Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lao phổi hết rồi có tái phát lại không? Chẩn đoán lao phổi tái phát

Ngày 28/02/2022
Kích thước chữ

Lao phổi có nguy hiểm không? Có tái phát lại không? Chẩn đoán lao phổi tái phát như thế nào? Đây là những thắc mắc cũng như nỗi lo lắng của các bệnh nhân mắc bệnh lao phổi và kể cả người thân của họ. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tham khảo bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời nhé!

Lao phổi nếu được điều trị đúng phác đồ sẽ có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, không chăm sóc sau điều trị cẩn thận dễ dẫn đến tình trạng lao phổi tái phát, thậm chí nguy hiểm hơn có thể chuyển sang nhóm lao kháng thuốc.

Lao phổi hết rồi có tái phát lại không?

Lao phổi tái phát là tình trạng bệnh nhân nhiễm lao phổi từ trước nhưng đã điều trị khỏi, tuy nhiên hiện tại lại bị mắc trở lại nên gọi là lao tái phát.

Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh lao phổi tái phát: Trong thời gian điều trị bệnh lao trước đây người bệnh dùng thuốc không đúng theo chỉ định của bác sĩ, tự ý ngưng thuốc, thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây bệnh (người nhiễm lao), sức đề kháng suy yếu,...

Đối với những bệnh nhân đã điều trị lao phổi, nếu chủ quan mà không tăng cường sức đề kháng và thực hiện chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao tái lại. Việc điều trị khi lao tái phát sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt nếu bệnh chuyển sang biến thể lao kháng thuốc thì việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều. Vì vậy, mỗi một bệnh nhân lao phổi đã được điều trị khỏi phải nghe theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh lao tái phát.

Lao phổi hết rồi có tái phát lại không? Chẩn đoán lao phổi tái phát 1 Lao phổi hết rồi nhưng có thể tái lại và càng khó điều trị hơn

Người nghi lao tái phát hoặc người bệnh lao phổi tái phát là những đối tượng có nguy cơ cao mắc lao kháng thuốc. Do đó khi bị lao phổi tái phát, sẽ không có quy trình chẩn đoán lao phổi tái phát mà bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp chẩn đoán xác định lao kháng thuốc để có phương pháp điều trị phù hợp. 

Chẩn đoán lao kháng thuốc cần dựa trên xét nghiệm kháng sinh đồ hoặc các xét nghiệm chẩn đoán nhanh chứng thực như Hain test, Gene Xpert MTB/RIF,... Từ đó phân loại lao kháng thuốc như sau:

  • Kháng đơn thuốc: Chỉ kháng với duy nhất một loại thuốc chống lao hàng một khác Rifampicin.
  • Kháng nhiều thuốc: Kháng từ hai thuốc chống lao hàng một trở lên mà không kháng với Rifampicin.
  • Lao kháng Rifampicin: Thể lao kháng với Rifampicin và có thể có hoặc không kháng thêm với các thuốc chống lao hàng một khác nào kèm theo (có thể là kháng đơn thuốc, nhiều thuốc, đa kháng thuốc, siêu kháng thuốc)
  • Đa kháng thuốc (MDR-TB): Đây là loại lao kháng đồng thời với ít nhất hai thuốc chống lao là Isoniazid và cả Rifampicin.
  • Tiền siêu kháng: Là lao đa kháng có kháng thêm với bất cứ thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolone hoặc với ít nhất một trong ba thuốc tiêm hàng hai (Capreomycin, Kanamycin, Amikacin)(không đồng thời cả hai loại trên)
  • Siêu kháng thuốc (XDR-TB): Lao đa kháng và có kháng thêm với bất cứ thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolone và ít nhất một trong ba thuốc tiêm hàng hai như trên.

Triệu chứng bệnh lao phổi tái phát

Các triệu chứng của bệnh lao phổi tái phát khác nhau về triệu chứng lâm sàng, bản chụp X quang, khó phân biệt được về mặt lâm sàng với bệnh lao nguyên phát. Nhìn chung, các triệu chứng lao phổi tái phát thường kéo dài từ từ và có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.

Tuy nhiên, nếu lao tái phát ở trẻ nhỏ và bệnh nhân đồng nhiễm HIV, bệnh sẽ bộc phát nhanh hơn. Các triệu chứng điển hình là sốt, đổ mồ hôi ban đêm, sụt cân và ho kéo dài. Hầu như khoảng 95% bệnh nhân mắc lao đều có triệu chứng này.

Lao phổi hết rồi có tái phát lại không? Chẩn đoán lao phổi tái phát 2 Sốt, mệt mỏi là những triệu chứng phổ biến khi lao tái phát

Phòng lao phổi tái phát

Người đã mắc bệnh lao phổi hoặc chưa mắc cũng có thể áp dụng các biện pháp sao để ngăn ngừa bản thân bị virus lao phổi tấn công:

  • Tuân thủ điều trị: Thông thường, phác đồ điều trị bệnh lao hiệu quả trong 6 tháng. Khi điều trị, người bệnh phải dùng thuốc đều đặn, đúng và đủ theo thời gian quy định và chỉ định của bác sĩ cho tới khi người bệnh khỏi hoàn toàn.
  • Tái khám định kỳ: Việc thường xuyên tái khám định kỳ sẽ giúp người bệnh nắm được tình trạng sức khỏe và khả năng phục hồi bệnh của mình. Đồng thời, bác sĩ sẽ có thể kiểm tra xem có còn tiềm ẩn vi khuẩn lao trong cơ thể hay không, từ đó tư vấn các biện pháp phòng ngừa bệnh lao phổi tái phát phù hợp.
  • Tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh: Những bệnh nhân lao phổi khi ho, khạc đờm, hắt hơi,... sẽ cho ra ngoài môi trường hàng nghìn đến hàng triệu vi khuẩn lao, các vi khuẩn này bay lơ lửng ngoài không khí, người bình thường hoặc người đã điều trị lao phổi có thể hít phải và có thể bị nhiễm lao. Do đó, hạn chế tối đa tiếp xúc với nguồn bệnh là điều quan trọng nhất giúp phòng lao tái phát. Nếu bắt buộc tiếp xúc với nguồn bệnh cần trang bị các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, sát trùng tay thường xuyên, giữ khoảng cách tiếp xúc,...Tuy nhiên, việc này chỉ có thể giảm thiểu khả năng lây nhiễm.
  • Tăng cường sức đề kháng: Điều này là cần thiết đối với kể cả người khoẻ mạnh và người đã điều trị lao phổi. Đặc biệt, người đã bị bệnh lao phổi cần chú ý nâng cao sức khoẻ, nhất là sức đề kháng của đường hô hấp để chống lại những vi khuẩn lao có thể xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp.
Lao phổi hết rồi có tái phát lại không? Chẩn đoán lao phổi tái phát 3 Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ

Một khi người bệnh đã được xác định là bị mắc lao phổi tái phát, các y bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán xác định lao kháng thuốc để xem lao tái phát có biến thể sang lao kháng thuốc hay không. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt để nhanh chóng khỏi bệnh.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.