Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Bé mấy tháng ăn được khoai mỡ? Lợi ích và lưu ý khi cho bé ăn đúng thời điểm

Ánh Vũ

12/04/2025
Kích thước chữ

Khoai mỡ là thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa nhưng nếu không cho ăn đúng thời điểm có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Vậy bé mấy tháng ăn được khoai mỡ? Theo dõi ngay bài viết sức khỏe hôm nay để có được lời giải đáp chi tiết bạn nhé.

Bé mấy tháng ăn được khoai mỡ? Đây là nỗi băn khoăn của không ít các bậc cha mẹ. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết nỗi băn khoăn này đồng thời giúp mẹ có định hướng rõ ràng để xây dựng thực đơn ăn dặm khoa học cho con.

Bé mấy tháng ăn được khoai mỡ?

Bé mấy tháng ăn được khoai mỡ? Việc xác định đúng thời điểm cho bé ăn khoai mỡ không chỉ giúp bé hấp thu tốt mà còn tạo nền tảng cho thói quen ăn uống lành mạnh sau này.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ có thể bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi và đây cũng là thời điểm an toàn để bé làm quen với khoai mỡ.

Các chuyên gia cho biết, trước 6 tháng, hệ tiêu hóa của bé còn non yếu và dinh dưỡng của trẻ chủ yếu phụ thuộc vào sữa mẹ hoặc sữa công thức. Việc cho ăn khoai mỡ quá sớm có thể gây áp lực lên dạ dày và dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Khi trẻ được 6 tháng, enzym tiêu hóa của bé bắt đầu hoạt động hiệu quả hơn giúp phân giải tinh bột và chất xơ trong khoai mỡ thành năng lượng cần thiết cho sự phát triển.

Khi cho bé ăn khoai mỡ lần đầu, mẹ chỉ nên bắt đầu với 1 - 2 thìa cà phê (khoảng 5 - 10g) để bé làm quen. Sau đó, theo dõi phản ứng của bé trong 2 - 3 ngày để đảm bảo không có dấu hiệu bất thường như đầy hơi hay dị ứng.

Bé mấy tháng ăn được khoai mỡ? Lợi ích và lưu ý khi cho bé ăn đúng thời điểm 1
Bé mấy tháng ăn được khoai mỡ?

Thành phần dinh dưỡng của khoai mỡ tốt cho bé

Khoai mỡ không chỉ hấp dẫn bởi màu tím bắt mắt mà còn là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ. Cụ thể:

  • Glucid (tinh bột dễ tiêu): Cung cấp năng lượng nhanh chóng, phù hợp với nhu cầu phát triển thể chất của bé.
  • Chất xơ: Hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp bé dễ dàng bài tiết và ngăn ngừa táo bón - vấn đề phổ biến trong giai đoạn ăn dặm.
  • Anthocyanin: Là chất chống oxy hóa tự nhiên tạo nên màu tím đặc trưng của khoai mỡ, giúp tăng cường miễn dịch và bảo vệ tế bào.
  • Vitamin và khoáng chất bao gồm vitamin B6 (hỗ trợ phát triển thần kinh), vitamin C (tăng cường miễn dịch), kali (tốt cho tim mạch) và mangan (hỗ trợ xương chắc khỏe).

Nhờ những thành phần này, khoai mỡ được xem là thực phẩm lý tưởng để bổ sung vào thực đơn ăn dặm của bé. Việc bổ sung khoai mỡ vào chế độ ăn dặm mang lại nhiều lợi ích thiết thực như:

  • Tăng cường miễn dịch: Vitamin C và anthocyanin trong khoai mỡ giúp bé xây dựng hàng rào bảo vệ tự nhiên, chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường.
  • Hỗ trợ tiêu hóa, ngăn táo bón: Chất xơ dồi dào trong khoai mỡ giúp kích thích nhu động ruột, cải thiện tiêu hóa và giảm nguy cơ táo bón - nỗi lo thường gặp của các mẹ khi bé bắt đầu ăn dặm.
  • Cung cấp năng lượng lành mạnh: Tinh bột trong khoai mỡ cung cấp năng lượng ổn định, giúp bé hoạt động vui chơi và phát triển thể chất.
  • Hỗ trợ phát triển trí não và thị lực: Vitamin B6 và các chất chống oxy hóa góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thần kinh và bảo vệ đôi mắt của bé trong giai đoạn đầu đời.
 Bé mấy tháng ăn được khoai mỡ? Lợi ích và lưu ý khi cho bé ăn đúng thời điểm 2
Khoai mỡ là nguồn cung cấp dưỡng chất dồi dào cho trẻ

Gợi ý cách chế biến khoai mỡ cho bé ăn dặm

Bé mấy tháng ăn được khoai mỡ? Như đã trình bày phía trên, khi bé được 6 tháng mẹ bắt đầu có thể bổ sung khoai mỡ vào thực đơn ăn dặm của trẻ. Để khoai mỡ phát huy tối đa giá trị dinh dưỡng và phù hợp với bé, mẹ cần biết cách chọn nguyên liệu và chế biến đúng cách.

Cách chọn khoai mỡ tươi ngon, an toàn

Khi chọn khoai mỡ, mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Chọn những củ khoai có vỏ mịn, không bị khô, nứt hay mốc. Vỏ khoai tươi thường có màu nâu tím, căng bóng.
  • Khi bổ ra, thịt khoai phải có màu tím tươi, không bị đen, loang màu hay có mùi lạ. Những củ khoai bị hỏng thường có đốm trắng hoặc phần thịt bị xốp.
  • Ưu tiên nguồn gốc rõ ràng. Mẹ nên mua khoai mỡ tại các chợ, siêu thị uy tín hoặc từ những người bán đáng tin cậy để đảm bảo không có hóa chất bảo quản.

Các món ăn dặm từ khoai mỡ phù hợp với từng độ tuổi

Tùy vào giai đoạn phát triển của bé, mẹ có thể chế biến khoai mỡ thành nhiều món ăn đa dạng. Dưới đây là các món ăn dặm từ khoai mỡ phù hợp với từng độ tuổi, bạn đọc có thể tham khảo:

6-7 tháng (giai đoạn mới ăn dặm)

  • Cháo khoai mỡ xay nhuyễn: Hấp khoai mỡ chín mềm, nghiền mịn rồi trộn với cháo loãng tỉ lệ 1:10 (1 phần gạo, 10 phần nước).
  • Khoai mỡ nghiền trộn sữa mẹ: Hấp khoai, nghiền nhuyễn, thêm một ít sữa mẹ hoặc sữa công thức để tạo độ sệt và mùi vị quen thuộc, giúp bé dễ làm quen.

8-10 tháng (giai đoạn ăn đặc hơn)

 

  • Cháo khoai mỡ kết hợp rau củ: Kết hợp khoai mỡ với bí đỏ, cà rốt hoặc rau xanh như cải ngọt, xay nhỏ để tăng hương vị và dinh dưỡng.
  • Súp khoai mỡ: Nấu khoai mỡ với nước luộc gà, xay nhuyễn để tạo món súp thơm ngon, dễ tiêu.

10-12 tháng trở đi (giai đoạn ăn đa dạng)

  • Khoai mỡ kết hợp đạm: Thêm thịt gà, cá hồi, thịt lợn hoặc đậu phụ vào cháo khoai mỡ để tăng cường protein.
  • Bánh khoai mỡ: Hấp khoai, nghiền mịn, trộn với bột gạo và một ít sữa, hấp thành bánh nhỏ để bé tập nhai.
 Bé mấy tháng ăn được khoai mỡ? Lợi ích và lưu ý khi cho bé ăn đúng thời điểm 3
Cháo khoai mỡ xay nhuyễn là món ăn phù hợp cho trẻ trong độ tuổi từ 6 - 7 tháng

Lưu ý quan trọng khi cho bé ăn khoai mỡ

Dù khoai mỡ là thực phẩm lành tính, mẹ vẫn cần lưu ý một số điểm để đảm bảo an toàn cho bé:

  • Không cho ăn quá nhiều: Chỉ nên cho bé ăn khoai mỡ 2 - 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30 - 50g (tùy độ tuổi). Ăn quá nhiều có thể gây đầy hơi hoặc khó tiêu.
  • Nấu chín kỹ: Không cho bé ăn khoai mỡ sống hoặc còn sượng vì có thể gây kích ứng dạ dày. Hấp hoặc luộc là cách chế biến tốt nhất.
  • Tránh kết hợp thực phẩm gây đầy bụng: Với bé dưới 8 tháng, không nên kết hợp khoai mỡ với đậu xanh, bắp ngô hoặc các loại củ nhiều tinh bột khác để tránh áp lực lên hệ tiêu hóa.
  • Theo dõi phản ứng: Sau mỗi lần cho bé ăn khoai mỡ, mẹ cần quan sát các dấu hiệu như nổi mẩn đỏ, tiêu chảy, nôn trớ để phát hiện sớm dị ứng hoặc không dung nạp.
Bé mấy tháng ăn được khoai mỡ? Lợi ích và lưu ý khi cho bé ăn đúng thời điểm 4
Khoai mỡ không nên kết hợp với đậu xanh để tránh tạo áp lực cho hệ tiêu hóa của trẻ

Bé mấy tháng ăn được khoai mỡ? Câu trả lời là từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý cách chọn khoai, chế biến phù hợp và theo dõi phản ứng của bé để đảm bảo an toàn. Nếu còn bất cứ băn khoăn nào về cách kết hợp khoai mỡ trong khẩu phần ăn, đừng ngần ngại, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng hoặc chuyên gia nhi khoa để có lời khuyên tốt nhất bạn nhé. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:ăn dặmtrẻ em