Ở giai đoạn 5 tuần tuổi, thai nhi có kích thước khoảng 0,1cm với cân nặng chỉ khoảng 1g. Trong thời gian này, thai làm tổ chưa chắc chắn nên nguy cơ sảy thai rất cao. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu dấu hiệu sảy thai 5 tuần đầu và các biện pháp bảo vệ sức khỏe thai nhi.
Dấu hiệu sảy thai 5 tuần đầu
-
Chảy máu âm đạo: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của sảy thai. Chảy máu âm đạo là hiện tượng khá thường gặp trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên nếu có hiện tượng máu biến đổi từ đốm hoặc dịch màu nâu, chảy máu không ngừng, máu màu đỏ tươi vón thành cục hoặc sản phụ đã có tiền sử sảy thai liên tiếp, cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
- Dịch nhờn tiết ra từ âm đạo.
-
Chuột rút, đau bụng dưới, đau lưng.
-
Các triệu chứng của thai kỳ như đau ngực, ốm nghén…biến mất.
-
Cơ thể mệt mỏi.
Chảy máu âm đạo là dấu hiệu sảy thai 5 tuần đầu phổ biến
Nguyên nhân sảy thai 5 tuần đầu
Sảy thai do di truyền
Phôi thai được hình thành do sự kết hợp giữa tế bào trứng mang 23 nhiễm sắc thể của mẹ và tinh trùng mang 23 nhiễm sắc thể của bố. Nếu đột biến nhiễm sắc thể xảy ra sẽ dẫn tới bất thường ở bào thai, gây ra sảy thai. Những bất thường này có thể gây nên tình trạng:
-
Thai lưu: Phôi thai hình thành nhưng ngừng phát triển.
-
Tế bào trứng hoặc tinh trùng bị hỏng: Phôi thai không phát triển.
-
Noãn bị teo: Không hình thành phôi thai.
Những bất thường trong di truyền ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi
Sảy thai do bệnh lý
Một số bệnh lý ở người mẹ có thể cản trở sự phát triển của thai nhi như:
-
Thừa cân, béo phì.
-
Rối loạn hormone.
-
Bệnh lý tuyến giáp không được điều trị triệt để.
-
Bệnh tiểu đường.
-
Bệnh lý cổ tử cung như nhiễm trùng, ung thư…
-
Tử cung có hình dạng bất thường.
-
Tăng huyết áp nghiêm trọng.
-
Sử dụng thuốc có hại cho thai nhi.
Sảy thai do lối sống không lành mạnh của người mẹ
Theo các nghiên cứu, sử dụng ma túy và các chất kích thích, hút thuốc, uống rượu và tiêu thụ quá nhiều cafein là những nguyên nhân gây sảy thai sớm. Một số nghiên cứu cho rằng hút thuốc làm tăng nguy cơ xảy ra bất thường nhiễm sắc thể. Sử dụng rượu trong ba tháng đầu thai kỳ có thể làm tăng nhẹ nguy cơ sảy thai sớm.
Mặc dù chưa có đủ bằng chứng để kết luận rõ ràng, tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe thai nhi, mẹ bầu nên tránh hút thuốc, uống rượu và sử dụng chất gây nghiện trong khi mang thai. Người mẹ chỉ nên tiêu thụ ít hơn 200mg cafein mỗi ngày, tương đương với khoảng hai tách cà phê.
Mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung hay chửa ngoài dạ con là tình trạng thai không làm tổ bên trong buồng tử cung mà nằm bên ngoài. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, túi thai phát triển to dần dẫn đến bị vỡ. Sản phụ sẽ cảm thấy đau bụng dữ dội, cơn đau quặn kéo dài liên tục, chảy máu âm đạo, đau nhức vai, toát mồ hôi, chân tay bủn rủn, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, ngất xỉu và thậm chí là gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Mang thai ngoài tử cung gây nguy hiểm cho tính mạng người mẹ
Nên mang thai lại sau sảy thai bao lâu?
Hiện tượng rụng trứng sẽ quay trở lại và người phụ nữ có thể tiếp tục mang thai 2 tuần sau khi bị sảy thai. Nếu không muốn có thai lại ngay lập tức, hãy sử dụng phương pháp ngừa thai, ví dụ như đặt vòng tránh thai.
Ngoài ra, người phụ nữ cũng có thể đợi đến kỳ kinh nguyệt tiếp theo để cơ thể quay trở về nhịp sinh lý bình thường. Trước khi dự định mang thai 3 - 5 tháng, người phụ nữ có tiền sử sảy thai trước đó nên đến khám để được bác sĩ đánh giá về tình trạng sức khỏe và có những tư vấn phù hợp. Bên cạnh đó, người mẹ cũng cần được chăm sóc cả về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần để chuẩn bị tốt nhất cho thai kỳ sau đó.
Các biện pháp bảo vệ an toàn trong thai kỳ
Trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, thai nhi chưa làm tổ chắc chắn nên để giảm thiểu rủi ro đáng tiếc xảy ra, trong đời sống hàng ngày, thai phụ cần áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bé và cho bản thân người mẹ:
-
Luôn giữ cho tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh căng thẳng: Thai phụ thường có tâm lý nhạy cảm nên rất cần được người thân và mọi người xung quanh quan tâm, động viên, khích lệ, tránh gây áp lực hay lo sợ.
-
Làm những công việc nhẹ nhàng: Thai phụ không nên làm việc quá sức hay mang vác vật nặng. Cần thận trọng mọi cử động đứng lên ngồi xuống hay đi lại.
-
Bổ sung đầy các chất dinh dưỡng quan trọng như: Protein, folic, canxi, vitamin và chất xơ. Nên ăn nhiều rau xanh, các loại quả tươi để ngăn ngừa chứng táo bón, hạn chế các loại thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều dầu mỡ, các loại gia vị cay nóng hay rượu, bia…
Bổ sung chất xơ giúp mẹ bầu cung cấp vitamin và ngăn ngừa táo bón
- Tránh quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục có thể gây ra hiện tượng kích thích tử cung co bóp gây tổn thương thai nhi nên cần hạn chế tuyệt đối.
-
Khám thai: Ngay từ khi biết cơ thể đã mang thai, thai phụ cần khám sản phụ khoa để thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe và phát triển của thai nhi.
Khám thai định kỳ giúp chăm sóc sức khỏe của mẹ và bé một cách tốt nhất
- Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai: Để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh, người phụ nữ nên tiêm vacxin trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella), xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai, kiểm tra phát hiện tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi và các vấn đề như: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về dấu hiệu sảy thai 5 tuần đầu. Đối với bất kỳ người mẹ nào, sảy thai thật sự là một cú sốc tâm lý rất nặng gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Do đó, người thân gia đình nên ở cạnh bên để chăm sóc tốt nhất cho cả sức khỏe lẫn tâm lý của người phụ nữ. Bên cạnh đó, nếu điều không may mắn này xảy ra, đừng ngần ngại chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình với mọi người, vì điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Một tinh thần thoải mái cùng sức khỏe được đảm bảo sẽ mang thành công sẽ đến với người mẹ trong những lần mang thai tiếp theo.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp