Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Cấu tạo, chức năng của tuyến vú và các bệnh lý thường gặp

Ngày 05/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tuyến vú là một trong những cơ quan rất quan trọng của người phụ nữ, ngoài mang lại vẻ đẹp ngoại hình, tuyến vú còn giữ vai trò quan trọng trong việc sản xuất sữa mẹ và cho con bú. Vì đặc tính này, tuyến vú được cấu tạo khá phức tạp và chịu tác động của hệ thống nội tiết tố trong cơ thể.

Tuyến vú là một cấu trúc phức hợp, hình ống phân nhánh và là đặc điểm chính khác biệt của động vật có . Sự phát triển của tuyến vú bắt đầu trong quá trình tạo phôi có hình ảnh như một cấu trúc thô sơ phát triển thành một cây, gồm nhiều nhánh cây là ống phân nhánh sơ cấp và được gắn vào một đầu của một khối mỡ là núm vú.

Khi buồng trứng bắt đầu thực hiện chức năng ở tuổi dậy thì của bé gái, hệ thống ống dẫn trứng thô sơ trải qua sự thay đổi hình thái mạnh mẽ bằng sự kéo dài và phân nhánh của ống dẫn sữa của tuyến vú, từ đó tuyến vú dần được hoàn thiện. Trong thời kỳ mang thai, quá trình biệt hóa và phân nhánh tiếp theo được hoàn thành và trong thời kỳ cho con bú, các tuyến sản xuất sữa trưởng thành cuối cùng cũng phát triển. Giai đoạn đầu của sự phát triển của tuyến vú không phụ thuộc vào nội tiết tố, trong khi ở tuổi dậy thì và mang thai, sự phát triển của tuyến vú phụ thuộc nhiều vào nội tiết tố.

Mô học và các chức năng của tuyến vú

Để hiểu hơn về tuyến vú, trước hết ta cùng nhau tìm hiểu về mô học, cấu tạo của tuyến vú.

Mô học

Tuyến vú ở phụ nữ trưởng thành có dạng giống như nửa quả cam, được chia thành 16 - 20 thùy như các múi cam, nhưng giới hạn của các thùy có thể không rõ ràng và thường chồng lấp lên nhau. Mỗi thùy vú bao gồm nhiều tiểu thùy và hệ thống ống dẫn, các cấu trúc này được bao quanh bởi mô đệm gian tiểu thùy và mô mỡ.

Cấu tạo, chức năng của tuyến vú và các bệnh lý thường gặp 1
Cấu tạo phân nhánh của tuyến vú

Hệ thống ống dẫn gồm các ống phình ra tạo xoang sữa ở dưới núm vú gọi là ống thu thập, chúng đổ ra ngoài qua một lỗ mở tại núm vú để đưa sữa mẹ ra ngoài. Tiếp sau đó là các ống dẫn lớn phân nhánh thành những ống dẫn nhỏ hơn và tận cùng bằng ống tận ngoài tiểu thùy.

Đơn vị tiểu thùy - ống tận còn được gọi là tiểu thùy vú, cấu tạo gồm một chùm ống tận nhỏ phân nhánh từ ống tận trong tiểu thùy và mô đệm bên trong tiểu thùy. Ống tận nhỏ là những ống tịt đầu, chúng là các túi tuyến chế tiết sữa trong giai đoạn có thai và cho con bú. Ống tận nhỏ được lót bởi hai loại tế bào, lớp tế bào biểu mô bên trong và tế bào cơ biểu mô ở bên ngoài.

Đa số các bệnh lý tuyến vú đều xuất phát từ đơn vị tiểu thùy - ống tận, chỉ có một số ít bệnh xuất phát từ ống dẫn lớn, ví dụ như u nhú trong ống dẫn sữa.

Chức năng của tuyến vú

Nội tiết tố có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chức năng chính của tuyến vú - sản xuất sữa. Estrogen có vai trò quan trọng trong việc mở rộng các ống dẫn sữa, khiến chúng phân nhánh để chứa nhiều sữa hơn. Ở tuổi dậy thì, các hormone tăng trưởng và estrogen gây ra sự hình thành và phát triển của tuyến vú. Khi progesterone và estrogen trong thai kỳ tăng lên, ống dẫn sữa cũng phát triển và ngực nở ra.

Prolactin hỗ trợ sự phát triển của tuyến vú và sản xuất sữa. Progesterone hỗ trợ các tiểu thùy phát triển để chuẩn bị cho con bú, bên cạnh đó còn giúp các mạch máu ở vú giãn nở sau khi rụng trứng. Hormon oxytocin kích thích sữa được đẩy ra khỏi các tuyến. Với sự sụt giảm sản xuất estrogen vào thời điểm mãn kinh, các tuyến vú co lại, khiến ngực có vẻ mềm hơn và thu nhỏ hơn theo tuổi tác.

Cấu tạo, chức năng của tuyến vú và các bệnh lý thường gặp 2
Tuyến vú chịu ảnh hưởng lớn của hệ thống nội tiết

Thăm khám vú và một số bệnh thường gặp

Khi khám tuyến vú, người phụ nữ ngồi hoặc nằm, bác sĩ sẽ kiểm tra xem vú có hình dạng bất thường, núm vú quay vào trong (núm vú thụt vào trong) và các khối u hay không. Bác sĩ cũng kiểm tra xem da trên vú và những vùng da xung quanh có bị lõm, dày, đỏ hoặc căng không. Bác sĩ ấn xung quanh núm vú để kiểm tra dịch tiết. Nếu có, chất dịch được kiểm tra để xác định xem nó có chứa máu hay không. Nách cũng sẽ được các bác sĩ kiểm tra nhằm phát hiện các hạch bạch huyết sưng. Bác sĩ có thể khám vú và nách với người phụ nữ ở các tư thế khác nhau. Ví dụ, khi ngồi, bệnh nhân có thể được yêu cầu ấn hai lòng bàn tay vào nhau trước trán. Vị trí này làm cho cơ ngực co lại và làm cho những thay đổi tinh tế ở ngực trở nên dễ nhận thấy hơn.

Các nhóm bệnh lý thường gặp liên quan đến tuyến vú là:

  • Viêm tuyến vú: Bao gồm viêm tuyến vú cấp tính và áp xe vú, giãn ống dẫn sữa, hoại tử mỡ, viêm lao vú.
  • Biến đổi sợi bọc tuyến vú: Là tổn thương thường gặp nhất của tuyến vú. Nhưng chỉ 10% phụ nữ có tổn thương biến đổi sợi bọc có biểu hiện ra lâm sàng. Độ tuổi mắc bệnh từ khoảng 30 tuổi đến trước tuổi mãn kinh. Bệnh liên quan với tính trạng mất cân bằng hormone, tăng quá mức estrogen hoặc thiếu hụt progesteron. Bao gồm biến đổi sợi bọc không tăng sinh và biến đổi sợi bọc có tăng sinh.
  • Bệnh lý về u: Bao gồm u sợi biểu mô, u nhú trong ống sữa, carcinom.
Cấu tạo, chức năng của tuyến vú và các bệnh lý thường gặp 3
Thăm khám vú có thể giúp phát hiện nhiều bệnh lý

Các xét nghiệm, cận lâm sàng chẩn đoán về bệnh lý tuyến vú

Các xét nghiệm hình ảnh được sử dụng để kiểm tra các bất thường ở vú trước khi chúng được phát hiện (gọi là sàng lọc ung thư vú) hay đánh giá những bất thường đã được xác định, chẳng hạn như khối u vú được phát hiện khi bác sĩ khám.

Các xét nghiệm thường được dùng là:

  • Chụp nhũ ảnh: Thường được bắt đầu chụp khảo sát ở độ tuổi từ 40 đến 50 và sau đó được thực hiện 1 hoặc 2 năm một lần. Chụp nhũ ảnh giúp cung cấp hình ảnh về bất kỳ điểm bất thường nào (chẳng hạn như khối u hoặc áp xe) và các mô xung quanh vị trí bất thường, cung cấp hình ảnh hạch bạch huyết để kiểm tra những bất thường, giúp bác sĩ đặt kim sinh thiết vào mô bất thường và sau phẫu thuật, giúp bác sĩ xác định liệu ung thư đã được loại bỏ hoàn toàn hay chưa. Ngoài ra chụp nhũ ảnh cũng có thể được thực hiện nếu phát hiện khối u khi kiểm tra vú hoặc nếu phụ nữ bị đau vú hay chảy dịch từ núm vú.
  • Siêu âm tuyến vú: Cung cấp thêm thông tin về những bất thường được phát hiện bằng chụp cộng hưởng từ hoặc chụp nhũ ảnh.
  • Chụp MRI: Sau khi được chẩn đoán ung thư vú, cần xác định kích thước và số lượng khối u, đặc biệt ở phụ nữ có mô vú dày đặc thì MRI là chỉ định cần thiết. Ngoài ra chụp MRI còn nhằm để xác định các hạch bạch huyết bất thường và từ đó giúp xác định giai đoạn ung thư vú.
Cấu tạo, chức năng của tuyến vú và các bệnh lý thường gặp 4
Chụp nhũ ảnh có thể khảo sát u cục tuyến vú

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin về cấu tạo, chức năng cũng như các bệnh lý thường gặp của tuyến vú. Vì ung thư vú hiện nay ngày càng tăng cao về tỉ lệ mắc, việc khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra sẽ giúp bạn có cơ hội phát hiện các bệnh về tuyến vú sớm hơn, từ đó đem lại cơ hội điều trị và tiên lượng tốt hơn.

Xem thêm: Tuyến vú phụ ở nách là gì? Biểu hiện của tuyến vú phụ

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Đỗ Viết Chung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, nhiều năm đảm nhiệm vị trí tư vấn dược phẩm và sức khỏe. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.