Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng khi con gái mình lần đầu bước vào giai đoạn dậy thì, lúc này tâm lý và sinh lý của con sẽ thay đổi nhiều. Thời kỳ dậy thì ở nữ giới thường diễn ra ở con gái 12 tuổi, các em phải đối mặt với nhiều cảm xúc mới khi tâm lý và cơ thể có sự thay đổi. Cha mẹ cần là những người đồng hành quan tâm và thấu hiểu để giúp con khám phá bản thân ở độ tuổi dậy thì.
Giai đoạn dậy thì đa phần bắt đầu khi con gái 12 tuổi. Giai đoạn này đánh dấu sự trưởng thành của các em, khi cơ thể các em bắt đầu thay đổi và các em có những cảm xúc tâm lý mới như thích một người, hiểu rõ hơn về sự khác biệt giới tính. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về tuổi dậy thì và sự thay đổi tâm sinh lý của nữ giới qua bài viết sau đây nhé!
Dậy thì là gì?
Dậy thì là trạng thái cơ thể bắt đầu phát triển từ một đứa trẻ thành người trưởng thành, xảy ra khi vùng dưới đồi của não bộ bắt đầu gửi tín hiệu làm kích thích cơ quan sinh sản sản xuất các hormone sinh dục, đối với nữ là cơ quan buồng trứng. Sự phát triển này bao gồm sự tăng trưởng của cơ bắp và xương, kích thước cơ thể của trẻ cũng sẽ phát triển cao lớn hơn, việc dậy thì cũng đồng thời giúp phát triển khả năng sinh sản của cơ thể.
Các bé gái thường bắt đầu dậy thì ở độ tuổi 12, tuỳ theo các yếu tố môi trường xung quanh mà giai đoạn dậy thì của trẻ có thể đến nhanh hoặc chậm hơn mong đợi. Các yếu tố môi trường này có thể bao gồm yếu tố thể lực, chế độ dinh dưỡng và yếu tố xã hội. Ai cũng phải trải qua thời kỳ dậy thì trong đời, mỗi người sẽ có những trải nghiệm riêng trong giai đoạn này. Do đó, các bậc phụ huynh cần giáo dục giới tính và hỗ trợ trẻ theo những cách phù hợp với con nhất.
Dấu hiệu con gái đến tuổi dậy thì
Đối với con gái 12 tuổi khi bước vào giai đoạn dậy thì, triệu chứng rõ ràng nhất của các bé là có kinh nguyệt, đánh dấu sự phát triển khả năng sinh sản của cơ thể.
Chu kỳ kinh nguyệt trong thời kỳ dậy thì
Chu kỳ hành kinh thường dài từ 2 - 7 ngày, có thể việc hành kinh sẽ kéo dài không đều trong giai đoạn đầu của thời kỳ dậy thì. Một vài trường hợp bé có thể có kinh 2 lần một tháng hoặc không có kinh trong một tháng, nếu những trường hợp này kéo dài thì cha mẹ nên đưa trẻ đi bác sĩ để phòng trừ rủi ro không đáng có.
Để có được chu kỳ kinh nguyệt đều đặn mỗi tháng, cơ thể trẻ cần mất khoảng 2 - 3 năm để khắc phục việc kỳ kinh không đều. Việc trẻ không có kinh trong một khoảng thời gian dài có thể là biểu hiện của chứng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì hoặc là dấu hiệu của việc mang thai nếu đã có quan hệ tình dục trước đấy. Kinh nguyệt thường đem đến những cảm giác khó chịu như đau bụng, cơ thể mệt mỏi, căng tức ngực và khiến tâm trạng trở nên nhạy cảm hơn.
Cách đối phó với kinh nguyệt
Cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ những kiến thức về kinh nguyệt và dạy con cách sử dụng băng vệ sinh, chuẩn bị chu đáo để trẻ không bị sợ hãi khi đến kỳ kinh lần đầu và thiếu sự chuẩn bị. Có thể cho trẻ học cách chuẩn bị sẵn băng vệ sinh và luôn mang theo bên người khi ra ngoài để tránh những tình huống bất ngờ xảy ra. Phụ huynh nên dạy trẻ cách sử dụng băng vệ sinh đúng cách như sau:
Dán băng vệ sinh vào mặt trong của quần lót.
Thay băng vệ sinh mới sau mỗi 4 - 8 tiếng để phòng tránh nhiễm khuẩn.
Vào ngày đầu tiên của chu kỳ, khuyến khích con thay băng thường xuyên hơn vì lượng máu kinh thường sẽ nhiều hơn.
Sự thay đổi tâm sinh lý ở con gái 12 tuổi trong giai đoạn dậy thì
Con gái 12 tuổi bước vào giai đoạn dậy thì sẽ có nhiều thay đổi về thể chất và suy nghĩ, cha mẹ cần phải quan tâm chăm sóc trẻ nhiều hơn để trang bị cho trẻ kiến thức và tâm lý vững vàng.
Sự thay đổi về mặt thể chất
Khi trẻ bắt đầu dậy thì, con gái thường sẽ phát triển chiều cao và cân nặng nhanh chóng hơn con trai do sự điều tiết hormone sinh dục và hormone tăng trưởng, con gái cũng thường bước vào giai đoạn dậy thì sớm hơn con trai vài năm. Các đường cong trên cơ thể trẻ có dấu hiệu phát triển rõ rệt do lớp mỡ dưới da phát triển và phân bố tập trung tại các vùng ngực, cánh tay, đùi và mông.
Dưới sự tác động của nội tiết tố estrogen, tuyến vú của trẻ cũng có sự thay đổi. Sau khi tuyến vú phát triển, 6 - 12 tháng sau đó cơ thể của trẻ cũng bắt đầu mọc lông ở bộ phận sinh dục, lông ở các bộ phận như nách, tay và chân cũng mọc nhiều hơn. Các bộ phận như âm hộ, buồng trứng và khung xương chậu đều phát triển hơn. Sau khi trẻ có kinh nguyệt, da mặt dễ tiết dầu nhờn và dễ bị mụn trứng cá do sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể.
Sự thay đổi về mặt tâm lý
Các bé gái trong độ tuổi dậy thì thường có tâm lý nhạy cảm, cụ thể là những biểu hiện hành vi sau đây:
Thể hiện sự chín chắn
Trẻ bắt đầu có suy nghĩ muốn tự chủ suy nghĩ và hành động của mình, không muốn phụ thuộc vào cha mẹ. Trong giai đoạn này, trẻ sẽ cố tách mình khỏi cha mẹ, không muốn nghe lời khuyên và thậm chí tranh cãi với cha mẹ để khẳng định suy nghĩ của mình là đúng. Đây là tình trạng mà đa phần ai cũng sẽ trải qua, khi trẻ tự xây dựng cho mình sự độc lập và tìm cách chứng minh suy nghĩ của mình. Cha mẹ cần phải kiên nhẫn và khéo léo trò chuyện với con trong những tình huống như vậy thay vì nóng giận và la mắng trẻ, khiến cho mâu thuẫn giữa cha mẹ và trẻ trở nên sâu sắc hơn.
Cảm xúc thay đổi liên tục
Sự rối loạn hormone trong cơ thể có thể khiến trẻ thay đổi cảm xúc một cách thất thường, dễ trở nên tức giận vô cớ, trở nên gắt gỏng và có thể phản ứng kịch liệt với lời nói của cha mẹ. Con gái 12 tuổi cũng dễ khóc và nhạy cảm hơn khi gặp khó khăn trong học tập và trong cuộc sống xung quanh.
Chú trọng ngoại hình
Trẻ sẽ bắt đầu tò mò về ngoại hình của mình và những người xung quanh, dễ tự ti và trở nên chán nản nếu trên cơ thể có nhiều khuyết điểm khi so sánh với các bạn nữ đồng trang lứa. Con gái 12 tuổi cũng sẽ bắt đầu quan tâm đến vấn đề làm đẹp, trang điểm, thời trang,... Trẻ cũng sẽ quan tâm hơn đến các mối quan hệ xã hội như bạn bè, mọi hành vi của trẻ dễ chịu ảnh hưởng của những người xung quanh.
Trẻ có thể đòi hỏi những món đồ giống với bạn bè, chê bai những món đồ sẵn có của mình như váy áo, giày dép,... Điều này khiến cho một vài bậc cha mẹ cho rằng con đang “đua đòi” và la mắng răn đe con, nhưng thực chất con chỉ đang trong giai đoạn dậy thì và muốn được hòa nhập với bạn bè hơn. Do đó, cha mẹ nên chú ý nhẹ nhàng và khuyên bảo con thay vì la mắng. Bởi sự thay đổi của hormone, các bạn nữ dễ trở nên rung động và từ đó khám phá được những cảm xúc như thích thầm, lãng mạn.
Cách nuôi dạy trẻ ở tuổi dậy thì
Khi con cái bước vào giai đoạn dậy thì, cha mẹ nên là những người bạn đồng hành và hỗ trợ trẻ trên con đường trưởng thành. Để hỗ trợ con trong quá trình trưởng thành, phụ huynh nên thực hiện những điều sau:
Giáo dục giới tính và hướng dẫn trẻ chăm sóc cơ thể: Thay vì chọn cách tránh đề cập đến các vấn đề nhạy cảm về sinh sản vì ngại, phụ huynh nên giáo dục giới tính và phổ cập kiến thức cho trẻ từ sớm để trẻ hiểu và chấp nhận những sự thay đổi của cơ thể, đồng thời giúp trẻ biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân. Cha mẹ là những người thân cận và gần gũi với trẻ nhất, do đó việc tạo môi trường cởi mở và phù hợp để truyền đạt những thông tin tế nhị cho trẻ là rất quan trọng, tránh để trẻ hiểu sai về những vấn đề này, giúp trẻ hiểu rõ quyền riêng tư của cơ thể mình và dạy trẻ cách tự chăm sóc cơ thể và sức khỏe của bản thân.
Lắng nghe suy nghĩ của trẻ: Phụ huynh nên dành thời gian để làm bạn với con và lắng nghe những suy nghĩ của trẻ. Việc lắng nghe khiến cha mẹ hiểu được những vấn đề trẻ đang gặp phải để đưa ra lời khuyên phù hợp cho trẻ với tư cách là một người đã trải qua giai đoạn này. Khi được lắng nghe, trẻ cũng cảm thấy suy nghĩ của mình được tôn trọng và mối quan hệ giữa trẻ với cha mẹ sẽ được củng cố hơn. Việc cho trẻ nói ra suy nghĩ của mình cũng là để phụ huynh có thể khuyên nhủ kịp thời nếu phát hiện trẻ có những suy nghĩ sai lệch, việc không thể chia sẻ tâm tư có thể khiến trẻ dễ dàng trở nên xa cách cha mẹ hơn.
Thúc đẩy trẻ phát triển sự độc lập: Trẻ em bước vào tuổi dậy thì thường muốn đề cao và được thấu hiểu những suy nghĩ của mình. Phụ huynh nên tôn trọng và tạo điều kiện để con phát triển sự tự lập của mình trong một khuôn khổ nhất định. Tuy khuyến khích con tự lập nhưng phụ huynh vẫn cần đề ra một số quy tắc để tránh những hành động và suy nghĩ sai lệch trong sự phát triển của con.
Con gái 12 tuổi lần đầu trải qua những sự thay đổi về tâm sinh lý qua quá trình dậy thì thường dễ trở nên tự ti, cha mẹ nên đồng hành và lắng nghe trẻ nhiều hơn để giáo dục trẻ phát triển một cách toàn diện. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về giai đoạn dậy thì ở nữ giới và sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ trong thời kỳ này. Việc nắm bắt thông tin giáo dục có thể giúp bạn tạo điều kiện phát triển tốt hơn cho con em của mình.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.