1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ cha mẹ nhận biết càng sớm càng tốt

Thanh Hương

18/06/2025
Kích thước chữ

Nhiễm khuẩn đường ruột là vấn đề sức khỏe phổ biến ở trẻ em, gây không ít lo lắng cho các bậc phụ huynh. Đây là những dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ mà các bậc cha mẹ nên biết để chăm sóc và điều trị đúng cách.

Hệ tiêu hóa non nớt của trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn và virus, từ đó dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ em. Tình trạng này có thể gây khó chịu, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Nhận ra sớm các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sẽ giúp cha mẹ biết cách chăm sóc trẻ khoa học và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ

Dưới đây là một số dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ mà cha mẹ nên biết để theo dõi và xử trí sớm:

  • Một trong những biểu hiện phổ biến khi trẻ nhiễm khuẩn đường ruột là rối loạn tiêu hoá. Trẻ sẽ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân lỏng, đôi khi có mùi hôi, nhớt hoặc lẫn máu. 
  • Trẻ có thể bị nôn ngay từ đầu (đặc biệt với virus như rotavirus) hoặc kèm theo tiêu chảy và sốt.
  • Nếu là viêm do virus thì thường chỉ sốt nhẹ, trong nhiễm trùng vi khuẩn, nhất là trường hợp xâm lấn hoặc cầu khuẩn tái diễn, nhiễm trùng toàn thân, có thể sốt cao (thường dưới 39 °C), hiếm khi lên đến 39 - 40 °C.
  • Đau bụng cũng là triệu chứng thường gặp ở trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột. Trẻ bị đau bụng sẽ quấy khóc, ôm bụng hoặc kêu đau. Cơn đau có thể khu trú ở một khu vực hoặc lan khắp bụng. Bé cũng sẽ chán ăn, bỏ bú, mệt lả, khó dỗ, quấy khóc liên tục và ngủ ít, lờ đờ.
  • Khi nhiễm khuẩn kéo dài, trẻ sẽ có dấu hiệu mất nước như tiểu ít, mạch nhanh, da mất độ giãn sau véo, mắt trũng, khô miệng. Bé cũng sẽ đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu dịch nghiêm trọng.
Dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ cha mẹ nhận biết càng sớm càng tốt 1
Cần cảnh giác với những dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ

Phân biệt dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột và rối loạn tiêu hóa thông thường

Cả nhiễm khuẩn đường ruột và rối loạn tiêu hoá đều có một số biểu hiện tương đồng như: Đi tiêu lỏng và nhiều hơn bình thường, bé khó chịu, mệt mỏi, quấy khóc, chán ăn. Ngoài những triệu chứng tương đồng này, cha mẹ cần phân biệt rõ dấu hiệu khác biệt giữa 2 tình trạng này để biết cách chăm sóc và điều trị phù hợp.

Triệu chứng

Nhiễm khuẩn đường ruột

Rối loạn tiêu hóa thông thường

Sốt

Thường sốt cao, đột ngột

 

Hiếm khi sốt hoặc nếu có cũng chỉ sốt nhẹ

Đặc điểm phân

Lỏng, nhiều lần, có thể có máu, nhầy, mùi hôi nặng

Phân lỏng hoặc sệt, không có máu, có thể có lợn cợn thức ăn chưa tiêu

Nôn

Nôn nhiều, kéo dài, kèm theo tiêu chảy

Hiếm khi nôn, nếu có cũng chỉ nôn một ít

Triệu chứng toàn thân

Bé mệt lả, khát nước, khô miệng, mắt trũng, tiểu ít (đây là dấu hiệu mất nước)

Bé vẫn tương đối tỉnh táo, vui chơi, bú được

Diễn tiến

Nếu không được xử trí kịp thời, có thể diễn tiến nặng, suy kiệt

Thường tự khỏi sau 1 - 2 ngày nếu chăm sóc tại nhà đúng cách

Nhiễm khuẩn đường ruột thường có triệu chứng nặng hơn, ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng sức khỏe của trẻ. Bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ cha mẹ nhận biết càng sớm càng tốt 2
Triệu chứng nhiễm khuẩn đường ruột nặng hơn rối loạn tiêu hóa

Cần làm gì khi thấy dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ?

Khi bạn nhận thấy các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ, cha mẹ cần làm những việc dưới đây:

Theo dõi các triệu chứng

Bạn nên ghi lại tần suất và tính chất của các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, sốt, đau bụng, cũng như mức độ hoạt động và ăn uống của trẻ. Những thông tin này sẽ rất hữu ích khi bạn đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Bù nước và điện giải cho trẻ

Khi trẻ bị tiêu chảy và nôn mửa nhiều, cơ thể sẽ mất nước và điện giải. Vì vậy, cha mẹ hãy cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải Oresol theo đúng hướng dẫn trên bao bì hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ còn bú mẹ, hãy cho trẻ bú thường xuyên hơn.

Cho trẻ ăn uống hợp lý

Khi nhận thấy dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ, cha mẹ hãy tiếp tục cho trẻ ăn chế độ ăn bình thường giàu dưỡng chất sau khi bù dịch bằng Oresol. Cần tránh cho trẻ ăn các loại thức ăn nhiều đường, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, cách chế biến nhiều dầu mỡ, các loại nước ngọt có ga.

Đảm bảo vệ sinh cho trẻ và người chăm sóc

Cần duy trì thói quen rửa tay thường xuyên cho cả trẻ và người chăm sóc, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi chuẩn bị đồ ăn. Việc đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường sống và đồ chơi của trẻ cũng rất quan trọng trong tình trạng hệ tiêu hóa của trẻ đang nhạy cảm.

Dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ cha mẹ nhận biết càng sớm càng tốt 3
Chăm sóc đúng cách giúp kiểm soát nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ

Không tự ý cho trẻ dùng bài thuốc dân gian

Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột, cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý cho bé uống các bài thuốc dân gian như lá ổi, chuối xanh,... mà chưa có hướng dẫn của bác sĩ. Việc này có thể làm chậm trễ thời gian đưa trẻ đến cơ sở y tế, khiến bệnh nặng thêm, nguy hiểm đến sức khoẻ của bé.

Dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ nguy hiểm cần đi viện

Nếu trẻ có một số biểu hiện sau, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế ngay lập tức để được chăm sóc kịp thời:

  • Nhiễm khuẩn đường ruột nặng gây tiêu chảy, nôn liên tục, cơ thể mất một lượng lớn dịch và điện giải. Nếu không bù nước khi bị tiêu chảy kịp thời, trẻ sẽ rơi vào trạng thái sốc, suy tuần hoàn, đe dọa tính mạng. Khi nhận thấy bé có biểu hiện mất nước, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm.
  • Trẻ sốt trên 39°C kéo dài hơn 3 ngày mà không hạ có thể cảnh báo nhiễm khuẩn lan rộng (như nhiễm khuẩn huyết), cần được điều trị ngay.
  • Bé nôn liên tục, không bú, không uống được oresol không chỉ gây mất dịch mà còn khó đưa dịch từ ngoài vào, làm trầm trọng thêm mất nước, suy kiệt sức lực.
  • Bé đi ngoài phân có máu, dịch mủ hoặc màu phân thay đổi, tanh hôi có thể cảnh báo tổn thương ở niêm mạc ruột, nhiễm khuẩn xâm lấn hoặc vi khuẩn gây tổn thương tại chỗ. Nếu không xử trí kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết.
  • Bé mệt lả, luôn ngủ, phản ứng chậm hoặc hôn mê là một dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm, phản ánh suy tuần hoàn, nhiễm khuẩn lan rộng hoặc tổn thương hệ thần kinh trung ương.
  • Nếu thấy trẻ khó thở, tím tái, kèm giảm tri giác, mạch nhanh là dấu hiệu của sốc hoặc tình trạng toàn thân nặng, cần đưa cấp cứu ngay.
Dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ cha mẹ nhận biết càng sớm càng tốt 4
Những dấu hiệu này phản ánh nhiễm khuẩn đang tiến triển nặng

Hiểu rõ các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ giúp cha mẹ biết chăm sóc trẻ đúng cách và đưa trẻ đi khám kịp thời. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào được đề cập trong bài viết, đừng ngần ngại xin tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị phù hợp. Việc cần làm của cha mẹ lúc này là hãy tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn về việc dùng thuốc, chế độ ăn uống và chăm sóc tại nhà của bác sĩ để trẻ nhanh khỏi bệnh và hạn chế tái phát.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin