Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hoạt động thể chất ở bệnh nhân ung thư

Ngày 25/05/2022
Kích thước chữ

Rất nhiều bác sỹ điều trị ung thư khuyến khích bệnh nhân tham gia vào càng nhiều hoạt động thể chất trong quá trình điều trị ung thư càng tốt.

Trước đây, khi bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính (những bệnh mà bệnh nhân phải chung sống trong thời gian dài ví dụ như ung thư hay tiểu đường), họ thường được bác sĩ khuyên nghỉ ngơi và giảm bớt các hoạt động thể chất  so với bình thường. Đây là một lời khuyên tốt nếu vận động nhiều khiến bệnh nhân bị đau, tim đập nhanh hoặc khó thở. NHƯNG những nghiên cứu mới đây cho thấy rằng việc rèn luyện thân thể là an toàn và có thể thực hiện ở những bệnh nhân ung thư, không chỉ vậy việc tập luyện còn cải thiện các chức năng và hoạt động thể chất cũng như chất lượng sống của bệnh nhân.

Nghỉ ngơi quá nhiều có thể làm giảm các chức năng của cơ thể, làm các cơ bắp của bệnh nhân yếu đi và làm hạn chế các động tác vận động. Vì vậy hiện nay, rất nhiều bác sỹ điều trị ung thư khuyến khích bệnh nhân tham gia vào càng nhiều hoạt động thể chất trong quá trình điều trị ung thư càng tốt. Rất nhiều bệnh nhân đã biết đến lợi ích của việc vận động thể chất sau khi điều trị.

Nghỉ ngơi quá nhiều có thể làm giảm các chức năng của cơ thể

Tập luyện hàng ngày có lợi ích thế nào trong quá trình điều trị ung thư?

  • Giữ gìn và cải thiện khả năng hoạt động thể chất (cơ thể thực hiện các hoạt động có linh hoạt và chính xác không).
  • Làm tăng khả năng giữ thăng bằng, giảm nguy cơ bị ngã và gãy xương.
  • Giữ cho cơ bắp không bị thoái hóa do không vận động trong thời gian dài.
  • Làm giảm khả năng mắc bệnh lý về tim mạch.
  • Giảm nguy cơ loãng xương (những xương yếu hơn sẽ dễ bị gãy hơn).
  • Làm tăng lưu thông máu đến chi dưới và giảm khả năng bị cục máu đông.
  • Giúp bệnh nhân bớt phải phụ thuộc vào người khác trong các hoạt động thường ngày.
  • Giúp bệnh nhân tránh được tự ti do không thể hoạt động bình thường.
  • Làm giảm nguy cơ lo âu và trầm cảm.
  • Giúp bệnh nhân bớt chóng mặt.
  • Tăng khả năng giao tiếp xã hội.
  • Làm giảm các triệu chứng mệt mỏi (kiệt sức).
  • Giúp kiểm soát cân nặng.
  • Tăng chất lượng cuộc sống.

Chúng ta vẫn chưa biết nhiều về tác dụng của luyện tập hoạt động thể chất đối với việc hồi phục sức khỏe của bệnh nhân ung thư và đối với hệ thống miễn dịch. Nhưng luyện tập ở mức độ vừa phải đã được chứng minh có hiệu quả đối với sức khỏe của bệnh nhân ung thư.

Luyện tập ở mức độ vừa phải đã được chứng minh có hiệu quả đối với sức khỏe của bệnh nhân ung thư

Mục đích của chương trình tập luyện

Có rất nhiều lý do để bệnh nhân cần tập thể dục trong quá trình điều trị ung thư, tuy nhiên chương trình tập luyện của mỗi người cần phải an toàn và phù hợp nhất với họ. Quan trọng hơn nữa là bản thân bệnh nhân có thích hoạt động thể lực đó không. Để tạo nên một chương trình tập luyện hoàn hảo, cần cân nhắc đến những bài tập mà bệnh nhân đã quen thực hiện từ trước, khả năng vận động hiện tại và những vấn đề sức khỏe và giới hạn về thể lực mà bệnh nhân hiện có.

Những điều có khả năng ảnh hưởng đến vận động của bệnh nhân, ví dụ như:

  • Loại ung thư và giai đoạn ung thư của bệnh nhân.
  • Liệu trình điều trị của bệnh nhân.
  • Độ bền, sức mạnh của thể lực và toàn trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Nếu đã từng tập luyện trước điều trị, thì trong quá trình điều trị bệnh nhân cần phải tập với một lượng bài tập ít hơn bình thường hoặc ở một cường độ nhẹ nhàng hơn. Mục đích của bài tập lúc này là để giữ cho bệnh nhân trở nên năng động, và giữ thân thể khỏe mạnh nhất có thể. Những bệnh nhân có lối sống ít vận động, chưa tập luyện trước khi điều trị ung thư nên bắt đầu với những bài tập ngắn, cường độ nhẹ, ví dụ như bắt đầu với việc đi bộ chậm.

Với những bệnh nhân lớn tuổi hơn hay bệnh nhân có ung thư di căn đến xương, hoặc có các triệu chứng loãng xương trước đó, bệnh nhân bị viêm khớp hoặc liệt thần kinh ngoại vi (chân hoặc tay tê bì) cần phải đặc biệt chú ý đến việc giữ an toàn và thăng bằng trong lúc tập luyện để tránh bị ngã hoặc bị thương trong lúc luyện tập. Những bệnh nhân thuộc trường hợp này có thể cần có người giúp đỡ hoặc chuyên viên y tế hỗ trợ nếu muốn tập luyện.

Tùy vào loại và giai đoạn ung thư mà bệnh nhân có thể chọn cách tập luyện thể lực khác nhau

Một vài bệnh nhân có thể bắt đầu tự tập luyện và duy trì được một bài tập thể dục an toàn, nhưng có rất nhiều người sẽ tập luyện hiệu quả hơn nếu được một bác sĩ phục hồi chức năng hoặc chuyên gia về rèn luyện thể chất. Bệnh nhân cần đảm bảo chắc chắn rằng, bác sĩ điều trị ung thư của mình đồng ý với chương trình tập luyện và cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về chẩn đoán ung thư và những giới hạn về thể lực của bệnh nhân cho người hướng dẫn/giúp đỡ bệnh nhân tập luyện. Những huấn luyện viên này có thể tìm ra chế độ tập luyện thích hợp và an toàn với bệnh nhân.

Từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình tập luyện, bác sỹ điều trị ung thư cần được biết ý kiến của bệnh nhân về việc chương trình tập có phù hợp với quan tâm, nhu cầu của bệnh nhân không.

Ung thư và sự mệt mỏi: Khi bệnh nhân quá kiệt sức để tập luyện

Rất nhiều bệnh nhân thấy mình có ít năng lượng hơn bình thường. Trong quá trình xạ trị và hóa trị, nhiều bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi kiệt sức. Tình trạng này xảy ra khi cả thân thể và tâm trí của bệnh nhân đều thấy mệt mỏi. Sự mệt mỏi này không được cải thiện khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Đối với rất nhiều người, tình trạng kiệt sức này rất nghiêm trọng và làm hạn chế hoạt động của họ. Nhưng không hoạt động sẽ gây teo cơ và làm mất các chức năng vận động của cơ thể.

Một bài tập aerobic nhẹ nhàng có thể giúp bệnh nhân phá vỡ vòng xoắn bệnh lý này. Trong rất nhiều nghiên cứu, những bài tập luyện thường xuyên làm giảm tình trạng suy kiệt, nó cũng giúp bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động thường ngày mà không gặp các vấn đề lớn. Thậm chí bài tập này còn được bác sĩ chỉ định như một phương pháp điều trị kiệt sức ở các bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân nên thảo luận kĩ với bác sĩ điều trị về vấn đề này.

Thủy Phan

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm