Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dấu hiệu cho thấy bé đang bị bắt nạt

Ngày 29/11/2020
Kích thước chữ

Trẻ nhà bạn có thể đang là nạn nhân trong các cuộc bắt nạt. Nếu không được phát hiện có thể trẻ sẽ gặp những tổn thương không thể tự hóa giải, gây ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của con sau này.

Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy, trẻ từ 2 - 5 tuổi có thể bị bắt nạt nhưng hành vi phát triển không khác so với các bé lớn hơn. Vậy làm sao chúng ta nhận ra trẻ đang bị bắt nạt khi trẻ không chia sẻ và phụ huynh nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

​ Dấu hiệu cho thấy bé đang bị bắt nạt 1Trẻ nhỏ tuổi mẫu giáo đã phát triển hành vi bắt nạt.

Hành vi bắt nạn có thể xuất hiện từ rất sớm

Không phải là trẻ học cấp 1, cấp 2 mới bắt đầu có các hành vi bắt nạt. Nó xuất hiện sớm hơn chúng ta nghĩ. Ngay từ khi trẻ lên 1 tuổi, các hành động bạo lực, áp đặt quyền lực lên bạn bè của bé đã bắt đầu phát triển. Đây đều được xem là hành vi bắt nạt.

Không giống như các hành động đánh, cắn, ngắt nhéo giữa 2 trẻ với nhau. Hành vi bắt nạt diễn ra khi có một đứa trẻ giữ quyền lực trên bé còn lại. Nếu quan sát kỹ, bạn có thể thấy một bé im lặng và mất quyền lực hơn.

Hành vi này cũng có thể mở rộng ra thành bắt nạt nhóm. Khi đó, một đứa trẻ bị tách ra khỏi nhóm với lý do nào đó, như không được cho tham gia cùng một trò chơi hay mời sinh nhật.

Trẻ ở độ tuổi nhỏ chưa thực sự hiểu thế nào là bắt nạt bạn khác. Ban đầu, hành vi bạo lực sẽ xuất hiện trước. Sau đó, trẻ sẽ tự cho mình là có quyền. Nếu điều này không được cha mẹ hay thầy cô phát hiện, ngăn cản và hướng dẫn thì sẽ phát triển thành hành vi bắt nạt kẻ khác.

Phần lớn phụ huynh luôn nghĩ trẻ nhỏ không biết gì và những hành vi lấn lướt trẻ khác cũng chỉ là những chuyện trẻ con, dễ dàng bỏ qua các hành vi của con. Nhưng điều này để lại những ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ bị bắt nạt và cả trẻ đi bắt nạt người khác.

Cả hai nhóm trẻ đều phát triển hành vi bất thường ở thời điểm còn nhỏ và phức tạp khi các bé lớn hơn. Cụ thể là một số hành vi bạo lực hay tấn công người khác có thể sẽ phát triển ở mức độ cao hơn.

Ngoài ra, nếu chúng ta bỏ qua hành vi này, trẻ bắt nạt sẽ không nhận ra mình sai, chúng tiếp tục làm sai vì nghĩ mình đúng khi xử sự như vậy. Về lâu dài, nó có thể trở thành một phần tính cách không tốt ở trẻ.

Còn với những trẻ bị bắt nạt, nếu không được phát hiện và có hướng giải quyết, tâm lý của trẻ sẽ dễ bị biến động, trở nên lo sợ hoặc thiếu tự tin.

Dấu hiệu cho thấy bé đang bị bắt nạt 2Trẻ bị bắt nạt có thể dẫn đến những di chứng tâm lý về sau.

Dấu hiệu cần chú ý

Hành vi bắt nạt có thể đến từ bất cứ đâu chứ không riêng bạn bè của bé. Ví dụ, thầy cô có thể là người bắt nạt bé nếu họ cho bé là cá biệt, có lời nói hoặc hành động khiến con bị tách biệt, bạn bè chê cười. Cha mẹ cũng có thể rơi vào hành vi bắt nạt trẻ nếu làm điều tương tự.

Tuy nhiên, phần lớn trẻ bị bắt nạt bởi chính bạn bè của mình. Điều này có thể diễn ra ở lớp, ở trường, trên sân, phòng tập thể dục hay trên đường về nhà.

Một số dấu hiệu cho thấy trẻ bị bắt nạt:

  • Bé trở nên không vui khi nhắc đến trường lớp.
  • Bé yêu cầu cha mẹ đưa đón khi đi học (nếu trước đó trẻ tự đi bộ hoặc có xe đưa rước), và cảm thấy bực khi bạn đến muộn.
  • Trẻ rất quan trọng việc bạn bỏ bánh kẹo vào cặp. Nếu bạn quên hay làm chậm, bé sẽ khó chịu và nhắc liên tục. Trẻ cũng có thể xin thêm tiền hoặc đòi mang theo nhiều bánh kẹo hơn bình thường.
  • Trẻ thường xuyên kêu đau bụng hay nhức đầu trước khi đi học, những điều mà trước đây không có. Điều này cho thấy sự liên quan mật thiết giữa não bộ, đường ruột đến các hành vi và cảm xúc. Nếu bạn thường xuyên nghe bé than phiền về vấn đề này mà không rõ nguyên nhân, có thể con đang gặp lo lắng hay có nỗi sợ cần được chia sẻ.
  • Quần áo của trẻ thường bị bẩn hoặc trẻ hay bị mất đồ dùng học tập. Khi được hỏi, trẻ thường không nói hoặc đánh trống lảng, viện cớ làm mất.
Dấu hiệu cho thấy bé đang bị bắt nạt 3Trẻ tỏ ra không vui khi nhắc đến trường lớp, bạn bè.

Cách xử lý khi trẻ bị bắt nạt

Khi biết con gặp phải tình huống này, phụ huynh thường có 3 phản ứng:

  • Bắt trẻ chống trả lại hoặc nói với thầy cô.
  • Yêu cầu trẻ bỏ qua hoặc cố tránh nó.
  • Phụ huynh trực tiếp giải quyết như gọi điện cha mẹ bé kia hoặc nói với thầy cô.

Rất tiếc là khoa học cho thấy cả 3 cách trên đều không thực sự hiệu quả. Đơn giản là hành vi bắt nạt khá đặc trưng ở trẻ nhỏ và các bạn cũng không hiểu đó là hành vi đáng chỉ trích. Do đó, cách 1 và 3 không thể giai quyết vấn đề, cách 2 cũng không hiệu quả nếu đó là một bạn học ngồi cạnh trẻ.

Chúng ta được khuyên làm những điều sau:

Hiểu và tin tưởng trẻ:

Trò chuyện cởi mở với trẻ  là cách giúp bạn hiểu về tình huống trẻ đang gặp phải cũng như giúp trẻ mở long tâm sự với bạn nhiều hơn. Hãy là người đặt câu hỏi trực tiếp để giúp trẻ không cảm thấy một mình và thoải mái nói ra những điều trẻ đang nghĩ. Ví dụ, khi bạn thấy trẻ có dấu hiệu bị bắt nạt, bạn có thể hỏi những câu gọi bé nói như "Trong lớp con ngồi kế ai?", "Con hôm nay hơi mệt và muốn ở nhà, vì sao vậy".

Ban đầu có thể trẻ còn ngần ngại và chưa đủ tự tin để chia sẻ, nhưng chính sự quan tâm và khơi gọi này sẽ giúp trẻ bắt đầu muốn nghe bạn nói nhiều hơn là chấp nhận giữ nó cho riêng mình biết.

Dấu hiệu cho thấy bé đang bị bắt nạt 4Phụ huynh cần chia sẻ và dạy cho bé hiểu đúng về hành vi bắt nạt.

Cho trẻ biết như thế nào là hành vi bắt nạt:

Bạn nên dạy trẻ biết từ sớm thế nào là hành vi bắt nạt. Đây là những hành động sỉ nhục bằng lời nói, đòi tiền, đồ chơi bánh kẹo, thậm chí là không muốn bạn chơi cùng. Cần cho trẻ biết đây là những hành động mà cha mẹ, thầy cô và rất nhiều bạn bè phản đối.

Khi trẻ nhận biết đúng về hành vi bắt nạt và hiểu đó là sai, con sẽ dễ dàng chia sẻ với bạn hoặc là không làm điều đó với trẻ khác.

Có biện pháp để chấm dứt:

Khi một trẻ bị bắt nạt, điều quan trọng nhất là chấm dứt điều đó. Vì vậy, bạn cần tìm giải pháp hiệu quả và giúp bé tự tin hơn. Ví dụ, nếu bé bị nạt trong lớp, hãy nói chuyện với cô giáo để thay đổi vị trí ngồi cũng như để giáo viên chú ý hơn về tình trạng của các bé.

Quản lý chương trình trên TV:

Hiện nay, nhiều chương trình trên TV, điện thoại có tính bạo lực vô tình khiến trẻ bắt chước và phát triển hành vi tương tự vì não bộ của bé lúc này hoạt động như chiếc máy thu. Cha mẹ nên hạn chế các chương trình này trên TV hoặc điện thoại mà trẻ có thể tiếp cận.

Thụy Anh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin