Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính

Kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày làm sao chữa?

Ngày 16/09/2022
Kích thước chữ

Kinh nguyệt ra nhiều hay kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày luôn khiến chị em lo lắng vì đây đều là những biểu hiện bất thường của cơ thể. Vậy khi kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày là tình trạng gì, làm cách nào để xử lý? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày là triệu chứng của rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra cho bất kỳ chị em phụ nữ nào. Nếu bạn không sớm chữa trị, để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh sản về sau. 

Chu kỳ kinh nguyệt quá ngắn là gì?

Trong cơ thể người phụ nữ, khi trứng rụng nhưng không được thụ tinh sẽ bị thoái hóa, lớp niêm mạc tử cung dày lên trước đó cũng bong tróc ra, từ từ được đào thải qua âm đạo cùng máu và dịch nhầy, đó chính là hiện tượng kinh nguyệt.

Kinh nguyệt diễn ra theo chu kỳ tháng, độ dài chu kỳ mỗi người là khác nhau, có thể dao động từ 21 - 35 ngày. Mỗi kỳ kinh nguyệt thường kéo dài trong thời gian từ 3 - 7 ngày, trong đó hai ngày đầu tiên sẽ ra nhiều máu nhất, sau đó giảm dần rồi kết thúc. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà kinh nguyệt của bạn có thể thay đổi theo thời gian.

Kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày làm sao chữa? 1 Kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày là triệu chứng của rối loạn kinh nguyệt.

Khi chuẩn bị có kinh, hoặc trong thời gian hành kinh, phụ nữ thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và khá bất tiện trong sinh hoạt. Chu kỳ kinh nguyệt ra ít máu hơn bình thường thường không gây lo lắng dù đây là một trong những biểu hiện của tình trạng rối loạn kinh nguyệt (máu kinh giảm đột ngột, chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba của chu kỳ kinh bình thường, thời gian hành kinh diễn ra ngắn hơn…).

Chúng ta đều biết, lượng kinh nguyệt thường thay đổi theo từng tháng, trong đó một số tháng tự nhiên ra máu kinh ít hơn những tháng khác. Trong một số trường hợp, thời kỳ kinh nguyệt ra ít máu có thể cho thấy có thai hoặc một tình trạng liên quan đến hormone. Cũng có người nghĩ rằng họ đang có kỳ kinh nguyệt ít nhưng thực tế là đang tiết dịch có lẫn máu.

Dù hiện tượng kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày chị em không cần quá lo lắng nhưng nếu tình trạng này kéo dài nhiều tháng kèm theo một số biểu hiện bất thường khác thì tốt nhất là đến khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.

Các triệu chứng của chu kỳ kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày

Thông thường, một phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt có thể mất trung bình khoảng 50 - 80ml máu. Tuy nhiên, mỗi cơ thể sẽ có sự khác nhau nên chị em cần lưu ý nếu kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày hơn bình thường. Chị em có thể dùng cốc kinh nguyệt để đo lượng máu kinh mất mỗi tháng.

Dưới đây là một số triệu chứng của chu kỳ kinh nguyệt ra máu ít: 

  • Thời gian hành kinh ngắn hơn bình thường (so sánh với chu kỳ kinh bình thường của chính bản thân);
  • Băng vệ sinh thay ít hơn bình thường;
  • Không có dòng chảy nhiều như thường lệ trong 1 - 2 ngày đầu tiên nhưng có dòng chảy nhẹ, đều đặn;
  • Chảy máu giống như lấm tấm trong vài ngày thay vì chảy đều.

Ở một số người, tình trạng kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày cũng có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt, điển hình như bớt đau lưng, giảm co thắt tử cung hoặc thay đổi tâm trạng….

Kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày làm sao chữa? 2 Mỗi cơ thể sẽ có sự khác nhau nên chị em cần lưu ý nếu kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày hơn bình thường.

Nguyên nhân của chu kỳ kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày

Dưới đây là những yếu tố gây ảnh hưởng đến lượng máu kinh ra ít hơn bình thường:

  • Tuổi tác: Chu kỳ kinh nguyệt thường sẽ thay đổi trong suốt cuộc đời người phụ nữ, thường ngắn hơn và có thể chỉ ra ít máu ở thời kỳ đầu. Khi bước vào độ tuổi từ 20 - 30 tuổi, kinh nguyệt sẽ trở nên thường xuyên hơn. Đặc biệt là vào cuối độ tuổi 30 và 40, chu kỳ kinh nguyệt có thể phát triển nhiều hơn và thời gian ngắn hơn. Nhiều phụ nữ thậm chí có thể trải qua nhiều tháng không có kinh, và có kinh muộn hơn. Sau đó, kinh nguyệt thường trở nên ít hơn và không đều hơn trong thời kỳ tiền mãn kinh.
  • Không rụng trứng: Tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, cụ thể là chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc ít hơn bình thường có thể là do cơ thể của họ không phóng thích trứng (rụng trứng). 
  • Thiếu cân: Khi phụ nữ thiếu cân sẽ có thể nhận thấy kinh nguyệt rất ít hoặc ngừng hẳn. Đó là kết quả của việc chất béo trong cơ thể giảm xuống quá thấp khiến họ không rụng trứng thường xuyên.
  • Tập thể dục quá sức: Tập thể dục tốt cho sức khỏe nhưng nếu chị em phụ nữ tập thể dục quá sức sẽ tác dụng ngược, làm thay đổi kinh nguyệt, chẳng hạn như thời gian hành kinh bị thay đổi như chu kỳ kinh nguyệt ngắn hoặc mất kinh tạm thời.
  • Thai kỳ: Hiện tượng kinh nguyệt ở phụ nữ sẽ ngừng hoàn toàn khi mang thai. Tuy nhiên, nhiều chị em có thể bị nhầm lẫn tình trạng chảy máu do cấy ghép trong thời gian ngắn. Chảy máu khi phôi thai làm tổ là dấu hiệu sớm của việc mang thai, tình trạng này thường chỉ kéo dài tối đa trong vòng hai ngày.
  • Cho con bú: Kinh nguyệt ở mẹ bỉm chưa thể trở lại ngay sau khi sinh nếu đang cho con bú do hormone sản xuất sữa ngăn cản quá trình rụng trứng và khiến kinh nguyệt chậm lại. Vài tháng sau khi sinh thì bạn có thể có kinh trở lại. Lưu ý là bạn vẫn có khả năng thụ thai tự nhiên khi đang cho con bú, ngay cả khi kinh nguyệt chưa trở lại. Đó là bởi vì bạn sẽ rụng trứng hai tuần trước kỳ kinh đầu tiên sau khi sinh. Do đó, bạn cần có biện pháp tránh thai an toàn để tránh mang thai ngoài ý muốn. 
  • Stress: Tinh thần mệt mỏi, căng thẳng, stress sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố của cơ thể, gây gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt trong thời gian tạm thời. Tuy nhiên, kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường khi căng thẳng được giải toả.
  • Kiểm soát sinh sản: Nếu dùng thuốc ngừa thai, nhiều chị em có thể nhận thấy kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày hơn. Nguyên nhân là do liều lượng hormone trong thuốc tránh thai thấp và không kích thích tử cung hình thành lớp niêm mạc dày. Điều này cũng có thể xảy ra ở những người sử dụng vòng tránh thai nội tiết tố, que cấy tránh thai hoặc tiêm thuốc, vì chúng làm mỏng niêm mạc tử cung. 
  • Rối loạn ăn uống: Chế độ ăn uống không lành mạnh, chán ăn tâm thần, ăn vô độ là các dạng rối loạn ăn uống có thể gây ra kinh nguyệt không đều vì làm thay đổi các hormone điều hòa kinh nguyệt.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Nếu bạn bị kinh nguyệt không đều hoặc đã ngừng kinh nguyệt, đó có thể là kết quả của hội chứng buồng trứng đa nang. Điều này gây ra sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khiến trứng ngừng trưởng thành.
  • Tình trạng y tế nghiêm trọng: Kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày còn có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn. Bởi bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể cũng là tấm gương phản chiếu sức khỏe của chính bản thân. 
Kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày làm sao chữa? 3 Nếu chu kỳ kinh nguyệt trùng hợp với đau vùng chậu, chị em nên đi khám bác sĩ sớm.

Kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày khi nào cần gặp bác sĩ?

Chu kỳ kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày thường không quá đáng ngại. Nhưng nếu chị em thường xuyên có kinh nguyệt ít hoặc bắt đầu bỏ kinh hoàn toàn thì cần nói chuyện với bác sĩ. Bên cạnh đó, nếu chu kỳ kinh nguyệt trùng hợp với đau vùng chậu, bạn càng nên đi khám bác sĩ sớm.

Dưới đây là một số tình trạng bạn cần đến gặp bác sĩ:

  • Bỏ lỡ ba kỳ kinh liên tiếp và không có thai;
  • Bạn nghĩ rằng bạn có thể đang mang thai;
  • Có kinh nguyệt không đều;
  • Bị chảy máu giữa các kỳ kinh;
  • Cảm thấy đau trong kỳ kinh nguyệt.

Tóm lại, kinh nguyệt ra nhiều hay kinh nguyệt ra ít và ngắn ngày có thể là biểu hiện bất thường của cơ thể, cần đến thăm khám nếu tần suất mắc phải nhiều. 

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin