Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị rắn cắn chân: Những điều nên và không nên làm

Ngày 23/11/2024
Kích thước chữ

Bị rắn cắn chân là tình trạng nguy hiểm không thể chủ quan bởi rắn là loài có nọc độc. Nếu không sơ cứu đúng cách, người bị rắn cắn chân có thể bị nhiễm trùng máu, hoại tử chân, thậm chí tử vong. Vậy người bị rắn cắn chân nên và không nên làm gì?

Rắn là bò sát ăn thịt và có nọc độc phổ biến trên toàn thế giới. Trong đó, có tới 15% loài rắn có chứa nọc độc có thể gây nguy hiểm cho con người, động vật bị chúng cắn.

Theo thống kê, số lượng người bị rắn cắn có xu hướng gia tăng do biến đổi khí hậu phá vỡ môi trường sống tự nhiên của loài vật này khiến chúng phải ra ngoài kiếm ăn và tìm nơi trú ẩn mới. Đáng chú ý, tình trạng bị rắn cắn không chỉ ở khu vực nông thôn mà ngay cả trong các khu vực nội thành. Vì thế, để hạn chế những nguy hiểm do bị rắn cắn, việc nắm vững kiến thức về cách sơ cứu, hiểu rõ những gì nên làm và không nên làm là vô cùng quan trọng.

Cách nhận biết rắn cắn chân có độc hay không có độc

Chúng ta có thể bị rắn cắn ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, trong đó bị rắn cắn chân là phổ biến nhất. Mức độ nguy hiểm và các triệu chứng do bị rắn cắn chân sẽ tùy thuộc vào loại rắn có độc hay không.

Bị rắn cắn chân: Những điều nên và không nên làm 1
Chân là vị trí dễ bị rắn cắn

Rắn độc và rắn không độc có thể phân biệt dựa vào các đặc điểm sau đây:

  • Rắn độc: Các loại rắn độc phổ biến như rắn hổ mang (phát ra âm thanh), rắn cạp nong (khúc vàng, khúc đen), rắn cạp nia (khúc trắng, khúc đen), rắn lục (đầu hình thoi hoặc tam giác),... Ngoài ra, các loài rắn chứa nọc độc thường có hai răng lớn ở vị trí răng cửa hàm trên nên khi cắn thường có vết cắn đặc trưng lưu lại trên da. Đồng thời có dấu hiệu 2 chấm tròn của 2 nanh chứa nọc độc
  • Rắn không độc: Thường không có răng nanh nên vết cắn chỉ có hình răng hàm hình vòng cung. Nạn nhân thường không có phản ứng gì khi bị rắn không độc cắn.

Dấu hiệu thường gặp sau khi bị rắn cắn chân

Dấu hiệu khi bị rắn cắn cũng rất đa dạng và khác nhau do từng loại rắn. Với các loại rắn hổ, nạn nhân thường sẽ bị sưng, đau, thậm chí hoại tử tại vị trí bị cắn. Ngoài ra, bị rắn cắn chân còn có thể gây ra sốt, nhiễm khuẩn, có mủ,... Với rắn cạp nong, cạp nia thì nạn nhân thường không có phản ứng gì đặc biệt.

Một số triệu chứng toàn thân nghiêm trọng hơn có thể gặp phải khi bị rắn cắn chân như yếu chân tay, đau, khó nói, khó thở, loạn nhịp tim, tiểu ít, liệt toàn thân,… Rất nhiều trường hợp không cấp cứu kịp thời dẫn đến tàn phế, tử vong do liệt các cơ hô hấp.

Bị rắn cắn chân: Những điều nên và không nên làm 2
Rắn cắn thường để lại dấu vết trên da

Những điều nên và không nên làm khi bị rắn cắn chân

Theo các chuyên gia, việc sơ cứu khi bị rắn cắn chân chính là chìa khóa quyết định thành công trong việc cứu người bị rắn cắn. Bởi nạn nhân có thể rối loạn ý thức, co giật, hôn mê, hạ thân nhiệt, suy tuần hoàn, rối loạn nhịp thở, giảm phản xạ gân xương,... rất nhanh sau khi bị rắn cắn.

Việc sơ cứu đúng cách sẽ giúp giảm bớt và làm chậm sự dịch chuyển của nọc độc từ vết cắn vào cơ thể. Đồng thời giúp ngăn chặn và xử trí sớm các biến chứng trước khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế. Dưới đây là những việc nên và không nên làm khi sơ cứu người bị rắn cắn chân.

Nên làm

Khi bị rắn cắn chân, nạn nhân và những người xung quanh hãy thực hiện theo hướng dẫn sau đây:

  • Quan sát và ghi nhớ màu sắc, kích thước, cách tấn công của con rắn. Trường hợp bắt được cần mang theo con rắn đến cơ sở y tế.
  • Giữ bình tĩnh và trấn an nạn nhân tránh hoảng loạn có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, khiến nọc độc lan nhanh.
  • Hạn chế di chuyển, đồng thời băng ép bất động chân bằng nẹp nhằm làm chậm quá trình di chuyển của nọc độc vào hệ tuần hoàn. Lưu ý, chỉ được dùng băng chung băng ép lại, không băng quá chặt. Trường hợp bị rắn lục cắn gây chảy máu nhưng không cầm được thì bắt buộc phải băng chặt hơn để cầm máu. Nguyên nhân là do nọc rắn lục có thể làm rối loạn đông máu, nguy cơ tử vong do mất máu và xuất huyết nội tạng là rất lớn.
  • Nếu nạn nhân bị khó thở, hãy nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo.
  • Khi di chuyển nạn nhân cần để chân thõng xuống thấp hơn so với tim để hạn chế nọc rắn di chuyển về tim.
  • Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được điều trị càng sớm càng tốt.
Bị rắn cắn chân: Những điều nên và không nên làm 3
Thực hiện hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân ngừng tuần hoàn

Không nên làm

Khi bị rắn cắn chân, nạn nhân và người sơ cứu tuyệt đối không nên làm những việc sau đây:

  • Không sử dụng băng garo vì buộc quá chặt có thể khiến máu không lưu thông dẫn đến hoại tử. Mặt khác, việc buộc garo chặt sẽ khiến chất độc dồn về tim nhanh đến khi tháo ra garo khiến nạn nhân bị sốc và có thể tử vong ngay lập tức.
  • Không nên chích, rạch hay chọc vào vị trí bị cắn. Việc làm này không những không có tác dụng mà còn khiến mạch máu, dây thần kinh bị tổn thương gây ra nhiễm trùng.
  • Không nên hút nọc độc vì nọc rắn rất dính, việc hút có thể khiến vết thương nghiêm trọng hơn ảnh hưởng cả người sơ cứu và nạn nhân.
  • Không nên chườm đá vào vị trí bị rắn cắn.
  • Không đắp các loại lá hay chữa rắn cắn bằng mẹo dân gian.

Trên đây là một số thông tin về cách sơ cứu khi bị rắn cắn chân. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức để xử trí đúng cách khi xảy ra tình huống này, đồng thời nắm vững những việc nên và không nên làm để tránh những biến chứng nguy hiểm do rắn cắn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin