Bệnh hắc lào là nguyên nhân gây ngứa ngáy, mất thẩm mỹ và khiến chúng ta mất tự tin khi đối diện với người khác. Khi bị căn bệnh da liễu này, bất cứ ai cũng muốn chữa khỏi càng nhanh càng tốt. Trước khi nghĩ đến dùng thuốc trị hắc lào, bạn hãy thử chữa hắc lào bằng đu đủ xem nhé!
Hắc lào là một bệnh ngoài da, còn được biết đến với tên gọi khác là bệnh lác đồng tiền. Căn bệnh này có thể xuất hiện ở cả trẻ em lẫn người lớn. Nó cũng dễ dàng lây sang những người thường xuyên tiếp xúc, dùng chung đồ đạc với nhau. Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân có thể áp dụng thêm một số phương pháp dân gian như chữa hắc lào bằng đu đủ trong bài viết sau đây.
Bệnh hắc lào là gì?
Bệnh hắc lào là một bệnh da liễu do các loại nấm như Trychophytone, Microsporum hay epidermophyton gây ra. Đây không phải bệnh lý nguy hiểm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta. Nhưng bệnh mang đến cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, khiến làn da xấu xí gây cảm giác mất tự tin. Thậm chí, người khác còn tỏ ra né tránh người bệnh vì sợ lây.
Bệnh nếu không được chữa trị sẽ ngày càng nặng và dẫn đến các biến chứng như:
Gây khó chịu vì cảm giác ngứa ngáy cả ngày cả đêm. Ngứa ban đêm khiến người bệnh khó ngủ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Ở các vị trí bị hắc lào, gãi ngứa liên tục sẽ làm tổn thương da, da chảy dịch. Nếu không được vệ sinh đúng cách có thể gây mưng mủ, nhiễm trùng.
Một số bệnh nhân hắc lào không được điều trị sớm còn bị rối loạn sắc tố da.
Dấu hiệu nhận biết bệnh hắc lào?
Các vết hắc lào có thể xuất hiện ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Nếu không chữa trị kịp thời, chúng có thể lây lan rộng và trở nặng gây khó khăn trong điều trị sau này. Dưới đây là một số dấu hiệu để nhận biết căn bệnh này:
Biểu hiện đầu tiên của bệnh là trên da xuất hiện các vết đỏ hình tròn dạng đồng xu. Ở những vết này, người bệnh thấy cảm giác ngứa.
Quan sát kỹ vết hắc lào ta sẽ thấy màu da ở đó khác biệt hẳn với bùng da bình thường, chúng sưng đỏ và có lớp vảy mỏng.
Ban đầu, những hình tròn này có kích thước nhỏ. Sau chúng lan rộng hơn và vòng tròn lớn dần, chồng chéo lên nhau tạo thành mảng lớn nếu bị bệnh nặng.
Cảm giác ngứa kích thích phản ứng gãi có thể khiến các vết hắc lào bị chảy dịch, tạo điều kiện cho quá trình lây lan thậm chí nhiễm trùng.
Hắc lào ở chân thường xuất hiện ở các kẽ ngón chân, không chỉ gây ngứa mà còn sinh mùi hôi. Hắc lào cũng thường xuất hiện ở các vùng có nếp gấp, da thường xuyên ẩm ướt như bẹn, mông, má trong đùi.
Hắc lào ở đầu có thể gây rụng tóc, chảy nước trên da đầu. Ngoài ra, các vết hắc lào cũng có thể xuất hiện ở bàn tay, móng tay, móng chân, cánh tay, mặt, cổ,...
Chữa hắc lào bằng đu đủ được không?
Trong dân gian có nhiều cách chữa hắc lào bằng nguyên liệu tự nhiên. Ngoài cách chữa hắc lào bằng tỏi, bạn có thể thử chữa hắc lào bằng đu đủ cũng được cho là rất hiệu nghiệm. Trong Đông y, nhựa đu đủ xanh có thể chữa được nhiều bệnh, trong đó có các bệnh ngoài da như hắc lào. Theo y học hiện đại, trong nhựa đu đủ xanh có chứa latex, chứa men giúp tiêu hóa chất đạm papain. Chất này có những công dụng như:
Papain giúp giảm viêm đau khi mắc các bệnh ngoài da và tăng cường miễn dịch cho da.
Papain có khả năng khám virus, kháng nấm nên chăm sóc các tổn thương da, phòng ngừa nhiễm trùng rất hữu hiệu.
Đặc biệt, chất này giúp phá hủy lớp protein bảo vệ nhiều loại virus và nấm da. Hắc lào do loại vi nấm thuộc nhóm Dermatophytes gây ra. Nhờ đó, chữa hắc lào bằng đu đủ có thể kiểm soát bệnh, phòng ngừa lây lan bệnh hắc lào hiệu quả.
Giống như cách trị hắc lào bằng muối, dùng đu đủ xanh trị hắc lào cũng giúp sát khuẩn ở vết thương hở. Chất papain trong đu đủ xanh có tính kháng khuẩn mạnh, thúc đẩy lắng đọng collagen. Nếu gãi ngứa gây tổn thương trên da, chất papain có thể thúc đẩy liền thương nhanh chóng. Các chất papaya protenaza và chymopapain trong đu đủ cũng ức chế các loại vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng da.
Chữa hắc lào bằng đu đủ như thế nào?
Để chữa hắc lào bằng đu đủ, bạn áp dụng theo các bước sau:
Lựa một trái đu đủ xanh non, nhiều nhựa và dùng ngay sau khi hái.
Bạn rửa sạch bên ngoài quả đu đủ để tránh chất bẩn lẫn vào nhựa.
Trước tiên, vùng da bị bệnh cần được vệ sinh sạch sẽ rồi dùng khăn giấy sạch thấm khô.
Cắt vài lát đu đủ xanh, ngay khi miếng đu đủ tứa nhựa ra phải dùng ngay để chà lên vùng da bị hắc lào. Chà hết nhựa miếng này bạn lại cắt miếng khác.
Thực hiện 2 - 3 lần, cuối cùng bạn đắp miếng đu đủ xanh lên da. Chờ khoảng 15 phút bạn lấy miếng đu đủ ra, rửa sạch da rồi thấm khô với khăn giấy.
Kiên trì áp dụng cách này mỗi ngày 1 - 2 lần bạn sẽ thấy những vết hắc lào dần biến mất.
Lưu ý khi chữa hắc lào bằng đu đủ
Khi dùng đu đủ xanh trị hắc lào, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
Với cách chữa hắc lào bằng đu đủ, bạn cần dùng đu đủ xanh non. Đây là cách khá an toàn nhưng khi sử dụng bạn không nên dùng cho vùng da ở mắt, vùng da có vết thương hở hoặc da bị nhiễm trùng.
Đây là cách trị bệnh bằng nguyên liệu thiên nhiên nên hiệu quả sẽ chậm, không nhanh như dùng thuốc. Vì vậy, để đạt được hiệu quả bạn cần áp dụng đều đặn hàng ngày và áp dụng kiên trì trong một thời gian.
Cách chữa trị này phù hợp với vùng da mới bị bệnh. Nếu bị hắc lào nặng và lâu năm, cách này sẽ kém hiệu quả.
Ngoài dùng đu đủ xanh trị hắc lào, bạn cũng cần lưu ý vệ sinh vùng da bị bệnh đúng cách và thường xuyên. Tuyệt đối không nên dùng chung quần áo, khăn tắm với người không bị bệnh để tránh làm lây bệnh.
Trong trường hợp bị hắc lào nặng, dùng đu đủ xanh chữa trị không hiệu quả, bạn nên đi khám da liễu. Các bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng các loại thuốc dạng bôi như: Kedermfa Cream, Ketoconazole, Econazole, Miconazole Cream,… Ngoài ra, cũng có một số thuốc dạng uống thường được bác sĩ kê đơn như: Griseofulvin, Acrivastin, Brompheniramine maleat, Clorpheniramin,...
Chữa hắc lào bằng đu đủ là phương pháp dân gian chỉ phù hợp với những ai mới mắc bệnh. Kết quả cũng còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, bạn nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.