Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hiểu đúng tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ

Ngày 14/05/2022
Kích thước chữ

Thở khò khè là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé mà còn khiến cha mẹ lo lắng không yên. Trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ có thể là dấu hiệu trẻ đang mắc một bệnh lý về đường hô hấp. Do đó, tìm hiểu đúng nguyên nhân và cách chữa trị tình trạng này là việc làm cần thiết giúp bé yêu có giấc ngủ ngon và phát triển khỏe mạnh.

Cũng giống như ho, khò khè ở trẻ có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên dù là nguyên nhân nào gây ra tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ cũng đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của bé.

Nguyên nhân nào làm cho trẻ sơ sinh khò khè lúc ngủ?

Cảm lạnh

Cảm lạnh là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ. Với triệu chứng điển hình là sổ mũi, lượng dịch nhầy tiết ra nhiều gây tắc nghẽn, làm trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi. Do đó, trẻ sẽ thở khó khăn hơn và thở khò khè khi ngủ.

Hiểu đúng tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ

Cảm lạnh là một trong những nguyên nhân thường thấy làm trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ

Viêm tiểu phế quản và viêm phổi

Viêm tiểu phế quản là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, có thể gây ho và thở khò khè ở trẻ. Căn bệnh này chủ yếu là do virus gây ra và thường xuất hiện vào mùa lạnh. Khi trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm tiểu phế quản, đường hô hấp sẽ bị chặn, gây khó thở và thở khò khè về đêm.

Nếu bé có biểu hiện ho nhiều, ho thường xuyên, tiếng thở khò khè to bất thường thì có thể bé đang bị viêm phế quản cấp tính. Còn khi trẻ bú kém, da nhợt nhạt tím tái và thở khò khè nhiều hơn có thể bé đã bị viêm phổi. Các phế nang chứa nhiều dịch nhầy và mủ khiến trẻ suy hô hấp, thở khò khè. Ở trường hợp này cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.

Do bị mềm sụn thanh quản

Mềm sụn thanh quản là tình trạng thường gặp ở trẻ sinh non hoặc do bé đang bị một tổn thương nào đó ở đường hô hấp. Bên cạnh đó, nếu các mạch máu lớn chèn ép vùng thanh quản của bé cũng có thể khiến cho bé thở khò khè khi ngủ.

Trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là tình trạng acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản hoặc đường dẫn thức ăn. Một lượng nhỏ chất lỏng này có thể bị hít vào phổi, gây kích ứng và viêm sưng các đường hô hấp nhỏ khiến trẻ sơ sinh thở khò khè buổi đêm. Hiện tượng này thông thường sẽ biến mất khi trẻ bước vào 1 tuổi.

Hiểu đúng tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ

Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày cũng dễ thở khò khè khi ngủ

Hen suyễn

Hen suyễn là bệnh lý có tính di truyền bẩm sinh và cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ. Triệu chứng đặc trưng của bệnh chính là khiến cho trẻ thở khò khè, tình trạng trở nặng về đêm, đặc biệt là trong lúc bé ngủ. Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai nếu người mẹ hút thuốc lá cũng sẽ gây bệnh hen suyễn cho trẻ khi ra đời.

Dị ứng

Các dị vật như: Mạt bụi, phấn hoa, lông chó mèo hay hóa chất có thể làm hệ thống miễn dịch phản ứng khiến cho đường hô hấp bị thu hẹp lại. Không khí bị ép xuyên qua không gian nhỏ hơn và gây ra tiếng thở khò khè có kèm theo biểu hiện như ho, hắt hơi và sổ mũi. 

Ngoài những nguyên nhân kể trên, trẻ thở khò khè ban đêm có thể là do ngủ sai tư thế, trẻ bị sặc sữa hoặc viêm amidan cấp tính.

Cách chữa trị tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ

Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý

Khi ba mẹ phát hiện trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ, việc nên làm đầu tiên là vệ sinh mũi họng cho bé sạch sẽ. Sử dụng nước muối sinh lý là một cách rửa mũi hiệu quả để giúp loại bỏ đờm ứ đọng trong khoang mũi và cổ họng của bé. Nhờ vậy, ngăn ngừa vi khuẩn gây hại cho đường hô hấp đường thở của trẻ sẽ thông thoáng và bé sẽ thở dễ chịu hơn để ngủ.

Hiểu đúng tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ

Vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý sẽ giúp trẻ cải thiện vấn đề thở khò khè

Để bé uống nước và bú mẹ nhiều hơn

Bổ sung nước đầy đủ là cách giúp họng và đường thở của bé được thông thoáng và dịu mát. Chất lỏng còn có tác dụng làm loãng dịch nhầy và giúp bé thở dễ dàng hơn.

Giữ ấm cho bé

Giữ ấm cho bé là việc làm cần thiết giúp phòng tránh được tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi. Ủ ấm bé thường xuyên đặc biệt trong thời tiết lạnh giá sẽ làm giảm tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ do cảm lạnh gây ra.

Dùng các loại tinh dầu

Các loại tinh dầu như bạc hà hay tinh dầu tràm có tác dụng hiệu quả với trẻ thở khò khè, khiến bé cảm thấy dễ chịu hơn. 

Các mẹ chỉ cần thoa một chút tinh dầu bạc hà lên gối, chăn là đã có tác dụng. Tuy nhiên, không nên lạm dụng nhiều bởi tinh dầu bạc hà sẽ khiến bé bị bỏng, rát da.

Ngoài ra, mẹ hãy bôi tinh dầu tràm vào gan bàn chân của trẻ mỗi tối trước khi đi ngủ. Hoặc nhỏ vài giọt vào nước tắm của bé sẽ giúp giữ ấm và lưu thông đường thở, ngăn ngừa sổ mũi và bé ngủ ngon hơn. Nhờ đó giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ.

Điều chỉnh tư thế ngủ

Nếu nằm nghiêng, nằm sấp là lý do khiến trẻ thở khò khè khi ngủ thì mẹ chỉ cần điều chỉnh tư thế ngủ của trẻ là được. Nằm sấp sẽ khiến đường thở bị chèn ép, nên để trẻ nằm ngửa hoặc nghiêng là tốt nhất. Không cho trẻ nằm gối cao, không đắp chăn quá mũi của bé. 

Hiểu đúng tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ

Tư thế ngủ đúng cũng giúp trẻ sơ sinh dễ thở hơn

Khi nào nên đưa trẻ sơ sinh thở khò khè đi thăm khám bác sĩ?

Trong quá trình theo dõi và chăm sóc trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ, nếu tình trạng của bé không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm, cha mẹ cần đưa trẻ  đến ngay bệnh viện. Đặc biệt là trẻ gặp các trường hợp sau đây:

  • Ngay lần đầu xuất hiện tình trạng bé sơ sinh bị sốt kèm theo thở khò khè, khó thở, da tím tái.
  • Trẻ cảm thấy khó thở, lồng ngực co rút mỗi khi hít thở.
  • Trẻ có tiền sử mắc hen suyễn, đột nhiên khó thở, thở khò khè.
  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi có dấu hiệu khó thở hoặc thở dốc.
  • Tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ kéo dài từ 3-4 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm.

Hiểu đúng tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ

Cần cho trẻ sơ sinh tiến hành thăm khám ngay để phát hiện bệnh sớm

Đối với trẻ nhỏ, các bệnh hô hấp được xem là căn bệnh rất đáng sợ vì sức đề kháng của trẻ quá yếu mà bệnh lại tiến triển quá nhanh. Thở khò khè có thể là biểu hiện cảnh báo trẻ đang mắc một số bệnh lý như hen suyễn, viêm phổi hoặc viêm phế quản. Các bậc cha mẹ không nên chủ quan mà cần theo dõi biểu hiện, tìm hiểu nguyên nhân gây ra tiếng thở khác lạ ở trẻ, nhờ đó tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả kịp thời.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm