Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng Stevens-Johnson: Nguyên nhân và triệu chứng

Ngày 14/09/2023
Kích thước chữ

Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) là một tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến da, xuất hiện với một loạt các triệu chứng phức tạp. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh này có thể tiến triển một cách nghiêm trọng gây đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Việc tìm hiểu rõ nguyên nhân là điều quan trọng để ngăn ngừa hội chứng này.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về hội chứng Stevens-Johnson, những ảnh hưởng của hội chứng này đối với cơ thể. Đồng thời bài viết cũng đưa ra thông tin về cách chẩn đoán và điều trị của hội chứng này cũng như cách phòng ngừa và giảm thiểu tác động của bệnh đối sức khỏe. Nếu bạn quan tâm đến vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

Tìm hiểu về hội chứng Stevens-Johnson

Hội chứng Steven-Johnson là gì?

Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) là một tình trạng nguy hiểm đặc trưng, gây ra tổn thương phức tạp ở da và niêm mạc. Dù hiếm gặp nhưng bệnh có mức độ nghiêm trọng rất cao và có khả năng đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.

Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng hội chứng Stevens-Johnson và hội chứng Lyell (TEN) có cơ chế bệnh tương tự. Chúng được phân loại dựa trên mức độ tổn thương da như sau:

  • Hội chứng Stevens-Johnson: Đây là dạng nhẹ của hội chứng Lyell, trong đó tổn thương da chiếm dưới 10% diện tích cơ thể.
  • Hội chứng ở ranh giới giữa Stevens-Johnson và Lyell: Tổn thương da chiếm từ 10 đến 30% diện tích cơ thể.
  • Hội chứng Lyell (TEN): Đây là dạng nghiêm trọng nhất, với tổn thương da chiếm tỷ lệ lớn hơn 30% diện tích cơ thể.

Thông qua việc phân loại này, chúng ta có cái nhìn rõ hơn về sự nghiêm trọng của tình trạng bệnh và giúp định hướng việc điều trị một cách hiệu quả.

Hội chứng Stevens-Johnson: Nguyên nhân và triệu chứng 1
Hội chứng Stevens-Johnson là tình trạng tổn thương phức tạp ở da và niêm mạc

Các nguyên nhân dẫn đến hội chứng Stevens-Johnson

Phản ứng dị ứng với thuốc

Hội chứng Stevens-Johnson thường xảy ra khi cơ thể phản ứng mạnh với một loại thuốc nào đó. Các loại thuốc đang hoặc đã sử dụng trong một tháng trước đây có thể là nguyên nhân gây ra bệnh này. Hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ gây hội chứng Stevens-Johnson, tuy nhiên một số loại có nguy cơ cao hơn bao gồm:

  • Một số loại kháng sinh: Penicillin, Cotrimoxazol, Sulfasalazin, Sulfonamid. Các kháng sinh như Amoxicillin, nhóm Cephalosporin và nhóm Quinolon thường có nguy cơ thấp hơn.
  • Các loại thuốc chống động kinh và co giật: Carbamazepin, Phenytoin và Phenobarbital.
  • Thuốc điều trị bệnh gout: Allopurinol.
  • Các loại thuốc giảm đau: Paracetamol và các loại thuốc giảm đau - kháng viêm không steroid (NSAIDS) như Ibuprofen, Naproxen, Meloxicam...

Nhiễm virus

Các loại virus như Herpes (Herpes Simplex hoặc Herpes Zoster), HIV và virus viêm gan A có nguy cơ gây ra hội chứng này.

Bệnh nhiễm khuẩn

Bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn răng miệng hoặc các bệnh ký sinh trùng như sốt rét, trùng roi, nhiễm nấm và các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch như lupus ban đỏ cũng có thể đến đến tình trạng này.

Rối loạn nội tiết

Trong một số trường hợp, rối loạn nội tiết trong thời kỳ mang thai hoặc rối loạn kinh nguyệt cũng được xem xét là một trong những yếu tố góp phần dẫn đến hội chứng Stevens-Johnson.

Hội chứng Stevens-Johnson: Nguyên nhân và triệu chứng 2
Phản ứng dị ứng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng Stevens-Johnson

Hội chứng Stevens-Johnson ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Biểu hiện của hội chứng Stevens-Johnson là gì?

Hội chứng Stevens-Johnson thường bắt đầu bằng một cơn sốt cao đột ngột, thường dao động từ 39 - 40 độ C kèm theo các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, viêm họng và viêm miệng. Các triệu chứng này sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Viêm miệng là một trong những dấu hiệu đặc trưng và xuất hiện sớm trong quá trình tiến triển của bệnh. Mụn nước xuất hiện trên môi, lưỡi, niêm mạc miệng và xung quanh miệng. Những vết mụn nước này vỡ gây ra viêm miệng nặng, tăng tiết nước bọt và loét miệng.

Khi mắc hội chứng Stevens-Johnson, da người bệnh sẽ xuất hiện các vết mụn, bóng nước và tình trạng xuất huyết trên mặt tay và chân. Sau đó, các nốt phát ban đỏ xuất hiện trên toàn cơ thể kèm theo viêm nhiễm trong các hốc miệng, mũi, mắt, niệu đạo, âm đạo và hậu môn.

Mắt cũng bị ảnh hưởng với việc xuất hiện viêm kết mạc ở cả hai bên và loét giác mạc. Nếu tiến triển nặng hơn, bệnh có thể gây suy giảm thị lực hoặc thậm chí mất thị lực.

Ngoài ra, nhiều cơ quan khác trong cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng. Sự tổn thương và hoại tử có thể xảy ra ở khí quản, phế quản, thận, ruột và nhiều vùng khác với các triệu chứng bao gồm viêm phế quản, suy hô hấp, rối loạn tiêu hóa, lo âu, nhạy cảm với ánh sáng, sưng mắt hoặc khô mắt và giảm thị lực.

Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân gặp phải tình trạng mệt mỏi, đau đớn, loạn nhịp tim, viêm màng cơ tim, khó thở, hôn mê và nguy cơ nhiễm trùng máu, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong.

Hội chứng Stevens-Johnson: Nguyên nhân và triệu chứng 3
Hội chứng Stevens-Johnson đặc trưng bởi các vết mụn nước trên da và niêm mạc

Những đối tượng nào có nguy cơ cao dẫn đến hội chứng Stevens-Johnson

Hội chứng Stevens-Johnson là một bệnh hiếm gặp, tuy nhiên có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng này gồm:

  • Người bị HIV có nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson cao gấp 100 lần so với người bình thường.
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu bị ảnh hưởng do việc cấy ghép nội tạng hoặc mắc các bệnh tự miễn, HIV/AIDS.
  • Người mắc các bệnh nhiễm trùng do virus như herpes, viêm phổi do virus, viêm gan, hoặc HIV sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Người có tiền sử mắc hội chứng Stevens-Johnson hoặc gia đình có người từng mắc hội chứng Stevens-Johnson. Nếu bản thân có tiền sử dị ứng với một loại thuốc nào đó, khi sử dụng lại loại thuốc đó sẽ có nguy cơ tái phát bệnh cao hơn.
  • Người mang gen HLA-B 1502 và thường xuyên sử dụng các thuốc điều trị bệnh thần kinh hoặc co giật thì nguy cơ cao sẽ mắc hội chứng Stevens-Johnson.
Hội chứng Stevens-Johnson: Nguyên nhân và triệu chứng 4
Người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ cao mắc hội chứng Stevens-Johnson

Phòng ngừa hội chứng Stevens-Johnson như thế nào?

Để tránh mắc phải hội chứng Stevens-Johnson cần lưu ý như sau:

  • Tuân theo hướng dẫn khi sử dụng thuốc, không nên tự uống các loại thuốc không được kê đơn, không sử dụng đơn thuốc của người khác, không tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng sử dụng thuốc và thông báo mọi dị ứng liên quan đến thuốc hoặc thức ăn của bạn cho bác sĩ được biết.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe, nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, đặc biệt là sốt cao hoặc vấn đề về miệng, hãy ngay lập tức tìm tới bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và duy trì cân bằng nước trong cơ thể rất quan trọng. Do đó, hãy ăn theo một chế độ dinh dưỡng cân đối và luôn uống đủ nước hàng ngày.
  • Thường xuyên rửa tay trước khi ăn và khi chăm sóc vùng da bị tổn thương để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn.

Thông qua những thông tin trên, hy vọng rằng bạn đã có thể hiểu rõ hơn hội chứng Stevens-Johnson. Việc hiểu và nắm bắt thông tin đầy đủ cũng như nhận biết tình trạng sớm của bệnh sẽ giúp bệnh được điều trị kịp thời, hạn chế sự tiến triển trầm trọng của bệnh. Từ đó, người mắc hội chứng Stevens-Johnson sẽ đạt được hiệu quả cao hơn trong quá trình điều trị và chăm sóc sức khỏe của mình.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin