các bệnh nguy hiểm.
  • Đeo kính bảo hộ, kính râm để bảo vệ mắt khi đi ra ngoài.
Cườm nước căn bệnh nguy hiểm và cách điều trị 3 Sử dụng thuốc nhỏ mắt là cách điều trị tốt nhất khi bệnh nhẹ và an toàn

Bệnh cườm nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào về mắt nên đi kiểm tra để can thiệp điều trị kịp thời. Vì biểu hiện đa dạng, nên chẩn đoán glaucoma vẫn còn nhiều khó khăn, một khi bệnh trở nặng thì không thể lấy lại thị lực. Vì vậy người bệnh không được chủ quan và cần điều trị kéo dài để ngăn ngừa hậu quả.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin