Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn sơ cứu người bị ngất xỉu

Ngày 25/05/2022
Kích thước chữ

Ngất đột ngột là một biểu hiện khá thường gặp trong cộng đồng. Đây là một triệu chứng bất thường và cần được tìm đúng nguyên nhân để điều trị giúp tránh tái phát những lần ngất tiếp theo. Việc biết cách sơ cứu người bị ngất xỉu đúng cũng đóng vai trò quan trọng trong tiên lượng người bệnh về sau.

Tình trạng ngất đột ngột xảy ra khi không đủ lưu lượng máu cung cấp cho não làm việc dẫn đến ngừng gửi tín hiệu tới các cơ quan. Các cơ quan không nhận được tín hiệu chỉ huy của não cũng sẽ ngừng hoạt động kết quả là dẫn đến bất tỉnh. Vậy bạn đã có những hiểu biết gì về ngất? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu cập nhật những kiến thức hữu ích về ngất và cách sơ cứu người bị ngất xỉu nhé!

Nguyên nhân gây ngất xỉu

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây tình trạng ngất đột ngột. Một số nguyên nhân thường gặp là:

Do trung gian thần kinh

Trường hợp bệnh nhân đột ngột bị ngất xỉu do trung gian thần kinh còn được gọi là ngất phế vị. Đây là tình huống rất phổ biến trong thực tế.

Đa số các trường hợp ngất thường xảy ra khi bệnh nhân đối diện với một vấn đề hoặc tình huống quá sức chịu đựng, đặc biệt là trường hợp xảy ra ở những người có nhân cách yếu. Chẳng hạn như nghe một câu chuyện quá đau đớn hoặc những chuyện kinh hoàng dẫn đến quá hoảng loạn, sợ hãi, suy sụp tinh thần, hoặc ngất cũng có thể xảy ra ở những trường hợp lao động, vận động quá sức...

Khi bị ngất, trên cơ thể người bệnh thường toát nhiều mồ hôi, màu da xao xao, nhợt nhạt.

Do có bệnh tim mạch

Những người bệnh có bệnh lý tim mạch hoặc trong tiền sử có người thân từng bị đột tử thường dễ bị ngất đột ngột. Tim là cơ quan quan trọng có nhiệm vụ đưa máu đi nuôi khắp các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, khi trái tim bị bệnh suy yếu làm giảm khả năng cung cấp máu cho các cơ quan, các cơ quan bị thiếu máu tùy vào từng trường hợp cụ thể mà gây ra những biểu biện ở người bệnh khác nhau.

Bệnh nhân có thể bị ngất sau khi cảm thấy vùng ngực đau tức, cảm giác như bị ai đó bóp nghẹt - đây chính là triệu chứng điển hình cảnh báo người bệnh bị nhồi máu cơ tim.

Nhìn chung, với những người đã có bệnh tim mạch hoặc những người có các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch (tuổi cao, uống rượu, hút thuốc lá, đái tháo đường…) luôn cần hiểu rõ và phải chủ động tuân thủ điều trị để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình.

Do hạ huyết áp

Thường xảy ra ở những người có huyết áp trong ngày do động nhiều, những người lớn tuổi khi đứng dậy đột ngột có thể gây tụt huyết áp và ngất. Ngoài ra, những bệnh nhân bị bệnh Parkinson (một bệnh lý thần kinh) hoặc do sử dụng thuốc hạ huyết áp không đúng cách cũng dễ dẫn đến bị ngất đột ngột.

Do nguyên nhân ngoại khoa

Bị đánh vào đầu, ngã do tai nạn giao thông, tai nạn lao động… đột ngột hoặc uống quá nhiều bia, rượu gây ức chế các trung tâm thần kinh.

Đột quỵ là trường hợp hay gặp ở những người bệnh nhân cao tuổi, tăng huyết áp.

Một số nguyên nhân khác gây ngất xỉu

Các nguyên nhân này thường liên quan đến các rối loạn chuyển hóa, điện giải, quá trình thông khí của cơ thể… Một số nguyên nhân gây ngất xỉu thường gặp có thể kể đến như: Hạ đường huyết, hạ canxi máu, tăng thông khí quá mức, thiếu oxy (trường hợp lên cao đột ngột, chưa thích nghi được với không khí loãng oxy ở trên cao).

Sơ cứu người bị ngất xỉu

Khi thấy một người nào đó xuất hiện ngất xỉu đột ngột, mọi người xung quanh thường tập trung lại quan sát hoặc giúp sơ cứu cho người bệnh. Tuy nhiên, việc quá nhiều người tập trung lại sẽ làm bầu không khí trở nên ngột ngạt, khiến cho bệnh nhân đã thiếu oxy tình trạng lại càng thêm trầm trọng. Vì vậy, mọi người lưu ý không tập trung quá đông người mà quan trọng là sơ cứu bệnh nhân đúng cách.

Tiến hành kiểm tra dấu hiệu sinh tồn của người bệnh

Thực hiện kiểm tra ngay tình trạng thở (bệnh nhân còn thở hay không), bắt mạch bẹn hoặc mạch cảnh của người bệnh còn đập không.

Điều chỉnh tư thế người bị ngất xỉu

Nghiêng đầu người bệnh sang một bên nhằm giảm nguy cơ hít phải chất nôn, thức ăn vào phổi nếu người bệnh có nôn đột ngột, đồng thời tránh tụt lưỡi vào đường thở gây ngạt thở.

Tiếp theo, tư thế người bệnh vẫn nằm ngửa, điều chỉnh cho phần chân người bệnh cao hơn đầu (có thể kê gối, quần áo… dưới chân người bệnh).

Hướng dẫn sơ cứu người bị ngất xỉu 1 Kê chân người bệnh cao hơn đầu trong sơ cứu người bị ngất xỉu

Kiểm tra toàn trạng bệnh nhân

Kiểm tra người bệnh xem có vết thương hay va chạm xây xát ở đâu hay không. Nếu người bệnh còn thở đồng thời không có biểu hiện thương tích nghiêm trọng thì người sơ cứu tiến hành nâng hai chân người bệnh lên cao hơn tầm của tim (khoảng 25 - 30cm).

Trong trường hợp người bệnh bị ngất do té ngã kèm theo bị thương, phải tiến hành xử lý cầm máu (nếu có chảy máu). Điều quan trọng cần lưu ý là phải đảm bảo chắc chắn cột sống cổ của bệnh nhân không bị chấn thương hay di lệch khi sơ cứu và khi vận chuyển bệnh nhân đến nơi điều trị thích hợp.

Tiến hành nới lỏng quần áo người bệnh giúp người bệnh dễ thở, các vị trí trang phục hay bó sát cơ thể như thắt lưng, cổ áo... Trường hợp nới quần áo người bệnh gặp khó khăn có thể dùng kéo để cắt. Hãy nhớ: Quan trọng là cứu được người bệnh.

Trong trường hợp bệnh nhân ngừng thở

Nếu bệnh nhân ngừng thở, mạch cảnh hoặc mạch bẹn không bắt được thì ngay lập tức tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim và thổi ngạt (nếu có 2 người cấp cứu).

Nếu chỉ có một mình, ưu tiên ép tim. Vừa tiến hành ép tim, vừa gọi cấp cứu 115 (cứ 2 phút ép tim thì dừng tối đa khoảng 10 giây để bắt xem có mạch cảnh, mạch bẹn lại chưa, đồng thời thực hiện gọi cấp cứu). Hãy ghi nhớ: Thời gian gián đoạn giữa các lần ép tim càng ngắn càng tốt.

Hướng dẫn sơ cứu người bị ngất xỉu 2 Ép tim ngoài lồng ngực

Cách phòng tránh ngất xỉu

Nếu cảm thấy chính cơ thể bạn không được khỏe kèm theo xuất hiện đầu óc choáng váng, bạn nên chủ động phòng tránh dẫn đến ngất xỉu bằng cách thực hiện một biện pháp sau đây:

  • Tìm một chỗ thoáng khí để ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi một thời gian để cơ thể hồi phục tỉnh táo trở lại. Chú ý: Bạn nên ngồi trong tư thế cúi gục mặt, đặt đầu ở giữa hai đầu gối.
  • Tuyệt đối không thay đổi tư thế (đứng – ngồi quá nhanh) đề phòng khả năng bị ngất thực sự.

Những điều không làm khi sơ cứu người bị ngất xỉu

Cần lưu ý tránh làm những điều sau:

  • Tập trung đông người xung quanh người bệnh ngất vì làm giảm lượng oxy trong không khí thở, bệnh nhân đã thở khó nay còn khó hơn.
  • Gọi hoặc kích thích người bệnh ngồi - đứng dậy tức thì sau khi họ vừa ngất nhằm phòng tránh nguy cơ người bệnh bị ngất lại sau khi tỉnh.
  • Dùng kim châm hoặc chích vào đầu các ngón tay người bệnh vì cách này chưa được khoa học chứng minh về tác dụng, hơn nữa còn làm chậm trễ “thời gian vàng” người bệnh được đưa đến bệnh viện. Ngoài ra, nếu không được sát khuẩn tốt thì còn làm tăng thêm nguy cơ bị nhiễm trùng.
Hướng dẫn sơ cứu người bị ngất xỉu 3 Không tụ tập đông người xung quanh người bệnh ngất xỉu

Như vậy, tinh thần giúp đỡ người bị ngất xỉu là vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, nếu không nắm rõ các quy tắc sơ cứu cơ bản thì đôi khi lòng tốt của chính chúng ta lại không mang lại tác dụng tốt như mong muốn. Hi vọng qua bài viết này, Nhà Thuốc Long Châu đã giúp bạn có thêm những hiểu biết cần thiết về cách sơ cứu người bị ngất xỉu hiệu quả. Sau khi sơ cứu ban đầu thành công, người bệnh rất nên nhanh chóng được đến khám lại tại các cơ sở y tế để tìm chính xác nguyên nhân và điều trị đúng.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm