Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc loạn trương lực cơ là gì và những dấu hiệu nhận biết của bệnh trương lực cơ. Từ đó, giúp mọi người có cái nhìn khách quan về bệnh loạn trương lực cơ và nhanh chóng đến các cơ sở y tế để điều trị khi có những dấu hiệu nghi ngờ.
Loạn trương lực cơ là gì?
Loạn trương lực cơ là một tình trạng bệnh lý thần kinh dẫn tới rối loạn vận động, mất đi sự điều hòa giữa não bộ và tủy sống làm mất kiểm soát những vận động, cử động đồng thời lặp đi lặp lại một cách rất bất thường. Tình trạng loạn trương lực cơ có thể ảnh hưởng tới một cơ hoặc một nhóm cơ, thậm chí là toàn bộ cơ thể. Những cơn co thắt sẽ bắt đầu từ nhẹ tới nặng, chúng gây cảm giác đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Loạn trương lực cơ là bệnh không quá phổ biến, chỉ có khoảng 1% dân số mắc tình trạng này. Tuy nhiên, nó có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, đặc biệt là nữ giới sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn nam giới.
Nguyên nhân gây bệnh loạn trương lực cơ vẫn chưa được làm rõ nhưng theo một số nghiên cứu, người ta thấy rằng loạn trương lực cơ có liên quan đến một số yếu tố như di truyền, tâm lý, thuốc và sự tác động của môi trường xung quanh.
Loạn trương lực cơ là gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm
Cách phân loại loạn trương lực cơ
Theo độ tuổi phát bệnh:
-
Trương lực cơ khởi phát sớm: Bệnh có thể khởi phát từ thời thơ ấu và ở độ tuổi trẻ, thường được tính ở dưới 26 tuổi.
-
Trương lực cơ khởi phát muộn: Được tính ở những trường hợp phát bệnh trên 26 tuổi.
Theo phân phối giải phẫu:
-
Loạn trương lực cơ cục bộ: Bệnh chỉ ảnh hưởng đến một vùng duy nhất trên cơ thể.
-
Loạn trương lực cơ một đoạn: Nhiều hơn hai khu vực tiếp giáp của cơ thể phải chịu ảnh hưởng.
-
Loạn trương lực cơ toàn thể: Đây là tình trạng loạn nặng nhất trong cách phân phối giải phẫu. Bệnh ảnh hưởng đến cả một vùng của cơ thể và có liên quan đến ít nhất một thân trục, một chân.
Theo nguyên nhân:
-
Loạn trương lực cơ nguyên phát: Bệnh thường không xuất hiện triệu chứng bất thường vào về vấn đề thần kinh, xét nghiệm hay hình ảnh. Loạn trương lực cơ nguyên phát cũng không có tư thế cố định và thường tiến triển từ từ. Đôi khi vùng loạn trương lực cơ lâu ngày có thể có hiện tượng co rút.
-
Loạn trương lực cơ thứ phát: Bệnh xuất hiện kèm theo các dấu hiệu thần kinh khác như mất thăng bằng, yếu cơ, co cứng, mắt cử động bất thường, suy giảm nhận thức, co giật… Loạn trương lực cơ thứ phát cũng thường bắt nguồn từ một tình trạng bệnh lý nhất định nào đó, ví dụ như chấn thương, đột quỵ, viêm não, ngạt chu sinh…
Loạn trương lực cơ thứ phát sau u não, viêm não
Dấu hiệu nhận biết loạn trương lực cơ
Những triệu chứng của loạn trương lực cơ sẽ thay đổi từ nhẹ đến nặng và có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác nhau. Những dấu hiệu bất thường của trương lực cơ là:
-
Chuột rút ở chân.
-
Nháy mắt không kiểm soát.
-
Khó nói.
-
Giật không tự chủ ở cổ.
-
Chữ biết bắt đầu nguệch ngoạc.
-
Cơ thể bắt đầu có những tư thế bất thường.
-
Xuất hiện tình trạng co thắt cơ không tự chủ dẫn đến vặn xoắn và lặp lại các hoạt động nhiều lần.
-
Khi người bệnh suy nghĩ nhiều, tăng áp lực và mệt mỏi thì các triệu chứng sẽ diễn biến nặng hơn.
-
Cảm thấy mệt mỏi khi gắng sức kéo dài.
Thậm chí, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng co giật không tự chủ. Lúc này, nên đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị.
Người bệnh loạn trương lực cơ xuất hiện triệu chứng co giật không tự chủ
Phương pháp chẩn đoán và điều trị loạn trương lực cơ
Các xét nghiệm chẩn đoán loạn trương lực cơ
Chẩn đoán trương lực cơ được tiến hành từ tiền sử bệnh và triệu chứng lâm sàng. Sau đó, người bệnh sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán. Những xét nghiệm bác sĩ có thể yêu cầu là:
-
Xét nghiệm máu và nước tiểu: Kiểm tra và tìm kiếm chất độc.
-
Chụp MRI: Loại trừ khả năng mắc các bệnh như khối u.
-
Xét nghiệm di truyền.
-
Điện cơ EMG: Nhằm mục đích đo hoạt động điện trong cơ.
Những xét nghiệm trên có vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân gây bệnh giúp bác sĩ có cái nhìn tổng quan về vấn đề của cơ thể. Từ đó sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
Xét nghiệm máu để kiểm tra và tìm kiếm chất độc
Điều trị loạn trương lực cơ
Điều trị bằng thuốc:
Để điều trị loạn trương lực cơ hiệu quả, bác sĩ phải dựa vào nguyên nhân, vị trí cơ bị ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hiện nay do chưa có thuốc đặc trị nên việc điều trị cơ bản là đẩy lùi các triệu chứng của bệnh. Một số phương pháp đang được áp dụng hiện nay là:
-
Tiêm độc tố botulinum (botox hoặc xeomin): Những chất này sẽ được tiêm vào những cơ bị ảnh hưởng nhằm ngăn chặn việc hoạt hóa acetylcholine - chất làm co thắt cơ, làm yếu cơ tạm thời để giảm những triệu chứng của bệnh. Thời gian hiệu quả của thuốc là khoảng vài tháng.
-
Điều trị bằng các loại thuốc: Có thể dùng các loại thuốc dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng tới hoạt động của cơ như Carbidopa–levodopa, Trihexyphenidyl và benztropine, Tetrabenazine, Diazepam.
Phương pháp phẫu thuật:
-
Kích thích não sâu: Đây là sự lựa chọn được ưa dùng nhất. Các điện cực sẽ được cấy vào một vùng nhất định trong não và kết nối với bộ kích điện cấy ở ngực. Bộ kích điện sẽ gửi những xung điện tới não làm kiểm soát các cơn co thắt. Tần số và cường độ kích điện có thể được điều chỉnh phù hợp với từng cá nhân.
-
Phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc: Phương pháp này được sử dụng khi những phương pháp khác đã điều trị thất bại. Phẫu thuật này giúp cắt các dây thần kinh, từ đó làm giảm các cơn co thắt.
Một số liệu pháp điều trị khác:
-
Vật lý trị liệu hay gọi là liệu pháp nghề nghiệp giúp làm giảm những triệu chứng và cải thiện chức năng của cơ.
-
Nếu người bệnh có những triệu chứng ảnh hưởng đến phát âm, giọng nói thì nên được điều trị bằng ngôn ngữ trị liệu.
-
Kéo dãn hay xoa bóp các cơ để giảm đau cho các cơ.
-
Kiểm soát tinh thần, giảm stress, căng thẳng.
Như vậy, qua bài viết trên Nhà thuốc Long Châu đã giúp các bạn giải đáp thắc mắc loạn trương lực cơ là gì. Loạn trương lực cơ tuy không gây ảnh hưởng đến tính mạng của con người nhưng nó lại gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống hàng ngày. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và yên tâm hơn.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp