Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chữa hắc lào bằng nước điếu có thực sự hiệu quả?

Ngày 09/06/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hắc lào là bệnh ngoài da có thể lây lan nhanh từ vùng da này sang vùng da khác và từ người này sang người khác. Có nhiều cách chữa hắc lào theo kinh nghiệm dân gian. Một trong số đó là chữa hắc lào bằng nước điếu. Liệu cách này có thực sự hiệu quả?

Ngoài cách trị hắc lào bằng muối, trong dân gian từ xưa đến nay vẫn truyền miệng bài thuốc chữa hắc lào bằng nước điếu. Có người áp dụng thành công và tấm tắc về hiệu quả của cách chữa này. Nhưng cũng có người nghi ngại rằng nó thiếu cơ sở khoa học. Vậy phương pháp này có thực sự giúp bạn chữa bệnh hắc lào và nó có thực sự an toàn? Chúng tôi sẽ giúp bạn đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây!

Hắc lào là bệnh gì?

Hắc lào là một bệnh lý về da khá thường gặp. Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu và làm mất thẩm mỹ khiến chúng ta mất tự tin trong cuộc sống. Hắc lào tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại gây phiền toái trong sinh hoạt và càng để lâu càng lây lan rộng, càng khó chữa. Đặc biệt, dấu hiệu bệnh hắc lào ở trẻ em hay người lớn đều khá giống nhau.

Ban đầu, các vết hắc lào thường có đường kính nhỏ. Vùng da bị hắc lào ửng đỏ kèm theo triệu chứng ngứa rát nhẹ. Theo thời gian, nếu không được chữa trị, vết hắc lào sẽ có kích thước lớn hơn, màu sắc thâm lại và lan sang các vùng da khác. Bệnh này có thể điều trị bằng các loại thuốc trị hắc lào, trong đó nhiều người thường nghĩ đến phương pháp dân gian đó là chữa hắc lào bằng nước điếu.

chua-hac-lao-bang-nuoc-dieu-0.jpg
Hắc lào có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể

Nước điếu là gì? Nước điếu có trị hắc lào được không?

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nước điếu là loại nước khá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là những ai sống ở thành phố. Ở nông thôn, khi những người lớn tuổi vẫn duy trì thói quen hút thuốc lào như trước kia sẽ có nhiều người biết đến nước điều hơn.

Nước điếu là thứ nước được chứa ở đáy điếu cày - dụng cụ dùng để hút thuốc lào. Điếu thuốc lào thường làm bằng tre. Trong cấu tạo của điếu hút thuốc sẽ có một khoang nhỏ ở đáy dùng để đổ nước vào. Phần nước này có tác dụng lọc bớt các chất độc hại từ khói thuốc lào khi hút và cũng để làm mát điếu sau khi sử dụng. Nước điếu sau nhiều lần hút thuốc sẽ ngả màu nâu đến đen sẫm và ngày càng cô đặc hơn.

Như đã nói ở trên, nước điếu có tác dụng lọc bớt các chất độc hại trong khói thuốc lào trước khi nó được hít vào phổi. Một số thành phần chính có mặt trong nước điếu như: Axton, poloni, amoniac, dieldrin,... Đây được xem là những chất độc hại với cơ thể, đặc biệt là cực kỳ có hại cho phổi và tim mạch. Tuy nhiên, chúng lại có tác dụng tiêu diệt nhiều loại nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng, trong đó có cả vi nấm thuộc nhóm nấm Dermatophytes gây nên bệnh hắc lào.

Đây là lý do từ xưa, khi các loại thuốc trị bệnh ngoài da chưa phổ biến, nước điếu đã được dân gian sử dụng để chữa hắc lào. Vậy chữa hắc lào bằng nước điếu như thế nào?

chua-hac-lao-bang-nuoc-dieu-2.jpg
Hình ảnh chiếc điếu cày quen thuộc với những ai có thói quen hút thuốc lào

Cách chữa hắc lào bằng nước điếu thế nào?

Muốn áp dụng cách này, đầu tiên bạn cần có một chút nước điếu. Lượng nước điếu bao nhiêu phụ thuộc vào vùng da bị bệnh hắc lào mà bạn cần điều trị. Tốt nhất bạn nên chọn loại nước điếu đậm đặc đã lắng đọng trong điếu lâu ngày. Nước điếu mới màu còn trong và nhạt có hiệu quả không cao. Các bước chữa hắc lào cụ thể như sau:

  • Vệ sinh sạch vùng da bị bệnh hắc lào. Bạn có thể dùng nước ấm để làm mềm bề mặt vết hắc lào để các chất trong nước điếu thẩm thấu tốt nhất.
  • Dùng giấy sạch hoặc khăn dùng một lần thấm khô vùng da vừa làm sạch. Bạn lưu ý không dùng khăn tắm, khăn mặt hoặc dùng chung khăn với người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm.
  • Dùng bông thấm vào nước điếu sau đó chấm lên vết hắc lào. Có thể di chuyển miếng bông theo chuyển động hình tròn, thoa nước điếu trong vài phút để đạt hiệu quả cao nhất.
  • Thực hiện việc bôi nước điếu lên da mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ. Áp dụng liên tục cho đến khi khỏi hoàn toàn.
chua-hac-lao-bang-nuoc-dieu-3.jpg
Chữa hắc lào bằng nước điếu cần áp dụng kiên trì

Chữa hắc lào bằng nước điếu có tốt không?

Từ xa xưa dân gian đã áp dụng các cách chữa bệnh hắc lào bằng nước điếu khác phổ biến. Tuy nhiên, đến nay nó vẫn không được xem là phương pháp chuẩn khoa học. Không có nghiên cứu nào chứng minh độ an toàn của nước điếu khi bôi ngoài da. Khi tự dùng nước điếu để chữa hắc lào tại nhà, các chuyên gia cũng khuyến cáo bạn cần cân nhắc những điều sau:

  • Nước điếu tiềm ẩn nguy cơ gây kích ứng da. Da bị kích ứng sẽ mẩn đỏ, ngứa dữ dội hoặc phát ban. Nguy cơ kích ứng sẽ cao hơn với những người sở hữu làn da mỏng, da nhạy cảm hay da đang bị tổn thương. Một số làn da quá mẫn với các thành phần có trong thuốc nào có thể bị kích ứng nặng.
  • Các chất độc trong nước điếu nếu sử dụng thời gian dài có thể xâm nhập qua da vào máu, gây hại cho cơ thể.

Các bác sĩ khuyên rằng không nên tự ý chữa hắc lào bằng nước điếu vì phương pháp này không được khoa học công nhận. Đặc biệt, cách này tuyệt đối không được áp dụng cho trẻ sơ sinh, không áp dụng cho da mỏng, da nhạy cảm. Nếu vẫn muốn chữa bệnh theo phương pháp dân gian, bạn có thể thử cách chữa hắc lào bằng tỏi.

chua-hac-lao-bang-nuoc-dieu-4.jpg
Không chữa trị đúng cách có thể khiến da bị kích ứng

Lưu ý khi chữa hắc lào bằng nước điếu

Thực tế vẫn có người chữa hắc lào bằng nước điếu và khỏi bệnh. Tuy nhiên, đây là những trường hợp bệnh nhẹ, mới xuất hiện và thời gian chữa trị ngắn. Nếu đã lỡ áp dụng cách này, trong thời gian điều trị bạn cần theo dõi diễn tiến ở vùng da bị bệnh. Nếu cảm thấy cảm giác ngứa rát gia tăng, bạn cần phải dừng lại ngay lập tức và đến bác sĩ da liễu để được thăm khám.

Hắc lào không phải căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu chủ quan, bệnh có thể lan rộng khắp cơ thể. Lúc này, việc chữa trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều. Khi phát hiện ra những dấu hiệu nhẹ của bệnh, bạn có thể bôi thuốc để bệnh nhanh khỏi. Nếu bệnh nặng và dai dẳng, tốt nhất bạn hãy đi khám da liễu để được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: thuocdantoc.org

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm