Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Dấu hiệu nhận biết chàm đỏ ở trẻ sơ sinh và hướng xử lý

Ngày 27/09/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Các vết chàm đỏ ở trẻ sơ sinh có tỉ lệ xuất hiện khá nhiều nhưng lại gây ra cho bố mẹ không ít sự lo lắng đối với sức khỏe và sự phát triển bình thường của các bé. Trong bài viết này Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ những thông tin liên quan đến tình trạng xuất hiện chàm đỏ ở trẻ sơ sinh và hướng xử lý tối ưu nhất.

Nổi vết chàm đỏ ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng khá phổ biến nhưng đem lại cho phụ huynh khá nhiều sự lo lắng cho sức khỏe của các bé. Trong bài viết này các bạn hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về dấu hiệu nhận biết chàm đỏ ở trẻ sơ sinh và hướng xử lý phù hợp nhé.

Chàm đỏ ở trẻ sơ sinh là gì? Dấu hiệu nhận biết ra sao?

Như chúng ta đã biết, cơ thể của trẻ sơ sinh còn rất yếu ớt sau khi rời khỏi cơ thể của người mẹ để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chính vì thế có rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh. Chàm đỏ ở trẻ sơ sinh (hay còn được gọi là chàm sữa, chàm eczema, viêm da cơ địa) là một hiện tượng rất thường gặp trong giai đoạn từ 1 đến 4 tháng tuổi.

Dấu hiệu nhận biết bệnh chàm đỏ ở trẻ sơ sinh như sau:

  • Một vùng diện tích da trên cơ thể bé có màu sắc khác biệt so với phần còn lại của cơ thể, tùy theo cơ địa của mỗi bé mà màu sắc này có thể là hồng đậm hoặc đỏ tươi.
  • Trên bề mặt của vết chàm sẽ hơi khô nhăn và có lớp vảy li ti.
  • Khi đưa tay miết nhẹ lên vị trí của vết chàm, chúng ta thấy màu sắc nhạt dần nhưng sau khi bỏ tay ra thì màu sắc sẽ dần trở về như trước đó.
  • Vết chàm đỏ ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất ở mặt, cổ và cành tay, cẳng chân.
  • Khi tiếp xúc với nước bẩn hoặc cơ thể đổ mồ hôi thì tại vị trí của vết chàm sẽ có cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
  • Khi trẻ càng lớn thì diện tích của vết chàm sẽ thu hẹp lại.

Dấu hiệu nhận biết chàm đỏ ở trẻ sơ sinh và hướng xử lý 1

Chàm đỏ ở trẻ sơ sinh là hiện tượng khá thường gặp ở các bé từ 1 đến 4 tháng

Nguyên nhân gây ra bệnh chàm đỏ ở trẻ sơ sinh

Cho đến hiện nay thì có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ sơ sinh xuất hiện các vết chàm đỏ trên cơ thể đã được chỉ ra trong các tổng hợp y học tại nhiều quốc gia. Ba nguyên nhân chính trong số đó bao gồm:

  • Do di truyền: Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vết chàm đỏ ở trẻ sơ sinh. Theo đó, nếu những người thân trực hệ của trẻ (ông bà cha mẹ) đã từng xuất hiện vết chàm đỏ khi còn nhỏ thì nhiều khả năng trẻ sinh ra cũng sẽ có hiện tượng này.
  • Do nhiễm khuẩn: Nguyên nhân này có thể xuất hiện ngay từ khi còn trong thai kỳ do người mẹ bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ bị nhiễm khuẩn sau sinh. Như chúng ta đã biết, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn rất yếu nên sẽ khó chống chọi lại với các loại vi khuẩn có hại trong môi trường xung quanh, một trong số chúng có thể là nguyên nhân gây nên các vết chàm đỏ ở trẻ sơ sinh.
  • Do tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng: Làn da của trẻ sơ sinh rất mong manh nên khi tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng ở xung quanh bé cũng có thể là nguyên nhân tạo nên các vết chàm đỏ ở trẻ.

Dấu hiệu nhận biết chàm đỏ ở trẻ sơ sinh và hướng xử lý 2

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của các vết chàm đỏ ở trẻ sơ sinh

Các giai đoạn của bệnh chàm đỏ ở trẻ sơ sinh

Bệnh chàm đỏ ở trẻ sơ sinh thông thường sẽ tiến triển theo các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 1: Trên cơ thể bé xuất hiện những mảng đỏ trên da và nhìn kỹ sẽ thấy những mụn nước nhỏ li ti tại vị trí đó.
  • Giai đoạn 2: Số lượng các mụn nước gia tăng nhanh chóng và có chứa dịch ở bên trong. Ngoài những mụn nhỏ còn có thể xuất hiện các mụn nước với kích thước lớn hơn do sự liên kết giữa các mụn gần nhau.
  • Giai đoạn 3: Các mụn nước bắt đầu vỡ ra do tự nhiên hoặc do em bé gãi. Giai đoạn này sẽ làm bé cảm thấy rất khó chịu, ngứa ngáy và cũng là giai đoạn vết chàm dễ lan rộng cũng như bị bội nhiễm.
  • Giai đoạn 4: Các mụn nước bắt đầu khô lại sau khi huyết thanh trong cơ thể bé tiết ra để phủ kín tổn thương. Sau khi khô hoàn toàn thì da tại vị trí chàm sẽ bong ra để tái tạo da mới.
  • Giai đoạn 5: Lớp da mới tự rạn nứt, dày lên và đậm màu do sự tăng cường các sắc tố chàm. Một thời gian sau trên lớp da này trở nên sần hơn, gây ngứa và lại xuất hiện các mụn nước như giai đoạn 1.

Dấu hiệu nhận biết chàm đỏ ở trẻ sơ sinh và hướng xử lý 3

Các giai đoạn phát triển thông thường của bệnh chàm đỏ ở trẻ sơ sinh

Cách xử lý bệnh chàm đỏ ở trẻ sơ sinh và các lưu ý

Không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, bệnh chàm đỏ ở trẻ sơ sinh còn khiến các bé cảm thấy ngứa ngáy khó chịu và nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến những trường hợp nhiễm khuẩn trên da. Chính vì vậy cách xử lý khi nghi ngờ trẻ bị bệnh chàm đỏ đó chính là đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để các bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Bệnh chàm đỏ ở trẻ sơ sinh có thể được xử lý bằng các Đông y lẫn Tây y, nhưng có những lưu ý sau các bậc phụ huynh cần phải luôn ghi nhớ trong quá trình chăm sóc trẻ:

  • Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc kháng viêm nào cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Hạn chế việc trẻ tự cào cấu vào vết chàm sẽ gây tổn thương và vết chàm lan rộng, khó điều trị dứt điểm. Có thể cắt ngắn móng tay hoặc đeo bao tay cho trẻ trong thời gian chữa bệnh để đạt được mục đích này.
  • Nên có biện pháp phù hợp để duy trì độ ẩm cho da của bé. Khi tắm rửa cho bé nên dùng các loại xà phòng chuyên biệt để hạn chế sự tác động đến làn da nhạy cảm của bé và làm bệnh trở nặng.
  • Sau khi tắm xong lau khô cho bé bằng khăn mềm, không chà xát mạnh lên cơ thể bé, đặc biệt là ở vị trí các vết chàm.
  • Trong quá trình bé bị chàm đỏ có thể sẽ có hiện tượng sốt, phụ huynh có thể tham khảo bài viết phương pháp hạ sốt cho trẻ sơ sinh để biết cách xử lý một cách nhanh chóng và an toàn.
Dấu hiệu nhận biết chàm đỏ ở trẻ sơ sinh và hướng xử lý 4 Thăm khám bác sĩ để được tư vấn hướng xử lý các vết chàm đỏ ở trẻ một cách tối ưu nhất

Bệnh chàm đỏ ở trẻ sơ sinh là căn bệnh rất khó điều trị dứt điểm và chúng thường tái đi tái lại nhiều lần cho đến khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên đây không phải là một bệnh ác tính nên các bạn cũng không cần quá lo lắng, chỉ cần theo dõi bé thật kỹ và tham khảo ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa là sẽ giải quyết được vấn đề.

Trung Kiên

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Đỗ Viết Chung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, nhiều năm đảm nhiệm vị trí tư vấn dược phẩm và sức khỏe. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.