Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn điều trị và chăm sóc khi bị hắc lào giai đoạn cuối

Ngày 30/05/2022
Kích thước chữ

Hắc lào là một loại bệnh da liễu phổ biến, không quá nguy hiểm và có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên nếu không điều trị đúng cách, hắc lào giai đoạn cuối có thể trở nặng gây biến chứng nghiêm trọng về sau.

Bệnh hắc lào hay còn gọi là bệnh nấm da, là bệnh thường gặp ở những đối tượng sinh sống tại các nước nhiệt đới nóng ẩm, môi trường vệ sinh kém dẫn đến bệnh phát triển và lây lan nhanh chóng.

Các giai đoạn chuyển biến của bệnh hắc lào

Thông thường, khoảng sau 2 tuần bị nhiễm nấm, bạn mới bắt đầu nhận thấy rõ ràng dần các triệu chứng của bệnh hắc lào. Ở giai đoạn đầu của bệnh, bạn sẽ thấy da mình đột nhiên xuất hiện đốm hồng và đỏ có dạng tròn, elip hoặc bầu dục. Những mảng da này có viền rõ ràng và tách biệt với những vùng da còn lại.

Ở giai đoạn sau, những mảng da màu đỏ hồng này sẽ lan rộng ra và xuất hiện những mụn nước li ti quanh viền, khi sờ lên sẽ có cảm giác sần sùi. Lúc này bạn sẽ cảm thấy ngứa da, khi đổ mồ hôi nhiều thì ngứa da càng nghiêm trọng hơn. Đây cũng là thời điểm bạn có thể lây bệnh cho người khác.

Hắc lào giai đoạn cuối, vùng da bị hắc lào có thể xuất hiện những mụn mủ màu vàng do bị bội nhiễm. Nguyên nhân là ở giai đoạn trước đó, hành động cào, gãi cho bớt ngứa đã khiến vi khuẩn xâm nhập vào da gây bội nhiễm. 

Hắc lào là bệnh rất dễ lây lan, do vậy, ngay khi bạn cảm thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn nên điều trị ngay, đừng để chuyển sang hắc lào giai đoạn cuối sẽ gây khó khăn cho việc điều trị về sau, thậm chí còn biến thành hắc lào mãn tính. 

Biện pháp điều trị và chăm sóc khi hắc lào giai đoạn cuối 1 Hắc lào chuyển nặng ở giai đoạn cuối thường bắt đầu chảy dịch màu vàng

Cách điều trị hắc lào giai đoạn cuối

Bệnh hắc lào khi đã chuyển biến nặng thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn. Các triệu chứng của bệnh phải cần kiểm soát trong thời gian dài, tổn thương trên da cũng có xu hướng chậm lành hơn.

Tuy nhiên, nếu không nản chí và nghiêm túc điều trị, chăm sóc vết thương cẩn thận thì bệnh vẫn có thể chữa khỏi. Đồng thời giảm thiểu nguy cơ tái phát về sau. Khi bị hắc lào nặng có thể điều trị như sau:

Tích cực dùng thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ

Bắt buộc phải dùng thuốc được các chuyên gia da liễu chỉ định, đây là giải pháp điều trị chính cho bệnh hắc lào diễn tiến nặng. Lúc này, việc điều trị là vừa ức chế hoạt động vi nấm, vừa tập trung kiểm soát tổn thương trên da và bội nhiễm.

Bác sĩ có thể kết hợp kê đơn một số loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng nấm dạng kem bôi: Ketoconazol, miconazol, econazol. Chúng có tác dụng ức chế hoạt động của nấm, ngăn chặn tình trạng lan rộng, giảm ngứa ngáy và đau rát.
  • Thuốc kháng nấm đường uống: Dùng kết hợp với kem bôi để nâng cao hiệu quả điều trị. Một số thuốc được dùng như là griseofulvin, itraconazole, fluconazole, ketoconazol…
  • Dung dịch sát khuẩn: Trong giai đoạn da bị hắc lào có mụn nước, bị vỡ và chảy dịch, lở loét thì bác sĩ có thể kê toa một số dung dịch sát khuẩn như dung dịch Jarish, hồ nước bôi da,… giúp sát trùng nhẹ, giảm viêm và làm dịu da.
  • Thuốc kháng sinh: Thường được chỉ định khi có tình trạng bội nhiễm trên vùng da bị hắc lào. Bội nhiễm nhẹ thì có thể chỉ định kháng sinh dạng bôi ngoài da kết hợp với corticoid, bội nhiễm nặng có thể dùng kháng sinh dạng uống. Chủ yếu là nhóm macrolid và penicillin dùng trong 7 – 10 ngày.
  • Thuốc giảm đau và chống viêm: Thuốc giảm đau (Paracetamol) hay chống viêm (NSAID) có thể được chỉ định để làm giảm thân nhiệt, chống viêm và giảm đau. Tuy nhiên cần thận trọng khi dùng thuốc cho người có các vấn đề về gan thận, dạ dày hay tim mạch.
Biện pháp điều trị và chăm sóc khi hắc lào giai đoạn cuối 2 Dùng thuốc bôi trị hắc lào để bệnh chóng lành

Tất cả các loại thuốc được đề cập ở trên đều có thể tiềm ẩn một số tác dụng phụ trong quá trình trị hắc lào giai đoạn cuối. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng liều lượng, tần suất và thời gian mà bác sĩ chỉ định. Nếu thuốc được kê không hiệu qủa hay có những vấn đề ngoài ý muốn phát sinh, hãy kịp thời báo ngay cho bác sĩ phụ trách để được điều chỉnh. Tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng, thời gian dùng thuốc trong bất cứ trường hợp nào.

Một số giải pháp chăm sóc và hỗ trợ tại nhà

Để bạn chóng lành, các bạn có thể áp dụng một số giải pháp chăm sóc và hỗ trợ lành bệnh tại nhà:

  • Tuyệt đối không cào, gãi hay chà xát lên vùng da bị ngứa do hắc lào kể cả khi tắm.
  • Uống đủ nước mỗi ngày. Bên cạnh nước lọc có thể uống thêm nước ép hoa quả, rau củ tươi.
  • Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.
  • Tránh tiêu thụ thực phẩm kích thích phản ứng viêm hay dễ gây thâm sẹo như rau muống, thịt bò, hải sản, nếp…
  • Vệ sinh da đúng cách, sử dụng các dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, lành tính, không chứa quá nhiều cồn hay chất tẩy mạnh.
  • Tránh mặc quần áo quá chật hay ẩm ướt.
  • Trong thời gian điều trị nên hạn chế vận động mạnh hay tập thể dục nhằm hạn chế da tiết nhiều mồ hôi làm tăng cơn ngứa và khiến vi nấm phát triển hơn.
  • Ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày và hạn chế tiếp xúc với những người khỏe mạnh.
  • Không tự ý áp dụng các mẹo chữa hắc lào tại nhà khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
  • Khi da bắt đầu khô lại và đóng mài, cần thường xuyên dưỡng ẩm cho da bằng các sản phẩm lành tính.
Biện pháp điều trị và chăm sóc khi hắc lào giai đoạn cuối 3 Cần tránh xa thực đơn có chứa rau muống để không bị thâm sẹo về sau

Bị hắc lào nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì sẽ chuyển sang hắc lào giai đoạn cuối rất nhanh. Lúc này việc kiểm soát và chữa trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, bệnh nhân cần hạn chế chủ quan và lơ là trong việc chăm sóc da bị hắc lào để bệnh tình nhanh chóng được chữa khỏi và dứt điểm..

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin