Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trào ngược dạ dày: Cách phòng tránh và điều trị ra sao?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trào ngược dạ dày là một bệnh liên quan đến đường tiêu hóa rất thường gặp hiện nay. Thông thường, người bệnh không quá quan tâm đến vấn đề này, chỉ tự điều trị tại nhà mà không có sự hướng dẫn y tế thích hợp thì rất dễ tái đi tái lại nhiều lần và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Trào ngược dạ dày là bệnh gì?

Trào ngược dạ dày hay còn gọi là trào ngược dạ dày thực quản (GERD – Gastroesophageal Reflux Disease), là một rối loạn đường tiêu hóa, xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới hoạt động kém hiệu quả làm dịch acid dạ dày hoặc thức ăn và chất lỏng trào ngược từ dạ dày lên thực quản.

Bệnh xảy ra rất phổ biến, với tần suất khoảng 10-20% ở người lớn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của trào ngược dạ dày

Triệu chứng nổi bật nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là ợ nóng, có hoặc không có trào ngược dịch vị vào miệng. Triệu chứng chính ở trẻ nhỏ có nôn mửa, kích thích, chán ăn và đôi khi có triệu chứng hít phải thức ăn kéo dài. Cả người lớn và trẻ nhỏ bị hít phải thức ăn kéo dài đều có thể có bị ho, khàn giọng, hoặc khò khè.

Viêm thực quản có thể gây đau khi nuốt và thậm chí là xuất huyết thực quản, vấn đề này thường tiềm ẩn nhưng cũng có thể rất nặng. Chít hẹp thực quản gây khó nuốt đồ đặc, tiến triển dần dần. Loét dạ dày thực quản gây đau giống loét dạ dày hoặc tá tràng, nhưng đau thường khu trú ở mũi ức hoặc ở vùng cao sau xương ức. Loét dạ dày thực quản lành chậm, có xu hướng tái phát và thường gây chít hẹp khi lành.

Các triệu chứng khác ít xảy ra hơn nhưng có thể là dấu hiệu cho GERD là:

  • Nôn trớ;

  • Khó hoặc đau khi nuốt;

  • Tiết nhiều nước bọt đột ngột;

  • Đau họng mãn tính;

  • Viêm thanh quản hoặc khàn giọng;

  • Viêm nướu;

  • Sâu răng;

  • Hôi miệng;

  • Ho tái phát hoặc mãn tính;

  • Đau ngực (cần tìm trợ giúp y tế ngay lập tức).

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh trào ngược dạ dày 

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến viêm thực quản, loét dạ dày thực quản, chít hẹp thực quản, thực quản Barrett và ung thư biểu mô tuyến thực quản. 

Các yếu tố góp phần làm viêm thực quản bao gồm tính ăn mòn của phần trào ngược, mất khả năng loại bỏ phần trào ngược trong thực quản, lượng thức ăn trong dạ dày và mất chức năng bảo vệ tại chỗ của niêm mạc. 

Một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ, có thể hít phải thức ăn trào ngược.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám nếu cho rằng mình bị GERD, hoặc nếu các triệu chứng của bạn không thuyên giảm khi dùng thuốc không kê đơn hoặc thay đổi lối sống.

Bạn cũng nên đi khám nếu bạn có các triệu chứng có thể liên quan đến các biến chứng GERD hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, như:

  • Đau ngực.

  • Nôn mửa dai dẳng.

  • Vấn đề khi nuốt hoặc đau khi nuốt.

  • Có dấu hiệu chảy máu trong đường tiêu hóa, như chất nôn có máu hoặc trông giống như bã cà phê, phân có máu hoặc có màu đen và hắc ín.

  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày

Cơ vòng thực quản dưới và cơ hoành thường hoạt động để ngăn cản sự trào ngược dạ dày, khi có thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Trào ngược xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới hoạt động kém hiệu quả, có thể là do mất toàn bộ trương lực cơ thắt trong hoặc do các đợt giãn thoáng qua không thích hợp tái đi tái lại (tức là không liên quan đến nuốt). Giãn cơ thắt thực quản dưới thoáng qua khởi phát do căng giãn dạ dày hoặc do kích thích dưới ngưỡng ở họng.

Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến cơ vòng thực quản dưới và dẫn đến GERD bao gồm:

  • Thừa cân hoặc béo phì.

  • Phụ nữ có thai.

  • Hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc.

  • Một số loại thuốc có thể gây ra GERD hoặc làm cho các triệu chứng GERD tồi tệ hơn, như benzodiazepine, thuốc an thần, thuốc chẹn kênh canxi, một số loại thuốc hen suyễn, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chống trầm cảm ba vòng.

Thoát vị khe hoành cũng có thể làm tăng khả năng mắc GERD hoặc làm cho các triệu chứng GERD tồi tệ hơn. Thoát vị khe hoành là tình trạng lỗ mở trong cơ hoành cho phép phần trên của dạ dày di chuyển lên ngực.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày?

  • Người béo phì;
  • Người bị thoát vị khe hoành;
  • Phụ nữ có thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) trào ngược dạ dày

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ làm trầm trọng thêm trào ngược dạ dày, bao gồm:

  • Ăn khi gần đến giờ đi ngủ.
  • Ăn thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ.
  • Uống nhiều cà phê, trà, rượu.
  • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản bằng cách xem xét các triệu chứng và bệnh sử của bạn. Nếu các triệu chứng cho thấy bạn bị GERD, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống, thay vì làm các xét nghiệm.

Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm y tế nếu:

  • Các triệu chứng cho thấy có thể bị biến chứng của GERD.

  • Các triệu chứng cho thấy có thể có một vấn đề sức khỏe khác gây ra các triệu chứng tương tự như của GERD.

  • Các triệu chứng không cải thiện sau khi điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống.

Bác sĩ có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây để giúp chẩn đoán GERD và kiểm tra các biến chứng GERD hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

Nội soi đường tiêu hóa trên: 

Nội soi có thể thực hiện kèm theo rửa tế bào học và/hoặc sinh thiết ở những vùng bất thường. Sinh thiết qua nội soi là xét nghiệm duy nhất có thể phát hiện sự thay đổi của lớp niêm mạc hình trụ trong bệnh thực quản Barrett. 

Bệnh nhân có kết quả nội soi bình thường nhưng lại có các triệu chứng điển hình mặc dù đã được điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton, cần phải được kiểm tra pH 24 giờ.

Theo dõi pH thực quản:

Theo dõi pH thực quản là cách chính xác nhất để phát hiện aicd dạ dày trong thực quản.

Phương pháp điều trị trào ngược dạ dày hiệu quả

Thay đổi lối sống:

  • Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.
  • Nâng đầu giường khoảng 15cm để nâng cao đầu hơn khi ngủ.
  • Bỏ hút thuốc.
  • Thay đổi thói quen ăn uống và chế độ ăn uống.

Điều trị bằng thuốc:

Thuốc kháng aicd (Aluminum hydroxide, magnesium hydroxide,…): Có thể dùng thuốc kháng acid để giảm chứng ợ nóng nhẹ và các triệu chứng GERD nhẹ khác. Tuy nhiên, không nên sử dụng các loại thuốc này hàng ngày hoặc đối với các triệu chứng nghiêm trọng. 

Thuốc chẹn H2 (Cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin): Có tác dụng làm giảm lượng acid trong dạ dày.

Thuốc ức chế bơm proton (PPIs: Omeprazol, esomeprazol, lansoprazol, pantoprazol): Có tác dụng làm giảm lượng acid trong dạ dày. PPIs điều trị các triệu chứng GERD tốt hơn thuốc chẹn H2 và chúng có thể chữa lành niêm mạc thực quản ở hầu hết những người bị GERD. 

PPIs nói chung là an toàn và hiệu quả. Các tác dụng phụ không phổ biến và có thể bao gồm nhức đầu, tiêu chảy và khó chịu ở dạ dày. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng dùng PPIs có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng Clostridium difficile. 

Phẫu thuật:

Phẫu thuật chống trào ngược (thường là phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị qua nội soi ổ bụng) được thực hiện trên bệnh nhân bị viêm thực quản nghiêm trọng, thoát vị khe thực quản lớn, xuất huyết, chít hẹp, hoặc loét. Chít hẹp thực quản được xử trí bằng cách nong nhiều lần qua nội soi.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh trào ngược dạ dày

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Giảm cân nếu thừa cân.

  • Không nên ăn trong vòng 3 giờ trước khi ngủ.

  • Nâng cao đầu khi ngủ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn trái cây ít hoặc không chua như táo, dưa hấu, chuối,…
  • Bổ sung yến mạch (vì có cung cấp chất xơ lành tính, dễ hấp thu, cải thiện tình trạng trào ngược).
  • Gừng có hiệu quả trong cải thiện tính trạng trào ngược dạ dày.
  • Ăn thịt nạc, ít béo.
  • Ăn sữa chua bổ sung nhiều lợi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa.

Phương pháp phòng ngừa trào ngược dạ dày hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh ăn trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ, hạn chế thức ăn cay nóng.
  • Không nên dùng nhiều các loại thức uống kích thích bài tiết acid nhiều như trà, cà phê, rượu,…
  • Tránh hút thuốc hoặc hít phải nhiều khói thuốc.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.niddk.nih.gov/

  2. https://www.msdmanuals.com/

  3. https://www.aaaai.org/

Các bệnh liên quan

  1. Thoát vị thành bụng

  2. Loạn khuẩn đường ruột

  3. Viêm đại tràng màng giả

  4. Khó tiêu

  5. Ung thư biểu mô tế bào gan

  6. Kiết lỵ

  7. Polyp đại tràng

  8. Viêm gan E

  9. Khe nứt và lỗ rò hậu môn, trực tràng

  10. Polyp trực tràng