Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Loét giác mạc: Bệnh về mắt nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị kịp thời

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Loét giác mạc là bệnh về mắt do khiếm khuyết biểu mô giác mạc cùng với tình trạng viêm nhiễm. Đây là bệnh khá nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng trên mắt. Vì vậy, việc hiểu rõ về bệnh loét giác mạc có thể giúp bạn phát hiện và điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Loét giác mạc là gì? 

Loét giác mạc là một khiếm khuyết biểu mô giác mạc với tình trạng viêm nhiễm nền thường do sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm, vi rút hoặc Acanthamoeba. Loét giác mạc có xu hướng hàn gắn bằng tổ chức sẹo xơ gây đục giác mạc và giảm thị lực. Nó có thể được bắt đầu bởi chấn thương cơ học hoặc thiếu hụt dinh dưỡng, và tình trạng viêm không kiểm soát được có thể tạo ra hoại tử giác mạc.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của loét giác mạc

Một số dấu hiệu như kết mạc cương tụ, nhức mắt, cảm giác mắt có dị vật, nhạy cảm ánh sáng, chảy nước mắt có thể xảy ra lúc đầu.

Loét giác mạc bắt đầu như một tổn thương biểu mô giác mạc bắt màu fluorescein và vùng đục bề mặt tròn, bờ tù màu xám. Sau đó, loét mưng mủ và hoại tử tạo thành ổ loét có bờ gồ. Thường gặp cương tụ quanh rìa giác mạc. Loét có thể lan rộng ra khắp giác mạc, có thể xuyên sâu vào nhu mô hoặc cả hai. Ngoài ra, trong những trường hợp này, có thể xảy ra hiện tượng mủ tiền phòng (bạch cầu xếp lớp ở tiền phòng). Một số trường hợp tình trạng bệnh kéo dài, có thể có tân mạch giác mạc xuất phát từ rìa.

Viêm loét giác mạc do Acanthamoeba thường đau nhiều và có thể biểu hiện các khuyết biểu mô giác mạc thoáng qua, thâm nhiễm nơi trong nhu mô giác mạc và sau đó tạo thành thâm nhiễm rộng hình nhẫn. Loét giác mạc do nấm thường mạn tính hơn so với vi khuẩn thường có thâm nhiễm đặc và đôi lúc có các ổ thâm nhiễm rời rạc ở chu biên. Loét tỏa nhánh là đặc trưng của viêm giác mạc herpes simplex.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh loét giác mạc

Viêm giác mạc nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể xảy ra những biến chứng như để lại sẹo đục làm giảm thị lực mặc dù loét giác mạc có thể lành lại sau khi điều trị.

Các biến chứng khác có thể bao gồm nhiễm trùng sâu, thủng giác mạc, di lệch mống mắt

Trường hợp giác mạc bị tổn thương nghiêm trọng, thủ thuật cấy ghép giác mạc có thể được áp dụng khi có giác mạc được hiến và chi phí cho 1 ca ghép giác mạc khá cao.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu xuất hiện những trường hợp sau đây:

  • Khả năng nhìn bị thay đổi;

  • Đau;

  • Cảm giác dị vật;

  • Dịch chảy ra từ mắt;

  • Tiền sử các vết trầy xước mắt, tiếp xúc với hóa chất hoặc các hạt bay.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến loét giác mạc

Có một số nguyên nhân phổ biến sau đây dẫn đến loét giác mạc:

  • Viêm loét giác mạc nguyên nhân có thể do nhiễm vi khuẩn, nấm, vi rút hoặc ký sinh trùng như Acanthamoeba. Trường hợp, loét do vi khuẩn thường ở người bị cận, do thói quen đeo kính gây nên và hiếm khi do nhiễm trùng thứ phát do chấn thương hoặc viêm da do herpes simplex. Loét do Acanthamoeba (cũng phổ biến ở những trường hợp tiếp xúc với nước bị ô nhiễm trong khi đeo kính tiếp xúc) và nấm (thường là do chấn thương liên quan đến thực vật) không đau nhưng tiến triển, trong khi đó Pseudomonas aeruginosa (hầu như thường thấy ở người đeo kính áp tròng) tiến triển nhanh, gây hoại tử giác mạc sâu và rộng. 

  • Loét có thể bắt đầu với chấn thương giác mạc, chẳng hạn như khô mắt nghiêm trọng, vật lạ làm trầy xước, xâm nhập/ đọng lại trong mắt hoặc nếu mắt bị kích ứng bởi kính áp tròng, đặc biệt là đeo kính áp tròng trong lúc ngủ hoặc không được khử trùng đầy đủ.

  • Loét giác mạc do virus (thường do herpesvirus) có thể tái phát do căng thẳng về thể chất hoặc có thể tái phát tự phát.

  • Sự thiếu hụt vitamin A và protein có thể dẫn đến hình thành vết loét giác mạc.

  • Khi mí mắt không khép lại đúng cách, giác mạc có thể bị khô và kích ứng. Loại kích ứng này có thể dẫn đến thương tích và phát triển thành vết loét giác mạc. 

  • Loét giác mạc cũng có thể là do lông mi mọc vào trong, mi mắt lật vào trong (quặm, lông xiêu) hoặc viêm bờ mi.

  • Một số bệnh lý như mắc bệnh đái tháo đường kiểm soát không tốt… cũng là yếu tố nguy cơ gây viêm loét giác mạc.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải loét giác mạc?

Tình trạng sức khỏe này là cực kỳ phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải loét giác mạc

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loét giác mạc, bao gồm:

  • Nhiễm virus Herpes dạng đơn;

  • Thủy đậu;

  • Đeo kính áp tròng;

  • Chấn thương ở giác mạc;

  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt steroid;

  • Khô mắt.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán loét giác mạc

Khám sinh hiển vi: Chẩn đoán dựa vào dấu hiệu thâm nhiễm giác mạc kèm theo khuyết biểu mô bắt màu với fluorescein trên khám sinh hiển vi. Một phần nhỏ tổ chức loét được cạo bằng lưỡi dao dùng một lần, spatula bạch kim vô trùng hoặc panh nhỏ (thủ thuật thường thực hiện bởi bác sĩ mắt) để lấy bệnh phẩm nuôi cấy. Xét nghiệm tổ chức loét có thể phát hiện Acanthamoeba.

Phương pháp điều trị loét giác mạc hiệu quả

Nguyên tắc điều trị

Khởi đầu bằng kháng sinh phổ rộng theo kinh nghiệm

Điều trị bằng phối hợp các loại thuốc kháng nấm đặc hiệu, phối hợp với thuốc kháng sinh tra tại mắt để phòng bội nhiễm.

Điều trị kháng sinh cụ thể hơn nhắm vào nguyên nhân.

Phương pháp điều trị 

Điều trị loét giác mạc, bất kể nguyên nhân, bắt đầu bằng moxifloxacin 0,5% hoặc gatifloxacin 0,3-0,5% đối với loét nhỏ và thuốc kháng sinh được tăng cường (cao hơn mật độ), như tobramycin 15 mg/mL và cefazolin 50 mg/mL, cho những ổ loét nặng, đặc biệt là những trường hợp loét gần giác mạc trung tâm. Khởi đầu với liều thông thường (ví dụ, 15 phút một lần với 4 liều sau đó là 1 giờ 1 lần).

Herpes simplex được điều trị với thuốc tra trifluridine 1% 2 giờ một lần trong khi bệnh nhân thức với 9 lần/ngày, ganciclovir 0,15% gel 5 lần/ngày, valacyclovir 1000 mg uống 400 lần một ngày, hoặc acyclovir 3 mg uống 5 lần/ngày (hoặc 3 lần một ngày cho bệnh nhân viêm giác mạc do herpes simplex tái phát) trong khoảng 14 ngày.

Nhiễm nấm được điều trị bằng các thuốc kháng nấm tra (natamycin 5%, amphotericin B 0,15%, và đôi khi voriconazole 1% ), khởi đầu là 1 giờ một lần trong ngày và 2 giờ một lần ban đêm. Nhiễm trùng nặng có thể cần bổ sung liều uống voriconazole 400 mg 2 lần/ngày cho 2 liều sau đó 200 mg 2 lần/ngày, ketoconazole 400 mg một lần/ngày, fluconazole 400 mg một lần sau đó 200 mg một lần/ngày, hoặc itraconazole 400 mg một lần sau đó 200 mg một lần/ngày.

Nếu chẩn đoán xác định Acanthamoeba, điều trị có thể gồm thuốc tra propamidine 0,1%, neomycin 0,175% và polyhexamethylene biguanide 0.02% hoặc chlorhexidine 0.02% bổ sung với miconazole 1%, clotrimazole 1% hoặc uống ketoconazole 400 mg một lần/ngày hoặc itraconazole 400 mg một lần sau đó 200 mg một lần một ngày. Thuốc nhỏ mắt được sử dụng từ 1 đến 2 giờ mỗi lần cho đến khi cải thiện về lâm sàng, sau đó giảm dần đến 4 lần/ngày và kéo dài trong một số tháng cho đến khi đỡ viêm. Polyhexametylen biguanit và chlorhexidine không có sẵn sản phẩm thương mại như các thuốc tra mắt nhưng có thể được điều chế bởi một nhà thuốc kết hợp. Miltefosine uống có thể được sử dụng cho các trường hợp khó điều trị.

Đối với tất cả các vết loét, điều trị cũng có thể bao gồm thuốc giãn đồng tử, chẳng hạn như atropine 1% hoặc scopolamine 0,25% 1 giọt mỗi lần x 3 lần/ngày, để giảm đau do loét giác mạc và để giảm dính sau. Trong trường hợp nặng, có thể cần phải nạo biểu mô nhiễm trùng và thậm chí là ghép giác mạc. Bệnh nhân kém tuân thủ hoặc có loét lớn, trung tâm, hoặc dai dẳng có thể cần phải nhập viện. Một vài trường hợp bệnh nhân có thể điều trị bổ sung bằng thuốc tra corticoid (ví dụ prednisolone acetate 1% 4 lần/ngày trong 1 tuần sau đó giảm liều dần từ 2 đến 3 tuần). Sự xuất hiện cuối cùng của sẹo và thị lực cuối cùng không được cải thiện khi dùng corticosteroid tại chỗ. Corticosteroid tại chỗ làm giảm đau và sợ ánh sáng, đồng thời tăng tốc độ thị lực một cách đáng kể.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của loét giác mạc

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa loét giác mạc hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Luôn giữ gìn mắt sạch sẽ, tránh những sang chấn vào mắt.

  • Khi bị chấn thương trên giác mạc cần phải phát hiện và điều trị kịp thời bằng các kháng sinh tra mắt để phòng biến chứng viêm loét giác mạc do vi khuẩn.

  • Cần phải điều trị các bệnh mắt là yếu tố thuận lợi gây viêm loét giác mạc: lông quặm, lông xiêu, hở mi,…

  • Sử dụng các biện pháp bảo hộ mắt khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi,...

  • Sử dụng kính mát khi di chuyển ngoài đường tránh bụi và dị vật bay vào mắt.

  • Dùng kính bảo vệ mắt trong trường hợp bị hở mi.

  • Điều trị dứt điểm các bệnh về mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm giác mạc.

  • Không dùng tay dụi mắt, không tự ý sử dụng các vật dụng để lấy dị vật, không đắp các loại thuốc lá trực tiếp vào mắt.

  • Cung cấp đủ vitamin A cho mắt và thường xuyên chớp mắt để tránh khô mắt.

  • Chú ý khi sử dụng kính áp tròng vệ sinh trước và sau khi đeo kính.

Nguồn tham khảo
  1. Msd Manuals: https://www.msdmanuals.com/vi
  2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt: https://kcb.vn/vanban/6712
  3. Health.vn: https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/nhan-khoa/viem-loet-giac-mac-do-nam, https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/nhan-khoa/viem-loet-giac-mac-do-vi-khuan

Các bệnh liên quan

  1. Viêm thần kinh thị giác

  2. Phù hoàng điểm

  3. Viêm kết mạc mắt

  4. Nhức mỏi mắt

  5. Viêm mủ nội nhãn

  6. Giác mạc hình chóp

  7. Khô mắt

  8. Suy giảm thị lực

  9. Viêm võng mạc sắc tố

  10. Mắt đỏ