Long Châu

Ngứa là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ngứa là một triệu chứng gây khó chịu đáng kể và là một trong các dấu hiệu của nhiều bệnh da liễu khác. Ngứa gây gãi, có thể gây viêm, thoái hóa da và nhiễm trùng thứ phát. Da có thể bị lichen hóa, đóng vảy và tróc vảy.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ngứa là gì? 

Ngứa là tình trạng da bị khó chịu và phải có tác động động cơ học như gãi da, cào da thì hiện tượng này mới giảm đi.

Ngứa có thể do nhiều tác nhân kích thích khác nhau. Các neuron cảm giác ngoại vi đặc hiệu làm trung gian tạo cảm giác ngứa, các neuron này khác với những tế bào thần kinh cho đáp ứng với việc sờ chạm hoặc cảm giác đau, các neuron này chứa thụ thể MrgA3, kích thích sẽ gây ra cảm giác ngứa.

Chất trung gian hóa học

Histamin là chất trung gian hóa học được tổng hợp và lưu trữ ở tế bào mast trong da, được giải phóng khi gặp kích thích. Các chất trung gian hóa học khác như neuropeptides có thể làm phóng thích histamin hoặc tự hoạt động như một chất gây ngứa, do đó, uống các loại thuốc kháng histamin sẽ giảm ngứa trong một số trường hợp. Opioids có có thể gây ngứa ở trung ương cũng như ngoại vi.

Có 4 cơ chế gây ngứa

  • Trên da: Cơ chế này thường do các quá trình viêm hoặc các bệnh lý gây ra (như chàm, mày đay).
  • Toàn thân: Liên quan tới các bệnh ở các cơ quan khác ngoài da (như ứ mật).
  • Bệnh lý thần kinh: Liên quan đến các bệnh lý trên hệ thần kinh trung ương hoặc hệ thần kinh ngoại vi (như xơ cứng rải rác).
  • Tâm thần: Liên quan đến các tình trạng tâm thần.

Ngứa dữ dội kích thích việc gãi nhiều, do đó dẫn đến các tình trạng viêm da thứ phát (viêm, nhiễm trùng, dị ứng), có thể gây ngứa nhiều hơn do hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ. Gãi có thể làm giảm ngứa tạm thời bằng cách kích hoạt các tế bào thần kinh ức chế nhưng nó lại dẫn đến sự khuếch đại cảm giác ngứa ở mức độ trung ương, làm trầm trọng hơn chu kỳ ngứa, gãi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ngứa

Cảm thấy ngứa ở vùng cơ thể nhất định như tay, chân hoặc ngứa toàn bộ cơ thể. Vùng da bị ngứa có thể không có thay đổi gì hoặc đôi khi bị:

  • Đỏ;
  • Sưng, mụn nước hoặc nổi nốt sần;
  • Da khô, da nứt nẻ;
  • Da sần sùi hoặc có vảy.

Tình trạng này có thể xảy ra trong thời gian dài và ngày càng dữ dội hơn. Khi chà xát vùng da đó, cảm giác ngứa tăng lên, càng ngứa càng gãi nhiều hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ngứa kéo dài > 2 tuần, không cải thiện khi đã làm các biện pháp chăm sóc da.

Ngứa mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giấc ngủ và cuộc sống.

Ngứa xuất hiện đột ngột và không rõ nguyên nhân.

Ngứa toàn bộ cơ thể.

Ngứa đi kèm với các triệu chứng hay dấu hiệu khác như sụt cân, mệt mỏi, thay đổi về thói quen hay tần suất đi vệ sinh, đỏ da, sốt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ngứa

Ngứa có thể là một dấu hiệu hay triệu chứng của bệnh da nguyên phát, hoặc ít phổ biến hơn là một bệnh toàn thân. Ngoài ra, sử dụng một số các loại thuốc cũng dẫn đến ngứa.

Rối loạn trên da

Có nhiều rối loạn trên da gây ngứa, phổ biến nhất như:

Rối loạn toàn thân

Ngứa có thể xuất hiện kèm hoặc không kèm các tổn thương trên da. Nếu ngứa là triệu chứng nổi bật mà không kèm tổn thương da, cân nhắc nguyên nhân có bệnh lý toàn thân và thuốc. Bệnh lý toàn thân thường ít gây ngứa hơn so với do các rối loạn da. Các rối loạn toàn thân gây ngứa, bao gồm:

  • Phản ứng dị ứng (với thức ăn, thuốc, vết côn trùng cắn);
  • Ứ mật;
  • Bệnh thận mãn tính;
  • Cường giáp;
  • Suy giáp;
  • Đái tháo đường;
  • Thiếu sắt;
  • Viêm da dạng herpes;
  • Bệnh đa hồng cầu.

Thuốc

Thuốc gây ngứa như một phản ứng dị ứng hoặc bằng cách kích hoạt giải phóng histamine (morphine, một số chất cản quang).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị ngứa?

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị ngứa, nhưng những đối tượng này có nguy cơ bị ngứa cao hơn:

  • Người già;
  • Phụ nữ có thai;
  • Người có cơ địa dễ bị dị ứng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị ngứa

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ngứa, bao gồm:

  • Mắc bệnh đái tháo đường;
  • Dị ứng theo mùa;
  • Chàm;
  • Hen suyễn;
  • Nhiễm HIV/AIDS và các loại ung thư, bệnh bạch cầu;
  • Da khô;
  • Thời tiết hanh khô.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ngứa

Khai thác bệnh sử

Xác định nguyên nhân khởi phát triệu chứng ngứa, vị trí ngứa ban đầu, thời gian, tiến triển, tính chất (ngứa ban ngày hay ban đêm, dai dẳng hay ngắt quãng, có biến đổi theo mua hay không), có hoặc không kèm phát ban. 

Khai thác tiền sử sử dụng thuốc bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, đặc biệt chú ý đến loại thuốc mới sử dụng gần đây. 

Kiểm tra việc sử dụng kem dưỡng ẩm và các loại thuốc bôi da khác (như diphenhydramine, hydrocortisone). 

Khai thác tiền sử phải bao gồm tất cả các yếu tố nào làm giảm ngứa hoặc làm ngứa nặng hơn.

Xác định các bệnh đã mắc như bệnh thận, ứ mật, ung thư đang điều trị hoặc hóa trị liệu) và trạng thái cảm xúc của người bệnh.

Kiểm tra dịch tễ tập trung vào các thành viên trong gia đình có cùng các triệu chứng ngứa và tổn thương da như ghẻ, chấy rận hay không. Kiểm tra mối liên hệ giữa ngứa với tính chất công việc, tiếp xúc với động vật, thực vật, hóa chất hoặc lịch sử chuyến đi gần đây nhất.

Kiểm tra toàn diện

Kiểm tra toàn diện để tìm các triệu chứng cũng như nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:

  • Đổ mồ hôi, khó chịu, đánh trống ngực và giảm cân (gợi ý bệnh cường giáp).
  • Da khô, tăng cân, trầm cảm (gợi ý suy giáp).
  • Rối loạn ăn uống, nhức đầu, rụng tóc, đổ mồ hôi đêm (gợi ý thiếu máu thiếu sắt).
  • Sút cân, đổ mồ hôi đêm, mệt mỏi (gợi ý ung thư).
  • Đôi khi tê, yếu, ngứa râm ran, rối loạn hoặc mất thị lực (gợi ý đa xơ cứng).
  • Phân mỡ, vàng da, đau hạ sườn phải (ứ mật).
  • Đi tiểu thường xuyên, khát nước nhiều, sụt cân (đái tháo đường).

Kiểm tra thể chất

Kiểm tra lâm sàng các dấu hiệu vàng da, tăng/giảm cân, mệt mỏi. 

Kiểm tra kỹ trên da bao gồm sự hiện diện, mức độ, hình thái và sự phân bố các tổn thương, lưu ý các dấu hiệu nhiễm trùng thứ phát (sưng tấy, nóng, ban đỏ, đóng vảy vàng hoặc màu mật ong). Nếu có hạch, gợi ý bệnh ung thư. Khám bụng cần tập sự to ra của các cơ quan, khối u và các vùng cảm giác đau (ứ mật hoặc ung thư). Khám thần kinh nên tập trung vào các điểm tê, yếu, co cứng (gợi ý đa xơ cứng).

Dấu hiệu nguy hiểm

Cần đặc biệt lưu ý nếu có các dấu hiệu sau:

  • Sút cân, đổ mồ hôi ban đêm và mệt mỏi;
  • Tê, yếu và ngứa ran đầu chi;
  • Vàng da, đau bụng;
  • Đi tiểu thường xuyên, khát nước nhiều và sút cân.

Các gợi ý phát hiện

Ngứa toàn thân bắt đầu ngay sau khi dùng một loại thuốc có thể do loại thuốc đó gây ra, nhưng nếu bệnh nhân dùng một lúc nhiều thuốc thường khó để xác định (đặc biệt trong thời gian dài).

Ngứa cục bộ (đi kèm phát ban) xảy ra ở vùng tiếp xúc với một chất cụ thể có thể do chất đó gây ra.

Nhiều trường hợp dị ứng toàn thân khó xác định được nguyên nhân vì bệnh nhân ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, tiếp xúc nhiều chất khác nhau.

Nếu không xác định được nguyên nhân ngay, sự xuất hiện và vị trí tổn thương da có thể gợi ý chẩn đoán.

Xét nghiệm

  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm chức năng gan, thận và giáp;
  • Chụp X-Quang ngực.

Phương pháp điều trị ngứa hiệu quả

Cần điều trị các bệnh lý căn nguyên. Điều trị ngứa bao gồm:

  • Chăm sóc da tại chỗ;
  • Điều trị tại chỗ;
  • Điều trị toàn thân.

Chăm sóc da

Sử dụng nước mát hay ấm (không quá nóng) tắm để giảm ngứa bất kể nguyên nhân khá hiệu quả. Dùng xà phòng có tính tẩy rửa nhẹ, dưỡng ẩm. Không tắm quá thường xuyên. Giữ độ ẩm không khí trong phòng phù hợp, không mặc quần áo quá chật. Tránh các chất gây dị ứng như niken.

Thuốc tác động tại chỗ

Thuốc bôi thường có hiệu quả đối với ngứa khu trú, dùng dạng cream hoặc lotion chứa menthol và/hoặc camphor, capsaicin, pramoxin hay corticosteroid. Corticosteroid dùng trong trường hợp ngứa do viêm, vì vậy nếu cần xác định đúng nguyên nhân để tránh lạm dụng thuốc. Không dùng diphenhydramine, benzocaine hay doxepin vì có thể gây kích ứng da.

Thuốc tác động toàn thân

Chỉ định khi không đáp ứng với thuốc tác động tại chỗ. Dùng thuốc kháng histamine, đặc biệt là hydroxyzine, khá hiệu quả đối với ngứa ban đêm. Cẩn trọng sử dụng thuốc kháng histamine ở người cao tuổi vào ban ngày vì có thể gây ran nguy cơ té ngã. Thuốc kháng histamine thế hệ mới như fexofenadine, cetirizine và loratadine có thể hiệu quả đối với ngứa ban ngày.

Các loại thuốc khác như doxepin (dùng ban đêm do có tính an thần cao), cholestyramine (điều trị ứ mật, suy thận và bệnh đa hồng cầu nguyên phát), thuốc đối kháng opioid như naltrexone (điều trị ngứa do ứ mật), gabapentin (điều trị ngứa do tăng ure máu).

Phương pháp trị liệu bằng tia cực tím có thể hiệu quả trong điều trị ngứa.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ngứa

Chế độ sinh hoạt

  • Tắm nước ấm vừa phải, không quá nóng.
  • Sử dụng kem chống nắng.
  • Sử dụng bột giặt và xà phòng có tính tẩy rửa nhẹ, nên dùng các loại chuyên dùng cho da nhạy cảm.
  • Cố gắng hạn chế gãi nhất có thể để hạn chế gây thêm tổn thương cho vùng da.
  • Hạn chế stress.

Chế độ dinh dưỡng

  • Không sử dụng các loại thực phẩm gây dị ứng, có tính kích thích cao.

Phương pháp phòng ngừa ngứa hiệu quả

 Để phòng ngừa ngứa hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh tiếp xúc các chất gây dị ứng như niken.
  • Tránh dùng các loại vải, len tổng hợp vì có thể gây ngứa da.
  • Dùng máy tạo độ ẩm trong phòng.
  • Mặc các loại quần áo rộng rãi, thoải mái.
Nguồn tham khảo
  1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/approach-to-the-dermatologic-patient/itching 

  2. Webmd: https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/why-so-itchy 

Chủ đề:ngứaghẻchóc

Các bệnh liên quan

  1. Lupus ban đỏ

  2. Viêm da tiết bã

  3. Mề đay

  4. Vàng da

  5. Bướu mạch máu

  6. Gai đen

  7. Lupus ban đỏ dạng đĩa

  8. Lão hóa da

  9. Mụn nhọt

  10. Sẹo lồi