Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lười vận động dễ mắc bệnh đầy hơi, khó tiêu

Ngày 06/03/2022
Kích thước chữ

Việc ăn uống thiếu khoa học, lười vận động... có thể dẫn đến các bệnh về tiêu hóa, dễ thấy nhất là chứng ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng.

Lười vận động đã ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như thế nào và làm sao để ngăn ngừa căn bệnh này, hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu nhé.

Vì sao lười vận động gây bệnh tiêu hóa?

Có nhiều lý do gây nên các bệnh về tiêu hóa:

Ăn uống thiếu khoa học

Lười vận động dễ mắc bệnh đầy hơi, khó tiêu 1 Lười vận động có thể gây đầy hơi, khó tiêu

Một người mắc chứng khó tiêu sẽ có triệu chứng như bụng luôn căng cứng, bụng to, khó thở. Tình trạng này kéo dài rất lâu thậm chí cả ngày, làm chán ăn, đi lại nặng nề. Các biểu hiện bệnh trên thường gặp ở nhiều nhân viên công sở do thói quen ăn uống qua loa, nhanh vội, chế độ ăn không dinh dưỡng, uống ít nước, ăn nhiều thức ăn nhanh vốn nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa, ít rau xanh, chất xơ.

Ngoài chế độ ăn không khoa học, những người làm việc văn phòng còn ăn uống không đúng cách,  tạo ra nhiều hơi trong bụng và gây đầy hơi, chướng bụng. Ví dụ điển hình cho việc ăn không đúng cách là ăn quá nhanh, uống nhiều nước có gas, dùng ống hút khi uống, nhai kẹo cao su, ăn kẹo cứng, mang răng giả không đúng cách, thường xuyên hút thuốc hay sử dụng chất kích thích như cafe, rượu, bia... 

Nhiều người không để ý đến một số thực phẩm có thể tạo hơi như đậu, những sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, cải... Những loại thực phẩm này rất tốt cho cơ thể nhưng nếu được sử dụng thường xuyên có thể gây đầy hơi khó tiêu.

Lối sống lười vận động

Không chỉ có chế độ ăn uống, lười vận động cũng có thể dẫn đến đầy hơi, táo bón, khó tiêu. Nằm ngủ ngay sau bữa ăn cũng khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, từ đó cũng góp phần bị ợ hơi, khó tiêu… 

Nguyên nhân bệnh lý

Khó tiêu do cơ thể không dung nạp thực phẩm

Khó tiêu có thể là tình trạng cơ thể không dung nạp một chất nào đó trong thực phẩm như gluten, Lactose, Fructose. Tình trạng đầy hơi, kho tiêu xảy ra khi cơ thể không dung nạp Gluten hay còn được biết đến là bệnh Celiac, một chứng rối loạn tự miễn dịch, gây viêm ruột non để làm giảm hấp thu Gluten từ thực phẩm; khi cơ thể không dung nạp Lactose do sử dụng những sản phẩm từ sữa và khi cơ thể không dung nạp Fructose do ăn trái cây và một số loại rau.

Vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức

Tình trạng dư thừa vi khuẩn trong ruột non xảy ra khi lượng Acid trong dạ dày giảm hoặc cơ ruột non giảm co bóp,tạo điều kiện để vi khuẩn trong dạ dày, ruột non phát triển. Các triệu chứng thường gặp là đầy bụng, khó tiêu, còn có thể gây khó chịu ở bụng, đau bụng, tiêu chảy và khiến cơ thể mệt mỏi.

Trào ngược dạ dày thực quản 

Khi Acid ở dạ dày trào ngược lên thực quản, không chỉ gây ợ chua mà còn có thể gây đầy hơi, khó tiêu, đau tức vùng bụng, ngực, nghẹn thức ăn, hôi miệng và đau họng.

Hội chứng ruột kích thích

Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích có thể liên quan đến việc cơ thể nhạy cảm với dây thần kinh ở ruột hay do căng thẳng, stress, do di truyền hoặc là thức ăn nằm ở ruột già quá lâu hoặc quá ngắn. Hội chứng ruột kích thích làm ảnh hưởng đến ruột và quá trình tiêu hóa. Tình trạng này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng bao gồm các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng, đau quặn bụng nhưng có thể giảm sau khi đại tiện, tiêu chảy, táo bón.

Lười vận động dễ mắc bệnh đầy hơi, khó tiêu 2 Không dung nạp Lactose khi dùng những sản phẩm từ sữa, gây khó tiêu

Phòng ngừa chứng đầy hơi khó tiêu, chướng bụng

Thay đổi lối sống thụ động, điều chỉnh cách ăn uống, từ bỏ một số thói quen có hại khác... có thể giúp phòng ngừa chứng đầy hơi khó tiêu.

Ăn uống đúng cách

Trong một bữa ăn, người bệnh cần tránh ăn quá nhiều, thay vào đó, có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ. Chú ý ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn dễ dàng được tiêu hóa khi đi xuống dạ dày. Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế dùng những thực phẩm gây đầy hơi, khó tiêu như các sản phẩm từ sữa, bơ, các loại đậu, ngũ cốc, thực phẩm giàu carbohydrate, nhiều chất xơ, thức uống có gas, thức ăn cay nóng, nhiều axit...

Thay đổi thói quen

Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, bạn sẽ tránh bị đầy bụng, khó tiêu vì đây  là một thói quen không tốt làm tích tụ và dư thừa không khí trong dạ dày. Ngoài ra, người bệnh cũng cần hạn chế thói quen dùng những chất kích thích khác như rượu, bia, cafe... là những thức uống gây đầy hơi. Thay vào đó, bạn cần uống nhiều nước (6-8 ly mỗi ngày).

Chườm nóng

Khi bị đầy bụng, bạn cần làm hơi tích tụ trong dạ dày thoát ra ngoài dễ hơn bằng cách làm giãn cơ bụng khi tắm nước ấm.

Điều hòa căng thẳng

Khi bạn lo lắng, căng thẳng về một vấn đề gì đó thì quá trình tiêu hóa sẽ bị gián đoạn, gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, táo bón vì đường tiêu hóa rất nhạy cảm với cảm xúc. Tập luyện yoga là cách để điều hòa những phản ứng căng thẳng, xoa dịu cả tâm trí và cơ thể để giúp các chức năng của hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Sau một thời gian tập, người bệnh sẽ ít bị các bệnh về đường tiêu hóa.

Massage các cơ quan tiêu hóa

Yoga có thể tác động tích cực đến hệ tiêu hóa thông qua các động tác, tư thế vặn mình, đảo ngược, gập người về phía trước, giúp massage các cơ quan như ruột già, ruột non, dạ dày. Ngoài ra, yoga còn giúp cải thiện lưu thông máu và điều dẫn oxy trong hệ hô hấp. Không những vậy, yoga còn giúp cải thiện nhu động ruột để loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể dễ dàng. Hệ tiêu hóa sẽ hoạt động tốt hơn chỉ sau 1 – 2 tuần thực hiện các động tác yoga đều đặn. 

Vận động giảm nhanh đầy hơi, khó tiêu

Để giúp khí trong cơ thể di chuyển tốt hơn và dễ dàng thoát ra ngoài, bạn nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga... Tốt nhất là nên vận động thể chất ít nhất 30 phút một ngày, 5 lần một tuần và tuyệt đối không bao giờ nằm ngay sau khi ăn.

Không dung nạp lactose xảy ra khi sử dụng những sản phẩm từ sữa 3 Đi dạo là hình thức vận động tăng cường nhu động ruột

Đi dạo

Hoạt động thể chất có thể làm tăng nhu động ruột, giúp giải phóng khí và phân dư thừa ra khỏi cơ thể. Môn thể dục này đặc biệt hữu ích đối với những người bị táo bón. 

Vận động cải thiện tiêu hóa

Sau khi ăn, đi bộ là cách vận động cải thiện tiêu hóa hiệu quả nhất. Chuyển động cơ thể có thể hỗ trợ quá trình tiêu hóa bằng cách thúc đẩy kích thích dạ dày và ruột, giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn. Ngoài ra, hoạt động thể chất nhẹ sau khi ăn có tác dụng bảo vệ đường tiêu hóa.

Trên thực tế, vận động đã được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa các bệnh như loét dạ dày tá tràng, ợ nóng, hội chứng ruột kích thích, bệnh túi thừa, táo bón và ung thư đại trực tràng.

Tuy nhiên, không phải cứ vận động là tốt mà nên vận động thật hợp lý. Trong một số trường hợp, đi bộ sau khi ăn có thể gây đau bụng với các triệu chứng như khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn và đầy hơi. Nguyên nhân là do thức ăn di chuyển trong dạ dày của bạn, khiến việc tiêu hóa khó khăn hơn.

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào, sau khi ăn, hãy cố gắng đợi 10 - 15 phút trước khi đi bộ và nên giữ cường độ đi bộ vừa phải.

Tập yoga

Khó tiêu, táo bón và đầy hơi là những bệnh về tiêu hóa rất thường gặp do lối sống thiếu vận động và thói quen ăn uống không lành mạnh. Có rất nhiều cách để khắc phục nhưng một trong những biện pháp tốt nhất mà bạn có thể thử đó là tập yoga.

Một số tư thế yoga có thể định vị các cơ ở bụng để giải phóng khí thừa từ đường tiêu hóa, có tác dụng làm giảm đầy hơi.

Tập yoga thường xuyên, đều đặn sẽ giúp điều chỉnh về mặt thể chất, tinh thần, cảm xúc để tăng cường sức khỏe tổng thể của hệ tiêu hóa.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin