Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Hướng dẫn giảm rụng tóc hậu Covid 19

Ngày 29/03/2022
Kích thước chữ

Rụng tóc và tình trạng khá phổ biến sau khi các F0 được điều trị khỏi Covid 19. Rụng tóc hậu Covid 19 có thể bị ảnh hưởng bởi tâm trạng người bệnh không thoải mái, do căng thẳng và do áp lực tâm lý. Vậy rụng tóc hậu Covid 19, người bệnh phải làm sao?

Sau khi khỏi Covid 19, rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện và trình bày tình trạng rụng tóc của mình. Nhiều bệnh nhân cho biết, dù là đang gội đầu hay khi chải tóc rất nhẹ, tuy nhiên, mỗi lần đưa tay lên vuốt là khi đó tóc rụng cả nắm, trong khi trước lúc mắc Covid 19 tóc đen mượt và rất dày. Các chuyên gia cũng cho biết, đây là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải sau khi khỏi Covid 19, khiến cho họ lo lắng và bất an.

Rụng tóc hậu Covid 19, nguyên nhân là do đâu?

Theo các chuyên gia cho biết, dòng đời của một sợi tóc thường trải qua ba giai đoạn: Pha phát triển, pha chuyển tiếp và pha nghỉ. Khi sợi tóc đã vào pha nghỉ trong khoảng từ 2 – 4 tháng thì tóc sẽ rụng. Lúc này, khi cơ thể bị sốt hay bị nhiễm siêu vi, các sợi tóc đang trong pha nghỉ sẽ rụng cùng lúc và rụng nhiều hơn bình thường.

Sốt là triệu chứng phổ biến của Covid 19. Vài tháng sau khi bị sốt, nhiều bệnh nhân sẽ thấy tóc rụng rõ rệt so với trước đây. Nhiều người nghĩ rằng chứng rụng tóc là bất thường, thực tế đây là hiện tượng rụng tóc có liên quan đến nhiễm siêu vi. Trong y học gọi là rụng tóc lan tỏa không sẹo (Telogen Effluvium). Một nghiên cứu vào tháng 8/2021 cho biết, sau khi đã loại trừ nguyên nhân do thuốc điều trị, những bệnh nhân trải qua hậu Covid 19 hầu hết đều rụng tóc ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, xảy ra khoảng sau khi bệnh từ hai đến ba tháng.

Rụng tóc hậu Covid-19, người bệnh phải làm sao?1 Nhiều bệnh nhân sẽ thấy tóc rụng rõ rệt so sau khi khỏi Covid 19

Hiện tượng tóc rụng xảy ra ở trên da đầu sạch ở các chị em phụ nữ có độ tuổi 30 trở lên sau khi khỏi Covid 19 đã không còn quá xa lạ. Tóc vẫn rụng nhưng không có hiện tượng ngứa, bong vảy da đầu hay bất cứ hiện tượng bất thường nào khác. Tuy nhiên, nếu nhận thấy có các biểu hiện bất thường khác đi kèm xuất hiện trên da đầu, có thể bệnh nhân đang mắc phải một bệnh lý mới, lúc này cần đến bệnh viện khám và điều trị.

Bên cạnh đó, có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng rụng tóc trong và sau khi khỏi Covid 19 được thống kê như sau:

  • Bệnh nhân có thể sốt cao và mệt mỏi kéo dài. Điều này liên quan đến các phản ứng miễn dịch, qua sốt và mệt mỏi sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tăng nguy cơ viêm nhiễm, ngứa da đầu gây gãi nhiều dẫn đến rụng tóc.
  • Bệnh nhân có thể stress do cách ly quá lâu, hoặc do lo lắng và không có người chia sẻ động viên làm gây hại hệ lông-tóc-móng.
  • Do việc ăn uống với chế độ dinh dưỡng kém, cơ thể bị thiếu chất gây ra mệt mỏi, hoặc do mất khứu giác và vị giác gây ra chán ăn, rối loạn tiêu hóa… Từ đó, làm giảm chất dinh dưỡng đi nuôi dưỡng tóc.
  • Do quan niệm sai lầm về việc kiêng tắm, kiêng gội đầu dẫn đến nhiều người bị ngứa, viêm và nấm da đầu gây gãy chân tóc.
  • Một số ít có thể do thuốc điều trị Covid 19 có tác dụng phụ gây ra hiện tượng rụng tóc như thuốc chống đông máu Enoxaparin.
  • Người nhiễm Covid 19 ở thể nặng có thể tổn thương đa cơ quan gây suy gan, thận và các bệnh lý đi kèm dẫn đến tóc rụng.
  • Cảm xúc căng thẳng cũng có thể khiến tóc của bạn rụng nhiều hơn bình thường, nhất là trong đại dịch Covid 19 đang diễn ra. Tóc bắt đầu rụng khoảng 2 – 4 tháng sau khi người bệnh quá căng thẳng.

Rụng tóc hậu Covid 19, người bệnh phải làm sao?

Các chuyên giá cho biết, tình trạng tóc rụng tạm thời là bình thường sau khi bệnh nhân sốt, ốm, hay do mắc Covid 19. Người bệnh nên lưu ý các vấn đề khi tóc rụng như sau:

  • Nên gội và sấy tóc nhẹ nhàng, với nhiệt độ thích hợp, hạn chế dùng những loại hóa chất tác động lên tóc.
  • Nên bổ sung vitamin, nguyên tố vi lượng, các chất chống oxy hóa có trong rau củ trái cây cho cơ thể và giữ cho tinh thần lạc quan nhằm giải tỏa căng thẳng để cải thiện tình trạng rụng tóc.
  • Các chất cần thiết như: Sắt, kẽm, vitamin nhóm B, Biotin – vitamin H... bổ sung tại chỗ như dầu gội, dầu xả tóc, các tinh chất bôi thoa.
  • Những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân cần điều trị bằng các thuốc như minoxidil, huyết tương giàu tiểu cầu, thủ thuật kích thích nang tóc phát triển...
  • Nên hạn chế dùng các biện pháp truyền miệng dân gian như dùng bia ủ tóc qua đêm. Lúc này, các hoạt chất lên men và có cồn không phù hợp với da đầu nhạy cảm, gây trầm trọng thêm tình trạng rụng tóc ở người bệnh.
  • Bệnh nhân nên thay đổi lối sống phù hợp như: Tập thể dục nhẹ nhàng giúp lưu thông máu huyết nhằm toát mồ hôi để nuôi dưỡng hệ lông, tóc, móng.
  • Bệnh nhân nên tắm gội khoa học. Tắm bằng nước ấm 30 – 35 độ C, không gội đầu quá lạnh hoặc quá nóng, không nên gội đầu khi đang sốt hoặc khi cơ thể quá yếu và mệt mỏi.
Rụng tóc hậu Covid-19, người bệnh phải làm sao?2 Rụng tóc hậu Covid 19, người bệnh phải làm sao?

Cách phòng tránh rụng tóc hậu Covid 19

Để phòng tránh việc rụng tóc hậu Covid 19, người bệnh nên suy nghĩ tích cực hơn, hạn chế căng thẳng và lo lắng. Cụ thể như sau:

  • Các F0 nên gội đầu nhanh trong khoảng 5 phút. Sau khi gội đầu, bệnh nhân lau khô tóc, sấy khô tóc bằng tốc độ gió vừa hoặc sấy nóng với khoảng cách đủ ấm.
  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý lúc này cần được thực hiện để hạn chế việc tóc rụng cũng là điều rất quan trọng đối với các F0.
  • Người bệnh cần bổ sung protein, vitamin C, E, D, kẽm, sắt, acid folic, vitamin nhóm B - B1, B12…
  • Nên dùng các loại dầu gội đầu thành phần thiên nhiên, ít chứa chất tẩy rửa và hạn chế các sản phẩm có độ pH không phù hợp.
  • Bệnh nhân cần hạn chế nhuộm tóc, hấp, uốn, sấy, duỗi, không buộc tóc quá chặt và búi... Bên cạnh đó, nên duy trì tinh thần thoải mái để giảm các hóoc-môn gây stress cũng là điều cần thiết.
Rụng tóc hậu Covid-19, người bệnh phải làm sao?3 Nếu tình trạng rụng tóc kéo dài hơn 6 tháng hoặc có bất kỳ triệu chứng nào khác bệnh nhân nên đi khám sớm

Nếu tình trạng rụng tóc kéo dài hơn 6 tháng hoặc có bất kỳ triệu chứng nào khác như: Tóc rụng từng mảng lớn, ngứa và kích ứng, bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp nhất.

Hoàng Yến

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin