Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Khám thai lần đầu khi nào? Những thông tin mẹ bầu cần biết khi đi khám thai lần đầu

Ngày 07/10/2024
Kích thước chữ

Việc chăm sóc tốt cho sức khỏe khi mang thai là điều vô cùng quan trọng để giúp bé có một khởi đầu khỏe mạnh khi chào đời. Do đó, thời gian đi khám thai lần đầu khi nào cũng vô cùng quan trọng đối với sức khỏe người mẹ cũng như thai nhi.

Đối với những chị em phụ nữ mang thai lần đầu tiên thì sẽ không tránh khỏi những suy nghĩ băn khoăn và lo lắng với tình trạng của mình cũng như không biết mình cần phải đi khám thai lần đầu khi nào. Để làm rõ vấn đề này, mời bạn đọc cùng tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây để biết thời điểm khám thai quan trọng lần đầu nhé.

Tầm quan trọng khi khám thai lần đầu

Khám thai lần đầu vô cùng quan trọng đối với mẹ bầu và thai nhi. Khám thai lần đầu giúp xác định thai đã về buồng tử cung hay chưa, thai có nằm ngoài tử cung hay không để đưa ra quyết định kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người mẹ. Bên cạnh đó, những lần khám thai tiếp theo cần thiết để đánh giá sức khỏe của người mẹ trong thai kỳ, phát hiện sớm những dị tật và sự phát triển của thai nhi.

Thời điểm nên khám thai lần đầu khi nào?

Hiện nay, việc khám thai đã trở nên đơn giản và phổ biến hơn nhiều so với ngày trước nhờ có sự phát triển của y học hiện đại. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng xác định được thời gian khám thai lần đầu hợp lý. Vào hai tuần đầu sau khi đã thụ thai thành công, trứng sẽ ở lại ở bên trong vòi tử cung khoảng 48 giờ và thực hiện các hoạt động phân bào. Sau 2-3 ngày tiếp theo, hợp tử sẽ di chuyển vào trong tử cung và bắt đầu làm tổ ở đó.

Khám thai lần đầu khi nào? Những thông tin mẹ bầu cần biết khi đi khám thai lần đầu 1
Khám thai lần đầu khi nào? Mẹ bầu nên đi khám ngay khi nhận thấy bản thân đã mang thai

Khi nhận thấy bản thân đã mang thai, các mẹ nên đi khám tại các cơ sở bệnh viện có chuyên khoa sản vì mỗi lần khám thai sẽ tương ứng với mỗi tuổi thai khác nhau. Ví dụ như siêu âm lần đầu để xác định xem mẹ có mang thai thật hay không, đơn thai hay đa thai, thai trong hay bên ngoài tử cung, thai có triệu chứng bất thường nào hay không,...

Khám thai lần đầu khám những gì?

Hỏi - đáp tiền sử bệnh và sức khỏe

Để đạt được hiệu quả tốt nhất cho việc khám thai lần đầu cũng như ở những lần khám thai tiếp theo, người mẹ cần phải cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh cũng như sức khỏe hiện tại để bác sĩ có thể nắm rõ được tình hình. Với bước này, các mẹ cần chuẩn bị trả lời câu hỏi cho một số vấn đề như:

  • Tiền sử sức khỏe của người mẹ, các bệnh mãn tính (nếu có).
  • Tiền sử dị ứng.
  • Các loại thuốc hay sử dụng.
  • Đã từng thực hiện phẫu thuật chưa? Nếu rồi thì là lúc nào?
  • Thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng.
  • Đã từng mang thai trước kia chưa?
  • Có gặp vấn đề sinh sản hay mắc bệnh di truyền của gia đình không?
  • Có sử dụng chất kích thích hay đồ uống có cồn không?

Những thông tin trên sẽ giúp cho bác sĩ đánh giá tổng quan cũng như dự đoán được các yếu tố sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai của người mẹ. Do đó, các mẹ cần phải đem theo sổ khám bệnh cũng như trả lời thành thật những câu hỏi trên nhé.

Khám thai lần đầu khi nào? Những thông tin mẹ bầu cần biết khi đi khám thai lần đầu 2
Người mẹ cần phải cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh cũng như sức khỏe hiện tại cho bác sĩ

Hỏi về thai kỳ hiện tại

Để xác định tình trạng mang thai, bác sĩ có thể hỏi câu hỏi như sau:

  • Lần cuối có kinh nguyệt là khi nào?
  • Xuất hiện những biểu hiện nào khi mang thai?

Khám tổng quan về tình hình sức khỏe hiện tại

Đối với lần khám thai đầu tiên, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe của mẹ bầu như sau:

  • Kiểm tra sức khỏe hệ tim mạch, hô hấp, bầu ngực và khoang bụng.
  • Kiểm tra chiều cao, cân nặng.
  • Đo huyết áp để dùng làm cơ sở so sánh đối với những lần khám thai tiếp theo.
  • Một số trường hợp sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng hơn về cơ quan sinh sản và vùng xương chậu.

Tiến hành xét nghiệm

Tùy vào từng chỗ khám mà các mẹ có thể sẽ phải tiến hành thực hiện xét nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, quy trình xét nghiệm căn bản của một mẹ bầu trong lần khám thai đầu tiên bao gồm như sau:

  • Siêu âm.
  • Xét nghiệm nhóm máu và mức độ thiếu máu, xét nghiệm beta HCG.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Kiểm tra mức độ lây nhiễm của một số bệnh lây qua đường tình dục như viêm gan B, AIDS, HIV,...
  • Xét nghiệm thêm về tiểu đường đối với những bệnh nhân có nguy cơ hoặc đang mắc phải căn bệnh này.
Khám thai lần đầu khi nào? Những thông tin mẹ bầu cần biết khi đi khám thai lần đầu 3
Xét nghiệm nhóm máu và mức độ thiếu máu, xét nghiệm beta HCG

Siêu âm phôi thai

Trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho chị em làm siêu âm để xác định xem có thực sự mang thai hay không, thai nhi đã về buồng tử cung hay chưa hay nằm ngoài tử cung. Kết quả siêu âm cũng giúp xác định tuổi thai, ngày dự sinh và bác sĩ sẽ lên lịch khám thai định kỳ cho mẹ bầu.

Bác sĩ giải đáp thắc mắc cho mẹ bầu

Sau khi tiến hành khám thai xong, nếu như mẹ bầu còn có điều thắc mắc cần được tư vấn thì có thể trao đổi ngay với bác sĩ. Vì vậy, các mẹ có thể ghi lại các câu hỏi, hiện tượng hoặc những điều còn băn khoăn trong quá trình mang thai lần đầu để được bác sĩ giải đáp một cách cụ thể. Điều này sẽ giúp cho các mẹ cảm thấy yên tâm hơn, không bị căng thẳng, lo lắng hay áp lực trong suốt 9 tháng thai kỳ.

Mẹ cần chuẩn bị gì khi đi khám thai lần đầu?

Ngoài việc nắm được khám thai lần đầu là khi nào, mẹ bầu cũng cần chuẩn bị một số điều sau để quá trình khám thai được diễn ra suôn sẻ:

  • Mang theo giấy tờ tùy thân.
  • Nên chuẩn bị sẵn những thắc mắc của bản thân bằng cách liệt kê ra giấy hoặc ghi chú lại.
  • Mặc trang phục rộng rãi, thoải mái để thuận tiện cho việc di chuyển và thăm khám.
  • Tinh thần thoải mái khi đi khám thai.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống điều độ trước khi đi khám.
  • Trước khi siêu âm, mẹ bầu cần uống nhiều nước để làm đầy bàng quang, để bác sĩ có thể quan sát thai nhi rõ hơn.
Khám thai lần đầu khi nào? Những thông tin mẹ bầu cần biết khi đi khám thai lần đầu 4
Nên chuẩn bị sẵn những thắc mắc của bản thân bằng cách liệt kê ra giấy hoặc ghi chú lại

Lưu ý gì khi đi khám thai lần đầu?

Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, các mẹ nên lưu ý một số điều sau:

  • Cần lựa chọn bác sĩ hoặc những nơi cơ sở bệnh viện uy tín để các bước khám thai lần đầu được diễn ra đúng quy trình và an toàn.
  • Nên giữ kết quả khám thai lần đầu để lấy làm cơ sở chẩn đoán và tiện theo dõi cho những lần khám thai tiếp theo.
  • Đối với lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ lập ra kế hoạch khám thai định kỳ cho các mẹ, tư vấn chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc, vệ sinh cá nhân, các loại thuốc và vitamin cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.
  • Đối với trường hợp thai phụ mắc một số bệnh lý hoặc có tình trạng thai nhi không khỏe thì việc theo dõi và điều trị ngay từ đầu là vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với người mẹ.

Các thắc mắc thường gặp

Có được siêu âm trong lần khám thai đầu tiên không?

Trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ bầu thực hiện siêu âm để xác định vị trí thai nhi làm tổ để loại trừ tình huống mang thai ngoài tử cung gây nguy hiểm, tính tuổi thai và ngày dự sinh, nghe tim thai.

Chi phí khám thai lần đầu hết bao nhiêu tiền?

Chi phí khám thai lần đầu phụ thuộc vào các xét nghiệm kiểm tra mẹ thực hiện cũng như cơ sở y tế mà mẹ lựa chọn để thăm khám. Thông thường, chi phí khám thai lần đầu sẽ rơi vào khoảng 150.000 - 200.000 đồng/lần (tùy nơi khám). Bên cạnh đó, mẹ cầu cần chi trả thêm những khoản khác như siêu âm, xét nghiệm máu,... Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể tiết kiệm một khoản chi phí nếu sử dụng bảo hiểm y tế đúng tuyến.

Khám thai lần đầu khi nào? Những thông tin mẹ bầu cần biết khi đi khám thai lần đầu 5
Chi phí khám thai lần đầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Khám thai lần đầu ở đâu tốt nhất?

Một số cơ sở y tế uy tín mà mẹ bầu có thể lựa chọn để khám thai có thể kể đến như:

  • Tại Hà Nội: Khoa sản bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Phụ sản Trung Ương, bệnh viện Phụ sản Hà Nội,...
  • Tại TP.HCM: Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM,...

Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn để giải đáp cho thắc mắc khám thai lần đầu khi nào. Khám thai lần đầu là một bước khởi đầu quan trọng cho một thai kỳ khỏe mạnh. Việc khám thai định kỳ sẽ giúp bạn theo dõi sự phát triển của thai nhi và kịp thời phát hiện những bất thường nếu có.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin