Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Bộ Y tế và WHO tại Việt Nam đã cùng nhau xây dựng hướng dẫn, bao gồm những khuyến cáo đơn giản nhất giúp cả người lớn lẫn trẻ em có thể vượt qua căng thẳng trong mùa dịch viêm phổi cấp COVID-19. Bởi lúc này có không ít người hoài nghi cũng như lo lắng trước tình trạng số ca dương tính với bệnh không ngừng tăng lên.
Gần nửa đêm 11/2 (theo giờ Việt Nam), WHO đã công bố bệnh viêm phổi cấp do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra là một đại dịch toàn cầu. Với tình hình lây lan nhanh khắp các châu lục (trừ châu Nam Cực) chỉ trong khoảng 3 tháng, COVID-19 đang là mối hiểm họa to lớn với nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều người. Lúc này, cả người lớn và trẻ em cần phải vững tâm vượt qua, không để tinh thần bị đánh gục trước nguy cơ rình rập.
Thường xuyên tâm sự với những người xung quanh
Nếu bạn thấy mình thường xuyên cảm thấy buồn chán, sợ hãi, bối rối, căng thẳng hoặc nóng giận khi có khủng hoảng xảy ra thì đó là một việc hết sức bình thường. Chúng ta có thể xử lý được tình trạng này nhờ vào việc trò chuyện cùng những người đáng tin cậy, bạn bè hoặc gia đình.
Duy trì lối sống lành mạnh khi ở nhà
Lối sống lành mạnh đến từ chế độ ăn, ngủ, tập thể dục đều đặn và hợp lý. Đồng thời chúng ta cũng phải duy trì các mối quan hệ xã hội cùng những người bạn yêu quý ngay tại nhà nhờ vào các phương tiện điện tử, như email và điện thoại.
Tránh dùng các chất kích thích
Nhiều người chọn cách dùng thuốc lá, rượu bia hoặc các chất kích thích khác để đối phó cảm xúc trong thời gian này. Tuy nhiên hành vi ấy hoàn toàn không cần thiết và cũng không mang đến hiệu quả gì. Thay vào đó chúng ta có thể trò chuyện với nhân viên y tế hoặc nhân viên tư vấn khi thấy quá bức bối. Đồng thời cũng lên kế hoạch đi đâu và cách tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt thể chất và tinh thần khi cần.
Chỉ tiếp cận các thông tin đúng đắn
Việc thu thập thông tin có thể giúp chúng ta sớm xác định chính xác nguy cơ của bản thân, nhờ đó mà có những bước đề phòng hợp lý. Tuy nhiên nguồn thông tin cũng cần phải chọn lọc, đến từ những chuyên trang tin cậy như website của WHO, Bộ Y tế hay từ các địa phương.
Hạn chế lo lắng và bực bội
Chúng ta có thể giảm thiểu bớt cảm giác tiêu cực bằng cách hạn chế nghe hoặc xem các chương trình khiến bản thân, gia đình thấy khó chịu.
Kiểm soát cảm xúc
Hãy liệt kê qua những cách mà bản thân đã từng áp dụng thành công trong quá khứ, nhờ nó mà bạn có thể vượt qua khó khăn. Rồi tiếp tục dùng những cách này để có thể kiểm soát cảm xúc tiêu cực của mình trong khoảng thời gian đầy thử thách của dịch COVID-19.
Dành nhiều sự quan tâm cho trẻ
Trẻ em có nhiều cách khác nhau để phản ứng với căng thẳng, chẳng hạn như trở nên đeo bám, thu mình, lo lắng, tức giận hoặc dễ kích động, tè dầm nhiều hơn... Phụ huynh lúc này nên đáp lại các phản ứng của con bằng cách cảm thông. Chúng ta phải lắng nghe những nỗi lo lắng đồng thời dành cho trẻ nhiều tình yêu thương và sự quan tâm hơn.
Tạo điều kiện vui chơi và nghỉ ngơi
Cha mẹ cần lắng nghe, trò chuyện nhẹ nhàng và trấn an con. Nếu được phải tạo thêm cơ hội để bé có thể nghỉ ngơi, vui chơi lành mạnh và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ thật tốt trong mùa dịch COVID-19.
Thu xếp cho con ở gần gia đình
Thay vì chia cách trẻ với người chăm sóc thì chúng ta nên cho trẻ ở gần cha mẹ và gia đình. Nếu phải chia tách (do nhập viện) thì bạn phải đảm bảo sự liên hệ thường xuyên (thông qua điện thoại) để trấn an con.
Duy trì lịch hoạt động hàng ngày
Chúng ta cần lên kế hoạch cũng như duy trì lịch hoạt động hàng ngày cho trẻ. Hoặc cũng có thể tạo ra những lịch trình mới ở những môi trường mới, như học tập và vui chơi giải trí an toàn.
Giải thích về những việc đang diễn ra
Phụ huynh cần có trách nhiệm nói thật cho con biết về những việc đang diễn ra hiện nay, bằng ngôn từ phù hợp với lứa tuổi trẻ. Bên cạnh đó là các thông tin cụ thể về cách thức giảm nguy cơ bị nhiễm COVID-19.
Nó bao gồm việc cho con biết thông tin về những điều có khả năng xảy đến. Chẳng hạn như 1 thành viên gia đình và/hoặc chính các em có thể cảm thấy không khỏe trong tương lai. Khi đó chúng ta sẽ phải vào bệnh viện một thời gian để bác sĩ cứu chữa cho người đó được khỏe mạnh hơn.
Thụy Anh