1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Viêm phổi hít là gì? Làm thế nào để điều trị viêm phổi hít?

19/06/2025
Kích thước chữ

Viêm phổi hít là một bệnh lý tương đối phổ biến, có thể bắt gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe. Vậy viêm phổi hít là gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thêm về bệnh lý này qua bài viết sau đây nhé!

Viêm phổi hít là tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, đặc biệt đối với người già và trẻ em. Bệnh lý này là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở người cao tuổi trong các viện dưỡng lão nhưng lại thường bị bỏ qua. Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây để hiểu hơn về bệnh viêm phổi hít cũng như các dấu hiệu của nó nhé!

Viêm phổi hít là gì?

Viêm phổi hít, còn được gọi là viêm phổi sặc, là tình trạng viêm nhiễm xảy ra khi người bệnh hít phải một lượng lớn dị vật từ miệng, dạ dày hoặc hầu họng vào phổi. Các dị vật này có thể bao gồm thức ăn, hóa chất, nước bọt, acid dịch vị, chất nôn,... Những dị vật này khi vào phổi sẽ dẫn đến phản ứng viêm nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Bệnh viêm phổi hít có thể được chia thành 2 nhóm chính, bao gồm:

  • Viêm phổi do trào ngược dịch vị dạ dày vào trong phổi: Hiện tượng này được gọi là hội chứng Mendelson, mức độ tổn thương của phổi tùy thuộc vào lượng acid dịch vị dạ dày trào ngược vào trong phổi cũng như độ pH và tính chất của dịch.
  • Viêm phổi do bị sặc các dị vật khác: Những dị vật như dịch tiết hầu họng, thức ăn,... khi bị hít vào phổi có thể gây nhiễm trùng phổi và làm tổn thương nhu mô phổi do chúng có chứa một lượng lớn vi khuẩn gây bệnh.
Viêm phổi hít là gì? Làm thế nào để điều trị viêm phổi hít? 1
Viêm phổi hít là tình trạng viêm nhiễm xảy ra khi người bệnh hít phải dị vật từ miệng, dạ dày hoặc hầu họng vào phổi

Các đối tượng dễ mắc viêm phổi hít

Đối với người có sức khỏe bình thường, việc hít phải dị vật vào phổi rất hiếm khi xảy ra. Tuy vậy, bệnh viêm phổi hít lại là một căn bệnh thường gặp, rất dễ xảy ra và thậm chí là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tử vong ở các đối tượng sau:

  • Người bị tổn thương thần kinh - cơ như nhồi máu não, xuất huyết não, đau tủy xương, bệnh Parkinson, nhược cơ, xơ cứng cột bên teo cơ, sa sút trí tuệ,...
  • Người bệnh túi thừa Zenker, tuyến giáp to, ung thư, phì đại đốt sống cổ,...
  • Người bệnh được thực hiện các can thiệp y tế như: Ống thông dạ dày, thở máy, đặt nội khí quản,...
  • Thai nhi có thể bị suy hô hấp do hiện tượng suy thai, thai thiếu oxy khiến hệ thần kinh phó giao cảm bị kích thích và tống xuất phân su vào nước ối, khiến thai nhi hít phải phân su.
  • Người mắc các bệnh lý như trào ngược dạ dày, hẹp đường tiêu hóa, tật hàm nhỏ, hẹp môn vị, tật lưỡi lớn, sâu răng, viêm lợi,...
  • Trẻ em mắc hội chứng Down, sinh non hoặc gặp khó khăn trong việc nuốt do hở hàm ếch, sứt môi, dị tật thực quản.
  • Trẻ có thói quen đùa nghịch khi ăn uống.
  • Bệnh nhân mổ cấp cứu mà không có thời gian chuẩn bị, dạ dày còn đầy dịch vị và thức ăn.
Viêm phổi hít là gì? Làm thế nào để điều trị viêm phổi hít? 2
Viêm phổi hít là một căn bệnh thường gặp đối với người bị trào ngược dạ dày

Dấu hiệu nhận biết viêm phổi hít

Sau đây là một số dấu hiệu nhận biết phổ biến của bệnh viêm phổi hít giai đoạn đầu, người bệnh có thể có các triệu chứng tương tự với cúm nặng, bạn có thể tham khảo các biểu hiện sau:

  • Buồn nôn, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Đau đầu, mệt mỏi kéo dài.
  • Ho sặc, đặc biệt sau khi uống nước hoặc nuốt nước bọt - đây là dấu hiệu đặc trưng.
  • Thở khò khè, khó thở, tím tái, nhịp thở nhanh, đôi khi kèm tụt huyết áp và phù phổi.
  • Đau ngực, khó thở tăng khi hít sâu, nhịp tim nhanh.

Khi các chất dịch tiết hầu họng, nước bọt,... đi vào phổi, cơ thể người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng do nhiễm khuẩn như:

  • Ho khạc đờm màu xanh hoặc vàng, đờm có mùi hôi.
  • Sốt cao, rét run.
  • Đau tức ngực, khó thở tăng dần, cảm giác đuối sức.

Một số dấu hiệu trên cận lâm sàng và thăm khám:

  • Xét nghiệm máu: Bạch cầu tăng cao, CRP và procalcitonin tăng - dấu hiệu viêm nặng.
  • Thăm khám phổi: Giảm thông khí khu trú, gõ đục, nghe ran nổ hoặc tiếng cọ màng phổi tại vùng tổn thương.

Tùy thuộc vào mức độ bệnh, các dấu hiệu viêm phổi hít đôi khi không biểu hiện rõ ràng. Triệu chứng cũng có thể rất ít hoặc không xuất hiện với một số trường hợp như người cao tuổi có hệ miễn dịch kém. Mặt khác, viêm phổi hít cũng có thể có các biểu hiện nghiêm trọng kèm theo các biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp nặng, viêm phổi áp xe, viêm phổi kèm theo sốc nhiễm khuẩn,... Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong, do đó người bệnh cần nhanh chóng tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ khi có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc tình trạng sức khỏe diễn tiến xấu đi.

Viêm phổi hít là gì? Làm thế nào để điều trị viêm phổi hít? 3
Triệu chứng điển hình của viêm phổi hít là ho sặc sau khi uống nước hoặc nuốt nước bọt

Làm thế nào để điều trị viêm phổi hít?

Vậy làm thế nào để điều trị viêm phổi hít? Với trường hợp người bệnh mắc viêm phổi hít do acid dạ dày trào ngược vào phổi, người bệnh có thể bị rối loạn tri giác và không thể tự thở được, cần tiến hành hút hầu họng, soi rửa phế quản, đặt nội khí quản. Khi soi rửa phế quản cần cung cấp đủ oxy cho người bệnh. Không sử dụng kháng sinh vì có thể dẫn đến kháng thuốc, tuy nhiên, nếu sau 48 giờ tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm thì cần sử dụng kháng sinh. Nên sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng, khi có kết quả nuôi cấy theo kháng sinh đồ thì dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.

Với trường hợp người bệnh mắc viêm phổi hít do hít dị vật vào phổi gây nhiễm trùng phổi thì cần điều trị bằng kháng sinh. Phối hợp kháng sinh thường được sử dụng trên lâm sàng là sự kết hợp của kháng sinh nhóm aminosid hoặc quinolon với kháng sinh nhóm beta-lactam. Người bệnh cần sử dụng các loại thuốc chống viêm, hạ sốt, long đờm, bù nước và điện giải. Ngoài ra cần đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh.

Đối với những bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt, cần điều trị phục hồi chức năng bằng những phương pháp như hỗ trợ bù khi nuốt, luyện tập tăng cường chức năng cơ nhai - nuốt. Nên cho bệnh nhân ăn thức ăn phù hợp với tình trạng bệnh, nghỉ ngơi 30 phút trước khi ăn và tập trung khi ăn uống. Cần hiểu biết về các thao tác cấp cứu nếu bệnh nhân bị sặc khi ăn.

Viêm phổi hít là gì? Làm thế nào để điều trị viêm phổi hít? 4
Đối với những bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt, nên cho bệnh nhân ăn thức ăn phù hợp với tình trạng bệnh

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh viêm phổi hít và những dấu hiệu cũng như cách điều trị của căn bệnh này. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, hãy nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị phù hợp bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin