Long Châu

Hội chứng Steven – Johnson là gì? Nguyên nhân và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng Steven – Johnson (Stevens – Johnson Syndrome, SJS) là một dạng phản ứng dị ứng, thường là dị ứng với thuốc, được Mason Stevens và Frank Chambliss Johnson mô tả lần đầu tiên vào năm 1922. Bệnh tuy ít gặp nhưng gây hậu quả rất nặng, nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng Stevens – Johnson là gì? 

Hội chứng Stevens – Johnson là tình trạng phản ứng dị ứng da nghiêm trọng, được đặc trưng bởi những nốt ban đỏ trên da, nốt bọng nước, sau đó bong tróc ra và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

Bệnh thường gặp ở trẻ em, người trẻ tuổi nữ có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn người trẻ tuổi nam, bệnh xuất hiện với tỷ lệ cao vào mùa hè và mùa xuân.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Stevens – Johnson

Hội chứng Stevens – Johnson có thể xảy ra và thường liên quan đến một hoặc nhiều triệu chứng bao gồm:

  • Thường khởi đầu với cơn sốt cao đột ngột 39 đến 40oC, mệt mỏi, đau đầu, viêm họng, viêm miệng và các triệu chứng ngày càng nặng dần.

  • Viêm miệng: Mụn nước ở niêm mạc miệng, xung quanh miệng, môi và lưỡi. Sau đó, các mụn nước này vỡ ra gây viêm miệng, tăng chảy nước bọt, loét miệng.

  • Xuất hiện các mụn, bọng nước trên da, xuất huyết ở mặt, tay, chân. Sau đó, các tổn thương ban đỏ xuất hiện toàn thân kèm theo viêm ở các hốc tự nhiên của cơ thể: Miệng, âm đạo, hậu môn, mũi, kết mạc, niệu đạo.

  • Viêm kết mạc, loét giác mạc mắt, viêm mũi, xung huyết, chảy máu mũi.

  • Sự hoại tử xảy ra ở nhiều cơ quan: Khí quản, phế quản, thận, ruột,…

  • Các triệu chứng khác có thể xuất hiện: Viêm phế quản, suy hô hấp, rối loạn tiêu hóa, chứng nhạy cảm với ánh sáng, đỏ mắt hoặc khô mắt, giảm thị giác,…

Tác động của hội chứng Stevens – Johnson đối với sức khỏe

Biểu hiện đặc trưng của hội chứng Stevens – Johnson là những nốt lở loét ở các lỗ tự nhiên của cơ thể: Miệng, họng, mắt, mũi, đường tiểu,… Bệnh tiến triển ngày càng nặng, bệnh nhân đau đớn, mệt mỏi, loạn nhịp tim, viêm màng cơ tim, khó thở, hôn mê, nhiễm trùng máu và nguy cơ dẫn đến tử vong cao.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng Stevens – Johnson

Với các trường hợp mắc hội chứng Stevens – Johnson, tử vong là biến chứng nặng nhất. Ngoài ra, các biến chứng khác của hội chứng Stevens – Johnson: Nhiễm trùng huyết, sốc phản vệ, suy đa tạng, viêm phổi,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tất cả các loại thuốc khi sử dụng đều có nguy cơ gây dị ứng với các mức độ khác nhau. Do đó, sau khi sử dụng thuốc nếu có biểu hiện nổi mẩn ngứa, nổi ban thì ngưng dùng thuốc kịp thời và đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Điều này giúp bệnh nhân tránh nguy cơ đối diện với biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Stevens – Johnson

Hội chứng Stevens – Johnson do nhiều nguyên nhân:

  • Môi trường và di truyền (mang gen HLA-B 1502): Môi trường có thể khiến gen được kích hoạt và di truyền đến từ các kháng nguyên bạch cầu người (HLA), làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng Stevens – Johnson.

  • Phản ứng dị ứng với thuốc: Sử dụng bất kỳ loại thuốc cũng đều có nguy cơ gây dị ứng với mức độ khác nhau. Một số thuốc có nguy cơ cao dẫn đến hội chứng Stevens – Johnson: Thuốc điều trị Gout (Allopurinol), thuốc kháng sinh (Trimethoprim – Sulfamethoxazole, Sulfonamid, Aminopenicillin, Quinolon, Cephalosporin), thuốc chống động kinh, co giật (Carbamazepin, Phenytoin, Phenobarbital) và nhóm thuốc kháng viêm không steroid – NSAIDs (Ibuprofen, Naproxen, Meloxicam), thuốc giảm đau Paracetamol.

  • Nhiễm virus: Virus Herpes, HIV, viêm gan A.

  • Bệnh nhiễm khuẩn: Viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn răng miệng, viêm phổi.

  • Bệnh ký sinh trùng, sốt rét, trùng roi, nhiễm nấm.

  • Bệnh miễn dịch: Lupus ban đỏ hệ thống.

  • Rối loạn nội tiết trong thời kỳ mang thai/rối loạn kinh nguyệt.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng Stevens – Johnson

Đối tượng nguy cơ bệnh mắc phải Hội chứng Stevens – Johnson:

  • Trẻ em, người lớn < 30 tuổi, người cao tuổi.

  • Tỷ lệ nam mắc hội chứng Steven – Johnson nhiều hơn nữ.

  • Trẻ em mắc phải tình trạng nhiễm trùng: Viêm phổi,…

  • Người đang sử dụng thuốc, đặc biệt các thuốc kể trên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng Stevens – Johnson

Hội chứng Steven – Johnson khá hiếm gặp, tuy nhiên có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Các đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng Steven – Johnson cao:

  • Người mắc virus HIV: Nguy cơ cao gấp 100 lần so với người bình thường.

  • Những người có hệ miễn dịch suy yếu: Cấy ghép nội tạng, bệnh tự miễn, bệnh HIV/AIDS.

  • Nhiễm virus: Virus Herpes, viêm phổi do virus, viêm gan, HIV.

  • Tiền sử mắc hội chứng Steven – Johnson hoặc gia đình có người từng mắc hội chứng này.

  • Nếu bản thân mang gen HLA-B 1502, nguy cơ mắc sẽ nhiều hơn, đặc biệt đang sử dụng thường xuyên các thuốc điều trị bệnh thần kinh, co giật,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng Stevens – Johnson

Chẩn đoán hội chứng Steven – Johnson, bác sĩ dựa vào:

  • Tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân.

  • Mức độ biểu hiện trên da: Xem xét vùng da và niêm mạc có xuất hiện vết loét tại các vùng da xung quanh lỗ tự nhiên của cơ thể, mức độ tổn thương da.

  • Mức độ đau của bệnh nhân.

  • Kết quả xét nghiệm tổng quát: Xét nghiệm máu để xem xét tình trạng nhiễm trùng, dị ứng.

  • Sinh thiết da để chẩn đoán chính xác.

Phương pháp điều trị hội chứng Stevens – Johnson

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng Stevens – Johnson:

  • Ngừng ngay việc sử dụng các loại thuốc gây ra tình trạng dị ứng.

  • Thay thế chất điện giải bằng cách truyền dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch (IV).

  • Vùng da bị tổn thương nên sử dụng băng gạc không dính.

  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp tăng sức đề kháng, thúc đẩy quá trình lành bệnh.

  • Khi cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng, có thể sử dụng sử dụng kháng sinh.

  • Dùng thuốc giảm đau, kháng histamin.

  • Điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt/phòng bỏng/trong bệnh viện.

  • Điều trị bằng immunoglobulin IV, cyclosporin, steroid IV hoặc ghép màng ối (cho mắt) khi cần thiết.

  • Lọc máu trong trường hợp có nhiễm trùng máu.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của hội chứng Stevens – Johnson

Chế độ sinh hoạt:

Không sử dụng các thức uống có tính chất kích thích: Bia, rượu, các thức uống có ga, cà phê,…

Không hút thuốc lá hay sử dụng chất kích thích.

Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ khi sử dụng thuốc điều trị.

Thông báo cho bác sĩ các vấn đề xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc điều trị.

Bệnh nhân sau khi điều trị khỏi Stevens – Johnson, cần giữ sạch vùng da nổi bọng nước, nếu nốt bọng nước còn hở hãy làm sạch bằng povidine hoặc xanh methylen.

Chế độ dinh dưỡng:

Ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, nước hoa quả và các chất điện giải.

Phương pháp phòng ngừa Hội chứng Stevens – Johnson

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ: Không tự ý sử dụng các thuốc không được kê đơn, không tự ý bỏ liều, ngừng sử dụng thuốc, không sử dụng đơn thuốc người khác.

Thông báo các trường hợp dị ứng thuốc. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy có bất kỳ triệu chứng bất thường nào: Sốt cao, viêm miệng, phải tới các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời.

Khám sức khỏe định kỳ giúp kiểm soát tình trạng sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp, uống đủ nước. Rửa tay trước khi ăn và khi chăm sóc vùng da thương tổn.

Hội chứng Stevens – Johnson khá hiếm gặp nhưng tỷ lệ tử vong khá cao. Vì vậy, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào liên quan cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/hypersensitivity-and-reactive-skin-disorders/stevens-johnson-syndrome-sjs-and-toxic-epidermal-necrolysis-ten
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stevens-johnson-syndrome
  3. https://www.nhs.uk/conditions/stevens-johnson-syndrome/
  4. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17656-stevens-johnson-syndrome

Các bệnh liên quan

  1. Chốc lở

  2. Chàm

  3. Sẹo lồi

  4. Tàn nhang

  5. Hôi nách

  6. Hắc lào

  7. Hăm tã

  8. Loạn dưỡng móng

  9. Xơ cứng bì

  10. Dày sừng nang lông