Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hô hấp nhân tạo là gì? Có mấy phương pháp nhân tạo?

Ngày 22/10/2022
Kích thước chữ

Không chỉ các nhân viên y tế mới cần biết hô hấp nhân tạo mà ngay cả chúng ta trong cuộc sống thường ngày vẫn có lúc cần đến hô hấp nhân tạo trong những tình huống bất ngờ. Vậy hô hấp nhân tạo là gì? Có mấy phương pháp hô hấp nhân tạo là những thông tin chúng ta sẽ tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Khi ai đó gặp nạn trong trường hợp chấn thương/ngưng thở, ngưng tim do đuối nước, ngạt, điện giật… thì tiến hành hô hấp nhân tạo là biện pháp vô cùng cần thiết và quan trọng. Nắm được kỹ thuật sơ cứu này, bạn có thể tạo cơ hội giúp duy trì sự sống cho nạn nhân.

Hô hấp nhân tạo là gì? 

Hô hấp nhân tạo có thể hiểu đó là biện pháp hỗ trợ hô hấp quan trọng cho bệnh nhân. Người bị nạn ở trong tình trạng ngừng thở diễn ra quá lâu sẽ dẫn đến thiếu oxy trong máu và tế bào, từ đó tế bào - trước tiên là tế bào thần kinh sẽ nhanh chóng tê liệt rồi chết.

Tiến hành ngay lập tức biện pháp hô hấp nhân tạo ngay tại nơi nạn nhân gặp nạn chính là một cấp cứu tối khẩn cấp, khẩn trương thực hiện nếu muốn cứu sống nạn nhân.

Hô hấp nhân tạo là biện pháp hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân Hô hấp nhân tạo là biện pháp hỗ trợ hô hấp quan trọng cho bệnh nhân.

Quy trình thực hiện hô hấp nhân tạo

Để thực hiện hô hấp nhân tạo cho nạn nhân, chúng ta cần nắm được quy trình như sau:

  • Đặt nạn nhân nằm ngửa, sau đó bạn quỳ ở bên cạnh, vị trí ngay sát ngang vai của nạn nhân. Tiếp đó, bạn đặt dưới gáy nạn nhân chiếc gối/áo mềm miễn là cho đầu nạn nhân hơi ngửa ra sau.
  • Cuốn vải sạch một ngón tay, sau đó đưa vào trong miệng nạn nhân để lau hết đờm, dãi, các chất nôn, dị vật (nếu có)... Dùng miếng gạc mỏng che kín miệng nạn nhân (nếu không có sẵn miếng gạc, bạn vẫn thực hiện cách cấp cứu này mà không đặt gạc, thổi trực tiếp vào miệng người bị nạn).
  • Dùng một tay bóp kín 2 bên mũi của nạn nhân, tay còn lại đẩy mạnh cằm để miệng nạn nhân hé ra. Sau đó, bạn hít một hơi thật mạnh, áp miệng mình vào sát miệng người bị nạn và thổi vào thật mạnh (liên tục 2 hơi đối với người lớn, 2 hơi với trẻ em dưới 8 tuổi). Đồng thời bạn quan sát lồng ngực nạn nhân, nếu thấy phồng lên là quy trình thực hiện đúng. Tiếp đó, bạn để lồng ngực nạn nhân tự xẹp xuống rồi lại thổi.
  • Thực hiện động tác trên liên tiếp với nhịp độ như sau: Người lớn và trẻ em trên 8 tuổi thực hiện khoảng 15 - 20 lần/phút, trẻ dưới 8 tuổi thổi ngạt 20 - 30 lần/phút.

Ngoài ra, người cấp cứu còn có thể thổi ngạt bằng phương pháp miệng - mũi (thổi vào mũi). Biện pháp hô hấp nhân tạo chỉ thực hiện có hiệu quả đối với trường hợp người bị nạn ngừng thở nhưng tim còn đập.

Quy trình thực hiện hô hấp nhân tạo Tiến hành ngay lập tức biện pháp hô hấp nhân tạo ngay tại nơi nạn nhân gặp nạn.

Lưu ý, một trong những nguyên tắc quan trọng khi thực hiện hô hấp nhân tạo đó là người cấp cứu phải tiến hành hô hấp nhân tạo liên tục cho nạn nhân đến khi người bị nạn bắt đầu thở lại hoặc khi bắt đầu có được sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Dấu hiệu nhận biết sự sống trở lại

Dựa trên những dấu hiệu sau đây, bạn có thể nhận biết được biến pháp hô hấp nhân tạo đã được thực hiện thành công:

  • Miệng nạn nhân co giật;
  • Cổ họng/ngón tay bắt đầu có cử động;
  • Màu da dần trở lại bình thường
  • Bắt đầu thở độc lập tự phát.

Lưu ý khi hô hấp nhân tạo

Có một số điều cần lưu ý mà người cấp cứu khi thực hiện hô hấp nhân tạo cần nắm:

  • Đầu nạn nhân phải đủ ngửa ra sau;
  • Người cấp cứu tránh thổi quá mạnh vào phổi nạn nhân;
  • Trong quá trình hô hấp nhân tạo, người cứu hộ có thể cảm thấy chóng mặt hoặc xây xẩm, tối mặt. Nếu gặp phải tình huống này, bạn cần ngừng thở một lúc rồi thở bình tĩnh trở lại trong vài giây.
  • Trường hợp bạn e ngại về mặt thẩm mỹ hoặc vấn đề về vệ sinh thì hãy nhanh chóng làm sạch mặt của nạn nhân, cũng có thể dùng chiếc khăn tay sạch, miếng vải mỏng che mặt nạn nhân.
  • Sau khi thực hiện hô hấp nhân tạo, nhận thấy bệnh nhân đã có những dấu hiệu sự sống trở lại thì nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế uy tín để cấp cứu kịp thời. 
Lưu ý khi hô hấp nhân tạo Người cấp cứu phải tiến hành hô hấp nhân tạo liên tục.

Có mấy phương pháp hô hấp nhân tạo?

Có nhiều phương pháp hô hấp nhân tạo có thể áp dụng vì chúng đều dựa trên các nguyên tắc chung bao gồm:

  • Tiến hành càng sớm càng tốt: Ngay khi phát hiện nạn nhân ngừng thở, người cứu hộ cần thực hiện hô hấp nhân tạo càng nhanh càng tốt bởi nạn nhân bị thiếu oxy não càng lâu chừng nào sẽ có nguy cơ chết não cao chừng ấy, việc phục hồi sẽ rất khó khăn.
  • Loại bỏ nguyên nhân gây ngạt thở: Nhanh chóng loại bỏ các nguyên nhân gây ngạt trước khi tiến hành các phương pháp hô hấp nhân tạo.
  • Kiên trì thực hiện: Người cứu hộ cần kiên trì tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân đến khi người này có thể tự thở hoặc tùy trường hợp mà thực hiện hô hấp nhân tạo trong khoảng thời gian nhất định.
  • Thực hiện hô hấp nhân tạo phải đúng kỹ thuật, bao gồm cả việc đủ mạnh, đủ tần số…
  • Môi trường tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân phải phải thoáng khí, tránh đặt nạn nhân ở những chỗ có gió lạnh hoặc có quá đông người xung quanh.

Vậy có mấy phương pháp hô hấp nhân tạo có thể áp dụng? Câu trả lời là có nhiều và người cấp cứu sẽ tùy trường hợp mà lựa chọn phương pháp nào thích hợp và hiệu quả nhất.

Phương pháp hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực

Phương pháp này còn có tên gọi là hà hơi thổi ngạt, phải hô hấp nhân tạo kết hợp với ép tim ngoài lồng ngực.  

Cách thực hiện

  • Đặt nạn nhân nằm ngửa, nới rộng quần áo, dây thắt lưng (nếu có); đầu nạn nhân hơi ngửa ra sau bằng cách đặt đệm/gối/áo dưới cổ;
  • Lấy hết dị vật trong mũi, miệng nạn nhân để bảo đảm đường thở được thông thoáng;
  • Người cứu hộ có thể tiến hành thổi ngạt trực tiếp/gián tiếp bằng cách đặt miếng vải mỏng lên miệng bệnh nhân;
  • Tiến hành hà hơi thổi ngạt như sau: Một tay bịt mũi, tay còn lại kéo hàm xuống dưới để mở miệng, sau đó hít một hơi thật sâu rồi ngậm chặt miệng nạn nhân và thổi hết hơi. Song song đó là quan sát lồng ngực bệnh nhân có di chuyển lên xuống trong lúc thổi ngạt hay không
  • Thực hiện lặp lại động tác liên tục hà hơi thổi ngạt liên tục với tần số khoảng 20 lần/phút đối với người lớn và trẻ em trên 8 tuổi. Đối với trẻ dưới 8 tuổi là khoảng 20 - 30 lần/phút.
  • Nếu phát hiện nạn nhân ngừng thở có kèm theo ngưng tim thì người cấp cứu phải kết hợp hà hơi thổi ngạt đồng thời với xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Tần suất vừa ép tim vừa thổi ngạt là 30:2 (30 lần ép tim thì thổi ngạt 2 lần)

Phương pháp sơ cứu hà hơi thổi ngạt này cần tiến hành đến khi nạn nhân tự thở được, sau đó nhanh chóng đưa ngay đến cơ sở y tế. Trường hợp cấp cứu trong khoảng 30 phút mà không hiệu quả thì có thể dừng lại vì bệnh nhân đã tử vong.

Hô hấp nhân tạo là gì? Có mấy phương pháp nhân tạo? 7 Thực hiện hô hấp nhân tạo phải đúng kỹ thuật, bao gồm cả việc đủ mạnh, đủ tần số…

Phương pháp hô hấp nhân tạo Sylvester

Phương pháp hô hấp nhân tạo Sylvester chủ yếu tiến hành khi nạn nhân bị ngạt thở do vùi lấp hoặc trường hợp nạn nhân không thể nằm sấp (bà bầu, người có vết thương vùng bụng…).

Tương tự hai phương pháp trên, trước khi thực hiện việc cấp cứu nạn nhân bằng phương pháp Sylvester, nạn nhân phải được đảm bảo thông thoáng đường thở, không có dị vật hoặc đàm nhớt gây cản trở hô hấp.

Đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu quay về một bên, dùng gối hoặc đệm kê dưới vai nạn nhân để đầu hơi ngửa về phía sau, cằm hướng lên trên. Người cứu hộ sẽ quỳ ở phía đầu nạn nhân sau đó tiến hành phương pháp hô hấp nhân tạo Sylvester như sau:

  • Tạo thì thở ra: Nắm chặt 1⁄3 dưới hai cẳng tay nạn nhân gấp lên trước ngực. Đồng thời, tư thế người cấp cứu ở vị trí nhổm về phía trước, hai tay duỗi thẳng và ép mạnh lên thành ngực nạn nhân để tống không khí ra ngoài.
  • Tạo thì hít vào: Người cứu hộ ngồi xuống, đồng thời kéo hai tay nạn nhân về phía đầu, đồng thời ngả cả người ra sau.
  • Tần số hô hấp nhân tạo khoảng 15 - 20 lần/phút.

Phương pháp hô hấp nhân tạo Nielsen

Trước khi tiến hành phương pháp hô hấp nhân tạo này, người cấp cứu cần giúp đường thở nạn nhân được thông thoáng, loại bỏ dị vật hoặc đàm nhớt, chất nôn ói... trong miệng ra.

Sau đó để nạn nhân ở tư thế nằm sấp, đầu nghiêng sang một bên và gối lên 2 bàn tay nạn nhân, còn người cứu hộ thì quỳ gối ở phía đầu nạn nhân. 

Cách thực hiện:

  • Tạo thì thở ra: Ép mạnh hai bàn tay vào lưng nạn nhân, lòng bàn tay đè lên hai xương bả vai. Người cấp cứu hơi ngả về phía trước, hai cánh tay ấn thẳng (vuông góc với thành ngực) rồi buông ra đột ngột.
  • Tạo thì hít vào: Người cấp cứu nắm tay nạn nhân ở gần mỏm khuỷu và tiến hành kéo cánh tay lên trên, về phía đầu (nhưng không nhấc đầu lên) rồi trả về tư thế lúc đầu.
  • Tần số hô hấp nhân tạo là khoảng 10 - 12 lần/phút.

Thông thường, phương pháp hô hấp nhân tạo Nielsen sẽ được tiến hành cấp cứu đối với những bệnh nhân ngạt thở do đuối nước, việc đặt nạn nhân nằm sấp nhằm mục đích giúp dễ dàng tống nước trong bụng ra ngoài.

Phương pháp hô hấp nhân tạo Nielsen Phương Nielsen áp dụng cho bệnh nhân ngạt thở do đuối nước.

Phương pháp hô hấp nhân tạo Schaeffer

Đầu tiên, đặt nạn nhân nằm sấp trên mặt phẳng thẳng, hai tay đưa lên phía đầu, mặt quay sang một bên, đảm bảo thông thoáng đường thở. Người cứu hộ quỳ gối phía sau lưng của nạn nhân, hoặc có thể ngồi nhẹ lên bắp chân của nạn nhân nếu để nạn nhân nằm trên ghế.

Cách thực hiện

Người cấp cứu đặt hai bàn tay lên lưng nạn nhân ngay phía trên khung chậu, xòe hai bàn tay ra.

  • Tạo thì thở ra: Bạn hơi nâng người lên, cùng lúc đó dùng hai tay ép mạnh lên lưng nạn nhân trong khoảng hai giây để giúp đẩy cơ hoành lên trên, ép khí trong phổi đi ra ngoài.
  • Tạo thì hít vào: Bạn từ từ buông hai tay ra khỏi lưng nạn nhân hoàn toàn, mục đích là để cơ hoành hạ xuống, phổi nở ra do không khí tự nhiên đi vào.
  • Tần số hô hấp nhân tạo khoảng 15 - 20 lần/phút.

Hy vọng, sau khi đọc bài viết này các bạn đã có thể nắm được các phương pháp hô hấp nhân tạo. Không ai đảm bảo rằng trong cuộc sống mình sẽ không có lúc rơi vào tình huống cần được tiến hành hô hấp nhân tạo hoặc giúp ai đó tìm lại sự sống trong trường hợp chấn thương/ngưng thở, ngưng tim do đuối nước, ngạt, điện giật… Một khi nắm được kỹ thuật sơ cứu này, bạn có thể tạo cơ hội giúp duy trì sự sống cho bất kỳ ai.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:Sơ cứuHô hấp