Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Kỹ năng vận động tinh là gì? Cách nào giúp bé phát triển sớm kỹ năng này?

Ngày 03/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khả năng vận động của trẻ phát triển theo từng giai đoạn khác nhau và phát triển theo hướng vận động thô đến kỹ năng vận động tinh. Vậy làm cách nào để phát triển khả năng vận động tinh cho bé? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc liên quan đến kỹ năng này.

Kỹ năng vận động của trẻ được chia thành 2 loại là vận động thô và kỹ năng vận động tinh. Mức độ vận động tinh cao hơn nên đây cũng là kỹ năng được nhiều bậc phụ huynh hướng đến nhằm giúp con phát triển toàn diện.

Kỹ năng vận động tinh là gì? 

Nghe đến vận động tinh, chắc hẳn nhiều người không khỏi thắc mắc kỹ năng này là gì và cụ thể như thế nào. Trẻ em phát triển kỹ năng vận động theo độ tuổi, mỗi tuổi sẽ là thời điểm thích hợp để tăng cường kỹ năng tương ứng. Kỹ năng vận động tinh là những kỹ năng vận động mà trẻ sử dụng các cơ nhỏ để điều khiển các khớp ngón tay, bàn tay, từ đó đạt đến độ tỉ mỉ nhất định, thực hiện được nhiều động tác nhỏ, khó hơn mức độ vận động thô. 

Kỹ năng vận động tinh là gì? Cách nào giúp bé phát triển sớm kỹ năng này? 1
Kỹ năng vận động tinh là khả năng tỉ mỉ, khéo léo trong hoạt động của bàn tay, các ngón tay

Kỹ năng vận động tinh dần dần phát triển thông qua kinh nghiệm cũng như sự lặp đi lặp lại vận động của trẻ. Đầu tiên, kỹ năng này được trẻ học tập từ người lớn xung quanh và dần dần học theo, tiếp xúc với nhiều loại đồ chơi có nhiều chi tiết nhỏ, đòi hỏi sự tỉ mỉ cũng có thể kích thích khả năng vận động tinh ở bé. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra được, những trẻ tự ăn bằng cách bốc tay (ăn dặm tự chỉ huy) có tốc độ hình thành và phát triển kỹ năng vận động tinh nhanh chóng, hiệu quả hơn những trẻ cần người lớn đút ăn. 

Bố mẹ để ý kỹ có thể thấy, khi trẻ vài tháng tuổi đã thể hiện một số biểu hiện của kỹ năng này và học tập bổ sung trong suốt giai đoạn đầu đời để hình thành kỹ năng vận động tinh hoàn chỉnh. Kỹ năng này là một trong những kỹ năng quan trọng nhất với trẻ, cần thiết để thực hiện nhiều hoạt động như chăm sóc bản thân, mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt,...

Những kỹ năng vận động tinh chính mà trẻ cần được học gồm có: 

Kỹ năng khum bàn tay và mở các ngón tay: Kỹ năng này chính là tiền đề để trẻ phát triển nhiều kỹ năng khác sau này. Viết chữ, chơi thể thao, ăn uống,... đều cần đến kỹ năng này. Các động tác bàn tay cần phải linh hoạt, phối hợp chuyển động ngón tay và bàn tay, cổ tay.

Kỹ năng khéo léo của bàn tay: Vận dụng được các ngón tay để khéo léo hoạt động, điển hình có thể kể đến như nắm, vặn nắp hộp, múa,...

Kỹ năng sử dụng cả 2 tay: Sử dụng được kỹ năng này sẽ giúp trẻ làm việc hiệu quả hơn, cho phép 2 tay làm việc cùng một lúc để thực hiện động tác. 

Kỹ năng sử dụng kéo: Trẻ có thể được cầm kéo và học cách sử dụng kéo linh hoạt qua việc thực hành nhiều lần. 

Kỹ năng vận động tinh là gì? Cách nào giúp bé phát triển sớm kỹ năng này? 2
Kỹ năng sử dụng thành thạo kéo để cắt cũng là kỹ năng vận động tinh quan trọng

Các mốc phát triển kỹ năng vận động tinh ở trẻ

Hiểu về các cột mốc phát triển vận động tinh ở trẻ có thể giúp bố mẹ tạo điều kiện tốt nhất cho con hình thành, vận dụng hiệu quả kỹ năng quan trọng này. 

  • 0 - 3 tháng tuổi: Khi trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi, bố mẹ có thể quan sát thấy trẻ có thể đặt tay lên miệng. Đây cũng là biểu hiện của kỹ năng vận động tinh đấy. 
  • 3 - 6 tháng tuổi: Nhiều bố mẹ thắc mắc không biết trẻ 6 tháng biết làm gì. Đến giai đoạn 3 - 6 tháng tuổi trẻ có thể đã biết cách nắm 2 bàn tay lại với nhau, di chuyển đồ vật hoặc cầm nắm đồ vật nhưng chưa kiểm soát được lực, chuyền đồ vật từ này này sang tay khác, tay nắm bàn chân,...
  • 6 - 9 tháng tuổi: Bé biết vỗ tay, bốc thức ăn đưa lên miệng bằng ngón cái và ngón trỏ, cầm nắm đồ chơi, dùng tay chỉ vào đồ vật mình thích,... Giai đoạn này bố mẹ cần chú ý để đồ dùng nguy hiểm xa khỏi tầm với của con và quan sát thường xuyên, tránh việc bé cho đồ chơi vào miệng. 
  • 9 - 12 tháng tuổi: Đây là lúc trẻ đã biết lấy đồ vật bằng 2 ngón tay, cầm nắm chắc chắn hơn và lực tay mạnh hơn. 
  • 1 - 2 tuổi: Bé biết xếp đồ chơi, đồ vật chồng lên nhau, dùng tay viết, vẽ nguệch ngoạc trên giấy, cầm bút bằng cả bàn tay,...
  • 2 - 3 tuổi: Biết vặn tay nắm cửa, khóa, mở cửa, rửa tay, sử dụng cơ bản các đồ dùng, cầm đũa, thìa để ăn, xâu hạt thành chuỗi,...
  • 3 - 4 tuổi: Là lúc kỹ năng vận động tinh của trẻ tương đối hoàn thiện, thể hiện qua việc trẻ biết cách mặc và cởi quần áo, biết dùng kéo để cắt giấy, vặn hoặc tháo nắp chai,...
  • 5 - 7 tuổi: Trẻ đã có thể vẽ tranh, cầm bút viết chữ, sao chép tranh, tô màu,...

Trên đây chỉ là mốc phát triển kỹ năng vận động tinh chung, thực tế cần dựa vào môi trường sống, cách giáo dục của bố mẹ để xác định được khả năng sử dụng kỹ năng này ở bé. Có những trẻ chỉ mới 1 - 2 tuổi nhưng đã có thể làm được một số hoạt động của trẻ 2 - 3 tuổi, đây là biểu hiện kỹ năng vận động tinh phát triển rất tốt. 

Kỹ năng vận động tinh là gì? Cách nào giúp bé phát triển sớm kỹ năng này? 3
Ở mỗi giai đoạn trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh theo cấp độ tăng dần

Cách phát triển sớm kỹ năng vận động tinh ở trẻ 

Sự phát triển kỹ năng vận động tinh là cả một giai đoạn dài, hoạt động này làm tiền đề hình thành, kiến tạo khả năng làm hoạt động khác. Bố mẹ có thể áp dụng một số cách dưới đây để giúp trẻ có kỹ năng vận động tinh tốt hơn. 

  • Đối với trẻ sơ sinh hoặc mới tập cách phản xạ với hiện tượng xung quanh, bố mẹ có thể đặt, đề các đồ vật con thích ở gần và trong tầm mắt quan sát của con, từ đó kích thích con tiến lại gần và cầm nắm. 
  • Khuyến khích trẻ hình thành và phát triển kỹ năng vận động tinh thông qua các hoạt động thường ngày như vệ sinh cá nhân, thay quần áo hay ăn uống, dọn dẹp sau khi ăn,... để trẻ có nhiều cơ hội vận động hơn. 
  • Cho phép và khuyến khích trẻ tham gia vào công việc nhà như chuẩn bị bữa ăn, lấy đồ giúp bố mẹ, khuấy trộn nguyên liệu nấu ăn,...
  • Cùng con chơi các trò như xếp hình, cờ cá ngựa,... Các trò chơi cho bé 5 tuổi kích thích con hoàn thiện kỹ năng vận động tinh hiệu quả.
  • Dạy trẻ quấn dây quanh đồ vật nào đó để trẻ có cơ hội vận động linh hoạt các khớp ngón tay. 

Hy vọng bài viết trên đây có thể giúp bạn hiểu hơn về kỹ năng vận động tinh cũng như cách để hỗ trợ trẻ hình thành, phát triển kỹ năng này tốt hơn. Trong quá trình trẻ luyện tập, bạn hãy lưu ý đến cách trẻ làm và chỉnh sửa, hướng dẫn bé kỹ càng.

Hồng Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm