Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Nếu quan tâm đến các phương pháp làm đẹp, chắc hẳn bạn đã từng nghe qua phương pháp nặn mụn ống tre. Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi tại các spa mang lại hiệu quả khá khả quan. Vậy nặn mụn ống tre là gì? Có tốt không?
Nặn mụn ống tre đang là trào lưu làm đẹp được nhiều chị em quan tâm và bàn tán trên nhiều diễn đàn làm đẹp. Theo quảng cáo của nhiều thẩm mỹ viện, đây là phương pháp trị mụn hiệu quả tuyệt vời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia da liễu, đây là phương pháp trị mụn không khoa học, tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho da.
Nặn mụn bằng ống tre là phương pháp sử dụng các loại thảo dược đựng đầy trong ống tre. Ống tre này được hơ nóng và lăn trên vùng da bị mụn để đẩy nhân mụn ra ngoài. Dưới sức nóng của ống tre, đầu mụn sẽ dần khô lại và đẩy lên khỏi bề mặt da. Các vết thâm do mụn mờ dần sau quá trình điều trị. Ống tre trị mụn là loại tre đặc biệt, tre còn non, có tác dụng làm trồi cồi mụn, hút và loại bỏ nhân mụn, đồng thời se khít lỗ chân lông, xóa vết thâm và sẹo mụn.
Theo các chuyên gia da liễu, nặn mụn ống tre là cách trị mụn không có cơ sở khoa học. Hút mụn bằng ống tre là một cách tạo áp lực hút. Ống tre sau khi hơ nóng đặt trên da để hút mụn ra, nhưng thực chất chỉ hút phần mủ thừa còn đọng lại, vì trước khi hút, mụn đã được nặn.
Mụn do nhiều yếu tố gây ra, để điều trị hiệu quả cần có sự kết hợp giữa các phương pháp điều trị bên trong và bên ngoài nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân gây mụn. Trị mụn bằng phương pháp này chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giúp điều trị dứt điểm mụn do chưa điều trị tận gốc nguyên nhân gây mụn.
Mặt khác, việc nặn mụn tại spa hay thẩm mỹ viện không đảm bảo vệ sinh và tuân thủ nguyên tắc vô trùng, ống tre không được khử trùng triệt có thể dẫn đến nhiễm trùng da, bỏng da, mụn viêm nặng hơn. Việc hút mụn nhiều lần sẽ làm mất mô da, có thể dẫn đến sẹo rỗ trên mặt.
Trên thực tế, trong một số trường hợp, hút mụn bằng ống tre chỉ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ da liễu để giảm tình trạng tắc nghẽn tuyến bã nhờn. Như vậy có thể thấy, trị mụn bằng ống tre là một phương pháp làm đẹp tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Không nên mạo hiểm thử phương pháp này để trị mụn.
Rửa mặt 2 lần/ngày giúp loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn trên da. Đối với làn da bị mụn, việc rửa mặt đúng cách còn giúp quá trình điều trị mụn hiệu quả, giúp vết mụn nhanh lành và hạn chế mụn tái phát. Trước khi lấy nhân mụn, bạn cũng nên vệ sinh sạch sẽ vùng da bị mụn để đảm bảo không bị nhiễm trùng.
Làm mềm nốt mụn và giãn nở lỗ chân lông giúp dễ dàng lấy nhân mụn khi dùng dụng cụ nặn mụn. Bạn có thể dùng khăn ấm đắp lên mụn trong 2 - 3 phút hoặc tắm nước ấm trước khi nặn mụn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng liệu pháp xông hơi mặt để lỗ chân lông mở ra. Tuy nhiên, khi xông hơi mặt bạn nên tránh dùng nước quá nóng để không làm bỏng da.
Để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào nốt mụn vừa nặn, hãy rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc đeo găng tay y tế dùng một lần khi thực hiện lấy nhân mụn tại nhà. Khử trùng tay giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, vi khuẩn chính là nguyên nhân khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn. Do đó, làn da của bạn có chuyển biến tốt sau khi nặn mụn hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn vệ sinh cá nhân.
Trước khi nặn mụn, hãy sát trùng nốt mụn trước để đảm bảo vi khuẩn không xâm nhập sâu hơn vào lỗ chân lông khi nặn mụn tại nhà. Có thể dùng bông gòn thấm cồn y tế để lau vùng cần sát trùng. Đồng thời, bạn sát trùng các dụng cụ nặn mụn để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào nốt mụn.
Đối với mụn đầu đen, dùng đầu tròn để đẩy nhân mụn ra ngoài. Mụn đầu trắng thường phải rạch một đường trước rồi mới nặn hết nhân mụn. Nặn mụn đầu đen dễ hơn nặn mụn đầu trắng. Sử dụng mũi chích đòi hỏi phải cẩn thận nếu không rất dễ bị nhiễm trùng da tạo thành sẹo lồi trên mặt. Vì vậy, nếu bạn bị mụn đầu trắng hoặc mụn mủ nên đến gặp bác sĩ da liễu để được xử lý.
Sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị trên, bạn đặt vòng tròn nặn mụn lên nốt mụn muốn nặn, ấn từ từ một bên mụn rồi đến bên còn lại. Lặp lại quá trình này cho đến khi tất cả nhân mụn đẩy ra ngoài. Lưu ý chỉ dùng lực nhẹ, dùng lực quá mạnh chỉ khiến da bị nhiễm trùng nặng hơn và để lại sẹo sau mụn.
Đối với những loại mụn cứng đầu và to, bạn vẫn nên đi khám bác sĩ da liễu để được loại bỏ an toàn.
Để đảm bảo da không bị viêm nhiễm sau nặn mụn thì dùng bông gòn thấm cồn y tế để làm sạch vùng da vừa nặn mụn. Bạn cũng nên làm sạch và khử trùng dụng cụ nặn trước khi cất đi.
Trong một số trường hợp, khi nặn mụn bị chảy máu. Thấm máu bằng bông gòn hoặc miếng gạc vô trùng. Máu không được dính vào các vùng da khác để tránh nhiễm trùng da. Chảy máu có thể kéo dài vài giây hoặc vài phút, vì vậy cầm máu đến khi ngừng chảy.
Bạn cần chăm sóc da thật tốt sau khi nặn để không bị sẹo thâm hay mụn trở lại. Bạn có thể chườm đá lên mụn để giảm sưng và thu nhỏ lỗ chân lông. Tiếp theo, bôi thuốc trị mụn có chứa retinol, benzoyl peroxide, axit salicylic lên da để giúp vết thương mau lành. Bạn nên bảo vệ da bằng kem chống nắng sau khi nặn mụn để da không bị đen sạm dưới nắng. Đồng thời, chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để làn da nhanh chóng phục hồi.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng không nên áp dụng nặn mụn ống tre khi chưa được kiểm chứng tính hiệu quả và an toàn. Tốt hơn hết bạn nên đến bệnh viện da liễu uy tín, có bác sĩ giỏi chuyên môn, kinh nghiệm để thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị mụn phù hợp.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim
Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.