Các loại tật khúc xạ ở mắt: Nguyên nhân và tiêu chuẩn đánh giá
Thùy Linh
07/03/2025
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tật khúc xạ là một nhóm bệnh lý về thị giác phổ biến, gây suy giảm thị lực và ảnh hưởng đến tầm nhìn của người bệnh. Không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, chứng tật khúc xạ ở mắt cũng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thêm về chứng tật khúc xạ cũng như những nguyên nhân gây ra nó nhé!
Hiện nay tại Việt Nam có gần 3 triệu trẻ em mắc phải tật khúc xạ, trong đó có khoảng ⅔ trường hợp trẻ mắc chứng cận thị. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thời đại công nghệ, trẻ em dễ dàng tiếp cận các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính,... Những vấn đề như áp lực học tập cũng khiến tỷ lệ trẻ mắc chứng tật khúc xạ ở mắt tăng nhanh. Để giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về chứng bệnh này, hãy cùng tìm hiểu thêm về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa tật khúc xạ mắt tại nhà qua bài viết sau đây nhé!
Tật khúc xạ là gì?
Tật khúc xạ ở mắt, tên tiếng Anh là Refractive Error, là tình trạng rối loạn thị giác khi ánh sáng truyền từ vật không đi chính xác đến võng mạc. Điều này khiến cho hình ảnh mắt nhận được bị mờ, khiến người bệnh không nhìn rõ được vật thể xung quanh. Có 4 loại tật khúc xạ phổ biến nhất:
Cận thị: Tình trạng ảnh hội tụ trước võng mạc.
Loạn thị: Tình trạng hình ảnh của vật là một đoạn thẳng có thể ở trước, sau hoặc ở nửa trước - nửa sau võng mạc thay vì là một điểm.
Viễn thị: Tình trạng ảnh hội tụ sau võng mạc.
Lão thị: Tình trạng tật ở mắt do sự lão hóa của cơ thể, thường thấy ở người trên 40 tuổi.
Tật khúc xạ ở mắt là một bệnh lý có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
Tật khúc xạ ở mắt là một bệnh lý khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Chứng bệnh này thường thấy nhất ở sinh viên, học sinh, người làm văn phòng và người phải tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử. Vào năm 2020, Bộ Y tế đã chỉ ra rằng tình trạng tật khúc xạ đang dần trở nên phổ biến ở các đối tượng thanh thiếu niên. Tỷ lệ mắc tật khúc xạ đối với học sinh nông thôn là từ 15-20%, đối với học sinh thành phố là 30-40%. Tỷ lệ mắc tật khúc xạ đối với nhóm trẻ em từ 6-15 tuổi nói riêng trên cả nước khoảng 20%, tương đương với việc gần 3 triệu trẻ em trên cả nước mắc chứng tật khúc xạ ở mắt.
Các loại tật khúc xạ ở mắt
Dưới đây là một số tật khúc xạ ở mắt thường gặp:
Cận thị - tật khúc xạ phổ biến
Cận thị là trạng thái của mắt mà một người có thể nhìn thấy rõ ràng các sự vật ở gần nhưng lại khó có thể nhìn thấy các vật ở xa. Tật cận thị xảy ra khi mắt hoàn toàn không thể tập trung các tia sáng trên phần thấy của võng mạc.
Viễn thị
Viễn thị là tình trạng mà một người có thể nhìn thấy ở xa nhưng thị lực gần lại kém. Cũng như những tật khúc xạ khác, viễn thị cũng xảy ra khi mắt không thể tập trung được tia sáng một cách chính xác lên võng mạc.
Loạn thị
Loạn thị là tình trạng giác mạc bị cong bất thường làm cho thị lực móp méo. Giác mạc con người bình thường có hình dạng giống như hình cầu nhưng đối với người bị loạn thị giác, giác mạc sẽ có hình oval, gây ra nhiều vấn đề trong việc tập trung ánh sáng đi vào trong mắt. Loạn thị là tật khúc xạ phổ biến và hay xảy ra cùng với tật cận thị hoặc viễn thị.
Loạn thị là tật khúc xạ phổ biến và hay xảy ra cùng với tật cận thị hoặc viễn thị
Lão thị
Lão thị là tình trạng mắt nhìn thấy rõ sự vật ở phía xa nhưng gặp khó khăn khi nhìn ở gần. Đây là tật khúc xạ có triệu chứng giống với viễn thị nhưng nguyên nhân chính là do lão hóa ở mắt, đục thủy tinh thể.
Song thị
Song thị là trạng thái nhìn thấy được hai hình ảnh của vật thay vì một. Song thị thường chỉ ảnh hưởng ở một bên mắt, khi che mắt mắc tật đi, mắt kia vẫn có thể nhìn bình thường.
Nhược thị
Nhược thị là tình trạng thị lực kém ở một bên hay cả hai bên mắt. Nhược thị thường xảy ra do một sự trở ngại nào đó trong quá trình phát triển thị lực.
Nguyên nhân tật khúc xạ ở mắt
Vậy nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ ở mắt là gì? Có 2 nguyên nhân chính gây ra tật khúc xạ ở mắt, bao gồm yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Trong đó, di truyền là trường hợp hiếm thấy hơn. Những gia đình có cả cha và mẹ mắc chứng tật khúc xạ ở mắt thì khả năng cao là con cái cũng sẽ mắc chứng bệnh này. Mặt khác, yếu tố môi trường là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình hình thành chứng tật khúc xạ. Những trường hợp mắc tật khúc xạ hiện nay thường có nhiều thói quen sinh hoạt không hợp lý giống nhau, chẳng hạn như: Đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, ngồi sai tư thế, lạm dụng thiết bị điện tử,...
Lạm dụng thiết bị điện tử là một trong những nguyên nhân gây ra tật khúc xạ ở mắt
Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến tật khúc xạ như: Thủy tinh thể bị lão hóa, chấn thương mắt, mắt tiếp xúc trực tiếp với nguồn ánh sáng mạnh quá lâu (tia lửa hàn, ánh nắng mặt trời,...), vệ sinh mắt không đúng cách,...
Tiêu chuẩn chẩn đoán tật khúc xạ ở mắt
Người ta dựa vào đâu để chẩn đoán chứng tật khúc xạ ở mắt cũng như phân loại các trường hợp tật khúc xạ khác nhau? Để trả lời câu hỏi trên, hãy cùng tìm hiểu về các tiêu chuẩn chẩn đoán tật khúc xạ ở mắt như sau:
Kiểm tra mắt
Tại những cơ sở y tế điều trị bệnh nhãn khoa, quy trình khám khúc xạ mắt sẽ được thực hiện với bảng thị lực và máy khúc xạ tự động. Bác sĩ sẽ cho người bệnh nhìn vào bảng thị lực ở một khoảng cách thích hợp (thường là 5m) và chỉ vào các chữ số, ký tự trên bảng, yêu cầu người bệnh đọc các chữ số và ký tự đó để kiểm tra khả năng nhìn. Nếu thị lực nằm ở mức 20/80, người bệnh sẽ được thử đeo kính lỗ. Người bệnh sẽ báo lại với bác sĩ rằng mình nhìn rõ hay mờ, có bị đau mắt hay chóng mặt không khi đeo thử từng loại kính lỗ. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để tư vấn loại kính mắt có độ khúc xạ phù hợp nhất với người bệnh.
Quy trình khám khúc xạ mắt sẽ được thực hiện với bảng thị lực
Kiểm tra khúc xạ
Để kiểm tra xem mắt có bị tật khúc xạ hay không, bác sĩ sẽ sử dụng máy đo khúc xạ tự động. Khi kết thúc quá trình đo trên máy, người bệnh sẽ nhận được phiếu kết quả thị lực, bác sĩ sẽ giải thích và phân tích về tình trạng mắt dựa trên các chỉ số trên phiếu. Phiếu kết quả kiểm tra thị lực bao gồm các số liệu như sau:
R/OD (Oculus Dexter): Ký hiệu mắt phải.
L/OS (Oculus Sinister): Ký hiệu mắt trái.
SPH (Sphere): Độ cầu của mắt, dấu (-) nghĩa là mắt bị cận thị, dấu (+) nghĩa là mắt bị viễn thị.
CYL (Cylinder): Độ trụ của mắt, dùng để cho biết độ loạn của mắt. Dấu (-) thể hiện độ cận loạn của mắt, dấu (+) cho biết độ viễn loạn.
AX (Axis): Chỉ xuất hiện khi mắt bị loạn, trục của độ loạn.
ADD: Chỉ xuất hiện khi mắt bị lão thị, độ tăng thêm giữa độ nhìn xa và nhìn gần.
Diopters: Đơn vị đo lường sử dụng để xác định công suất quang học của kình.
PD: Tổng 2 khoảng cách tính từ sống mũi đến đồng tử mỗi mắt, sử dụng đơn vị mm.
Ví dụ, nếu phiếu kết quả đo khúc xạ ghi: OD: -2,00D, OS: +2D thì có nghĩa là mắt phải người bệnh cận 2 độ, mắt trái viễn 2 độ.
Các bài kiểm tra khác
Ngoài 2 phương pháp kiểm tra trên, bác sĩ cũng có thể đánh giá tình trạng khúc xạ mắt bằng cách soi bóng đồng tử ở bệnh nhân không có khả năng phản hồi như trẻ nhỏ hay người khuyết tật về nhận thức, thể chất. Bác sĩ sẽ sử dụng kính hiển vi để chiếu ánh sáng vào mắt bệnh nhân. Dựa vào các ống kính khác nhau khi quan sát phản chiếu hoặc phản xạ ánh sáng trong mắt bệnh nhân để xác định độ chính xác của tật khúc xạ ở mắt.
Tật khúc xạ có chữa được không?
Tật khúc xạ ở mắt hoàn toàn có thể được điều trị bằng cách phương pháp như phẫu thuật khúc xạ hoặc đeo kính mắt. Tuy vậy, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào một số yếu tố như sau:
Loại tật khúc xạ người bệnh mắc phải.
Mức độ của bệnh.
Tuổi tác, tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Sự tuân thủ phác đồ điều trị.
Hiệu quả điều trị tật khúc xạ ở mắt còn phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh
Khi nào cần điều trị tật khúc xạ mắt?
Không chỉ gây suy giảm thị lực, tật khúc xạ ở mắt còn có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu khác, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Bạn cần tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ càng sớm càng tốt khi phát hiện những dấu hiệu như sau:
Tầm nhìn không rõ: Mờ khi nhìn xa (cận thị), mờ khi nhìn gần (viễn thị), mờ khi nhìn cả xa và gần (loạn thị).
Thường phải nheo mắt để nhìn rõ: Việc nheo mắt liên tục để nhìn rõ xung quanh dễ khiến người bệnh bị mỏi mắt, đau đầu.
Chói mắt: Hiện tượng nhìn thấy quầng sáng hoặc chói mắt khi nhìn vào luồng ánh sáng mạnh là dấu hiệu của sự bất thường trong quá trình khúc xạ ánh sáng.
Đau đầu, mỏi mắt: Mắt bị căng thẳng do điều tiết liên tục là triệu chứng thường thấy khi mắc cận thị, viễn thị.
Tầm nhìn kép: Triệu chứng của chứng loạn thị, xuất hiện do biến dạng bề mặt giác mạc và bị ảnh hưởng đến cách tiếp nhận ánh sáng.
Để phòng tránh những biến chứng nghiêm trọng như lé, nhược thị hoặc bong võng mạc,... việc chẩn đoán tật khúc xạ nên được thực hiện càng sớm càng tốt nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu tật khúc xạ nào. Đặc biệt, trẻ em cần được kiểm tra định kỳ để tránh gián đoạn sự phát triển thị lực do tật khúc xạ.
Phải nheo mắt để nhìn rõ xung quanh là một biểu hiện của chứng tật khúc xạ mắt
Cách phòng ngừa tật khúc xạ mắt tại nhà
Vậy làm thế nào để phòng tránh tật khúc xạ ở mắt tại nhà? Bạn có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa tật khúc xạ mắt như sau:
Giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh
Khi học tập và làm việc, hãy giữ khoảng cách mắt vừa đủ và đảm bảo mức độ ánh sáng phù hợp. Hạn chế tiếp xúc mắt trực tiếp với ánh nắng mặt trời, trẻ em cần hạn chế nhìn gần quá nhiều. Luôn đeo kính trong quá trình thực hiện một số công việc có khả năng gây hại cho mắt. Đảo bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh để tăng sức đề kháng, cải thiện thị lực. Ưu tiên tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin A, beta-carotene,…
Cho mắt nghỉ ngơi
Việc dành thời gian nghỉ ngơi một cách hợp lý cho mắt là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tập một số bài tập giúp cải thiện thị lực để có đôi mắt khỏe mạnh. Áp dụng nguyên tắc 20-20-20, sau mỗi 20 phút làm việc bạn hãy cho mắt nghỉ 20 giây và nhìn xa với khoảng cách 20 feet (6m). Đối với trẻ em, hãy giảm các hoạt động sử dụng thiết bị điện tử và tăng thời gian vui chơi ngoài trời.
Trẻ em nên giảm sử dụng thiết bị điện tử và tăng thời gian vui chơi ngoài trời để bảo vệ mắt
Khám khúc xạ định kỳ
Ngoài việc duy trì sinh hoạt lành mạnh và cho mắt nghỉ ngơi, việc thăm khám mắt định kỳ cũng rất cần thiết. Thăm khám định kỳ giúp xác định tình trạng mắt ở từng thời điểm, giúp đưa ra hướng điều trị kịp thời nếu phát hiện dấu hiệu của tật khúc xạ. Việc chữa tật khúc xạ cũng sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn khi bệnh ở mức độ nhẹ.
Câu hỏi thường gặp về tình trạng mắt bị khúc xạ
Sau khi đã hiểu hơn về chứng tật khúc xạ ở mắt, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về một số thắc mắc chung của đa số mọi người khi nhắc về tình trạng mắt bị khúc xạ như sau nhé:
Người bị tật khúc xạ có nên đeo kính không?
Câu trả lời cho câu hỏi người bị tật khúc xạ có nên đeo kính không là có. Tuy vậy, phụ thuộc vào từng loại tật khúc xạ , nhu cầu thị giác và mức độ suy giảm thị lực của mỗi người, việc đeo kính có thể là cần thiết hoặc không. Phương pháp điều chỉnh thị lực phổ biến nhất là kính áp tròng, giúp điều chỉnh ánh sáng đi vào mắt và hội tụ chính xác lên võng mạc. Đeo kính không chỉ giúp cải thiện tầm nhìn mà còn hỗ trợ ngăn ngừa những biến chứng do tật khúc xạ gây ra nếu không điều chỉnh kịp thời.
Câu trả lời cho câu hỏi người bị tật khúc xạ có nên đeo kính không là có
Mắt bị khúc xạ có bị đi nghĩa vụ quân sự không?
Theo quy định của Bộ Quốc phòng, người bị tật khúc xạ có cần tham gia nghĩa vụ quân sự hay không còn tùy thuộc vào mức độ thị lực, tình trạng tật khúc xạ tổng quát cũng như sức khỏe tổng quan của mắt. Đối tượng tham gia khám nghĩa vụ quân sự sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đánh giá tình trạng của mắt để đưa ra kết quả đánh giá chính xác nhất.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về tật khúc xạ ở mắt. Khi phát hiện những triệu chứng hoặc dấu hiệu của chứng tật khúc xạ, hãy nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám càng sớm càng tốt. Hãy học cách bảo vệ đôi mắt - “cửa sổ tâm hồn” của mình bạn nhé!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.