Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Nên tiêm phế cầu 10 hay 13 cho trẻ? Có thể tiêm cả hai loại vắc xin không?

Ngày 31/10/2023
Kích thước chữ

Vi khuẩn phế cầu (tên khoa học là Streptococcus pneumoniae) là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa,... Đặc biệt trẻ em nhỏ là những người dễ bị lây nhiễm và mắc bệnh nhất do hệ miễn dịch còn non trẻ và chưa hoàn thiện. Vậy nên nhiều bậc phụ huynh băn khoăn nên tiêm phế cầu 10 hay 13 cho trẻ?

Phế cầu khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và cư trú tại đó. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, sẽ gây bệnh, tùy thuộc vào cơ quan, bộ phận xâm lấn mà có biểu hiện bệnh tương ứng. Phế cầu hiện vẫn là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ trẻ em tử vong tăng cao ở nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy mà việc nên tiêm phế cầu 10 hay 13 cho trẻ được nhiều phụ huynh quan tâm. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu giải đáp thắc mắc của bạn trong bài viết dưới đây.

Sự nguy hiểm của phế cầu khuẩn đối với trẻ nhỏ

Vi khuẩn phế cầu (phế cầu khuẩn) là một loại vi khuẩn lây lan qua đường hô hấp khi có sự tiếp xúc trực tiếp với các phần tử khí dung, dịch tiết qua đường hô hấp, hoặc nước bọt... của người nhiễm. Thông thường chúng sẽ cư trú tại vùng mũi, họng, sau đó khi gặp điều kiện thuận lợi, sẽ xâm nhập vào các cơ quan, bộ phận như phổi, máu, tai giữa, màng não... và biểu hiện bệnh, đặc biệt là khi hệ miễn dịch đang bị tổn thương hoặc suy giảm.

Góc giải đáp: Nên tiêm phế cầu 10 hay 13 cho trẻ? Có thể tiêm cả hai loại vắc xin không? 1
Vi khuẩn phế cầu là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng

Phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra khoảng 500.000 ca tử vong ở trẻ em trên khắp thế giới mỗi năm. Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc phải một số bệnh do phế cầu khuẩn gây ra như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não,... Ngoài ra, nếu nhiễm phế cầu đồng thời với COVID-19 thì khả năng tử vong tăng cao rất nhiều.

Do vậy, phòng ngừa phế cầu khuẩn cho trẻ và bản thân mỗi chúng ta từ sớm là biện pháp đặc hiệu, chủ động giúp bảo vệ sức khỏe và tiết kiệm chi phí. Hiện nay có 2 loại vắc xin phế cầu đang được sử dụng phổ biến để phòng bệnh là Synflorix và Prevenar 13 (còn gọi là vắc xin phế cầu 10 và 13).

Tìm hiểu về vắc xin phế cầu 10 và phế cầu 13

Vắc xin phế cầu Synflorix và Prevenar 13 đều giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu và viêm tai giữa. Dưới đây là một số đặc điểm chính của từng loại vắc xin:

Vắc xin phế cầu 10 là gì?

Vắc xin phế cầu 10 (hay còn gọi là Synflorix) có khả năng phòng ngừa 10 tuýp huyết thanh của phế cầu khuẩn, bao gồm các tuýp 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F và 23F – những tuýp gây ra các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, hội chứng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết và viêm tai giữa cấp. Đây là vắc xin do tập đoàn dược phẩm hàng đầu GlaxoSmithKline (GSK) của Bỉ nghiên cứu và phát triển.

Vắc xin phế cầu 13 là gì?

Vắc xin phế cầu 13 (hay còn gọi là Prevenar 13) giúp phòng ngừa 13 loại huyết thanh phế cầu khuẩn nguy hiểm, bao gồm các tuýp 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F và 23F, là nguyên nhân gây ra các bệnh nghiêm trọng như nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não và viêm tai giữa cấp tính, ảnh hưởng tới cả trẻ em và người lớn. Prevenar 13 được phát triển bởi tập đoàn dược phẩm và sinh học hàng đầu Pfizer (Mỹ) và sản xuất tại Bỉ. Đặc biệt, vắc xin này đã được chứng minh có khả năng tạo ra miễn dịch chéo không đặc hiệu với Covid-19.

So sánh vắc xin phế cầu 13 và phế cầu 10

Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn nên chọn loại vắc xin nào phù hợp cho con em mình để phòng ngừa hiệu quả các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Để giúp các gia đình có quyết định đúng đắn, việc hiểu rõ đặc điểm và khác biệt giữa hai loại vắc xin này là điều cần thiết.

Loại vắc xin

Prevenar 13

Synflorix

Phòng bệnh

Phòng ngừa 13 tuýp huyết thanh phế cầu khuẩn gồm 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F, và 23F, gây ra các bệnh nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa cấp tính, v.v.Phòng ngừa 10 tuýp huyết thanh phế cầu khuẩn gồm 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F, và 23F, gây ra các bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa cấp, v.v.

Nước sản xuất

BỉBỉ

Đối tượng

Trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên và người lớn.Trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên và trước khi trẻ đến sinh nhật 6 tuổi.

Lịch tiêm

Từ 6 tuần tuổi đến dưới 7 tháng tuổi: Lịch tiêm gồm 4 mũi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 là 1 tháng.
  • Mũi 3: Cách mũi 2 là 1 tháng.
  • Mũi 4 (mũi nhắc lại): Sau 8 tháng kể từ mũi thứ 3 (cách mũi 3 tối thiểu 2 tháng, khi trẻ 11 - 15 tháng tuổi).

Từ 7 tháng đến dưới 12 tháng tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó): Lịch tiêm gồm 3 mũi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 là 1 tháng.
  • Mũi 3 (mũi nhắc lại): Cách mũi 2 là 6 tháng (cách mũi 2 tối thiểu 2 tháng, khi trẻ trên 1 tuổi).

Từ 12 tháng đến dưới 24 tháng tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó): Lịch tiêm gồm 2 mũi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 là 2 tháng.

Từ 24 tháng đến người lớn (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó hoặc chưa từng tiêm vắc xin Pneumo 23): Lịch tiêm 01 mũi.

Trẻ từ 6 tuần đến dưới 7 tháng tuổi:

  • Mũi 1: 2 tháng tuổi.
  • Mũi 2: 3 tháng tuổi.
  • Mũi 3: 4 tháng tuổi.
  • Mũi nhắc lại: Sau 6 tháng từ mũi thứ 3 hoặc sau 6 tháng kể từ mũi 3.

Trẻ từ 7 đến dưới 1 tuổi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1.
  • Mũi nhắc lại: 6 tháng sau mũi 2.

Trẻ từ 12 tháng đến dưới 6 tuổi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: 2 tháng sau mũi 1.
Góc giải đáp: Nên tiêm phế cầu 10 hay 13 cho trẻ? Có thể tiêm cả hai loại vắc xin không? 3
Nên tiêm phế cầu 10 hay 13 cho trẻ?

Nên tiêm phế cầu 10 hay 13? Lựa chọn nào tốt hơn?

Các số liệu và dữ liệu khoa học cho thấy, cả vắc xin phế cầu 10 (Synflorix) và 13 (Prevenar) đều có hiệu quả tốt khi phòng ngừa vi khuẩn phế cầu. Tuy nhiên về độ tuổi sử dụng thì có sự khác biệt như dưới đây:

  • Vắc xin ngừa phế cầu 10 (Synflorix) được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến dưới 6 tuổi.
  • Vắc xin phế cầu 13 (Prevenar 13) được dùng cho trẻ từ sau 6 tuần tuổi và người lớn, đặc biệt là người già.

Do đó, việc lựa chọn nên tiêm vắc xin ngừa bệnh do phế cầu 10 hay 13 cân nhắc theo tính sẵn có của vắc xin, độ tuổi tiêm vắc xin, điều kiện kinh tế và nhu cầu của mỗi chúng ta. Chủ động tiêm vắc xin là một cách hiệu quả, đặc hiệu giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm phế cầu khuẩn nhằm tránh mắc bệnh và các biến chứng do phế cầu gây ra.

Có nên tiêm xen kẽ vắc xin Synflorix 10 và Prevenar 13 không?

Vậy nên tiêm phế cầu 10 hay 13? Có thể tiêm cả hai loại vắc xin không? Câu trả lời là có thể. Bạn cần lưu ý:

  • Với người đã tiêm đủ lịch vắc xin phế cầu 10 (Synflorix), thì có thể tiêm nhắc thêm 1 mũi duy nhất phế cầu 13 (Prevenar), với điều kiện cách mũi cuối của phế cầu 10 tối thiểu là 08 tuần.
  • Với người đã tiêm đủ lịch phế cầu 13 (Prevenar), không có chỉ định tiêm phế cầu 10 (Synflorix).
  • Nên hoàn thiện lịch tiêm đúng loại vắc xin ngừa bệnh do phế cầu nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Góc giải đáp: Nên tiêm phế cầu 10 hay 13 cho trẻ? Có thể tiêm cả hai loại vắc xin không? 4
Phụ huynh nên tiêm phế cầu 10 hay 13 cho trẻ?

Những câu hỏi thường gặp

Trẻ sơ sinh nên tiêm phế cầu 10 hay 13?

Các nghiên cứu và số liệu khoa học đã chứng minh rằng cả vắc xin phế cầu 10 (Synflorix) và phế cầu 13 (Prevenar 13) đều có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa nhiễm khuẩn phế cầu. Tuy nhiên, chúng có sự khác biệt về độ tuổi sử dụng như sau:

  • Vắc xin phế cầu 10 (Synflorix) được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên và trước khi trẻ đến sinh nhật 6 tuổi.
  • Vắc xin phế cầu 13 (Prevenar 13) có thể sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên và cả người lớn, đặc biệt là người cao tuổi.

Việc lựa chọn nên tiêm phế cầu 10 hay 13 cho trẻ phụ thuộc vào sự sẵn có của từng loại vắc xin, độ tuổi của trẻ, tình hình tài chính và nhu cầu cụ thể của gia đình. Chủ động tiêm vắc xin là một biện pháp hiệu quả và đặc hiệu giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn phế cầu, từ đó ngăn ngừa các bệnh và biến chứng nghiêm trọng liên quan.

Góc giải đáp: Nên tiêm phế cầu 10 hay 13 cho trẻ? Có thể tiêm cả hai loại vắc xin không? 5
Có thể tiêm cả hai loại vắc xin không?

Nên tiêm phế cầu của Bỉ hay Mỹ?

Nhờ vào những lợi ích vượt trội trong việc phòng ngừa bệnh tật, vắc xin phế cầu luôn được các bậc phụ huynh ưu tiên hàng đầu cho con em trong độ tuổi tiêm chủng. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn băn khoăn về việc lựa chọn vắc xin phế cầu nào, cụ thể là giữa hai loại từ Bỉ và Anh.

Các chuyên gia y tế cho biết cả hai loại vắc xin Synflorix và Prevenar 13 đều hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm do vi khuẩn phế cầu gây ra. Vắc xin Prevenar 13 có thể được sử dụng cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, cũng như cho người lớn, người cao tuổi và những người có bệnh nền mãn tính hoặc hệ miễn dịch yếu. Trong mỗi phác đồ tiêm chủng, nên duy trì việc sử dụng một loại vắc xin cụ thể. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, hai loại vắc xin này có thể được thay thế cho nhau. Do đó, các gia đình có thể lựa chọn loại vắc xin phù hợp tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu phòng bệnh của mình.

Hiện nay, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tự hào là đơn vị có các loại vắc xin thế hệ mới nhất được nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, cùng nhiều dịch vụ tiêm chủng linh hoạt theo yêu cầu với giá cả hợp lý, bình ổn: Tiêm lẻ, tiêm theo yêu cầu, mua đặt giữ vắc xin theo yêu cầu, đặt giữ vắc xin online,... Đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu được đào tạo chuyên nghiệp, có chứng chỉ an toàn tiêm chủng, đảm bảo việc tiêm chủng được thực hiện đúng quy trình và an toàn. Hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn và gia đình sự thuận tiện và an tâm khi tiêm chủng. 

Xem thêm:

Có cần thiết phải tiêm phế cầu cho trẻ không?

Trẻ sau tiêm vắc xin ngừa phế cầu có bị viêm phổi không?

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Bác sĩNguyễn Văn My

Đã kiểm duyệt nội dung

Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.

Xem thêm thông tin