Tìm hiểu sự thật đằng sau những lầm tưởng về ung thư vú có thể giúp bạn tránh khỏi những thông tin sai lệch và đưa ra những quyết định sáng suốt để bảo vệ sức khỏe của mình và những người xung quanh.
Có rất nhiều những thông tin về ung thư vú mà chúng ta có thể hiểu sai dẫn đến tình trạng hoang mang hoặc thậm chí gây ra những hậu quả về sức khỏe khi điều trị quá muộn. Bài viết dưới đây sẽ đề cập và giải đáp cho 7 vấn đề dễ bị lầm tưởng về ung thư vú, cùng tìm hiểu ngay nhé!
Có phải các khối u ở vú thường là dấu hiệu của bệnh ung thư?
Sự thật: Hầu hết các khối u ở vú không phải là dấu hiệu của bệnh ung thư.
Nhiều người cho rằng, sự xuất hiện các khối u ở vú là dấu hiệu mắc bệnh ung thư. Nhưng trên thực tế, 80 - 85% khối u ở vú của phụ nữ từ 40 tuổi trở xuống không phải là ung thư.
Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhất định có thể mắc bệnh khi vùng ngực xuất hiện những khối u này. Vì vậy cần phải tầm soát sớm để nhanh chóng điều trị kịp thời. Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú như:
Sự thay đổi về kích thước hoặc hình dạng của ngực;
Da vùng ngực bị lõm, tấy đỏ hoặc đóng vảy;
Núm vú bị tụt vào trong;
Khối u ở nách;
Các khối u không ngừng tăng kích thước;
Tiết dịch núm vú;
Sưng một phần ngực.
Có phải ung thư vú là do di truyền
Sự thật: Bạn không nhất thiết sẽ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn.
Khi trong gia đình có người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, không có nghĩa là những thành viên còn lại chắc chắn sẽ mắc bệnh, tuy nhiên họ sẽ đối diện với nguy cơ bị ung thư vú cao hơn.
Cần lưu ý rằng, hầu hết những trường hợp mắc ung thư vú hiện nay đều không có tiền sử gia đình mắc bệnh trước đó. Nếu bạn lo lắng, hãy đến thăm khám bác sĩ hoặc chuyên gia để có thể đánh giá đúng đắn nguy cơ mắc bệnh.
Đàn ông không bị ung thư vú đúng không?
Sự thật: Ung thư vú ở nam giới hiếm gặp hơn ở nữ giới, nhưng nó vẫn xảy ra.
Theo Breastcancer.org, tất cả các bệnh ung thư vú ở nam giới xảy ra với tỉ lệ rất thấp (ít hơn 1%), nên không có khuyến nghị nào cho nam giới nên kiểm tra ung thư vú thường xuyên. Tuy nhiên, mặc dù kích thước ngực của nam giới khác hơn so với nữ giới, nhưng họ vẫn có mô vú, nơi có thể chứa các tế bào ung thư.
Bên cạnh đó, nam giới có tiền sử gia đình mắc bệnh có thể đối diện với nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Trong đó, đột biến gen BRCA (gen ung thư vú) trong di truyền, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lên đến 100 lần. Ung thư vú ở nam giới cũng có tiên lượng xấu hơn so với nữ giới. Vì vậy, nếu có những dấu hiệu bất thường hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh, nên thăm khám và sàng lọc sớm.
Ung thư vú luôn gây ra cảm giác đau đúng không?
Sự thật: Trong giai đoạn đầu của bệnh ung thư vú, có thể không xuất hiện cảm giác đau.
Hầu hết các bệnh ung thư vú thường không gây đau ở ngực hoặc núm vú. Cảm giác khó chịu ở ngực và núm vú thường là kết quả của việc thay đổi nội tiết tố, thay đổi u xơ ở ngực hoặc thậm chí là tác nhân từ yếu tố bên ngoài như áo ngực không vừa vặn. Mặc dù cảm giác đau có thể không phải là dấu hiệu của bệnh ung thư, nhưng vẫn cần theo dõi để phát hiện các triệu chứng bất thường khác hoặc đến thăm khám bác sĩ để giải đáp những nghi ngờ.
Có phải mặc áo ngực có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú?
Sự thật: Việc mặc áo ngực là hoàn toàn an toàn, không làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Đã có những tuyên bố cho rằng việc mặc áo ngực, đặc biệt là những loại áo ngực có gọng sẽ làm chèn ép hệ bạch huyết ở ngực và hạn chế dòng bạch huyết chảy ra khỏi đây, dẫn đến tích tụ các chất độc hại. Tuy nhiên, hiện nay không có bằng chứng hoặc nghiên cứu nào ủng hộ tuyên bố này.
Sử dụng các sản phẩm chống mồ hôi, khử mùi có thể gây ung thư vú đúng không?
Sự thật: Những sản phẩm chăm sóc cơ thể an toàn khi sử dụng hàng ngày và không gây ung thư.
Một số người cho rằng, những hóa chất có trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân như nhôm và paraben có thể gây ung thư, khi hấp thụ qua da hoặc qua vết thương hở từ quá trình cạo lông vùng nách. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh cho những ý kiến trên. Trong những năm gần đây, có nhiều nghiên cứu khác nhau cũng không tìm thấy mối quan hệ trực tiếp giữa ung thư vú và các sản phẩm chống mồ hôi, khử mùi. Hơn nữa, hầu hết các tác nhân gây ung thư đều bị thận đào thải, sau đó được bài tiết qua nước tiểu hoặc chuyển hóa bởi gan thành chất không độc.
Có phải nâng ngực có thể làm tăng nguy cơ ung thư?
Sự thật: Phẫu thuật thẩm mỹ vùng ngực không gây ung thư. Những người thực hiện phẫu thuật nâng ngực không có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
Mặc dù túi độn ngực không gây ung thư vú, nhưng những túi này có thể có mối liên hệ với bệnh u lympho tế bào lớn thoái sản (ALCL), một loại ung thư hiếm gặp ở hệ thống miễn dịch.
Do vậy, trong quá trình thăm khám, xét nghiệm, cần lưu ý rằng, biện pháp chụp nhũ ảnh hay X-quang tuyến vú (tên tiếng Anh Mammography) thông thường có thể không sàng lọc chính xác được bệnh ở những đối tượng đã thực hiện phẫu thuật cấy ghép túi ngực. Đôi khi cần phải thực hiện thêm một số biện pháp bổ sung để kiểm tra mô vú.
Ung thư vú là một dạng ung thư có khả năng điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Nhiều bệnh ung thư vú không có bất kỳ triệu chứng, dấu hiệu nào trong giai đoạn đầu, chỉ có thể được phát hiện khi sàng lọc. Tuy vậy, không phải tất cả các triệu chứng đều là dấu hiệu của bệnh ung thư. Chẩn đoán sớm bệnh ung thư giúp điều trị hiệu quả, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong, tăng chất lượng cuộc sống. Bạn cần theo dõi cơ thể, khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc và chẩn đoán sớm bệnh lý giúp bảo vệ sức khỏe của chính mình nhé!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.