Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Điều phụ huynh nên biết khi trẻ mọc răng nanh

Ngày 25/02/2020
Kích thước chữ

Một trong những giai đoạn khiến các bậc phụ huynh có con nhỏ vô cùng khổ sở là trẻ mọc răng nanh. Bởi lúc này bé sẽ quấy khóc cả đêm, đau đớn, chán ăn và sốt cao. Có cách nào để cả nhà cùng vượt qua giai đoạn này một cách êm đẹp không?

Răng nanh cũng là một phần không thể thiếu của trẻ cũng như những chiếc răng khác. Tùy theo cơ địa mà mỗi bé sẽ có trình tự mọc răng nanh khác nhau. Vậy biểu hiện của trẻ mọc răng nanh là gì cũng như phải chăm sóc thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua nội dung sau đây.

Khi nào trẻ mọc răng nanh?

Điều phụ huynh nên biết khi trẻ mọc răng nanh 1Mỗi trẻ lại có thời gian mọc răng nanh khác nhau

Theo đúng trình tự thông thường thì trẻ sẽ mọc răng cửa hết rồi mới đến mọc răng nanh. Trong khoảng từ 16 - 22 tháng tuổi bé sẽ mọc răng nanh, răng nanh hàm trên mọc trước sau đó là hàm dưới. Tuy nhiên cũng có trường hợp cá biệt là mọc cùng lúc răng nanh 2 hàm.

Trẻ mọc răng nanh trước răng hàm góp phần hỗ trợ không nhỏ khi bé cắn xé thức ăn. Nhất là trong giai đoạn trẻ nhỏ đang tập ăn dặm và cần cắn thức ăn cứng hơn. Ngoài ra răng nanh mọc giữa hai răng cửa và răng hàm sữa sẽ giúp bé cố định vị trí của các răng, ngăn không cho 2 răng này xô vào vị trí của răng nanh làm răng bị thưa.

Bên cạnh đó, cũng có một vài trường hợp ngoại lệ là bé mọc răng nanh trước răng cửa. Có những trẻ từ tháng thứ 2, 3 hoặc 4 đã mọc răng nanh sữa rồi. Nhưng các chuyên gia cho rằng vấn đề mọc răng này còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi trẻ chứ không hẳn là bất tường. Dù cho mọc răng nào trước thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển, chỉ là việc ti sữa gặp chút trở ngại thôi.

Răng nanh sữa thực ra chính là các nang lợi của trẻ sơ sinh. Chúng là những đốm có màu trắng hay xuất hiện trên lợi bé. Nhiều người cứ nghĩ đó là do trẻ thừa canxi cặn sữa bám lại tạo nên. Nhưng thực chất đó là nanh sữa, một tổn thương lành tính tự tiêu biến sau khoảng từ 2 - 5 tuần. Thế nên các bậc phụ huynh cũng đừng quá lo lắng khi bé mọc răng nanh trước răng cửa.

Biểu hiện hay gặp ở trẻ mọc răng nanh

Điều phụ huynh nên biết khi trẻ mọc răng nanh 2Trẻ mọc răng nanh thường có dấu hiệu sốt

Mọc răng nanh trước vừa đau mà vừa khó chịu hơn so với mọc răng hàm và răng cửa. Bởi răng nanh nằm ở vị trí gần với đường mũi, má mà chạy theo đường thẳng đến tai. Đây cũng là lý do khiến cơn đau lan rộng.

Ngoài ra còn có một yếu tố khác khiến bé mọc răng nanh đau là hình dạng của chúng. Bởi răng nanh có dạng nón nên chúng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn mới mọc được hoàn thiện. Ngoài ra kích thước còn dài hơn hẳn nên cơn đau của trẻ khi mọc răng nanh cũng lâu hơn.

Dù cho mọc răng nào đi chăng nữa thì các bậc phụ huynh cũng sẽ dễ dàng biết được nếu chú ý đến sự thay đổi của trẻ. Chẳng hạn như trẻ có biểu hiện chảy nhiều dãi giống khi mọc răng cửa. Cũng bởi thế mà bé xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ xung quanh miệng và cằm.

Ngoài ra trước khi trẻ mọc răng nanh thường chân răng cũng sẽ nhú lên màu trắng, sưng tấy lợi khiến con đau. Nếu các mẹ sờ tay vào trong có thể cảm nhận được răng cứng, làm trẻ khó chịu. Mọc răng nanh và sưng lợi đau còn khiến trẻ nhỏ quấy khóc và khó chịu bất kể ngày đêm, thậm chí là khó ngủ.

Dấu hiệu trẻ mọc răng nanhthường thấy là sốt nhẹ hoặc cao, đây là hiện tượng sốt mọc răng mà các mẹ hay nghe. Tương tự như sốt, thì trẻ mọc răng nanh sữa cũng có thể đi tướt. Thường các con sẽ đi ngoài phân lỏng từ 3 - 5 lần mỗi ngày.

Phụ huynh cần lưu ý những gì khi trẻ mọc răng nanh

Điều phụ huynh nên biết khi trẻ mọc răng nanh 3Mẹ cũng có thể cho bé dùng đồ gặm nướu để bớt thấy khó chịu

Trong giai đoạn mọc răng nanh, nếu trẻ không được chăm sóc đúng cách thì dễ khiến tình trạng tồi tệ hơn. Thế nên nếu trẻ có chảy nhiều dãi thì mẹ phải lấy khăn nhẹ nhàng lau cho con. Đồng thời cũng phải hạn chế cho bé tiếp xúc với đồ chơi, bởi nước dãi có thể dính vào chúng và tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở, ảnh hưởng đến sức khỏe bé.

Trường hợp những bé sưng lợi và có chứng biếng ăn thì hãy chườm lạnh lên để giảm bớt. Mẹ cũng nên cho con dùng gặm nướu để bé bớt cảm giác khó chịu. Bên cạnh các yếu tố kể trên thì chế độ dinh dưỡng cho trẻ mọc răng nanh cũng rất quan trọng.

Thực đơn của bé lúc này nên sử dụng các món ăn dễ tiêu, dễ nuốt như cháo hay rau củ nghiền, mà vẫn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng. Mẹ cũng có thể luộc một số loại rau củ rồi để lạnh cho con gặm, vừa giúp giảm ngứa lợi mà lại còn giảm được tình trạng sưng đau.

Nếu bé có sốt thì phụ huynh phải thay quần áo ngay và mặc lại đồ thoải mái, đặt con ở nơi thoáng mát. Khi sốt đã quá cao thì hãy đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra và sử dụng thuốc đúng liều lượng. Trong quá trình chăm sóc tại nhà gia đình cũng nên đo thân nhiệt trẻ thường xuyên để tránh các biến chứng xảy đến.

Cuối cùng là với những trường hợp trẻ bị đi tướt thì các mẹ nhớ cho con uống nhiều nước hơn. Bởi lượng nước này sẽ được sử dụng bù vào lượng cơ thể đã mất đi. Ngoài ra hoa quả cũng là nguồn bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết vô cùng có lợi.

Các bậc phụ huynh nên lưu ý theo dõi quá trình trẻ mọc răng nanh, đồng thời kết hợp với tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để con có được một hàm răng đẹp. Vì trong thời gian này bé thường sốt, biếng ăn và quấy khóc nên rất cần sự quan tâm, chăm sóc của cả nhà. 

Thụy Anh

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin